ĐẠI THỪA ĐỐN PHÁP

Minh Pháp

1. TỰA

Ba tông của Đại thừa là: Thiền tông, Mật tông và Tịnh độ. Chỉ có một giáo lý Đại thừa chứ không thể có hai ba.

Điểm căn bản của giáo lý nhà Phật là thế gian không thiệt có mà cái có thiệt duy nhất là tánh hiểu biết của chúng sanh như quý vị đang biết mấy chữ này.

Câu thông thường trong các Kinh Phật là các pháp thế gian như huyễn, như ảo, như mộng, như trăng đáy nước, như hình ảnh trong gương.

Kinh Lăng Già Tâm Ấn. Phật dạy Năm Pháp đó là:

1.Danh    2.Tướng    3.Vọng tưởng    4.Chánh trí    5.Như như

Tất cả cái gì có danh (tên) có tướng đều là vọng tưởng; chánh trí là cái biết đúng đắn thì chỉ có như như tức là chân tâm, là tánh giác.

Phật nói thêm: tất cả tám thức, nhân vô ngã, pháp vô ngã đều vào trong Năm Pháp. Tất cả Phật pháp cũng đều vào trong Năm Pháp. Như vậy nghĩa là tất cả giáo lý nhà Phật chỉ gồm trong 8 chữ.

Kinh Niệm Phật Ba La Mật: phải tin rằng tất cả các pháp đều do Tâm thể của mình tạo ra. Từ ba đời mười phương chư Phật nhẫn đến tứ thánh lục phàm đều do cái Tâm thể lưu xuất và biến hiện.

Tất cả Kinh điển nhà Phật đều để làm sáng tỏ giáo lý đó, vì vậy chúng ta có câu:

Hết tâm tam giới là tâm niết bàn:

Bỏ hết ba cõi (tất cả danh tướng) thì chỉ còn chân tâm tức Niết ban.

Thế nào là ĐỐN và TIỆM?

Nói đến Đốn, chúng ta nghĩ ngay đến Lục Tổ, ai cũng gọi pháp môn của ngài là Đốn giáo. Sau Lục Tổ, có nhiều vị vào thẳng Phật địa. Người gần chúng ta nhất là Tổ Lai Quả, ngài mất năm 1953. Ngài nói thẳng là ngài vào Phật địa: chỗ đó giống như ra ngoài hư không. Tất cả chúng sanh, Phật, Bồ đề, Niết bàn là ở trong hư không; Phật địa như ra ngoài hư không. Phật, Bồ đề, Niết bàn đây là theo sự hiểu biết, tưởng tượng của thế gian, Phật địa siêu việt mọi hiểu biết và tưởng tượng đó nên nói như ra ngoai hư không. Ngài nói thêm: chỉ ai tới đó thì biết chứ không thể nói năng gì được.

Về Mật tông; Kinh Đại Nhật và Kinh Tâm Địa Quán, phẩm thành Phật chỉ cách tu hành thành Phật ngay đời này.

Kinh Niệm Phật Ba La Mật: niệm Phật là môn tu thích đáng hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết bàn tại thế, thành Phật trong một đời.

Vậy Đại thừa là Đốn pháp, Đốn pháp là Đại thừa, ghép lại với nhau, chữ này làm sáng tỏ ý nghĩa chữ kia.

Nói đến Tiệm chúng ta nghĩ tới ngài Thần Tú, ngài có giới hạnh hoàn hảo, ngồi thiền rất nhiều. Ngài tu pháp môn Giới Định Huệ: Giới sanh Định, Định phát Huệ. Nhưng ngài không hiểu chữ Định của nhà Phật: Định là giữ Tâm mình không rung động, thay đổi theo ngoại cảnh chứ không phải chỉ ngồi yên mà xong.

Kinh Viên Giác. Phật dạy Bồ tất Biện Âm cách ngồi thiền thành Phật: phải ngồi trên tòa Không, tòa Không cũng được gọi là tòa Như Lai là Nhất Thiết Pháp Không (Kinh Pháp Hoa) nghĩa là tu sao cho tất cả các pháp thế gian kể cả thân tâm là Không. Khi đó chỉ còn các phiền não cực vi tế, ngồi thiền đến chỗ cực tĩnh phá các phiền não này, rốt ráo thành tựu, từ tòa Không đứng dạy thành Phật.

Vậy thông hiểu giáo lý, hướng thẳng về cửa giải thoát thì tu tông nào cũng là Đốn dù đi nhanh hay chậm, mới đi hay đã đi lâu rồi.

Tiệm có nghĩa là thứ lớp, nghiã là mình đến một chỗ, gọi là phương tiện, rồi từ chỗ đó đi tiếp. Nếu biết rằng đó là phương tiện trên con đường giải thoát thì rất tốt. Nếu lại tưởng rằng chỗ đến đó là cứu cánh thì sẽ ở luôn đó gọi là lọt vào hang ổ.

Ba bài sau đây, chúng ta tìm hiểu giáo lý Đại thừa rồi nghiên cứu ba tông. Kinh A Di Đà và Kinh Địa Tạng là Kinh thông dụng, sau cùng chúng ta cố gắng tìm cái nhân duyên giải thoát.

 

2. ĐẠI CƯƠNG

Giáo lý nhà Phật có thể được tóm tắt trong ba câu:

1-Cái tánh hiểu biết của chúng sanh, như mình đang thấy biết tờ giấy này, mang rất nhiều tên: chân tâm, Phật tánh, tánh giác, thể chân như, bồ đề, niết bàn v.v…

2-Vì chân tâm không tự giác, không tự biết mình, gọi là vô minh nên vọng tưởng ra thế giới, chúng sanh, y như trong giấc mơ.

3-Nếu bỏ được hết các vọng tưởng thì tự giác gọi là ngộ nhập được chân tâm, là thành Phật, là hết vô minh, là được giải thoát, v.v…y như thức giấc thấy thực ra là mình đang nằm trên giường.

✶✶✶

Do tánh cách đại tự tại, chân tâm đó vừa là tâm chung của tất  cả chư Phật, của tất cả chúng sanh vừa có thể làm cho mỗi chúng sanh như có một cái tâm hoàn toàn riêng biệt.  Bất cứ cái gì mình có thể tưởng tượng được, chân tâm đều có thể tưởng tượng xa hơn, nhiều hơn, tùy ý muốn đó là đại tự tại.

ĐẠI TỰ TẠI

Chân tâm có tánh cách Đại Tự Tại.

Ý nghĩa của chữ này vô lượng vô biên, không thể nói hết được.

Đại tự tại là tự làm chủ mình một cách hoàn toàn, 100%, không bị bất cứ một ràng buộc, hạn chế nào: muốn ‟ làm ” gì cũng được hết.

Để được như vậy, chân tâm không mang một ý nghĩa nào cả, hễ có ý nghĩa nào thì bị hạn chế trong ý nghĩa đó:

là một thì không thể là nhiều.

là lớn thì không thể là nhỏ.

là tốt thì không thể là xấu.

là minh thì không thể là vô minh.

Vậy đại tự tại thì vừa là một, vừa là nhiều, cho đến vừa là minh vừa là vô minh.

Tánh cách đại tự tại này đưa đến những sự kiện rất kỳ đặc :

1- Không thể suy nghĩ và diễn tả chân tâm được vì bất cứ ý nghĩ hay lời nói nào cũng mang một ý nghĩa, tức là bị hạn chế trong ý nghĩa đó.

2- Chân tâm mang đủ ý nghĩa nên có rất nhiều cái tên, mỗi cái tên phát sanh từ 1 ý nghĩa như chân tâm, Phật tánh, tánh giác, tánh minh, thể chân như, bồ đề, niết bàn, tịch diệt, chân không, chân hữu v.v…

Cần nhất là khi dùng các tên đó để gọi chân tâm thì đừng khoác cho chân tâm cái ý nghĩa đó, nó làm hạn chế chân tâm do đó mình hiểu sai đi.

3- Vừa là thể (substance) vừa là dụng (fonctionnement, utilité) gọi là thể dụng không rời nhau cho nên khi nghĩ cái gì, tưởng tượng cái gì (dụng) thì có ngay hình ảnh, ý nghĩa cái đó (thể) cho nên tất cả các pháp đều chẳng phải có, chẳng phải không.  Chẳng phải có vì nó chỉ do chân tâm suy nghĩ tưởng tượng ra chứ chẳng có thực ở đâu cả.  Chẳng phải không vì ngay đó có cái thể của chân tâm nghĩa là có chân tâm ngay ở đấy.  Như vậy cùng một lúc phải nói chân tâm VỌNG TƯỢNG và BIẾN HÓA ra các pháp.

4- Các pháp có nghĩa là cả thế gian, cao nhất là cõi trời phi tưởng phi phi tưởng, thấp nhất là địa ngục a tỳ mười phương.  Tất cả đều vô lượng vô biên không thể diễn tả được nên đều gọi là bất khả tư nghị (không thể suy nghĩ được).

Nếu nghiền hết vũ trụ ra thành hạt bụi thì mỗi hạt bụi cũng đều do chân tâm vọng tưởng biến hóa ra.  Chẳng nói số hạt bụi mà nói số cõi nước cũng đã không thể tính đếm được rồi; cõi nước = cõi Phật = galaxie như Ta bà là cõi của chúng ta.

Khi minh mà mình quen gọi là chư Phật cái tốt đẹp là không thể nói hết.

Khi vô minh, địa ngục a tỳ mười phương, cái khổ sở cũng không thể nói hết.  Gọi là địa ngục a tỳ mười phương là vì chúng sanh xuống đỉa ngục đó khi cõi đó tan thì địa ngục đó tan, chúng sanh đó phải sang địa ngục a tỳ cõi khác, cứ như vậy cho đến khi hết nghiệp địa ngục.  Khác với địa ngục a tỳ 10 phương là địa ngục a tỳ của cõi đó :  khi cõi này tan thì chúng sanh trong địa ngục này sanh lên trời tứ thiền như tất cả các chúng sanh khác.

Như vậy nghiệp địa ngục a tỳ của các người này là cả 100 tỷ năm còn những người trên kia nghiệp địa ngục của họ là hàng 1000 tỷ năm.  Thật là bất khả tư nghị.

5- Vì tất cả thế gian chỉ là vọng tưởng biến hóa ra mà vọng tưởng thì không có hạn lượng nên Kinh Hoa Nghiêm dạy :

Bồ tát quán thế gian

Do nghiệp vọng tưởng sanh

Vì vọng tưởng vô biên

Thế gian cũng vô lượng.

Tuy vọng tưởng vô lượng vô biên như vậy nhưng không phải bạ đâu vọng tưởng đó mà vọng tưởng tùy theo nghiệp đã tạo.  Nghiệp này cũng chỉ là vọng tưởng nên trên thực tế cứ vọng tưởng này đưa tới vọng tưởng kia đó là nhân quả.

Có 3 thứ nghiệp:

Ý nhiệp là nghiệp chính

Khẩu nghiệp và thân nghiệp là nghiệp phụ vì chỉ đi theo ý nghiệp

Khi có ý nào dù là tốt, xấu hay không tốt không xấu, ý đó thành nhân (hay nhân duyên tức là nghiệp) làm thay đổi tâm ta.  Khi đày đủ nhân duyên tâm vọng tưởng ra quả báo.  Quả báo này lại là 1 cái nhân mới đưa vào tâm, cứ như vậy liên mien nhân quả không bao giờ hết.

6- Tu hành của đạo Phật là để ra khỏi hẳn thế gian gọi là được giải thoát, gọi là thành Phật, gọi là hết vô minh v.v…

Phải chấm dứt nghiệp thế gian bằng 2 giai đoạn.

A- Bỏ hết các điều xấu, ác gọi là giữ giới, làm ác cũng như vay nợ, bắt buộc phải trả nghĩa là không tránh được quả báo.  Làm tất cả các điều lành.

B- Làm lành cũng như là có tiền trong túi:  mình có thể xài nó, đổi thành quả báo tốt, mình có thể cho đi hay liệng đi.

Thường thường thì cho đi nhưng muốn cho đi mà không tạo nghiệp mới thì phải biết cách cho, đó là bố thí ba la mật:  cho mà không thấy có người cho, vật bị cho và người nhận.

Tất cả chỉ là vọng tưởng không làm gì có thiệt thì ai cho? Cho cái gì? Cho ai?

Sanh tử là biển khổ không diễn tả nổi.

Tu hành thì phải nhiều hy sinh nhưng những hy sinh này quá nhỏ so với cái quả báo tốt đẹp không có lời nói nào diễn tả nổi.

Kinh Phật lấy thí dụ sau đây để nói một khi xuống 3 cõi xấu thì bao lâu mới trở lại làm người.

Có 1 cái bọng cây (cây có 1 lỗ hổng) nổi trên mặt biển, 1 con rùa mù cứ 100 năm mới thò đầu lên mặt biển một lần, khi nào con rùa đó thò đầu qua cái bọng cây nổi thì chúng sanh đó trở lại làm người.

Muốn đổi nghiệp cũ thì phải tạo nghiệp mới, muốn tạo nghiệp thì phải có ý (ý nghiệp) rồi cái ý đó phải đủ mạnh để thành khẩu nghiệp và thân nghiệp.

Súc vật thì không có ý.

Địa ngục, ngã quỷ dù có biết hơn súc vật nhưng chúng sanh ở đó không nói gì, không làm gì được.  Họ chỉ ở đó để chịu cái khổ do nghiệp xấu đã làm ra ở cõi người.

Phải chờ cho sự gia hộ của chư Phật, cũng gọi là sự huân tập của chân tâm, dần dần làm sạch tâm họ.  Khi tâm họ đủ sạch họ mới thoát khỏi chỗ đó.

Kiếp người so với thời gian ở ba cõi xấu hay ở cõi tứ thiền khi không có cõi đại thiên rất ngắn, Kinh nói: cái thời gian vô cùng ngắn ngủi này lại vô cùng quan trọng vì tội hay phước cũng do loài người làm ra.

 

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

Phẩm Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ Tát Đại tự tại

Nầy thiện-nam-tử! Chữ đại là nói chẳng thể nghĩ bàn, nếu chẳng thể nghĩ bàn mà chúng-sanh chẳng thể tin được, thời gọi là đại Niết-Bàn, chỉ có Phật và Bồ-Tát thấy được. Lại do vô-lượng nhơn-duyên rồi sau mới có thể được nên gọi là đại. Vì Niết-Bàn không có đại-ngã là tự-tại nên gọi là đại-ngã. ĐẠI TỰ-TẠI là vì có tám điều tự-tại: Một là có thể thị-hiện một thân làm nhiều thân, số thân lớn nhỏ nhiều như vi-trần đầy khắp mười phương vô-lượng thế-giới. Thân Như-Lai thiệt chẳng phải vi-trần vì sức đại-tự-tại mà thị-hiện vi-trần thân. Tự-tại như vậy thời gọi là đại-ngã.

Hai là thị-hiện một thân vi-trần đầy khắp cõi đại-thiên, thiệt ra thân Như-Lai chẳng đầy nơi cõi đại-thiên, vì là vô-biên, do sức tự-tại nên thị-hiện đầy khắp cõi đại-thiên. Tự-tại như vậy gọi là đại-ngã.

Ba là có thể đem thân khắp cõi đại-thiên nầy bay trên hư-không nhẹ-nhàng đến nơi hai mươi hằng-hà-sa thế-giới mà không chướng-ngại. Thiệt ra thân Như-Lai không có nặng nhẹ, do sức tự-tại nên làm có nhẹ có nặng, đây gọi là đại-ngã.

Bốn là Như-Lai chỉ có nhứt-tâm an-trụ chẳng động, do sức tự-tại, vô-lượng thân hình hóa-hiện ra đều làm cho có tâm (do đó mỗi chúng sanh như có một cái tâm hoàn toàn riêng biệt). Cũng do sức tự-tại, có lúc Như-Lai làm một việc mà khiến cho tất-cả tất cả chúng-sanh đều được thành-tựu. Do sức tự-tại thân Như-Lai thường ở một cõi mà làm cho tất-cả chúng-sanh ở cõi khác đều thấy. Tự-Tại như vậy gọi là đại-ngã.

Năm là căn tự-tại, với một căn Như-Lai có thể thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, cảm xúc, hay biết. Sáu căn của Như-Lai thật ra chẳng thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm, biết, do sức tự-tại nên làm cho sáu căn đều tự-tại, do đây, gọi là đại-ngã.

Sáu là vì tự-tại nên chứng đặng tất-cả pháp, thật ra tâm Như-Lai không có quan-niệm chứng đặng, vì là vô-sở-đắc. Nếu pháp là có thời có thể gọi là chứng-đắc, pháp vẫn không thật có, đâu được gọi là chứng-đắc. Giả-sử Như-Lai có quan-niệm chứng-đắc thời chư Phật chẳng được Niết-Bàn. Do vì không chứng-đắc nên gọi là được Niết-Bàn. Do tự-tại mà chứng được tất-cả pháp nên gọi là đại-ngã.

Bảy là diễn-thuyết tự-tại. Như-Lai diễn-thuyết nghĩa một bài kệ trải qua vô-lượng kiếp cũng chẳng hết như nói về giới, định, thí, huệ v.v… Đức Như-Lai chẳng có quan-niệm rằng ta nói người nghe, cũng chẳng nghĩ là một bài kệ. Người đời dùng bốn câu làm một bài kệ, Như-Lai thuận theo thế-tục nên cũng nói là bài kệ. Tất-cả pháp-tánh cũng không có ngôn-thuyết, do sức tự-tại nên Như-Lai diễn-thuyết, vì diễn-thuyết nên gọi là đại-ngã.

Tám là Như-Lai khắp đầy tất-cả chỗ như hư-không. Tánh hư-không chẳng thấy được, Như-Lai thiệt cũng chẳng thể thấy được, vì tự-tại nên làm cho chúng-sanh được thấy. Tự-tại như vậy gọi là đại-ngã.

Do nghĩa tự-tại nầy nên gọi là đại Niết-Bàn.

 

3. THỨC VÀ TRÍ

Thức là cái biết sai lầm của chúng sanh, có tám thức.

Trí là cái biết đúng đắn của Bồ tát và Phật, có 4 trí.

Cái biết sâu kín nhất là thức thứ 8, thức này mang 3 cái tên: A lại da thức, Như lai tạng thức, Hàm tàng thức.  Tàng hay tạng là cái kho, thức thứ 8 là cái kho chứa tất cả các pháp thế gian, 3 cõi 3 đời, 3 cõi là dục giới, sắc giới và vô sắc giới, 3 đời là quá khư hiện tại và vị lai.

Gọi là chứa tất cả thế gian thực ra là vọng tưởng ra tất cả thế gian.

Thức thư 8 vọng tưởng ra thế gian, nhưng nó chỉ vọng tưởng như vậy, vọng tưởng là một động từ (verb), như vậy là một trạng từ (adverb) chỉ cách thức nó vọng tưởng, tuyệt đối không có 1 thứ gì, 1 cái gì cả nghĩa là không tướng không danh, nó chỉ vọng tưởng như vậy mà thôi.

Nhưng cái cách vọng tưởng như vậy này cho cái cảm tưởng là có cái ấy, y như khi ta mơ mộng cái gì thì lờ mờ có cái ấy trong đầu.

Ngay cả khi ta thấy màu xanh đỏ hay ngửi mùi thơm hôi.  Không làm gì có màu xanh đỏ hay mùi thơm hôi ở trong óc ta mà chỉ là cái óc ta có cảm giác như vậy, có cái cảm tưởng như vậy.  Phật giáo đi thêm 1 bước: cái cảm giác đó không phải ở trong óc ta đâu, nó ở trong tâm ta cưa.

Nếu bây giờ, với 1 dòng điện, ta gây trong óc cái cảm giác như vậy thì ta sẽ thấy như có các thứ đó ở ngoài.

Người ngủ mơ hay người bị bệnh ảo tưởng (hallucination) vì họ không biết có họ, những cảm giác do họ vọng tưởng ra là duy nhất nên nó như có thiệt ở ngoài, người bị ảo tưởng không thể biết là nó giả dối.

Tâm mình lầm nhận rằng có cái ấy ở ngoài, chấp rằng có cái ấy, đó là bắt đầu thức thứ 6.  Thức này tiếp tục nhận lầm.

1- Cái ấy hình chữ nhật (rectangular)

2- Cái ấy mỏng, nhẹ

3- Có hình màu nâu

4- Đó la tờ 100 dollar

5- Tôi thích dollar lắm

6- Tôi sẽ làm đủ cách để có thật nhiều dollar

7- X cho tôi dollar, hắn tốt lắm

8- Y định lấy dollar của tôi, tôi ghét nó lắm

9-v.v…

Cả 9 cái trên đều do thức thứ 8 vọng tưởng ra nhưng thức này chỉ vọng tưởng như vậy mà thôi.

Khoác cho nó hình tướng, màu sắc, tên tuổi, ý nghĩa là thức thứ 6.

5 thức thân (5 giác quan):  mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể hòa hợp với thức thứ sáu.

Thức thứ 7 gọi là thức chấp ngã, ngã cũng do thức thứ 8 vọng ra, nhưng chấp có ta đây là thức thứ 7, sự chấp này còn vi tế nên ta không nhận ra; chấp nặng nề hơn là thức thứ 6.  Mọi việc của thức thứ 6 là để phục vụ cái ta nên tổ Hư Vân bảo là thức thứ 7 thống lãnh thức thứ 6, thức thứ 7 mang tên là nhiễm ô thức, đó là khởi đầu của nhiễm ô, tên Sanskrit là thức mạt na.

Tu hành là để phá thức thứ 6 cũng gọi là tương tục thức: nó nhảy từ cái này sang cái kia không bao giờ gián đoạn.

Khi phá được thức tương tực thì được vô phân biệt tâm, không còn phân biệt cái này cái kia, vào sơ địa bồ tát.

Thức thứ 6 khi đó trở thành Diệu quan sát trí: thấy biết 1 cách vi diệu, đúng đắn; không giả dối phân biệt nữa.

Thức thư 7 không còn phân biệt ta và người nữa, mang tên Bình Đẳng Tánh Trí.

Thức thứ 8, trở thành Đại viên Kính trí: cái trí hiểu biết như cái gương lớn tròn trong đó có đủ cả hình ảnh 3 cõi 3 đời.  

Chuyển 5 thức thân ra Thành Sở Tác Trí, tất cả đều là sở tác vì đều tùy thuộc Diệu quan sát trí, chẳng khác biệt gì nhau.

Như vậy chuyển 8 thức thành Tứ trí (4 trí).

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

Chi I. Tán-thán tính-giác vốn diệu và chỉ rõ mê-vọng vốn không.

Ngài Văn-thù-sư-lỵ Pháp-vương-tử, vâng từ-chỉ của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đỉnh-lễ nơi chân Phật, dựa vào uy-thần của Phật, nói bài kệ đáp lại:

Bản-tính biển Giác khắp đứng-lặng,

Tính khắp đứng-lặng vốn nhiệm-mầu,

Bản-minh chiếu ra hình-như sở,

Lập tướng sở, bỏ mất bản-minh.

Do mê-vọng, mà có hư-không,

Nương hư-không, lập-thành thế-giới;

Tư-tưởng chăm-chú thành cõi-nước,

Hay-biết mọi việc, là chúng-sinh.

Hư-không sinh ra trong đại-giác,

Như một bọt-nước sinh trong bể;

Các nước hữu-lậu, như vi-trần

Đều nương hư-không, mà phát-sinh;

Bọt-nước diệt, vốn không hư-không,

Huống nữa là, hình-tướng ba cõi.

Bài kệ này tóm tắt mê và ngộ.

Bản tính biển giác = bản minh = tánh giác = chân tâm

Khi ngộ thì chân tâm không động (khắp đứng lặng).

Khi mê thì tâm động thành thức thứ 8.

Bản minh chiếu ra hình như sở (sở = sở kiến, cái bị thấy).

Thức thứ 8 vọng tưởng ra hình như là có cảnh ở ngoài, mình có cảm tưởng là có mà thực ra không có.

Lập tướng sở, bỏ mất bản minh: thức thứ 6 chấp cái đó là có thật (lập tướng sở) và mình không còn thấy chân tâm, thức thứ 8 đâu nữa.

Bọt nước diệt, vốn không hư-không: khi phá được thức ấm thì 6 cái không (hư không, tĩnh, không mùi, không vị, không cảm xúc, không ý) tan biến.

 

4. BỒ TÁT ĐẠO

Có 2 con đường, 2 lối sống: Thế gian và xuất thế gian, tức đi ra ngoài thế gian.

Ra khỏi thế gian gọi là được giải thoát, đó là bồ tát đạo.

Cái ngã của chúng ta là cái ngã thế gian.  Cái ngã xuất thế gian là chân tâm, cũng gọi là chân ngã, đại ngã.

Vậy làm bất cứ cái gì, tu hành bất cứ cách nào, hễ còn cái ta, còn cái ngã thì chỉ đi trong thế gian, trong sanh tử.  Cái động cơ đưa chúng ta đi trong sanh tử là tham dục.

Dục là ham muốn, thích.

Tham là muốn cho được nhiều.

Vậy phải có dục trước rồi mới tham được.

Dục có 2 thứ :

1- Ác dục : Làm những điều xấu ác, thiệt hại cho người khác.  Thập ác đưa ta xuống các cõi xấu.

2- Thiện dục : Làm lành có ích lợi cho người. Thập thiện đưa ta trở lại làm người hay sanh lên cõi thần thánh, trời.

Cả 2 thứ dục đều đưa người ta đi trong sanh tử luân hồi.

Vào bồ tát đạo là bỏ cả hai thứ dục, dẹp được cái động cơ sanh tử, ra ngoài thế gian gọi là được giải thoát.

Lẽ dĩ nhiên chúng ta phải bỏ ác dục trước, gọi là giữ giới, làm ác thì ác nghiệp lôi đi thọ quả báo xấu, không có quyền lựa chọn.

Sau đó chúng ta làm 10 điều lành, có quả báo tốt thì ta có quyền lựa chọn : thọ hưởng quả báo tốt là tiếp tục sanh tử.  Không thọ hưởng các quả báo đó thì có đường thoát ly sanh tử, đó là sáu pháp ba la mật, 6 pháp này mang tên lục độ vì là 6 pháp để độ các bồ tát đó là bồ tát đạo.

Ba la mật là sang bờ bên kia, bờ giải thoát không có thế giới chúng sanh, chỉ có chân tâm thôi.  Bờ bên này là sanh tử là thế gian.

Bố thí ba la mật là bố thí mà không thấy có người cho, vật bị cho và người nhận vì tất cả chỉ là chân tâm vọng tưởng ra như vậy, không có gì cả ở bất cứ đâu.  Làm việc mà không thấy có gì cả thì không thể có ý gì nghĩa là không tạo nghiệp thế gian nữa.

Vậy các pháp ba la mật giúp chúng ta bỏ cái ngã thế gian bỏ cả thân tâm để trở về chân ngã tức chân tâm.

Bỏ thân tâm thì cái thấy biết của các căn cũng mất luôn, đó là cảnh giới vô tướng, không còn hình tướng của thế giới chúng sanh.

Khi đạt được một phần cảnh giới vô tướng thì bắt đầu nhận ra được chân tâm, gọi là ngộ chân lý, là đốn ngộ là kiến tánh.

Khi đó biết rằng tất cả thế giới chúng sanh chỉ do cái tâm ta vọng tưởng ra y như trong giấc mơ, không làm gì có thiệt ở ngoài.

Cái ngã, cái ta được biểu thị ra bằng ƯA và GHÉT.  Cái gì hợp với ta, ta ưa, ta thích; nghịch với ta ta ghét, đó chính là dục.

Vậy ưa ghét là hầu hết cuộc đời, cái không ưa không ghét thì có cũng như không, không đáng kể.

Bỏ ưa ghét chính là bỏ thế gian là bồ tát đạo.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật bảo ngài A Nan ‟ ông nhớ hết diệu lý của chư Phật không bằng 1 ngày tu hạnh vô lậu, lìa bỏ sự ưa ghét của thế gian ”.  Vô lậu là xuất thế gian.

Cái ăn là cái căn bản nhất của con người, hằng ngày ta ít nghĩ tới, vì nó quá thông thường nhưng nếu ta muốn bỏ những cái ta thích ăn,  ta sẽ thấy nó như thế nào.

Trong bồ tát đạo: ăn uống cho khỏi đói khát, không phải để thưởng thức mùi vị.

Ngày xưa nghèo khó hơn thì như Tổ Bá Trượng nói :  áo vá che thân, cơm hẩm qua ngày, khát thì bụm nước mà uống.

Vậy vào bồ tát đạo là ta đụng ngay cái ta ưa thích nhất :  không được ăn mặn.

5. THIỀN TÔNG

Tổ Bồ Đề Đạt Ma:

Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ chân tâm

Kiến tánh, thành Phật.

Không thể suy nghĩ, tưởng tượng gì về chân tâm, huống chi là nói ra nên không thể lập văn tự được, chỉ truyền ngoài giáo điều (giáo điều chính là văn tự, là lời nói) bằng cách chỉ thẳng tâm chúng sanh cho họ nhận ra tánh mình, thành Phật.

Thực ra đây là ý của Phật:  Tại Hội Linh Sơn, đức Thế Tôn giơ ra một bông sen.  Cả thảy đều lặng thinh, duy có Ca Diếp Tôn Giả lộ vẻ tươi cười chúm chím. Đức Thế Tôn nói: “Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn diệu tâm, thật tướng mà không tướng.  Ấy là pháp môn vi diệu, KHÔNG CÓ LẬP VĂN TỰ VÀ TRUYỀN Ở NGOÀI CÁC GIÁO LÝ.  Nay ta truyền cho Đại Ca Diếp’’.

Đức Phật trực chỉ chân tâm bằng một bông sen, Ngài Ca Diếp nhận được, thành vị tổ đầu tiên của Phật giáo.

Tất cả Phật, Tổ và chúng sanh đều cùng cái tâm đó, lúc nào cũng như như, không sanh diệt, không qua lại, ở hiền thánh không thêm, ở phàm phu không bớt, suy nghĩ không tới, diễn tả không được, thì hiển nhiên không thể truyền được bằng các phương pháp thế tục.

Chúng ta lúc nào cũng sống hoàn toàn trong vọng tưởng, càng nỗ lực tinh tấn bao nhiêu càng say sưa trong vọng tưởng của mình, nhưng đó là một số vọng tưởng hạn chế trong việc tu hành chứ không phải đủ thứ như ngoài đời.

Tinh tấn ngày đêm hàng chục năm, có khi đã nhiều kiếp rồi, tâm người học trò đã bớt dính mắc vào thế gian.

Gặp những người này, tổ dùng 1 phương tiện như đánh, hét, nói 1 câu bâng quơ, một cử chỉ vô nghĩa để chặt ngang học trò làm cho họ bị ngạc nhiên, dòng ý thức bị cắt đứt nhân đó họ bỏ được trần tướng và ngộ nhập chân tâm.

Trần tướng tiêu, giác tính viên tịnh

Thật thanh tịnh, trí quang sáng suốt.

Thể tịch chiếu, trùm khắp hư không

Trở lại coi những việc thấy nghe

Thực như giấc chiêm bao, chẳng khác.

Câu nói hay cử chỉ có ý nghĩa tức là liên quan đến một cái gì đó sẽ chỉ làm cho người học trò chạy theo suy nghĩ về cái đó, tiếp tục nghiệp thức mênh mang (ý thức, thức thứ 6), không bỏ rời được trần cảnh.

Ngộ nhập chân tâm thì như tỉnh giấc mộng, tất cả những cái nhìn thấy, nghe được chỉ còn như chiêm bao.

Vậy nói ra, viết ra thì chẳng phải Thiền.

Tổ Đức Sơn: Tông ta không nghĩa cú.

Không một pháp cho người.

Biết học trò bị kẹt, các ngài dùng phương tiện giúp họ tự phá cái kẹt đó, tự nhận ra chân tâm, chứ chẳng có gì cho họ, chẳng có gì để họ hiểu thêm, biết thêm nên gọi là trực chỉ nhân tâm.  Cái chỉ thẳng này khác với chỉ thẳng của thế gian, chỉ thẳng của thế gian là nói thẳng về vấn đề đó, ở đây lời nói lại không tới mà chỉ đưa ra một mớ tri giải suông dẫn dắt người ta đi trong sanh tử.

Thiền tông có 3 pháp tu chính:

1-Tu chỉ:  Đình chỉ các vọng niệm, người ta quen gọi là ngồi thiền.

2-Tu quán:  Quán các pháp như huyễn hóa không có thật.  Đạt được cảnh giới này thì gọi là được như huyễn tam muội, chứng nhập chân tâm.  Thấy được các pháp hoàn toàn không có (chỉ do chân tâm biến hóa như vậy) thì có thể được vô sanh pháp nhẫn (các pháp thực sự không sanh ra nghĩa là không có thiệt ở ngoài) và lên đến bồ tát địa thứ 8.

3-Tu thiền:  Chữ thiền đây có nghĩa là định:  tâm như gỗ đá, không thay đổi theo ngoại cảnh, đó là VÔ TÂM mà Thiền Sư Đại Giác đã giảng rất kỹ trong bài Luận Tọa Thiền.  Như Lai là tâm như như, không biến đổi.  Đây là pháp môn cao siêu nhất vì ngay đó giữ cho tâm như tâm Phật và nhất là tự nhiên nhất vì:

-không làm cái gì

-không theo một cái gì

-không một nổ lực hay gò bó nào

-tu ở khắp nơi, mọi thời giờ.

Tâm không theo cảnh thì một lúc nào đó, tâm cảnh không phối hợp được với nhau nữa, tâm (6 căn) không nhận ra cảnh (6 trần), cảnh biến mất, lúc đó mới biết cảnh chưa bao giờ sanh ra, nên gọi là VÔ SANH và hành giả chứng nhập CHÂN TÂM.

Từ trước tới nay mình cứ tưởng là có thế gian mà thực ra không bao giờ có thế gian ở bất cứ đâu,  những cái mắt thấy tai nghe chỉ còn như trong giấc chiêm bao.  Do đó VÔ SANH là một tên của CHÂN TÂM, với nghĩa là không sanh diệt.  Tu hành của Phật giáo là thực hành VÔ TÂM để được VÔ SANH tức là chứng nhập CHÂN TÂM.

Tu được pháp môn này thì không sợ lạc đường, hay gặp các ma cảnh vì lúc nào cũng tự nhiên dễ dàng thoải mái.  Nhưng vì chúng ta bị mọi thứ ràng buộc nên không hy vọng gì làm được.

Tuy nhiên tất cả các phái Thiền đều mang màu sắc của pháp môn này vì muốn ngộ đạo thì phải phá trần tướng do đó việc làm đầu tiên là không chạy theo trần cảnh.  Các Thiền sư dùng nhiều phương tiện giúp học trò thực hiện điều đó.  Thường thường hành giả cũng tu cả chỉ nữa:  vọng tưởng gọi là pháp trần là một trong 6 trần.

Hai pháp môn đầu vì phải nỗ lực nhiều, phải gò bó cái tâm nên có nguy hiểm:  lạc đường hay lạc vào ma cảnh.

Lý do: Vì tâm bị gò bó, đè nén cảnh lạ có thể hiện ra, nhất là khi tâm mình có ý mong muốn điều chi.

Điều quan trọng nhất trong thiền tông là không mong cầu cái gì, không mến thích cái gì.  Mong cầu ưa ghét chính là các vọng tưởng nặng nề từ tham và si mà ra.  Hành giả phải nhận định rõ ràng rằng tâm mình và tâm chư Phật không phải là hai nhưng vô minh làm cho tâm mình động, vọng tưởng ra thế giới chúng sanh.  Tu hành hết vọng tưởng thì chỉ còn cái tâm thanh tịnh cùng với chư Phật.  Không có cái gì mới lạ từ đâu đến để cho mình mong cầu.

Lạc đường là khi những cảnh đẹp, thanh tịnh hiện ra, mình tưởng là đạt được cái cao siêu hay ngộ đạo, nắm giữ cảnh đó không tiến lên nữa.  Nhà Thiền có câu:  “Hễ có sở kiến bèn thành hang ổ’’.  Thấy một cái gì, có một ý kiến nào, mến thích nó, nắm giữ nó là nó ở luôn với mình thành cái hang ổ của mình.

Lạc vào ma cảnh là mình nhập vào một cảnh nào đó rồi không ra được nữa, từ đó trở đi lúc nào cũng như vừa ở trong cảnh đó vừa ở ngoài, giống như bị ma làm (Ngũ ấm ma, Kinh Thủ Lăng Nghiêm).

Điều quan trọng nhất trong toàn bộ giáo lý là chúng ta phải diệt trừ tham sân si trước sau đó tùy theo căn cơ chúng ta thực hành một trong các pháp của các tông để loại trừ các vọng tưởng nhỏ, phá cái màn vô minh, chứng nhập chân tâm.

Dưới hình thức hỏi đáp, Tổ Đại Giác dạy chúng ta hầu hết những cái cần phải biết về Thiền.

Bản Việt dịch rõ ràng của Tỳ Kheo Thích Nhật Quang.  

Tôi xin mạn phép chú giải (chữ nghiêng) một số đoạn khó khăn.

 

LUẬN TỌA THIỀN
Thiền sư Đại Giác

Thích Nhật Quang Việt Dịch

Xét thấy, Tọa Thiền là pháp môn đại giải thoát. Các pháp từ đó mà lưu xuất, muôn hạnh từ đó mà thông đạt, thần thông, trí huệ, phước đức, đều từ trong cửa này mà khởi lên, cho đến con đường tánh mạng của trời, người cũng đều từ cửa ngõ này mà mở ra.

Chư Phật đã từ cửa ngõ này mà ra vào. Người thực hành hạnh Bồ-tát chính phải vào cửa này, hàng Nhị thừa thì còn ở giữa đường, bọn ngoại đạo tuy có đi mà chẳng vào được con đường chính. Phàm các tông Hiển, Mật chẳng thực hành pháp môn này, thì chẳng còn con đường nào khác để thành Phật.

Tọa Thiền như vậy chẳng phải chỉ là môn đại giải thoát mà còn là tất cả mọi thứ… cho đến tánh mạng của trời, người cũng từ đó mà ra. Tổ Đại Giác sẽ lần lượt giải thích tại sao tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian đều từ đó mà ra.

———-

  1. HỎI: Nói rằng Tọa Thiền là cội nguồn của các pháp, ý chỉ đó thế nào?

ĐÁP: Thiền là Phật trong tâm, Luật là Phật tướng ngoài, Kinh Giáo là lời Phật nói ra, niệm Phật tức là niệm danh hiệu Phật, tất cả đều từ trong Phật tâm lưu xuất, thế nên nói cội nguồn là vậy.

Định Huệ :  Chữ Huệ là trí tuệ vẫn được dùng để chỉ tánh giác rồi, nay Tổ dùng chữ Thiền tức Định để gọi tánh giác.

Phật trong tâm = Phật tâm = Phật tánh = Giác tánh = chân tâm là Trí Tuệ (Huệ)(Phật = Giác) nên là cội nguồn của tất cả các pháp.

Tại sao Tổ gọi Thiền là Phật tánh?

Chữ dhyana người Tàu đọc là cheng, sang VN thành Thiền, người Nhật đọc là Zen.

Chữ dhyana dịch nghĩa là Định.  Định của nhà Phật là không chạy theo cảnh ở ngoài, Tổ giảng chữ này (có nghĩa là vô tâm) ở trang sau.

Chân tâm có 2 đặc tính Định và Huệ (Trí tuệ).  Định Huệ không rời nhau.  Định thì có Trí Huệ, ngược lại nếu có Trí tuệ thì tự Định.

Trong phẩm Định Huệ, Lục Tổ dạy :  Các ngươi chớ lầm rằng Định Huệ có khác.  Định Huệ vốn nhất thể, chẳng phải là hai.  Định là thể của Huệ, Huệ là dụng của Định, ngay trong lúc Huệ có Định, ngay trong lúc Định có Huệ.

Vì vậy Tổ dùng chữ Thiền hay Định để gọi Phật tánh.

  1. HỎI: Pháp Thiền vô tướng, vô niệm, linh đức chẳng lộ bày, kiến tánh cũng chẳng có chứng cứ, do đâu mà có thể tin được?

ĐÁP: Tâm ta cùng tâm Phật một vị, há chẳng phải là linh đức ư? Tâm ta ta chẳng biết, bảo cái nào làm chứng cứ? Tức tâm tức Phật, cầu chứng cứ gì bên ngoài?

  1. HỎI: Có thể tu pháp nhất tâm, cũng tu muôn hạnh, muôn thiện, công đức có gì so sánh được?

ĐÁP: “Chóng giác xong Như Lai Thiền, sáu độ muôn hạnh thể tự tròn đầy”. Thế thì, một pháp thiền gồm đủ tất cả pháp. Há chẳng thấy nói: “Ba cõi chỉ một tâm, ngoài tâm không pháp khác”. Dù tu muôn hạnh mà không nhận pháp tâm này, thì không thể đắc ngộ. Nếu chẳng đắc ngộ mà thành Phật, lẽ ấy làm gì có?

Tất cả 3 cõi tức tất cả thế gian chỉ là chân tâm biến hóa ra.

  1. HỎI: Pháp tâm này đâu thể tu hành, dù có dụng công tu hành, cũng chẳng được khai ngộ, kết quả thành Phật chẳng nhất định, thì dù cho nhọc nhằn tu hành, nào có lợi ích gì?

ĐÁP: Tông này là pháp môn sâu mầu kín nhiệm, nếu tai ta được một lần nghe, liền thành thắng nhân Bồ-đề. Người xưa nói:
“Người nghe tông này mà không tin, phước còn vượt hơn trời, người; kẻ học mà không thông hiểu thì trọn đến quả Phật”. Nên biết, pháp này là tâm tông của Phật. Phật tâm tự nó vốn chẳng có mê, ngộ, đây chính là diệu thuật của Như Lai. Dù rằng chưa được tỏ ngộ, nhưng một phen ngồi thiền, tức là ngồi tòa Phật, một ngày ngồi thiền, một ngày làm Phật, trọn đời ngồi thiền là trọn đời làm Phật, kiếp tương lai cũng như thế, người chỉ tin thế ấy, là người đại căn cơ.

Pháp này là tâm tông của Phật. Phật tâm tức chân tâm vốn chẳng mê ngộ.

Tu có nghĩa là sửa đổi cho tốt hơn, dĩ nhiên là không thể sửa đổi chân tâm vì cái tâm thanh tịnh đó còn gì sai lầm mà sửa.

Nhưng phải tu mới thoát ly sanh tử, tu đây là sửa đổi cái tâm thế gian, tâm tham sân si.

  1. HỎI: Nếu đã như thế, thì tôi cũng có thể tu hành. Vậy làm thế nào an tâm? Phải dụng tâm thế nào?

ĐÁP: Phật tâm tất cả đều không trước tướng. Lấy lìa tướng làm thật tướng. Đi, đứng, ngồi, nằm trong bốn oai nghi, lấy ngồi làm nghĩa an ổn. Do ngồi ngay thẳng mà tư duy thật tướng.

Lìa tướng chẳng phải là thật tướng nhưng lấy lìa tướng làm thật tướng.  Lìa tướng là bỏ hết các pháp thế gian, như vậy sẽ chứng được chân tâm, đó là thật tướng nên nói lấy lìa tướng làm thực tướng: lìa tướng đưa đến thật tướng do đó ngài gọi ngồi thiền là lìa tướng là tư duy thật tướng.

  1. HỎI: Nghĩa ngồi ngay thẳng, tư duy thật tướng này, xin nói rõ hơn?

ĐÁP: Ngồi ngay thẳng, chính là đức Như-Lai kiết-già-phu-tọa. Tư duy thật tướng, cũng gọi là ngồi thiền.
Kết pháp giới định ấn, thân tâm chẳng động, mắt mở chừng phân nửa, giữ mũi thật ngay thẳng, sẽ thấy các pháp hữu vi in tuồng giấc mộng, như làn bọt nước, cũng chẳng khác bong bóng nổi. Chớ buộc niệm !

Tất cả mọi cái thấy biết của ta đều là niệm (tức vọng niệm).  Ngồi thiền thấy bất cứ niệm nào ra cũng buông.

Vì nó chỉ như mộng, như bọt nước.  Không buông nghĩa là giữ niệm đó, gọi là buộc niệm, cứ tự nhiên như vậy, chẳng có cả cái ý buông niệm vì ý đó cũng lại là niệm.  Chữ niệm động từ là nhớ tưởng, danh từ là một tư tưởng, một sự nhớ tưởng.  Cái nhớ tưởng này cho ra 1 hình tướng nào đó và ta gọi cải tướng đó là niệm, do đó lìa niệm đồng nghĩa với lìa tướng, bất cứ tướng nào mình có thể thấy biết.

  1. HỎI: Chân ngồi kiết-già, tay bắt ấn là oai nghi của Như-Lai, còn mắt mở phân nửa, giữ mũi ngay thẳng là việc gì?

ĐÁP: Mắt mở lớn sẽ thấy xa, bị cảnh lăng xăng trước mắt bức bách, tâm dễ tán loạn. Nhắm mắt thì sa vào cảnh hôn trầm, trong tâm không được sáng suốt. Mắt mở phân nửa, thì niệm chẳng vội vàng, thân tâm nhất như… Xét rõ, thì sanh tử, phiền não chẳng có thể gần gũi. Đó gọi là lập địa thành Phật, là đại dụng đại cơ.

  1. HỎI: Dù được nghe các việc như thế rồi, nhưng lòng tin vẫn chưa vững. Đọc tụng kinh chú chứa công ấy, trì trai giữ giới xướng danh hiệu Phật, nhóm đức ấy, việc đó có chỗ tựa nương. Riêng chẳng làm việc gì khác, yên ngồi trong thiền định, hay có những kỳ đặc sao?

ĐÁP: Nghi như thế là nghiệp sanh tử, nghi như thế là phiền não chướng. Thực hành tất cả pháp tâm không sở đắc, gọi là thậm thâm Bát nhã, là trí huệ Bát nhã. Trí huệ này, là kiếm báu có thể chặt đứt cội nguồn sinh tử. Tu các căn lành, mong được quả báo, đó là phàm phu mê muội. Hàng Bồ-tát khi tu các căn lành, chẳng cầu quả báo ấy, chỉ hướng đến đại từ đại bi mà tu thiện căn, cho nên thành chất liệu Bồ-đề.
Vì mong cầu quả báo mà tu các căn lành, chỉ thành đạt quả phúc nhỏ hẹp trời người, hạn định trong nghiệp sinh tử hữu lậu thôi.

Tâm không sở đắc.  Đắc là được, muốn được thì phải có thiệt.  Vô sở đắc là không còn được 1 pháp nào nghĩa là không còn thấy 1 pháp nào là có thiệt, nghĩa là lìa tướng, là ngồi thiền ở trước.

  1. HỎI: Chẳng nhờ chứa nhóm các căn lành, công đức thì đâu có thể thành tựu muôn đức, tròn đầy Phật quả được?

ĐÁP: Nếu đợi nhóm hợp đủ các căn lành, công đức thì phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật được. Ngược lại, người thực hành nhân quả bất nhị pháp môn là thành Phật ngay trong đời này. Nghĩa là, minh tự tâm, ngộ tự tánh, nhận thấy tự mình vốn sẵn là Phật, chẳng đợi đến nay mới thành.

Thế giới của chúng ta gọi là thế giới nhị nguyên vì 6 căn chỉ nhận ra các pháp nhờ sự khác biệt của nó, khác biệt tức là có 2.  Ta vào 1 căn phòng có mùi thơm hay thối, sau 1 lát không có sự thay đổi nào nữa, mũi ta không còn biết mùi thơm hay thối nữa.  Pháp bất nhị là chỉ chân tâm, thấy mọi pháp chỉ là chân tâm biến hóa như vậy:

Ảo hóa không thân tức pháp thân.

Vậy thực hành bất nhị pháp môn là minh (biết) tự tâm, ngộ tự tánh.

  1. HỎI: Người kiến tánh thành Phật, chẳng y cứ nhân quả. Vậy thì, không thể tu các căn lành sao?

ĐÁP: Người kiến tánh thành Phật, dù có tu các căn lành, chỉ vì lợi ích, chẳng vì quả báo. Bởi giáo hóa chúng sanh, nên dạy nhân quả, do vì thân mình không sở đắc, nên chẳng trông vào các công đức; vô tâm với tất cả.

  1. HỎI: Người vô tâm như thế nào? Nếu đã vô tâm, thì ai kiến tánh, ai ngộ đạo? Cái gì lại hay vì chúng sanh mà thuyết pháp giáo hóa?

ĐÁP: Vô tâm là nói người không tất cả tâm ngu si, chẳng phải nói người không tâm biện biệt cặn kẽ tà chánh. Ta chẳng nghĩ tưởng chúng sanh, cũng chẳng vọng cầu Phật đạo, lại chẳng nghĩ mê, chẳng cầu ngộ, chẳng chạy theo sự tôn kính của người, cũng chẳng thích nghe danh hư lợi dưỡng, chẳng nhàm chán độc hại oán thù, mặc cho tất cả việc lành dữ, chẳng khởi niệm sai biệt, đó gọi là Đạo Nhơn Vô Tâm.
Thế nên nói: Đạo vô tâm hợp với người, người vô tâm hợp với đạo.

VÔ TÂM là chữ quan trọng nhất trong đường lối tu hành của nhà Phật.  Mọi sự tu hành là để thực hiện trạng thái vô tâm đó nên Tổ giảng chữ đó từ câu hỏi thứ 10 đến 18.

Gọn gàng nhất thì vô tâm nghĩa là không có tâm ưa ghét, cũng nói là không có tâm lấy bỏ, tâm như gỗ đá, trơ ra trước thế tình.

Muốn tới chỗ này thì phải làm sao cho mọi sự tốt xấu, lợi hại đều không thể làm rung động được tâm mình nữa ngay cả thân tâm mình có mất cũng như không.

Thí dụ được nói đến nhiều nhất là chuyện một kiếp trước, Phật bị vua Ca Lỵ chặt đứt thân thể tay chân mà ngài không hề giận, lại còn nguyện sẽ độ vua Ca Lỵ.  Vua Ca Lỵ là tiền thân của ngài Kiều Trần Như.  Vì lời nguyện này mà ngài Kiều Trần Như thành người đệ tử đầu tiên của Phật.

  1. HỎI: Trì trai giữ giới, đọc tụng kinh chú, xướng danh hiệu Phật, công đức đó có hơn kém nhau chăng?

ĐÁP: Người trì trai là lìa ăn tham dục, kiếp tương lai sẽ được phước đức lớn. Giữ giới, là vì ngưng tâm ác, sinh tâm lành. Người có tâm lành, nếu sinh trong cõi trời, người thì địa vị rất là tôn quý. Còn người đọc tụng kinh chú, là gìn giữ pháp Phật, nên đời sau sẽ được trí huệ lớn. Do xướng danh hiệu Phật, đời sau quyết chắc sanh đất Phật. Lại vô tâm này là Phật tâm. Công đức Phật tâm này lời lẽ không diễn tả xiết, nghĩ lường không thể cùng tột, thật là chẳng thể nghĩ nghị.

  1. HỎI: Giờ đây, công đức của căn lành đã rõ ràng rồi, chẳng còn nghi ngờ nữa. Nhưng đối với công đức của vô tâm còn có chỗ chưa hiểu?

ĐÁP: Học đòi oai nghi Phật, truyền đạt lời nói Phật và xướng danh hiệu Phật, đều có công đức. Lại đạo nhơn vô tâm cũng hay có các công đức. Nếu bảo vô tâm không công đức, thì các hạnh khác không thể có công đức. Vì tất cả căn lành là nhân duyên công đức của trời, người, còn vô tâm là con đường chóng chứng đạo Bồ-đề. Công đức đó không thể dùng lời lẽ mà kể xiết, thực là một đại sự nhân duyên, phiền não, sinh tử tự tiêu diệt, thân tâm nhất như, tức tâm thành Phật, còn nghi gì nữa ư?
Người xưa nói: “Cúng dường ba đời các đức Phật, chẳng bằng cúng dường một đạo nhơn vô tâm” Thực là, cảnh giới chỉ có Phật với Phật biết nhau, hạng phàm phu cùng Nhị thừa chẳng có thể lường nổi.

  1. HỎI: Các kinh chẳng nói vô tâm, cũng chẳng khen ngợi. Cớ sao tông này lại quý trọng lẽ ấy đến thế?

ĐÁP: Trong các kinh nói đến lẽ này rất nhiều. Như nói: “Ngôn ngữ đạo đoạn”. Hoặc nói: “Bất khả thuyết”. Hay là: “Cứu cánh không”. Cũng nói: “Một đại sự nhân duyên”. Hoặc lại nói: “Các pháp vốn tịch diệt”. Đức Thích Ca đóng cửa thất, Ngài Tịnh Danh ngậm miệng. Đây há chẳng phải chỉ bày cảnh giới vô tâm là gì ư? Vì ảnh hưởng đến bậc Bồ-tát đã chứng trí, nên đức Thế Tôn không nói đó thôi. Lại hàng Nhị thừa còn kém cỏi nên Phật cũng chẳng nói. Do đó, kinh Pháp Hoa dạy: “Đối với hạng người không trí, chớ nói kinh này”. Ấy chẳng ngoài ý dẫn trên.

Các kinh có đến tám muôn bốn ngàn pháp môn, nhưng chẳng ngoài hai pháp sắc, không. Tất cả loài có hình tướng đều thuộc sắc là thân, còn loài chẳng lộ bày tướng ra, đều thuộc Không. Thân có hình tướng, nên nói là sắc, tâm không hình, nên bảo rằng không. Các kinh điển của Phật nói, đều chẳng rời ngoài hai pháp sắc, không này. Đó là nói cảnh giới vô tâm bất khả thuyết. Sở dĩ, chẳng khen ngợi lẽ này, là vì ngôn ngữ chẳng đến được, nên chỉ nói “Ngoài giáo truyền riêng”.

  1. HỎI: Thế thì, sắc thân này có thể là mê ư? Cũng có thể là ngộ ư? Tâm là vật gì? Căn bản của mê và ngộ không thể không biết đó. Lại tâm ở trong thân, hay ở ngoài thân, nó từ chỗ nào dấy lên như thế?

ĐÁP: Sắc thân bốn đại, năm uẩn đầy khắp mười phương, là căn bản của tất cả chúng sanh. Nhân duyên hòa hợp, thì thân thể kiến lập, gọi đó là sinh. Quả báo đổi dời, thì bốn đại phân tán, gọi đó là chết. Sắc tướng, thì có phàm thánh, tâm thể vốn chẳng ngộ, mê. Tuy nhiên, giả có mê, nên gọi chúng sanh, ngộ gọi là chư Phật. Mê ngộ chỉ nhân vọng tâm, chân tâm thì không mê ngộ, chúng sanh hay Phật vốn nhân nơi một tâm mê ngộ này. Rõ được bản tánh, thì hoàn toàn không có phàm, thánh sai biệt. Nên kinh Thủ Lăng Nghiêm nói:
“Bản tánh nhiệm mầu tròn sáng, rời ngoài các danh tướng, xưa nay chẳng có thế giới chúng sanh”

Tất cả cái khó khăn là ở câu này : xưa nay chẳng có thế giới chúng sanh. Nếu mình còn cho rằng thiệt có thế giới chúng sanh thì tự nhiên cái tâm ấy phải là một cái gì khác lạ nên tiếp tục tìm kiếm và đặt câu hỏi tâm đó ở đâu, trong thân, ngoài thân, nó từ đâu đến v.v…

  1. HỎI: Tâm tánh vốn chẳng mê. Nếu vậy, mê tình khởi từ chỗ nào?

ĐÁP: Nếu khởi vọng niệm, mê liền theo đó mà đến. Mê đến, nên phiền não sanh. Vọng niệm nếu dứt thì mê cũng từ đó mà đi. Mê đã đi, nên phiền não diệt. Nên biết, pháp phiền não là pháp sinh, đó là hạt giống sanh tử, Bồ-đề là pháp diệt, thì là vui tịch diệt. Khi mê, các pháp đều là phiền não. Lúc ngộ, các pháp đều là Bồ-đề. Người đời chẳng biết cội gốc mê ngộ này, nên nhàm sanh tử, buộc niệm chẳng khởi, cho đó là một niệm không sanh, là vô tâm. Đó vẫn là niệm sanh tử, chẳng phải vô tâm, chẳng phải tịch diệt. Dùng niệm dứt niệm, là sanh tử nối tiếp.

Đây là cái lầm lạc thông thường nhất của những người tu hành theo lối ngồi thiền.

Họ không cho niệm khởi tưởng lầm là được một niệm không sanh.  Chữ không sanh tức vô sanh là để chỉ chân tâm.  Họ lầm tưởng rằng họ ngộ chân tâm, không biết rằng đó chỉ là cảnh giới của thức ấm.  Trong thức ấm :  mắt thấy là hư không, tai thấy là tĩnh (không tiếng động) mũi lưỡi thấy không mùi, không vị, thân không thấy đau, không ngứa, và ý căn không thấy có vọng niệm.

Phải phá thức ấm, 6 cái không này tiêu tan mới thấy được chân tâm.

Vì vậy nên khi Ngài Quán Thế Âm hết NĂNG KHÔNG SỞ KHÔNG thì sanh diệt mới hết và tịch diệt (tức chân tâm) mới hiện tiền.

Cái này cũng là đề tài Núi Tu Di, công án của Ngài Triệu Châu.

Tăng hỏi : Không khởi một niệm có lỗi hay không?

Đáp : Lỗi bằng núi Tu Di.

Ông Tăng không biết là chỗ ông thấy không khởi một niệm đó vẫn là vọng niệm của thức ấm.  

Hiện nay chúng ta không biết vọng niệm của thức ấm là gì nên chỉ thấy 6 cái không. Khi phá được 4 ấm kia, vào được thức ấm chúng ta mới biết nó chẳng phải là không mà là :

Tập khí lưu hành như nước dốc

E lầm là chân hay phi chân

Nên tôi thường không diễn giảng đến.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy tiếp :

Phá sắc ấm : A Nan nên biết, ông ngồi đạo tràng, tiêu diệt các niệm, niệm đó nếu hết thì tâm ly niệm sáng tỏ, động tĩnh không rời, nhớ quên như một. Hết sắc ấm thì con mắt sáng tỏ, thấy rõ mười phương.

Hết thọ ấm thì cái tâm rời khỏi thân, trở lại xem được cái mặt, đi ở tự do, không còn ngăn ngại, như chim ra khỏi lồng.

Hết tưởng ấm thì như tâm giác minh bỏ hết bụi nhơ, một dòng sanh tử đầu đuôi soi khắp.

Hết hành ấm thì không còn các sự tướng tiền trần thô trọng; xem núi sông đất liền thế gian như gương soi sáng, khi đến không dính vào đâu, khi qua không có dấu vết.

Để phá thức ấm thì phải huân tập tiêu hóa 6 căn, khi đó thập phương thế giới với lại thân tâm đều như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt.

Lúc đó mới vào được Càn tuệ địa của Bồ tát. Sau đó sẽ lần lượt qua thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh, thập địa, vào được Phật địa mới được vô sanh.

  1. HỎI: Tiểu thừa thì rơi vào lý Không, chẳng biết vô tâm. Đại thừa Bồ-tát có thể được vô tâm chăng?

ĐÁP: Hàng Bồ-tát đến Thập địa vẫn còn lầm trí nhị chướng, chẳng được vô tâm. Một hoặc chướng này, vào đệ Thất địa, tâm tìm pháp vẫn còn, nên bị chướng. Đến đệ Thập địa, có tâm giác chiếu, nên cũng bị chướng, cho đến lúc thành Đẳng Chánh Giác, mới hợp với vô tâm này.

  1. HỎI: Đã là hạng Bồ-tát đến Thập địa còn chẳng biết, huống nữa bọn phàm phu sơ tâm học đạo, thì làm sao có thể hợp với vô tâm?

ĐÁP: Đại thừa thì không thể nghĩ bàn. Có trường hợp thẳng tiệt (chặt đứt) một niệm, chóng ngộ cội nguồn.
Các nhà bên giáo lập Tam hiền, Thập thánh là vì hạng người căn cơ chậm lụt. Hạng lợi căn, ngay khi mới phát tâm liền thành Chánh giác. Cũng có trường hợp thẳng đến thành Phật một cách nhanh chóng không thể nghĩ lường.
Bậc Thập Địa, Đẳng Giác hợp với vô tâm, thì ngang với hạng người hiện nay kiến tánh thành Phật. Nên biết, trong lý vô tâm không có sai khác.

  1. HỎI: Thấy tánh thành Phật, việc đó thế nào? Tánh là gì? Thấy là thấy cái gì? Dùng trí có thể biết chăng? Con mắt có thể thấy chăng? Nghĩa đó ra sao?

ĐÁP: Học kinh luận được trí, tức là trí phân biệt bằng thấy nghe hiểu biết. Ở đây, người tu hành chẳng dùng trí ấy mà thấy biết bằng hồi quang phản chiếu, bằng tự tánh sẵn có, cũng gọi là huệ nhãn. Tuy nhiên, sau khi thấy tánh rồi, vẫn thụ dụng bằng thấy nghe hiểu biết như thường.

  1. HỎI: Thấy biết tự tánh sẵn có, cái thấy biết có thể biết được, còn tự tánh sẵn có là thế nào?

ĐÁP: Vì tất cả chúng sanh xưa nay vẫn có tánh, nên trợ giúp khởi lên tự thể. Tánh này từ vô thủy đến nay chẳng sinh, chẳng diệt, không sắc, không hình, thường trụ chẳng biến đổi, gọi đó là tự tánh sẵn có. Tự tánh này cùng với chư Phật, một vị bình đẳng, nên cũng gọi là Phật tánh. Tất cả ngôi Tam Bảo, chúng sanh trong sáu nẻo, do tánh này làm cội gốc mà thành tựu tất cả pháp.

Tiếp tục đặt những câu hỏi này là vì vẫn thấy có thế giới chúng sanh và cái tâm riêng biệt để tìm hiểu.

  1. HỎI: Hồi quang phản chiếu là thế nào?

ĐÁP: Chiếu là soi rõ các pháp bên ngoài, tự mình có cái sáng suốt chiếu lại bên trong.
Tâm sáng suốt, như ánh sáng không lường, không ngằn của mặt trời, mặt trăng hay chiếu soi trong ngoài tất cả cõi nước. Ánh sáng đó, chẳng đến chỗ u ám gọi là núi đen hang quỷ, các loài quỷ thần đều ẩn nấp trong đó. Hạng quỷ thần này, hay nhiễu hại chúng sanh. Tâm pháp cũng như thế, trí sáng không lường không ngằn của tâm tánh hay chiếu suốt các cảnh giới. Ánh sáng đó, chẳng đến chỗ ngăn khuất, gọi là vô minh, ấm giới, tất cả phiền não đều trụ trong đó. Phiền não, thì hay nhiễu hại chúng sanh. Trí tâm là ánh sáng. Vọng niệm là những cái bóng. Soi sáng sự vật nói là chiếu. Cảnh giới tâm niệm chẳng đổi dời hướng vào bản tánh, nên nói rằng hồi quang phản chiếu.
Lại nói chiếu khắp, chính là chiếu khắp đương thể (thể hiện hữu) chỗ mê, ngộ chưa hiện bày. Thế mà thời nay người dùng vọng niệm để suy tìm bản tâm, lấy phiền não làm thú vui, thì bao giờ mới cởi bỏ sanh tử?

Hồi quang phản chiếu.

Thấy các cảnh ở ngoài, biết rằng các cảnh đó không có thiệt, chỉ do tâm mình vọng tưởng ra như vậy mà vọng tưởng không phải là 1 pháp riêng biệt có thể tách rời chân tâm.  Như khi ta cử động cái tay thì thực ra không có cái cử động mà chỉ là tay ta cử động.  Biết như vậy thì thấy các cảnh không rời chân tâm, thực ra không có cảnh ở đâu cả mà chỉ là tâm ta vọng tưởng như vậy không khác cái tay cử động như vậy.  Cho nên nói rằng : ‘Cảnh giới tâm niệm chẳng đổi rời hướng vào bản tánh’.  Cái biết của chúng ta là từ bản tánh phát ra, hồi quang phản chiếu, ta quay ngay cái biết đó trở lại biết bản tánh.

  1. HỎI: Ngồi thiền lấy “một niệm không sanh” làm tỉnh yếu (chỗ quan yếu để tỉnh giác). Lấy niệm dừng niệm, đây thời chẳng khác lấy máu rửa máu. Việc đó thế nào?

ĐÁP: Một niệm không sanh, chính là tâm pháp bản thể, chẳng phải dừng niệm, cũng chẳng phải chẳng dừng niệm, chỉ là một niệm không sanh. Nếu hợp với bản thể này, thì đó là pháp tánh Như Lai. Bấy giờ, việc ngồi thiền cũng bằng vô dụng. Không mê, không ngộ, há lại còn có một niệm ư? Nếu chẳng nhận được bản thể này, thì đâu gọi là được không sanh. Dù đè niệm chẳng cho khởi, cũng đều là vô minh. Chẳng khác lấy đá đè cỏ, chẳng bao lâu cỏ ấy lại sanh. Phải công phu miên mật lắm, không thể dung dị mà được.

Tổ giảng thêm : Một niệm không sanh chính là chân tâm (tâm pháp bản thể).  Tới đó thì dừng niệm hay chẳng dừng niệm vẫn là vô sanh, tâm thanh tịnh không sanh diệt.

Giáo hóa chúng sanh thì chẳng dừng niệm

Không có việc chi thì vọng niệm làm gì.

Tới đó thì việc ngồi thiền cũng vô dụng nhưng chưa tới đó, lúc tu chỉ (đình chỉ vọng niệm) thì ngồi ngay thẳng hơn hẳn đi, đứng, nằm.

  1. HỎI: Hoặc có người hỏi, lúc đến chỗ một niệm không sanh, thì thế nào?

ĐÁP: Một niệm không sanh là hoàn toàn không tướng sanh diệt, đi lại, có thể nói năng chỉ bày. Sự sanh tử theo niệm mà khởi, nếu chẳng biết chỗ niệm khởi thì, chẳng rõ được cội gốc sanh tử. Các chúng sanh trong suốt 12 giờ bị giặc phiền não sai sử trái với tánh bản hữu. Nếu mây vọng niệm tan, tâm tánh như ánh sáng mặt trăng. Những niệm xấu từ trước nay đều trở thành trí huệ, dùng niệm này có thể thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Người xưa bảo:
“Các ngươi bị 12 giờ sai sử, ta sai sử được 12 giờ”

  1. HỎI: Khi ngồi thiền, niệm khởi là lỗi, ngừng lại có lỗi chăng? Việc đó thế nào?

ĐÁP: Lúc chưa thấy tánh, khởi hay ngừng đều có lỗi. Trong kinh Phật dạy: “Chẳng khởi vọng niệm”, hoặc nói: “Cũng chẳng diệt hẳn”. Đó là lối nói khiến cho ta nhận bản tánh. Người thấy tánh thì việc tu hành là vô dụng. Bệnh mê vọng đã trừ, khoa trị liệu nào có ích gì. Tuy nhiên, bệnh mê tình dấy khởi, thì dùng tu hành để trị liệu, bệnh niệm chẳng còn khởi nữa, thì chẳng dùng thuốc tiếp tục.

Chưa tới đó thì khởi hay ngừng đều có lỗi vì đều là vọng niệm.  Tất cả vọng niệm đều là thức thứ 6 dù là mình thấy có hay không có.  Thấy không có chỉ nghĩa là mình đè nó, không cho nó khởi (xem lại câu hỏi 22).  Nó nằm yên ở thức ấm, hết đè thì nó lại ra y như lấy đá đè cỏ, cỏ chẳng chết chỉ nằm yên đó, lấy đá đi thì cỏ lại sanh.

  1. HỎI: Dù có niệm khởi, nhưng niệm vốn không tự tánh, thì có lỗi gì?

ĐÁP: Tuy không tự tánh, nhưng dấy khởi đều có lỗi. Cũng như việc trong mộng, sau khi thức giấc, biết nó hư vọng, há bảo không lỗi sao? Khởi lên tức thành lỗi, còn mộng là do chúng sanh vọng thấy, một khi được nghe Phật pháp, phát khởi lòng tin, việc đó thù thắng hơn. Thế nhưng, chẳng phải người có đạo tâm chân thực, dụng công một cách hời hợt, chẳng biết lỗi của tâm, bất chợt đè ép các niệm nhỏ mà chẳng biết các niệm lớn. Nếu chẳng đoạn tiệt từ cội nguồn của nó, thì dù có kết được duyên phần, cũng khó thoát khỏi sanh tử.

Niệm vốn không tự tánh : đúng như vậy nhưng niệm đó chính là thế gian; còn khởi niệm là còn thế gian, còn đi trong sanh tử.

  1. HỎI: Tất cả việc lành, dữ đều chớ nghĩ lường v.v… Mặc kệ nó, việc xấu tốt không nên nghĩ lường, như thế mới thực là người dụng tâm tọa thiền. Nếu vậy, đối với các niệm lớn, nhỏ phải làm sao đây?

ĐÁP: Tất cả việc lành, dữ đều chớ nghĩ lường, đó là lời nói chặt thẳng vậy. Còn tính thời gian ngồi thiền, chẳng nên dùng nó. Nếu đến ruộng đất này, thì đi, đứng, ngồi, nằm đều là thiền hẳn chẳng nên cố chấp tướng ngồi. Tổ sư bảo: “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói, nín, động, tịnh thể an nhiên”.
Trong Kinh Phật có dạy:
“Thường sống trong đó, kinh hành hoặc ngồi nằm…”. Những niệm nhỏ lăng xăng theo cảnh trước mắt. Những niệm lớn khởi lên, là tham dục, sân khuể, ngu si, tà kiến, kiêu mạn, tật đố, danh văn, lợi dưỡng… Người chí mỏng, lúc ngồi thiền, chỉ thu nhiếp các niệm nhỏ. Còn những ác niệm này chẳng biết chúng ngủ ngầm trong tâm ta, gọi là những niệm lớn. Ném bỏ các ác niệm này, gọi là chặt thẳng cội nguồn. Chặt thẳng cội nguồn thì phiền não là Bồ-đề, ngu si thành trí tuệ, ba độc thành ba tụ tịnh giới, vô minh thành pháp tánh đại trí. Đã vậy còn nói gì là các niệm nhỏ ư? Đức Phật dạy:
“Nếu hay chuyển vật, tức đồng Như Lai”. Là ý này vậy. Chỉ hay có thể chuyển vật, chớ để bị vật chuyển!

Tất cả thế gian là vọng tưởng.  Những vọng tưởng lớn là tham dục, sân khuể, ngu si, tà kiến, kiêu mạn, tật đố, danh văn lợi dưỡng…Phải dứt các ác niệm lớn này trước nghĩa là tu cho tâm mình hết tham sân si, tà kiến, kiêu mạn rồi mới ngồi thiền để diệt trừ các niệm nhỏ.

Không diệt trừ các niệm lớn này mà chỉ ngồi thiền thu nhiếp các niệm nhỏ thì không thể có kết quả tốt được, tổ gọi là người chí mỏng.

  1. HỎI: Nếu hay chuyển vật tức đồng Như Lai. Vật là vật nào? Chuyển là việc gì?

ĐÁP: Vật tức là vạn vật, chuyển tức là thoát thể. Chuyển vật tức là gặp tất cả cảnh giới mà tâm chẳng đổi, đều hướng đến bản tánh. Cảnh chẳng ngại tâm, thiên ma ngoại đạo, phiền não sanh tử, chẳng có cơ hội thuận tiện. Đấy gọi là chuyển vật, nơi vật chẳng đổi tâm mà dụng tâm. Thấy Phật, thấy pháp, còn phải đoạn tuyệt, hà huống là vọng niệm ư? Tâm đoạn tuyệt này, dù giống như tà niệm, kỳ thực nó là chánh niệm. Chánh niệm thì gọi là huệ niệm, cũng chính là trực nhập trí huệ chánh kiến.

Chuyển vật và bị vật chuyển :

Những vật hay việc đời làm mình vui buồn, ưa ghét rồi hành động theo đó là mình bị vật chuyển. Không để cho tâm mình sanh các tình cảm bởi các vật hay việc đó, dùng nó để tu sửa tâm mình, để làm các điều tốt lành cho người khác là mình chuyện được vật.

  1. HỎI: Phiền não, Bồ-đề, đều từ một tâm này khởi lên đã phân minh, nhưng đầu mối của nó khởi lên từ chỗ nào?

ĐÁP: Nghe tiếng, thấy sắc, ngửi mùi, nếm vị, biết xúc chạm, nhận rõ các pháp đều là đức dụng của sáu căn. Gá cảnh giới này, rồi phân chia thành lành, dữ, biện biệt chánh tà, cho là trí huệ. Nơi đó lập nhân ngã, khởi tắng ái đều là vọng kiến. Theo vọng kiến ấy, thành trước tướng gọi là mê. Từ đây khởi mê năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, gọi là phiền não. Do phiền não, kiến lập thân thể. Lại chúng sanh, phần nhiều ưa giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói vọng v.v… hoàn toàn bị rơi vào ba đường dữ, đều từ vọng niệm mà khởi lên.
Những vọng niệm này lúc chúng mới phát khởi, liền chuyển thẳng tất cả hướng đến bản tánh, tức thành vô tâm. Đã an trụ nơi vô tâm, thì thân năm uẩn này liền thành năm phần pháp thân của Như Lai. Đấy gọi là: “Nên không chỗ trụ, mà sanh tâm kia”.
Dụng tâm như thế là người đại dụng tu hành.

Từ nghe tiếng ĐẾN đều từ vọng niệm mà khởi lên : Tổ giảng thế nào là TÂM BỊ VẬT CHUYỂN, mình hành động tùy theo cảnh vật ở ngoài.

Nếu chuyển tất cả vọng niệm này thẳng đến bản tánh, biết rằng tất cả chỉ do bản tánh vọng niệm ra, không có thực.  Tâm mình không thay đổi, đó là vô tâm.

  1. HỎI: Người dụng công ngồi thiền tích lũy công phu lâu ngày đã thuần thục, thì không thể có tâm phiền não tà mê. Kẻ mới tu hành, làm sao có thể sạch hết phiền não?

ĐÁP: Chẳng chán sợ phiền não, chỉ nên tịnh tâm mình. Người xưa nói: “Học đạo cần phải sắt đá, nắm được đầu tâm liền xét thẳng đến Vô thượng Bồ-đề, tất cả việc thị phi cũng chớ quản. Nắm chặt đầu tâm là phê phán tâm tà chánh”.
Nên biết người nhận được cái lầm của tâm mình gọi là người trí. Nếu đã có trí huệ, thì không còn mê. Ví như từ xưa ở trong hang tối, chưa từng gặp ánh sáng mặt trời, mặt trăng, chợt có ánh đèn sáng, thì bóng tối kia chẳng cần đuổi mà chốc lát tự nó biến thành sáng.
Bóng tối vô minh phiền não, khi có ánh sáng trí huệ chiếu đến, thì không đợi phải đuổi mà tự đi. Đêm xuống khắp hư không tối, nhưng ánh sáng mặt trời xuất hiện thì hư không tối tăm kia, liền thành sáng khắp.
Tâm pháp cũng như thế. Mê thì tối, ngộ là sáng. Ánh sáng trí huệ chiếu soi, thì bóng tối phiền não tan diệt liền thành sáng suốt. Thế nên, Bồ-đề không riêng có hai pháp.

Nắm được đầu tâm nghĩa là nhận ra được chân tâm là kiến tánh là ngộ chân lý.  Lúc đó biết rõ ràng tâm mình vọng tưởng như thế nào ra cái thế gian mà mình thấy là có thiệt.  Từ nay được gọi là người mắt sáng vì biết được sự thật.

Từ đó chỉ còn nắm chặt cái tâm đó, gọi là nắm chặt vì mình vẫn bị vọng tưởng lôi đi; quên mất cái tâm đó.  Thiền tông gọi là ‘đừng để cho gián đoạn’.

Tánh đó càng ngày càng hiện hữu và sau cùng nó thành thường trực, luôn luôn hiện tiền.  Thức thứ 6 không xen vào được nữa, khi cơ duyên tới nó sẽ bị phá tan.

Tổ Huệ Năng gặp Ngũ Tổ lần đầu tiên ngài thưa : “ Tự tâm của đệ tử hằng sanh trí tuệ, chẳng lìa tánh mình’’.  Tánh ngài lúc nào cũng hiện tiền, hằng sanh trí tuệ tức là không còn si mê, luôn luôn thấy bổn lai vô nhất vật.  Gọi ngài vào thất, Ngũ Tổ bảo :“ Nên không chỗ trụ mà sanh tâm diệu kỳ’’.  Ở sẵn đó rồi, ngài liền sanh tâm diệu kỳ : chứng nhập chân tâm.

  1. HỎI: Chiếu phiền não tối, là nương sức trí huệ, không trí huệ, thì không thể có Bồ-đề. Thế thì làm thế nào được trí huệ này?

ĐÁP: Trí quang của mình, tự nó sáng suốt. Tuy nhiên khi bị vọng trần che khuất, tạm thời nó mất đi, nên nói mê mới nổi dậy, chẳng khác người trong lúc thấy chiêm bao, mỗi việc mỗi việc đều là tướng chân thật, sau khi thức giấc, lại không một việc.
Cũng thế, mộng vọng tưởng sau khi tỉnh, biết nó từ nơi bản không. Do chúng sanh mê muội, nên nhận vọng làm thực.

  1. HỎI: Người ngộ là hằng ngày so sánh việc chẳng biết mà chợt biết được, vậy có thể biết được việc của quá khứ, vị lai chăng?

ĐÁP: Hết sạch vọng kiến, mộng lớn chốc lát tỉnh biết, thấy Phật tánh, gọi là đại ngộ, đại triệt. Chỗ này so sánh nghĩ lường không thấu nổi.
Biết được việc quá khứ, vị lai, là do sức thần thông, và do công lực tu hành, chẳng nên gọi là đại ngộ. Bọn thiên ma, quỷ thần, ngoại đạo, tiên nhơn đều có thần thông này, xưa kia họ từng tu hành các khổ hạnh. Đức đó tuy có, nhưng chẳng rời tà kiến, nên chẳng vào được trong hàng Phật đạo.

  1. HỎI: Người ngộ đạo, đắc pháp, mà chẳng đầy đủ thần thông, thì có đức dụng gì?

ĐÁP: Thân này bởi do quá khứ ngu mê mà kiến lập, dù là người kiến tánh thành Phật, nhưng thần thông chưa lộ bày. Thế nhưng, ngộ thì thấu thoát sáu trần, đoạn tuyệt sinh tử, nên từ đó mà đầy đủ thần thông diệu dụng. Đây chẳng phải là sức thần thông hữu lậu của bọn thiên ma, ngoại đạo…
Người hoát nhiên đại ngộ, chẳng cần phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp, liền thành Phật đạo, đâu riêng luận thần thông diệu dụng ư!

  1. HỎI: Kiến tánh thành Phật, cùng tức tâm tức Phật, có khác nhau chăng?

ĐÁP: Tức tâm tức Phật, là lời nói chỉ thẳng ngoài tâm không có Phật. Nếu nhận nơi ý chỉ này, là người lanh lợi. Hoặc cũng chỉ bày phi tâm phi Phật…
Kiến tánh thành Phật, là thấy biết tự tánh, đoạn tuyệt mạng căn chúng sanh, nhận ra bản tánh nhiệm mầu tròn sáng. Thế thì, không còn sinh tử, chẳng có phiền não, chỉ giả danh mà gọi là thành Phật. Phật là giác. Giác, thì rõ ràng xưa nay chẳng từng mê. Tuy không đồng, dị mà vào cửa in tuồng có sự sai khác. Do đó, liền thành lời nói có hai chiều.

  1. HỎI: Tánh thì thường trụ bất biến, chư Phật cùng chúng sanh một vị bình đẳng. Tuy nhiên, mê là chúng sanh có khổ sanh tử. Như vậy, đâu có thể bảo một vị bình đẳng được?

ĐÁP: Một vị bình đẳng là chỗ trí huệ chiếu đến, chẳng phải hạng ngu si thấy được.
Tổ sư dạy: “Phải dùng hòn gạch đi gõ cửa thiện tri thức”. Khi chưa vào cửa, lời nói kiến tánh thành Phật là tột cùng. Vào được cửa này, vì lìa các tướng, nên thành Phật lại vô đắc.

  1. HỎI: Các tông Hiển, Mật, đều có tám pháp: Giáo, Lý, Trí, Đoạn, Hạnh, Vị, Nhân, Quả. Hàng Nhị thừa Thanh văn, tu tứ thiền, bát định, khỏi được ba tai nạn, nước, lửa, gió. Không, sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vào vô dư Niết Bàn. Bậc Bồ-tát, gìn giữ ba tụ tịnh giới, tu từ bi vạn hạnh, trải qua ba ngôi Hiền, mười bậc Thánh, dứt được các phiền não trong và ngoài. Nếu bảo, phiền não không có nơi chỗ thì cảnh giới Phật nương đâu mà có ba đời chư Phật, ra khỏi pháp giới chân như, thị hiện trong cõi dục sinh tử này ư?

ĐÁP: Chư Phật, Bồ-tát, lấy việc lợi sinh làm sự nghiệp, nếu chẳng làm lợi ích chúng sanh thì chẳng phải là Phật, Bồ-tát. Hàng Tam thừa, chẳng vì lợi ích chúng sanh, nên Đại thừa cho họ đã rơi vào hầm sâu giải thoát. Hàng Bồ-tát Tam hiền, Thập thánh chuộng vào cửa huyền, vì độ chúng sanh mà ra khỏi cõi an lạc tịch quang, hiện thân vào đời ác năm trược, thành đạo dưới cội Bồ-đề.

Ví như chỗ cao nguyên đất bằng, không thể mọc hoa sen, nơi ẩm thấp, bùn lầy hoa sen thường sinh trưởng tươi đẹp. Lại như việc cấy hái của nhà nông, chỗ đất trắng khô, không thể gieo giống lúa mạ được, gặp nơi bùn ướt có nhiều phân tốt, giống lúa mạ mới phát triển mạnh mẽ. Nhân duyên đến mùa, dương khí sinh động, mưa gió thấm nhuần, mầm non lớn dần, thân cây, nhánh lá xinh tươi, rậm rạp, lúa mạch, lúa mì… bắt đầu rộ chín. Bấy giờ công việc của nhà nông hoàn tất, có thể ca khúc thanh bình.

Chư Phật ra đời cũng thế. Cõi giải thoát tịch quang chẳng hay kiến lập Phật pháp, mà trong đời ác năm trược, các Ngài hay mặc y xấu rách, đúng thời cơ nói pháp, gieo hạt giống chân chính, khuyến dẫn chúng sanh đang bị phiền não ác nghiệp lôi cuốn. Nhân duyên đến mùa, mặt trời tuệ chiếu soi, gió lành thổi mát, mưa pháp đượm nhuần, vị cam lồ chan rưới, mầm non, nhánh lá, gốc giác đạo sum sê. Cây Bồ-đề sống mạnh, liền nở hoa Đẳng giác kết trái Diệu giác. Thế là công việc hoá đạo lợi sanh được hoàn thành viên mãn, khi này các Ngài có thể xướng khúc Diệu pháp Niết Bàn thường lạc.

Hàng đạo nhơn xem nhục thân này như một gốc cây, gặp đất thối lục trần, sanh hạt giống giải thoát. Đã gieo mộng sắc thân, mầm chồi tánh trí cũng nhân đây nẩy nở. Cội cây tâm niệm lớn dần, cọng ý tưởng phát triển, nhánh thần thức rậm tươi, lá tình dục sum sê, thành cội rễ vô ưu, trổ hoa tri kiến, kết trái giác ngộ. Như thế sự nghiệp của đạo hoàn thành, có thể vui hát khúc Vô tâm.

Phàm phu cũng có một gốc cây, gặp đất khô cằn ngu si, vun quén bằng phân tham ái, gieo hạt giống vô minh. Gieo mộng năm uẩn, mầm chồi nghiệp thức sống dậy, cây chấp trước lớn dần, cộng nhân ngã, nhánh siểm khúc, lá tật đố xanh rậm, thành gốc cây phiền não, đơm hoa đẹp mê say, kết nên trái tam độc, và đó là việc danh lợi đã xong, có thể ca bài vui ngũ dục.

Hãy nói từ nơi ba gốc cây này có sự hơn kém nhau chăng? Nếu có người một tay nắm cả ba gốc cây này, cùng một lúc nhổ sạch, vun trồng nơi đất không âm dương, liền thành cây vô ảnh, đương sự là hạng người có lực lượng lớn.

Trời đất cùng ta đồng một cội nguồn, muôn vật với ta chẳng khác thể tánh. Thử hỏi, ta là gì? Nếu nói rằng, thành Phật, thì trời đất còn cách xa ta lắm!

Chữ thành Phật ngụ ý có chúng sanh tu hành để thành Phật. Nếu còn thấy có thế giới chúng sanh thì còn xa cách đạo giải thoát như trời với đất.

KẾT LUẬN :  Điểm then chốt của bài Luận Tọa Thiền là ở các chữ VÔ TÂM và MỘT NIỆM KHÔNG SANH tức VÔ SANH.

Các chữ này đều để chỉ CHÂN TÂM nên nói về các chữ này đều là nói về CHÂN TÂM.

CHÂN TÂM lúc nào cũng như như, không sanh diệt, lúc nào cũng VÔ SANH.

VÔ TÂM là pháp môn tu hành lần lần đưa chúng ta vào cảnh giới đó.  Khi đến nơi thì VÔ TÂM chính là VÔ SANH.

Những người tu từ từ lên thì đến Bồ tát địa thứ 10 còn bị trí chướng chưa được vô tâm, phải thành Đẳng Chánh Giác mới hợp với vô tâm (câu hỏi 17).

Người lợi căn, vừa phát tâm liền được vô tâm thành chánh giác (câu hỏi 18).

Tất cả đều tùy khả năng của hành giả có thể xả bỏ hết hay không.  Đằng nào cũng phải tới chỗ vô tâm mới xong :

Hết tâm tam giới là tâm Niết bàn.

Tổ Bá Trượng :“ Thị phi tốt xấu, đúng lý sai lý, các tri kiến tình thức (ưa ghét) đều hết sạch, nơi nơi tự tại, gọi là Bồ tát mới phát tâm liền lên địa vị Phật’’.

Tổ Đại Giác gọi pháp môn này là “ sâu mầu, kín nhiệm (câu hỏi 4).  Nếu tai ta được một lần nghe liền thành thắng nhân Bồ đề’’.

Dĩ nhiên nghe đây là phải hiểu pháp môn dạy như thế nào.

“Nghe được như vậy dù không tin, phước vẫn vượt hơn trời người.  Còn tu học theo đó dù không thông hiểu vẫn trọn đến quả Phật’’ (vẫn câu hỏi 4).

Không thông hiểu nhưng vẫn tu đúng đường lối, khi thông hiểu thì đến quả Phật rồi.

Pháp môn như vậy, văn tự chỉ có thể diễn tả phần nào thôi, phần còn lại chúng ta phải tự thầm hiểu lấy.  Nhiều vị tổ khi chưa ngộ cũng si mê như ai, rồi các ngài vào thẳng Phật địa.  Các ngài biết rõ đường đi như chúng ta biết đường về nhà.

Tổ Bá Trượng bảo phải làm sao để lên địa vị Phật.  

Tổ Đại Giác cho biết Bồ tát địa thứ 10 bị kẹt như thế nào mà không tới.

 

6. MẬT TÔNG

Thân gửi các bạn.

Tôi gửi thư này tới các bạn để các bạn biết thêm về Phật giáo Mật Tông và để các bạn biết; các bạn hay bất cứ ai muốn, có thể mượn những kinh điển Mật Tông mà tôi mới nhận được từ Việt nam.

Tôi rất ngạc nhiên về số lượng và phẩm lượng của tài liệu đã nhận được nên rất hoan hỉ được chia sẻ tài lựu quý báu này để đáp ơn những người đã làm ra.

Ở Việt Nam, kinh mật tông không được phép in nên các tu sĩ đã hội họp lại dịch, đánh máy trên khổ giấy như tờ này, chữ thường, tất cả khoảng 3500 trang nghĩa là nếu in khổ nhỏ chữ lớn như kinh khác thì mười ngàn trang.

Có 5-6 bộ lớn và rất nhiều bộ nhỏ, thật là may mắn được đọc giáo lý Đại Thừa giảng dạy dưới một khía cạnh khác.

Nếu ai tu hành được đúng như lời chỉ dạy chắc sẽ thành Phật trong đời này như Kinh nói.  Nếu vì nghiệp chướng không thành Phật ngay được thì cũng sẽ thành Phật trong kiếp tới.

Đại đa số Kinh này do Đức Tỳ Lô Xá Na (Phật Đại Nhật) và Phật Thích Ca truyền cho Bồ Tát Kim Cang Tát Đỏa, Ngài truyền lại cho Tổ Long Thọ (tổ thứ 14). Tổ truyền cho Ngài Long Trí, Ngài truyền lại cho Ngài Kim Cang Trí.  Ngài cùng đệ tử là Ngài Thiện Vô Úy sang Tàu.  Hai vị này và các pháp sư khác người Thiên Trúc và Tàu dịch ra chữ Tàu.

Khi Ngài Thiện Vô Úy mất, vua Tàu bãi triều 3 ngày, như để quốc tang vậy.

Đại đa số tài liệu là chân ngôn, ấn và phương pháp tu hành.  Về gíao lý, người tu chân ngôn môn là theo Bồ Tát đạo nên 6 pháp Ba La Mật được giảng dạy luôn luôn, thường thường 1-2 pháp riêng biệt, có khi cả 6.

Tại sao Kinh nói là tu hành đúng như vậy có thể thành Phật ngay đời này?

Vì giáo pháp Đại Thừa được giảng dạy đến chỗ rốt ráo, không úp mở gì.

Dĩ nhiên là Bát Nhã Ba La Mật được nói sâu rộng nhất.

Kinh Đại Nhật, tên chính là Đại Tỳ Lô Xá Na Thành Phật Thần Biển Gia Trì Kinh, nhấn mạnh ở chữ KHÔNG: Phải làm cho Tâm mình như hư không bằng cách bỏ hết 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, năng chấp sở chấp nghĩa là không còn một vọng niệm phân biệt nào.  Xin hiểu thật rõ rằng chỉ khi nào hết uẩn xứ, giới mới hết cái Ngã tức cái Năng phân biệt.  Nêu không “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” thì cái Ngã vẫn còn đó mà bất cứ cái thấy biết nào của cái Ngã cũng là vọng tưởng phân biệt, nghĩa là còn Năng phân biệt.

Kinh dạy: Phải thấy chân ngôn cũng như ảo, mộng, ảnh, dương diệm, tiếng vang, bọt nổi, vòng lửa, thành càn thát bà, bóng trăng dưới nước, hoa đốm trong hư không.

Phải thấy dù chân ngôn không có tướng ngôn ngữ, dù chân ngôn như ảo nhưng nếu trì tụng thành tựu lại sanh ra tất cả; tất cả các pháp khác cũng là ảo mà thôi, hết ảo thì được giải thoát.

Kinh Tô Tất Địa: “Khi việc lớn mong cầu đã thành tựu rồi, tự mình đã thọ trì chân ngôn thì không nên nhiếp phục loài mị quỷ, vọng lượng, cũng không cần nó ủng hộ mình và người khác, cũng không cứu nạn và cấm các độc hại vì thật là chẳng phải chỗ thọ trì chân ngôn”.  Ý nghĩa giải thoát thật rõ rệt: không đụng tới nhân quả, không can thiệp vào chuyện đời.

Kinh Thiền Tông: “Hàng ma” chỉ là một cách nói chứ Ta đâu có ác tâm xô dẹp chúng ma.

Đễ đạt tới Bát Nhã Ba La Mật, các Ba La Mật khác cũng phải rốt ráo: thí dụ Trì giới:

Kinh Đại Nhật “… dù cho chấm dứt sanh mạng (dù cho chết) vẫn giữ giới chẳng đoạt sanh mạng (không sát sanh)…” Kinh Tô Tất Địa nói thêm: Không được đuổi bắt, không được chọc ghẹo súc vật.

Về dâm dục: Kinh Tô Tất Địa: Không được nhìn ngó phụ nữ.

Ngoài 10 pháp thiện ra còn rất nhiều luật lệ khác như:

-Về ăn uống: không ăn thực phẩm đã cúng,người khác đã ăn trước rồi mình không ăn.

Đồ ăn phải tinh khiết, ngoài ngũ tân ra phải tránh các thứ có mùi vị nặng.

Không ăn quá ngọ.

Ăn uống cho khỏi đói khát, không vì ham đắm mùi vị (Kinh Tô Bà Hô Đồng Tử)

-Không được đùa dỡn.

-Không cầm bông hoa, gương để chơi.

-Rất sạch sẽ: Tấm savon khắp người, khi tắm không nói chuyện và còn nhiều lắm.

Kinhh đặc biệt ca ngợi chữ A mẫu tự đó là trí tuệ phát sanh các pháp, rồi đến chữ LA.

Tỳ Nại Gia Kinh: “Tụng chú thì Thể Tướng, Âm vận của câu văn phải rõ ràng”.

Tóm lại phải để hết tâm trí vào việc tu hành, từng lời nói, từng hành động, không gián đoạn.

Các pháp tu của nhà Phật là để thanh tịnh ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý. Khi thành Phật 3 nghiệp này mới thiệt thanh tịnh.  Mật tông gọi là thực hiện thân mật, ngữ mật, ý mật, cả 3 đều quan trọng.

Vì vậy chúng ta không nên sao lãng thân mật: Bắt ấn.

Chúng ta có thể bắt ấn khi ngồi thiền hay niệm Phật.

Nếu quý bạn không đặc biệt thích một ấn nào hay một vị thế nào, các bạn nên xét ấn “Lễ”: chắp tay lễ.

Đây là 1 trong 8 ấn được gọi là tối bí mật, tối thắng tên là : “Ấn Như Lai Nhất Thiết Chi Phần Sanh Mạn Trà La hình trăng đày Ca La Xả có kim cương vây quanh”.

“Hai tay chắp như hình đóa hoa chưa nở,dựng thẳng đứng 2 ngòn cái rồi hơi co lại”.

Trong hình vẽ: 4 ngón nhỏ sát nhau, ngón cái rời ra. Các ngón nhỏ nghiêng về phía trước để cho ngón cái có thể thẳng đứng (trước khi co lại).

Quý bạn có thể coi bộ Kinh khá lớn:

-Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh. (trong internet)

Xin thân chào các bạn.

 

7. Pháp môn Tịnh Độ

Tịnh độ là con đường độ thoát bằng cách tu về một cõi thanh tịnh ở đó có Phật và Bồ tát giúp đở để tiếp tục tu hành cho đến khi được giải thoát. Kinh Niệm Phật Ba La Mật có các đoạn sau (đánh dấu từ A đến F).

A-Chúng sanh nào sống thuần bằng tư tưởng (không có tình cảm) thì bay lên hóa sanh nơi các cõi trời. Nếu trong sự thuần tưởng lại có phước huệ và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy 10 phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sanh Tịnh độ.

B-Tuy đã phát khởi tín tâm dõng mãnh và công phu không gián đoạn bê trễ, nhưng nếu tái sanh cõi Ta Bà thì vẫn bị luân chuyển vì Định Tuệ còn non kém, quả đức chưa hoàn mãn; cần phải vãng sanh Cực Lạc thế giơi cận kệ Phật và Thánh chúng thành tựu các quả vị.

Vậy muốn sanh về Tịnh Độ, chúng ta phải làm 2 việc.

1-Tu hành đủ để sanh lên cõi trời, đây là tu thập thiện. Nhưng nếu chỉ sanh lên cõi trời thường thì vẫn là tái sanh cõi Ta Bà. Ta Bà là Đại thiên thế giới của chúng ta, có tất cả các cõi trời dục giới và 3 trong 4 cõi trời sắc giới.

2-Có phước huệ và tịnh nguyện, tịnh nguyện là nguyện tu hành để vãng sanh tịnh độ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải tu hành theo Tịnh độ.

Nếu chúng ta cũng tu công phu như vậy theo các pháp môn khác của Phật giáo, chúng ta sẽ vào 1 cõi trời ngoại đạo cùng với các người tu hành ngoài đạo Phật. Tất cả các cõi trời không phải là Tịnh độ đều mang tên là cõi trời ngoại đạo, ở đó chúng ta có thể dễ dàng bị luân chuyển như các vị trời khác.

Lẽ dĩ nhiên nếu Định Huệ của chúng ta không còn non kém nữa mà đã vững vàng rồi thì chúng ta sẽ tiếp tục tu hành dù ở bất cứ cõi nào.

C- Pháp môn niệm Phật chuyển biến cái Tâm thể của chúng sanh bằng cách không để cho Tâm thể ấy duyên với vọng niệm, với 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, với huyễn cảnh, với kiến chấp, với mong cầu, với thức phân biệt v.v… Mà chỉ đem Tâm thể ấy duyên mãi với danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Không bao lâu, người niệm Phật tự nhiên đi vào chỗ vắng lặng, sáng suốt, an lạc, cãm ứng với nguyện lực của Đức A Di Đà.

Khi chúng ta tu các pháp môn khác như ngồi thiền, trì chú, khán thoại đầu v.v… chúng ta cũng không để cho tâm thể mình duyên với cuộc sống, chúng ta cũng đem tâm thể mình duyên với pháp môn mình tu vậy chúng ta cũng sẽ được các quả báo tương tự nhưng chúng ta không cảm ứng được với nguyện lực của Đức A Di Đà và không vãng sanh Tịnh độ.

D-Nếu người nào đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, suốt cả ngày (6 thời) và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được y báo và chánh báo của Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được 10 niệm tiếp nối nhau, lập tức vào Phổ đẳng Tam muội của Đức A Di Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh Độ Tây phương. Vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử.

Để có thể niệm Phật suốt ngày trong cả đời người thì phải làm cho tâm của chúng ta không duyên theo thế gian nữa.

Để được sanh về cõi trời chúng ta phải sống thuần bằng tư tưởng.

Chúng ta bắt buộc phải tu 10 điều lành đến nơi đến chốn.

Chiêu cảm được y báo và chánh báo của Phật A Di Đà nghĩa là cảm ứng với nguyện lực của Phật.

Câu 10 niệm lúc lâm chung này gây ra nhiều ảo vọng bởi vì mới nghe thấy nó dễ quá, chỉ có mười niệm thôi mà.

Trước hết xin quy vị đọc lại lời Kinh: Đã chuyên nhất xưng niệm danh hiệu suốt ngày, trọn đời mà Phật còn bảo lúc lâm chung cố giữ sao cho được 10 niệm tiếp nối nhau…

Tại sao như vậy?

1-Khi chúng ta lo buồn, tức tối, niệm Phật 10 lần khó hơn lúc bình thường. Khi lâm chung còn 10 lần khó hơn lúc lo buồn tức tối vì khi lâm chung tứ đại tan rã, thần thức qua cảnh đau đớn, khổ sở, hoang mang, sợ sệt, lẫn lộn nhưng người đó không còn biểu lộ ra ngoài được.

Các vị trời sung sướng suốt đời, Kinh nói: khi hết kiếp, 5 tướng suy hiện ra họ cũng khổ như ở địa ngục.

Như vậy 10 niệm lúc lâm chung bằng 1000 niệm lúc bình thường.

Niệm 1000 lần phải mất khoảng một giờ. Nếu chúng ta nhất tâm niệm được 1 giờ thì chúng ta cũng sẽ nhất tâm niệm được cả ngày.

2-10 niệm lúc lâm chung đây là đang niệm mà ra đi chứ không phải niệm xong rồi, 1 thời gian sau mới chết, muốn như vậy phải tỉnh táo và an lành đến chết. Phải tới chỗ:

Đến lúc lâm chung

Biết ngày giờ trước

Thân không tất cả

Bệnh khổ ách nạn

Tâm dứt tất cả

Tham luyến mê hoặc

Các căn vui đẹp

Chánh niệm phân minh.

Xả báo an lành. (báo = báo thân = thân thể)

Như vào thiền định.

Khi gần chết nghiệp cũ dần dần hết, nghiệp mới hiện ra.

Kinh nói các người sanh về cõi trời thấy chỗ mình sẽ sanh khi sắp chết.

Địa ngục cũng vậy.

Chúng ta phải nhiều công phu tu hành mới thực hiện được điều này.

E-Bởi vậy mà Ta, Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, hôm nay trân trọng xác quyết rằng: Vãng sanh đồng ý nghĩa với thành Phật, vì vãng sanh tức là thành Phật.

Muốn vãng sanh Cực Lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu tướng của Pháp thân cho nên niệm danh hiệu tức là niệm Pháp thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa.

Nhưng phải niệm Phật với mười cái tâm như ở phẩm 2 mới được Phật gọi là chân chánh niệm Phật. Mười cái tâm này có nghĩa là tâm mình không còn vướng mắc gì với thế gian.

Như đã nói ở đoạn C, môn tu nào của nhà Phật cũng cốt giữ cho tâm thể mình không duyên theo thế gian, mà chỉ duyên theo pháp môn mình tu. Nếu mình có thể nhất tâm niệm Phật, ngồi thiền, trì chú, khán thoại đầu v.v… suốt cả ngày mình làm cho căn và cảnh không ngẫu hợp được với nhau nữa, cái thức (do căn cảnh sanh ra) sẽ tan biến, thức thứ 6 tan là mình nhập chân tâm.

Nhưng mình không làm gì có khả năng chỉ niệm Phật, ngồi thiền không thôi mà mong có thể nhất tâm, không có 1 tạp niệm nào suốt cả ngày. Mình phải làm cho tâm thể không chạy theo các ham muốn thế gian đã rồi mới dùng một phương tiện như niệm Phật để phá sự phối hợp của căn cảnh. Do đó tu hành của nhà Phật bắt đầu bằng giữ giới: KHÔNG SÁT SANH, KHÔNG TÀ DÂM, VỌNG NGỮ, LẤY TRỘM để loại bỏ những ham muốn thô trộng, sau đó làm 10 điều lành (các giới trên rộng thêm ra) để trừ bỏ các ham muốn trung bình. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, chương Bốn ý nghĩa quyết định giảng về Tham Sát, Tham Đạo (đạo tặc = không cho mà lấy), Tham Dâm và Tham Vọng (vọng ngữ). Phật nói: không bỏ các tham trên mà tu thiền định thì cũng như nấu cát, đá mà mong được cơm vậy.

Nếu ai không có ý định giữ giới thì tôi xin được phép nói ngay: Phật giáo không giúp ích gì được đâu.

Đại thừa Kim Cang Kinh Luận có câu: “Ngũ giới bất trì, nhân thiên tuyệt lộ” = không giữ năm giới thì không có đường trở lại người hay lên trời.

Chúng ta đã tu tinh tấn về được Tịnh Độ rồi, lại được Phật và Bồ Tát dạy dỗ thì còn lo gì thối chuyển: vãng sanh tức là sẽ thành Phật. Chúng ta cần 1 sự tập trung mãnh liệt để phá cái phân biệt sự thức (thức thứ 6) do đó phải nhất tâm suốt cả ngày. Khi nhất tâm thì chúng ta chỉ có thế nhất tâm ở một môn thôi nhưng khi mà tâm của mình còn chạy nhảy không ngừng, mình có thể dùng nhiều phương thức để kiềm chế nó, cái đó tùy ý.

Kinh nói: tất cả chúng sanh đã sanh vào hết tất cả cõi nghĩa là chúng ta đã từng tu thập thiện sanh lên tất cả cõi trời, sau đó chúng ta lại bị luân chuyễn. Nếu 1 lần nào đó mà mình được vào Tịnh độ thì xong rồi.

F-Đây thật là pháp vi diệu thù thắng đệ nhất, mà chư Phật dùng để cứu độ khắp hết thảy chúng sanh. Đây thật là môn tu thích đáng khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết bàn tại thế, thành Phật trong một đời.

Đoạn chứng đắc Niết bà tại thế, thành Phật trong một đời, chúng ta sẽ bàn ở phẩm 5 Kinh này. Chữ căn cơ có 2 ý nghĩa.

1-Căn = cái gốc, cơ = động có

Căn cơ là cái gốc làm động cơ đưa mình vào một pháp môn nào đó. Đây là do những tu hành từ các kiếp trước, bây giờ họ tiếp tục. Số người này thực ra không nhiều. Những người này khi gặp lại pháp môn cũ thì đuổi, họ cũng không đi. Trước đó gặp các pháp môn khác họ lơ là.

Đại đa số người ta không ở trường hợp đó mà vì gặp một người nào đó, thấy cái đó hay hay thì đi theo vì vậy người ta đổi pháp môn là chuyện thường.

Chúng ta nên làm việc một cách có quy củ hơn: tìm hiểu các pháp môn, chỉ có 3-4 cái mà thôi bằng cách thăm hỏi, đọc các tài liệu, nếu cần thì thử xem rồi hãy quyết định tu pháp môn nào.

2-Căn cơ có nghĩa là trình độ cao thấp. Những người không có trình độ cao hoặc không thể tu hành nhiều mà vào Thiền Thông, Mật Tông hay Phật giáo Nguyên thủy thì khó mà có nổi định tuệ vững vàng để khỏi bị luân chuyển. Pháp môn Tịnh độ chỉ cần làm 2 điều.

-Làm 10 điều lành

-Niệm Phật

Ai là người quyết tâm mà không làm được 2 điều này?

Dốc lòng làm 2 điều này suốt đời, vì lý do gì mà không được vãng sanh?

Nhưng chính những người tu hành mà không đủ để vãng sanh là những người thu được ích lợi nhiều nhất. Thay vì luân chuyển khắp nơi, họ sẽ dễ dàng tái sanh vào 1 cõi người tốt đẹp gặp Phật pháp, từ đó họ đâu còn khó khăn gì trong việc vãng sanh.

Chúng ta đã nói nhiều lần vấn đề nhất tâm suốt cả ngày, điều này khó khăn. Xinh nhớ lại rằng muốn về Tịnh độ chúng ta cần được sanh lên hàng trời và có tịnh nguyện. Kinh A Di Đà:

Này Xá Lợi, ngươi nay tín thọ

Lời ta nay nói đó, phụng hành

Với lời chư Phật tán thành

Phát lòng chánh tín nguyện sanh lạc thành

Xá Lợi Phất, căn lành do đó

Hoặc những người đã có nguyện rồi

Người đà phát nguyện đương thời

Người mới tín thọ hội này nguyện ra

Muốn về nước My Đà Phật ấy

Các người đều được vậy, chẳng lui.

Như vậy chúng ta chỉ cần phát nguyện và dốc lòng tu hành là đủ.

Về Tịnh độ, định nhiều được ngôi cao, định ít ở ngôi thấp nhưng nếu chúng ta dốc lòng tu hành không có lý do gì để phải nghi ngờ là mình không được vãng sanh.

Nếu nhất tâm được suốt ngày thời chúng ta có hy vọng:

Sanh trong sen báu ao thất bảo

Hoa nở thấy Phật, chứng vô sanh.

Thấy Phật đây là thấy Pháp thân nên được vô sanh pháp nhẫn lên Bồ tát địa thứ 8. Đây là Đại Bồ tát vì được Vô Công Dụng Hạnh: làm tất cả mọi việc một cách tự nhiên, không suy nghĩ vì đã biết hết sự thật, không dùng nỗ lực nào vì đều dễ như chơi: vô công dụng. Đại Bồ tát này không vào Tịnh độ mà đi khắp 10 phương thừa sự chư Phật, hóa độ chúng sanh, đây là thượng phẩm, thượng sanh.

Nếu thực tâm tu hành chúng ta nên long trọng phát nguyện trước bàn thờ Phật. Như lời Kinh, dù đã, đang hay sẽ phát nguyện chúng ta cũng chỉ nên phát nguyện một lần, sau đó nỗ lực tu hành như giữ cái nguyện đó trong lòng vậy.

Nguyện đây là lời cam kết tu hành để làm cho tâm mình giống như tâm chư Phật, lúc đó tâm mình mới cảm ứng được với tâm chư Phật. Nguyện không phải là cầu xin, Đức Phật nói cả trăm lần: Ngài thương chúng sanh như La Hầu La (con trai của Phật) nều Ngài có thể đưa chúng ta về Tịnh Độ thì Ngài đã làm từ lâu rồi, không đợi chúng ta phải xin. Chừng nào chúng ta còn theo trần cảnh thì tâm ta và tâm chư Phật hoàn toàn khác biệt nhàu và chư Phật không thể làm gì hơn.

Bồ Tát Đại Thế Chí, cùng tiếp dẫn chúng sanh về Cực Lạc với Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm, nói: Thập phương Như Lai thương tưởng chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh thì tuy nhớ nào có ích gì. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì đời đời mẹ con không cách xa nhau (Kinh Thủ Lăng Nghiêm).

Nhưng pháp môn niệm Phật không phải là chỉ có thể làm cho hành giả ngộ Vô sanh pháp nhẫn khi chết. Ngộ đạo lúc chết dễ dàng hơn khi sống vì khi sống chúng ta mang cái nghiệp của kiếp này, nó chẳng phải là 1 cái nghiệp thiệt tốt đẹp nên cản trở việc ngộ đạo, cái đó gọi là nghiệp chướng. Muốn ngộ đạo phải phá được cái chướng ngại này nghĩa là phải tu hành đủ để trái với hiện nghiệp, một điều khó khăn,

Theo Tịnh Độ, lúc lâm chung vừa hếp nghiệp cũ được cái nghiếp mới cùng một lúc với sự gia hộ của Phật A Di Đà, còn gì tốt đẹp hơn nữa. Phẩm 5 Kinh Niệm Phật Ba La Mật chỉ cho hành giả cách niệm Phật để chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn ngay ở đời này. Chúng ta phải niệm Phật với cái tâm xả ly nói ở phẩm thứ 2. Tu hành với cái tâm xả ly này thì không khác gì thiền tông, lúc đó thay vì ngồi thiền, quán tưởng hay khán thoại đầu, hành giả niệm Nam Mô A Di Đà Phật.

Pháp môn Tịnh độ với tánh cách đặc biệt đơn giản mang lại 3 cái lợi lớn.

1-Có thể dễ dàng vào pháp môn này một cách đúng đắn, đây chỉ là dễ dàng đi đúng đường mà thôi.

2-Không sợ bị lạc đường, chẳng có chỗ nào có thể lạc.

3-Nếu dốc lòng tu hành là làm được đúng như lời Phật dạy lại thêm cái lợi ngộ đạo lúc lâm chung thì dù căn cơ nào cũng có thể được vãng sanh như nói trong các Kinh Tịnh Độ.

Không một pháp môn nào cho hành giả 3 điều lợi này.

Mở đầu Kinh Niệm Phật Ba La Mật, Ngài Diệu Nguyệt bạch Phật rằng trong đời mạt pháp chúng sanh không có căn lành để tu theo các pháp môn của Phật giáo, ngài xin Phật chỉ dạy một pháp môn thích hợp với thời kỳ này. Đại địa chấn động, hoa bay khắp hư không, Phật dạy: Nay ta tuyên dương giáo nghĩa bí mật vi diệu tối thắng đệ nhất, nhằm cứu độ hết thảy chúng sanh trong thời kỳ mạt pháp. Do đó chúng ta có pháp môn Tịnh Độ, một con đường thẳng tắp tới chỗ chư Phật.

Thời kỳ mạt pháp, các chúng sanh đã có công phu tu hành sanh sang chỗ tốt đẹp hơn để tiếp tục các pháp môn của họ.

TÓM LƯỢC PHẨM 5 KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT

Nhờ xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà hành giả nhìn thấy cảnh vật bên ngoài đúng như bản chất thật sự của nó, do đó không còn bị ngoại cảnh chi phối, điều phục thân tâm, chẳng còn móng khởi tâm phân biệt (nghĩa là xa lìa thức thứ 6, muốn được như vậy phải niệm Phật với tâm xã ly ở Phẩm 2).

Khi xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả không để tâm rong ruổi theo thanh trần (cũng có nghĩa là không cho thức thứ 6 xen vào) mà xoay cái nghe trở vào chơn tánh (khi không còn thức thứ 6 thì tự nhiên mình vào thức thứ 8 tức chân Duy Thức Tánh tức chơn tánh) đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm mà mỗi mỗi sát na đều hiển hiện chân như tánh. Chính nó thật là tánh nghe của mình, chẳng còn 2 tướng động và tĩnh, toàn là thể vắng lặng soi chiếu khắp 10 phương (tánh nghe cũng là thức thứ 8).

Tiếp tục hành trì niệm Phật, chẳng bao lâu tánh nghe cũng không còn, khi ấy, Phật trí tự nhiên tỏa rạng, danh hiệu Phật vẫn tương tục không gián đoạn (Phật trí là Đại Viên Kính Trí nói ở dưới đây).

Nhờ chuyên tâm xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà hành giả tuần tự chuyển Thức thành Trí (chuyển A lại da thức, thức thứ 8 thành Đại Viên Kính Trí):

-Không để thức nương theo nhân duyên mà dấy động nên chẳng thành tựu pháp y tha khởi (Y là theo, tha là cái ở ngoài).

-Vì không có sự tham dự của ngã và ngã sở nên không còn Biến Kế Sở Chấp (do suy tính đo lường rồi chấp vào cho là có thất; hai cái này là thức thứ 6).

Chỉ còn danh hiệu Phật vẫn tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm mà mỗi mỗi sát na đều biểu hiện vô thượng diệu viên thức tâm tam muội tức là chân duy thức tánh (tánh này là thức thứ 8).

Tiếp tục hành trì niệm Phật thì chẳng còn nhìn thấy huyễn tướng vạn pháp bên ngoài và chẳng còn bắt gặp 8 thức ở bên trong. Khi Chân duy thức tánh (Thức A Lại Da = thức thứ 8) biến mất Đại Viên Kính trí tự nhiên phơi bày, danh hiệu Phật sẽ dẫn dắt hành giả đi vào tánh viên thành thật (tức Đại Viên Kính Trí) chứng vô sanh Pháp nhẫn (Thức A lại da là gốc sanh ra các pháp, phá được thức này thì thấy các pháp vốn vô sanh, tức là không bao giờ có thiệt).

 

8. KINH A DI ĐÀ

Chư Phật xuất thế chỉ có mục đích chỉ bảo cho chúng ta cái chân tâm của mình để chúng ta tu hành trở về đó, Phật bảo là trở về cố hương của chính mình: vì ra khỏi biển khổ sanh tử nên cũng gọi là được giải thoát.

Kinh nào cũng chỉ để làm cái đó nên kinh nào Ngài cũng bảo: Kinh này là bậc nhất, không kinh nào hơn; ba đời chư Phật và pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác đều từ kinh này ra.

Ngắn nhất là Bát Nhã Tâm Kinh: chư Phật đều y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa được vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Kinh A Di Đà: Nhất thừa thọ ký được rồi.

  Vô thượng chánh giác ấy ngôi hầu gần.

Vậy trong kinh này, Phật khai thị chân tâm cho chúng ta như thế nào?

1-Xá Lợi Phất, chẳng tên gì các nghiệp

  Huống chi là có thiệt hay sao.

Tất cả chúng sanh đều có nghiệp, kể cả thân sau cùng của chư Phật; khi các ngài nhập vô dư niết bàn mới hết nghiệp.

Chỗ không có nghiệp đó, ở ngoài thế gian, chính là chân tâm là niết bàn.

2-Ai cũng nghe câu: ba đời là một niệm.

Các đại bồ tát và chư Phật khi muốn thì thấy ngay ba cõi ba đời rõ như ở trước mắt mình. Nếu các ngài muốn thấy một chúng sanh hiện đang ở địa ngục, khi chúng sanh đó thành Bồ tát nhất sanh bổ xứ ra sao thì liền thấy ngay. Có thể thấy tất cả chúng sanh đều là nhất sanh bổ xứ bồ tát, hay đều là Phật.

-Vì vậy chúng ta vẫn đảnh lễ 3 đời chư Phật cùng một lúc.

-Kinh A Di Đà: Thuở trong các vị cao ngôi.

   Nhất sanh bổ xứ số thôi quá nhiều

   Dẫu tính toán bao nhiêu chẳng xiết

   Nên số xưng chỉ thuyết vô biên.

Chân tâm khi đó mang tên đại viên kính trí: cái trí hiểu biết như cái gương lớn tròn trong đó hiện đủ hình ảnh 3 cõi 3 đời khi muốn thấy.

3-Chẳng phải chỉ có chúng sanh hữu tình mà tất cả cãnh vật vô tình cũng đều do chân tâm biến hóa ra, nên nói bất cứ cái gì thật ra là nói chân tâm vì cái kia không tồn tại.

Chim hót thì:    Dịu dàng thủa tiếng thuận hòa pháp âm

  Diễn những pháp ngũ căn ngũ lực

  Thất bồ đề, bát chánh đạo phần

  Diễn ca các pháp phân minh

  Người nghe phớn phở thêm sanh căn lành

  Đều niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng.

Gió rung cây thì: Tiếng ra vi diệu như ngàn nhạc âm

Nghe tiếng ấy thiện tâm phấn chấn

Đều dấy lòng niệm Phật Pháp Tăng.

4-Kinh Pháp Hoa, Phẩm Như Lai Thọ Lượng.

Trước khi thuyết phẩm đó, Phật ân cần bảo đại chúng phải ráng sức mà hiểu. Sau đó là phẩm phân biệt công đức nói lên công đức vô lượng vô biên của phẩm trên: biết Như Lai thọ lượng là biết chân tâm là biết niết bàn.

Kinh A Di Đà: Xá Lợi, bên cõi lạc thành

  Phật kia thọ mạng trường sanh không lường

  Người trong nước vô cương thọ khảo

  Tính không cùng thọ báo hằng hà

  Nên xưng danh gọi Mi Đà

  Tán dương đức Phật hằng sa thọ trường.

Đây chính là phẩm Như Lai thọ lượng trong kinh Pháp Hoa.

Các mục trên như vậy là vì trong cảnh giới vô tướng, các pháp thế gian tuyệt đối không tồn tại; chỉ có chân tâm vọng tưởng như vậy như vậy mà thôi (xem bài Tám thức).

Không khác gì người bị bệnh ảo tưởng (hallucination) vọng tưởng ra 5-7 thứ, chẳng thứ nào có thiệt ở đâu cả. Cái có thiệt duy nhất chính là người bệnh đó.

Qua danh hiệu cực lạc, Phật đã khai thị chân tâm rõ ràng.

Từ chân tâm vọng đi ra ngoài, tu hành là đi ngược trở lại về chân tâm, “về quê cũ của mình”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm:

Bản tánh xoay về vốn không hai

Phương tiện tu chứng có nhiều cách

Cách nào cũng thông vào bản tánh

Nói thuận nghịch chỉ là phương tiện.

Tuy cách nào cũng thông vào bản tánh nhưng mỗi cõi mỗi khác:

Kinh Duy Ma Cật, Nước Chúng Hương: “Phật cõi tôi không dùng văn tự để nói, chỉ dùng các mùi hương làm cho các trời người được luật hạnh…”

Cõi Ta Bà dùng âm thanh làm thể nên chúng ta dùng ngôn ngữ mọi nơi và tu hành theo nhĩ căn là tốt nhất.

Rồi mỗi người mỗi khác nên Phật đưa ra nhiều phương tiện cho chúng ta “thông vào bản tánh”.

Mật tông là các chân ngôn.

Hiển giáo là Nam Mô A Di Đà Phật. Kinh Niệm Phật Ba La Mật : vì danh hiệu chính là biểu tướng của Pháp thân cho nên niệm dạnh hiệu chính là niệm Pháp thân Phật vậy. Kinh dạy cách niệm Phật : người niệm Phật chỉ buộc tâm vào danh hiệu Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh, quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức biết là đang niệm Phật.

Niệm được như vậy hiển nhiên có cơ hội thông vào bản tánh vì xả bỏ được thế gian :

Hết tâm tam giới là tâm Niết bàn.

Lẽ dĩ nhiên ai không đủ hơi nhất là người già thì niệm thầm, điều cần nhất là mình để ý vào từng câu từng chữ.

Theo thiển ý của tôi, 2 cách cùng hiệu nghiệm vì đều vào trong ý thức (thức thứ 6). Cả ý căn và nhĩ căn đều là căn viên thông : 1200 công năng, Kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Như vậy rất rõ ràng : làm đúng như lời Phật dạy, kết quả không thể sai lệch được.

 

9. KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

LỜI MỞ ĐẦU

Đọc Kinh Địa Tạng, thường thường người ta có hai thái độ :

-Tin hoàn toàn lời Kinh, không thắc mắc chi cả.

-Thấy nhiều đoạn trong Kinh hoàn toàn vô lý, không đúng với sự thật.  Sở dĩ như vậy là vì người ta không hiểu giáo lý nhà Phật.

Giáo lý đó như sau:

Cái tánh hiểu biết của chúng sanh như quý vị đang biết tờ giấy này, gọi là chân tâm, là Phật tánh v.v…

Cái đó vì vô minh vọng tưởng ra thế giới và chúng sanh y như chúng ta đang mơ mộng, như trong giấc mơ ban đêm hay như ảo tưởng (hallucination) của người bị bệnh thần kinh.

Vậy chỉ có cái chân tâm đó mà thôi, thế giới chúng sanh không làm gì có thiệt ở bất cứ đâu.

Ai nhận ra đươc chân tâm, gọi là ngộ đạo, thì thấy ngay là thế giới, chúng sanh là không có thiệt.

Cái này khó vô cùng và Phật dùng hàng ngàn cách thức để đưa chúng ta dần dần vào cái sự thật đó.

Thí dụ trang 177

Người phạm tội vừa bước đến cửa ngục mà có thể niệm đặng danh hiệu của đức Phật, của một vị Bồ Tát, cùng một câu, một kệ kinh điển đại thừa, ông nên hiện thân ra trước kẻ đó, phá tan địa ngục.

Niệm đặng danh hiệu Phật, Bồ Tát hay đọc được một câu, một kệ kinh điển đại thừa có nghĩa là thấy được chân tâm.  Khi đó sẽ nhận (réaliser) rằng địa ngục thực ra chẳng có ở đâu, chứ chẳng phải là Bồ Tát Địa Tạng phá tan. Từ trước mình cứ tưởng thật có địa ngục. Bài sau đây sẽ nói rõ hơn vấn đề này.

Sách vở thế gian chia ra đủ thứ, đủ cấp bậc từ mẫu giáo đến tiến sĩ đủ các ngành.

Kinh Phật mà viết như vậy thì không ai biết mình phải đọc thứ nào vì vậy Phật bao gồm hết tất cả vào trong mỗi quyển kinh rồi tùy theo căn cơ người đọc, họ sẽ nhận được phần tương ứng với họ.

Chỉ có Phật mới có khả năng làm điều này.

Vậy nếu quý vị thắc mắc chi thì cứ để cái đó trong đầu óc, một ngày kia nó sẽ sáng ra.

Xin kể tặng quý vị một thí dụ:

Ngày xưa một thiền sư đọc 2 câu Kinh Pháp Hoa:

Chư pháp tùng bổn lai

Thường tự tịch diệt tướng.

Ngài thắc mắc tại sao tất cả các pháp trong thế gian từ xưa tới nay lại đều là chân tâm, tánh tịch diệt là một tên của chân tâm.

Ôm cái thắc mắc đó trong lòng, một ngày mùa xuân thấy con chim hoàng oanh hót trên cây liễu, ngộ đạo, ngài đặt thêm 2 câu kệ phụ họa cho 2 câu kinh

Xuân đáo tức hoa khai

Hoàng oanh đề thượng liễu

nghĩa là mùa xuân trở lại thì hoa nở, chim hoàng oanh hót trên cây liễu.

Ý nghĩa của cả bốn câu đó là:

Các pháp xưa nay vốn là chân tâm, khi nhân duyên tới thì sanh ra các pháp thế gian y như khi xuân đến thì hoa nở chim hót.

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Việt dịch: H.T. Thích Trí Tịnh.

Buddha Education Foundation ở Đài Loan xuất bản năm 2001.

Đây là cuốn Kinh quan trọng bậc nhất của nhà Phật vì:

-Phật giảng giải rõ rệt về chân tâm.

-Chúng sanh đã tạo nghiệp ác, xuống 3 cõi xấu như thế nào?  Chân tâm đã cứu độ như thế nào?

-Phật nhắc đi nhắc lại công đức đọc Kinh này vì thấu triệt 2 điểm trên là điều quan trọng nhất trong việc tu hành:  Chư Phật bình đẳng, gia hộ cho tất cả chúng sanh nhưng chúng ta chỉ có thể nhận được sự gia hộ đó nếu:

1- Chúng ta biết mình sai lạc như thế nào và tìm cách sửa đổi, gọi là tu hành.

2-Chúng ta phải biết chư Phật cứu độ như thế nào mới có thể nhận lãnh (khai thác) sự cứu độ đó.

Vì vậy Kinh này thường được đọc để sám hối, xin được cứu vớt nhất là cho người mới mất.

Tâm của tất cả chúng sanh và tất cả chư Phật không phải là hai.  Tâm đó vừa minh vừa vô minh, vì vô minh nên vọng tưởng ra chúng sanh đi trong sanh tử luân hồi, vì minh nên được gọi là Chư Phật, dùng mọi phương tiện cứu vớt chúng sanh, đưa họ vào con đường giải thoát.

Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm 22: Như Lai chỉ có nhất tâm, an trụ, chẳng động, do sức tự tại, vô lượng thân hình biến hóa ra đều làm cho có tâm.

Mỗi thân hình biến hóa đó là một chúng sanh, tâm của mỗi chúng sanh là do tâm chư Phật làm ra.  Nghĩa là cả thế giới chúng sanh đều do chân tâm biến hóa ra không làm gì có thật.  Đó chính là CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG.

Tổ Huệ Năng nói: Bổn lai vô nhất vật nghĩa là từ vô thỉ tới nay không có một vật nào.

Vào Kinh trang 13, bất khả thuyết bất khả thuyết chư Phật và Đại Bồ Tát đến hội;  sau đó các chúng sanh khác đến dự.

Trang 17:  Đức Phật hỏi ngài Văn Thù Sư Lợi:  Tất cả chư Phật, Bồ Tát và chúng sanh như vậy, ông có biết là số bao nhiêu không?

Ngài Văn Thù trả lời:  Dùng thần lực của Ngài để tính đếm trong ngàn kiếp cũng không biết là số bao nhiêu.

Phật bảo:  Đến ta dùng Phật nhãn hãy còn không đếm xiết.  Tất cả số Phàm Thánh này đều của Ngài Địa Tạng Bồ Tát đã, đang và sẽ độ.

Bởi vì sự thực không có 1 chúng sanh nào cả nên Bồ Tát Văn Thù và Phật không thấy có ai mà đếm nhưng nếu các ngài nói không có ai thì chúng ta không thể hiểu được nên các ngài phải nói không thể đếm xiết để rồi dần dần đưa chúng ta vào cảnh giới không có ai đó cũng gọi là cảnh giới vô tướng.

Kinh Kim Cang: Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. (Hễ có hình tướng đều là hư vọng).

Đây là cảnh giới Pháp thân, cảnh giới tự chứng tự giác không có năng sở (chứng = giác = biết) nên không thể biết được vì tất cả các thứ biết đều có năng biết sở biết (có ra cái này, cái kia).  Siêu việt Phật nhãn là cảnh giới tự giác.  Các Đại Bồ Tát được sai biệt trí biết các pháp đều do chân tâm biến hóa ra khác biệt nhau như thế nào.  Sau cùng là vô sai biệt trí:  biết các pháp đều do chân tâm biến hóa ra, không có gì sai biệt.

Kinh Viên Giác: Thành pháp (tu hành) phá pháp (không tu hành) đều là Niết bàn; trí tuệ ngu si thông gọi bát nhã; Bồ tát ngoại đạo đồng là bồ đề; giới định huệ và dâm nộ si đều là phạm hạnh; địa ngục thiên cung đều là tịnh độ.  Pháp giới hải tuệ (chân tâm) chiếu soi các tướng cũng như hư không (không có gì cả).

Chúng ta không thể dùng cái óc nhị nguyên có năng có sở để hình dung cảnh giới sai biệt và vô sai biệt này.

Tất cả các Phàm Thánh đó đều của Ngài Địa Tạng đã, đang và sẽ độ, vậy Ngài Địa Tạng là biểu tượng của Pháp Thân, của chân tâm.

Trang 94: Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề được nghe danh hiệu hoặc được thấy hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát cho đến nghe chừng 3 chữ hay 5 chữ trong kinh này hoặc một bài kệ hay 1 câu thời những người đó hưởng sự an vui lạ thường.

Vậy nghe 3 chữ, 5 chữ, 1 bài kệ hay 1 câu Kinh này cũng như nghe danh hiệu thấy hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát.

Tại sao vậy?

Kinh Đại Bát Niết Bàn phẩm 22:  Nếu có người nghe 1 câu, 1 chữ kinh Đại Bát Niết Bàn, trong tâm chẳng thấy có quan niệm tướng chữ, tướng câu, chẳng có tướng nghe, tướng Phật, tướng nói pháp, đây gọi là vô tướng. Do tướng vô tướng nên được vô thượng Bồ Đề.

Vậy nghe một chữ, một câu Kinh, nghe danh hiệu, thấy hình tượng Phật, Bồ Tát hay thấy nghe bất cứ cái gì đều phải biết rằng tất cả những cái đó không làm gì có thiệt, vào được cảnh giới vô tướng, thấy thật tướng của các pháp đều là chân tâm được vô lượng công đức.  Kinh điển, Phật và Bồ Tát chỉ là biểu tượng của chân tâm.

Phật là chức vị để chỉ các Đại giác Bồ Tát, các vị đã tu xong hoàn toàn.  Phật hay Bồ Tát cứu vớt chúng sanh cũng đều là hành Bồ Tát đạo.

Trong các Kinh Hoa Nghiêm (phẩm Thập định) Kinh Tâm Địa Quán và Kinh Đại Bi Đà La Ni, Phật lần lượt dạy: các vị Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi và Quán Thế Âm đều là các Cổ Phật nghĩa là Phật tánh, chân tâm.

Sau đó nhiều chỗ trong Kinh nói:  nghe danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát, thấy hình tướng Ngài mà lễ bái v.v…được vô lượng công đức.  Nghe danh hiệu, thấy hình tượng của Bồ Tát là thấy biết chân tâm, là ngộ đạo nên được công đức như vậy.

Trong 48 nguyện của Đức Phật Vô Lượng Thọ 12 nguyện là công đức do được nghe danh hiệu Ngài.  Danh hiệu Phật là biểu tượng của Pháp Thân (Kinh Niệm Phật Ba La Mật), nghe danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ cũng có nghĩa là thấy biết Phật Vô Lượng Thọ cũng có nghĩa là thấy biết được Pháp Thân.

Rõ ràng hơn nữa, trang 33, phân thân của Địa Tạng Bồ Tát hiệp với các chúng sanh đã được giải thoát ra khỏi chốn nghiệp đạo, đồng cầm hương hoa đến cúng dường Phật: Trong tâm của các chúng sanh này đều ‟có ” Địa Tạng Bồ Tát.

Trang 35-36 Phật phân thân, trang 38 Địa Tạng Bồ Tát phân thân đi cứu độ chúng sanh.  Các phân thân Phật, Bồ Tát đó đều là tâm của chúng ta.

Cảnh khổ ở địa ngục và thời gian chịu tội ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, nhưng đều ‟có thiệt ”.

Vì chúng ta cho rằng mình và thế giới chung quanh là có thiệt nghĩa là đã được các vị nào đó làm ra thì cảnh địa ngục hoàn toàn vô lý:  không có vị nào tàn ác tới mức độ đó.

Hơn nữa tất cả tội ác đưa xuống địa ngục đều do người Diêm phù đề (như nói trong Kinh) nghĩa là chúng ta làm ra.  Loài người chúng ta không làm bất cứ tội gì để đáng bị những khổ ghê gớm như vậy.

Nhưng vì thế gian là không có thiệt, chỉ do tâm mình điên đảo vọng tưởng ra mà vọng tưởng thì không có giới hạn.  Chẳng những tất cả những cái mình có thể tưởng tượng nổi, chân tâm đều có thể vọng tưởng ra mà ngay cả những cái mình không nghĩ tới nổi vẫn ‟ có thiệt ” như thường thí dụ địa ngục A tỳ và rất nhiều cõi trời (Kinh Trường A Hàm) tất cả chúng sanh trong đó đều cùng một cái thân, mỗi chúng sanh có 1 tâm riêng; chỉ có Phật mới biết trong đó có bao nhiêu chúng sanh.  Cõi khác tất cả chúng sanh đều cùng 1 cái tâm mà mỗi chúng sanh có 1 thân riêng biệt.

Nhân quả tạo nghiệp ra sao là điều tối quan trọng cần phải hiểu biết rõ ràng.

Ai biết rõ cái này thì dù cho vàng họ cũng không làm ác để rồi xuống 3 cõi xấu chịu khổ cả tỷ năm.  Trái lại họ sẽ làm tất cả điều tốt để về các cõi trời sung sướng cũng cả tỷ năm.

Lý do khiến chúng ta không hiểu rõ được luật nhân quả là vì chúng ta nghĩ rằng những cái tốt hay xấu được GHI lại trong tâm khảm ta mà ghi lại thì trước hết chỉ ghi được sơ sơ và rồi nó sẽ phai lạt đi như ta ghi nhớ các việc đã xảy ra.

Không phải như vậy đâu.

Tất cả mọi sự trong thế gián đều tồn tại nguyên vẹn trong tâm của chúng ta cùng tận vị lai.

Kinh Pháp Hoa: Ngôi pháp trụ pháp vị

Tướng thế gian thường còn.

Tất cả mọi pháp của thế gian đều trụ ở ngôi thứ, vị trí của nó (do nghiệp vô minh biến hóa ra) và mọi hình tướng thế gian thường còn mãi mãi.  Các Kinh khác gọi cái này là pháp giới thường trụ. Vì vậy mà Đức Đại Thông Trí Thắng thành Phật từ bất khả thuyết kiếp mà trí vô lậu của Đức Thích Ca thấy cái đó rõ như ngày nay.

Phẩm 2 Kinh Niệm Phật Ba La Mật: Phải thấy hoạt dụng của Lý Nhân Quả dung thông ba đời đó là quá khứ, hiện tại, vị lai rõ ràng như những đường chỉ dọc ngang trên lòng bàn tay.

Vì vậy Bồ Tát Địa Tạng dạy (trang 75) chúng sanh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo, dầu đến mảy mún đều phải chịu lấy.

Chẳng phải chỉ Phật giáo biết rằng sau khi chết tất cả thiện ác một đời hiện ra mà người tây phương cũng thấy như vậy.

Chương 4 quyển Trở về từ cõi sáng (internet: bấm tên sách).  Bác sĩ Henri Desrives hứa với con, Bác sĩ Pierre Desrives rằng sau khi chết nếu ông thấy có gì lạ ở thế giới bên kia ông sẽ tìm cách liên lạc.  Hai năm sau khi chết, nhân viên bệnh viện cầu cơ, B.S. Henri nhập vào, yêu câu gọi B.S. Pierre và các con khác lại. Bài cầu cơ có đoạn như sau: cả một cuộc đời của cha từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành bỗng hiện ra rõ rệt như trên màn ảnh.  Từ việc gần đến việc xa, ngay cả nhứng chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đều hiện ra rõ rệt trong tâm trí của cha. Hơn bao giờ hết, cha ý thức tường tận các hành vi của mình, các điều tốt lành, hữu ích mà cha đã làm cũng như các điều xấu xa, vô ích mà cha không tránh được. Tự nhiên cha thấy sung sướng về những điều thiện đã làm và hối tiếc về những điều mà lẽ ra cha không nên làm. Cả một cuôn phim đời hiện ra một cách rõ rệt cho đến khi cha thấy mệt mỏi và thiếp đi.

Chúng ta đang ở đời ngũ trược, ác bá nên chết đi đại đa số xuống 3 cõi xấu vì vậy mà sâu bọ, trùng kiến, tôm tép, sò ốc nhiều vô kể.

Trang 93 Phật dạy:  Tất cả những cử chỉ động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề không có điều gì chẳng phải là tội lỗi.

Trang 97:  Ngài Địa Tạng cũng đưa ra nhận xét như vậy.

Chúng ta đang ở giai đoạn chót của 1 tiểu kiếp khi mà các ác dục vô cùng mạnh.  Tất cả những cái ta nghĩ, nói và làm đều nhằm một mục đích: Lợi cho mình.  Lúc hết tiểu kiếp, đời sống con người chỉ còn 10 năm, không khác súc vật bao nhiêu.

Làm ác như vậy thì làm lành cũng theo cùng một nguyên tắc:  tâm mình sáng sủa đẹp đẽ và vọng tưởng ra các cảnh giới tốt đẹp.

Trang 144: cứ làm một phần sự lành, thời được hưởng báo tốt một muôn lần trội hơn.

Tốt nhiều hay ít tùy thuộc ở nỗ lực bỏ ra.  Một người rất nghèo bố thí một thời như nhà triệu phú bố thí hàng ngàn.

Trang 136-137: Nếu có thể đủ tâm từ bi lớn bố thí những kẻ hết sức nghèo túng nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây mù quáng được phước lợi bằng phước lợi cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy.

Cúng dường chư Phật dễ dàng hơn vì phước lợi chắc chắn còn bố thí cho kẻ nghèo túng tật nguyền thời phước lợi chẳng rõ ràng nên Kinh nói rằng ai làm được điều đó thì thực là có tâm từ bi lớn.

Về việc hộ niệm cho người mới mất, trang 104 và 105: Hàng thân quyến muốn vì người chết mà tạo phước lợi, làm tất cả việc về Thánh đạo, thời trong 7 phần công đức, người chết nhờ đặng một phần còn 6 phần thuộc về người lo tu tạo đó.

Vậy rõ rệt là chúng ta phải làm nhiều nỗ lực mới có nhiều phước lợi, làm những việc dễ dàng chẳng mất công của gì thì phước lợi chẳng là bao.

Ngay sau khi chết thần thức qua cảnh khó khăn, trang 105, thần hồn vơ vẩn mịt mờ… như ngây như điếc… bị muôn nghìn sầu khổ ở trong 49 ngày, luôn luôn trông mong hàng cốt nhục tu tạo phước lành để cứu vớt cho.  Trong trường hợp như vậy được chút ít phước đức cũng quý lắm.

Qua khỏi 49 ngày thì cứ theo nghiệp mà thọ lấy quả báo (trang 105).

Vì đời ngũ trược, tham dục đã thành lối sống thông thường của mọi người, nếu chúng ta cứ buông trôi như vầy thì không cách nào tránh được những quả báo xấu xa.  Tu hành, tránh ác làm lành là bắt buộc chứ không phải tùy ý, muốn làm thì làm, không làm thì thôi mà yên đâu.

Tất cả Kinh Đại Thừa đều có một mục đích: chỉ bảo cho chúng sanh cái chân tâm để cho chúng sanh tu hành, trở về được chân tâm gọi là thành Phật, là được giải thoát.  Kinh Pháp Hoa: Tam thế chư Phật ra đời chỉ để KHAI THỊ tri kiến Phật cho chúng sanh NGỘ NHẬP.

Từ những Kinh ngắn nhất, như Bát Nhã Tâm Kinh, 1 trang cho đến Bộ Hoa Nghiêm 4000 trang chỉ có mỗi mục đích này. Sở dĩ có nhiều Kinh như vậy là vì chúng sanh có nhiều căn cơ khác nhau nên Phật đưa ra nhiều phương tiện để chúng ta vào đạo.

Vậy tại sao Kinh Địa Tạng lại quan trong như vậy.

Ngoài việc giảng dạy rõ ràng về chân tâm, Kinh này giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng, điểm này rất quan trọng, nhất là ở những giai đoạn đầu của công phu tu hành.

Tất cả thế gian đều do vô minh mà có, vậy gốc của tất cả các nghiệp đều từ vô minh nên gọi là nghiệp vô minh.

Cái nghiệp vô minh này làm cho tâm động, sanh ra tướng năng kiến.  Cái năng này chính là cái ngã của chúng ta, cái ngã thế gian.  Cái ngã này đi tạo các nghiệp thế gian, tất cả các thứ nghiệp này làm chúng ta thích cái vui sanh tử, làm chướng ngại công phu tu đạo giải thoát nên gọi là nghiệp chướng.

Sám hối của nhà Phật tiêu diệt tất cả các nghiệp này và phá được nghiệp chướng và việc tu hành được dễ dàng hơn.

Kinh Địa Tạng rất phù hợp cho việc sám hối vì 2 lý do:

1-Kinh phân biệt rõ ràng cái khổ của địa ngục và xác định những quả báo xấu đó là do loài người chúng ta làm ra.

2-Kinh chỉ rõ ngài Địa Tạng Bồ Tát, biểu tượng của chân tâm, đi cứu vớt các chúng sanh như thế nào.

Đọc Kinh đó không khác gì chúng ta nhìn nhận rằng chúng ta làm các điều sai lầm và xin được cứu vớt.

Vì vậy trước khi đọc Kinh đó chúng ta phải lễ Phật, bày tỏ rằng từ vô thỉ tới nay chúng ta đã làm rất nhiều điều xấu ác gây chết chóc thiệt hại cho các chúng sanh khác, ngày nay chúng ta xin được sám hối các tội đó và cam kết không bao giờ còn tái phạm nữa.  Lẽ dĩ nhiên là chúng ta sẽ giữ lời cam kết này.

Tuy chúng ta đã chịu tất cả các quả báo xấu của các tội lỗi rồi nhưng đó chỉ là trả nợ cho các việc làm xấu mà thôi.  Chúng ta không thay đổi gì cái gốc xấu xa của chân tâm nó khiến chúng ta làm tội.

Bằng cách thẳng thắn nhìn nhận các sai lạc, hối tiếc và không làm nữa, chúng ta làm sạch chân tâm tiêu diệt được cái gốc xấu của tâm mình, phá được gốc nghiệp vô minh, tiêu diệt được nghiệp chướng.

Kinh Duy Ma Cật: Tâm nhơ nên chúng sanh nhơ, tâm sạch nên chúng sanh sạch, tâm như thế nào thì tội cấu như vậy.

 

10. NHÂN XUẤT THẾ

Kinh Pháp Hoa: Từ lúc Đức Đại Thông Trí Thắng thành Phật đến nay lâu xa đến nỗi dù thày dạy toán cũng không thể tính biết nổi.

Hồi đó chúng ta cũng là chúng sanh và từ đó đến nay chúng ta đã qua tất cả các cõi mỗi cõi rất nhiều lần nghĩa là chúng ta đã tu các điều lành vô số lần, lên hết các tầng trời rồi mà tại sao chúng ta không vào đường giải thoát.

Phật giáo bảo là chúng ta không có chánh kiến, không theo chánh pháp. Chánh kiến cũng gọi là trí tuệ và chánh pháp đây có nghĩa là chúng ta phải tu hành theo đường lối xa lìa thế gian để thoát ly sanh tử.

Con đường giải thoát dễ dàng nhất là tu về một cõi tịnh độ, đó là một cõi trời có Bồ tát và Phật giúp đỡ để chúng ta tu hành tiếp.

Kinh Niệm Phật Ba La Mật dạy rằng khi chúng ta tu đủ các điều lành, được sanh về cõi trời nếu chúng ta có phước huệ thì tâm sẽ khai mở, chúng ta sẽ thấy các cõi tịnh độ rồi sanh về đó.

Phước thì chúng ta có rồi vì đã tu đủ các điều lành để sanh lên trời nhưng huệ tức trí tuệ tức chánh kiến thì chúng ta chưa bao giờ có.

Sở dĩ như vậy là vì chúng ta còn thích cái vui ở thế gian, một khi mình thích thì cứ theo phước đức mình sanh vào cõi nào đó.

Cõi người bị cái DỤC lôi kéo, ta hưởng thụ đày đủ và còn tệ hơn nữa nếu ta lợi dụng địa vị của mình.

Cõi trời thì bị cái NGÃ nó hành, các vị trời thấy các cõi kia và họ cho rằng họ là nhất rồi, cứ việc hưởng thụ.

Đó là động cơ đưa chúng ta lên xuống trong 6 nẻo luân hồi.

Những người ngộ đạo dễ dàng, họ đã tu theo Phật giáo từ lâu, không ham thích gì thú vui ở đời như vua Trần Thái Tông, vua Trần Nhân Tông.

Sanh ra trong đời ngũ trược, vào thời mạt pháp, Kinh nói chúng ta không có căn lành nghĩa là chúng ta chưa tu hành gì nhiều. Nói rằng phải bỏ thế gian, bỏ thân tâm thì không ai nghe được và kẻ viết bài này cũng chẳng làm được.

Nhưng nếu chúng ta tin rằng 6 cõi chúng sanh lên xuống theo nhân quả, ít ra chúng ta cũng có thể đồng ý một điểm: làm sao để không xuống 3 cõi xấu.

Muốn như vậy chúng ta phải giữ giới 50% theo lời Phật dạy về Tình và Tưởng trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm:

Tình là tình cảm, những thứ ta thích.      

Tưởng là bỏ tình cảm, hướng về lý tưởng.

Toàn là tình thì xuống đĩa ngục, toàn là tưởng thì lên trời.

Tình và tưởng phải bằng nhau mới trở lại làm người được nghĩa là chúng ta chỉ có thể sống vừa đày đủ, không xa hoa và phải tránh những ham muốn không cần thiết. Cái này khó khăn nên Phật luôn luôn nhắc nhở: một khi mất thân người, lâu lắm mới trở lại được.

Những việc làm cần thiết nếu có quả báo xấu cũng nhẹ thôi vì mình không có ý vui thích trong đó. Xin nhắc lại ý nghiệp là cái nghiệp chính, khẩu nghiệp và thân nghiệp là nghiệp phụ vì chỉ đi theo ý.

Những việc làm không cần thiết mà vì ham muốn gây nhiều quả báo xấu. Thì dụ: tìm kiếm những thứ tốt, hay, đẹp, các món ăn ngon.

Được trở lại làm người rồi bây giờ chúng ta phải tạo cái nhân để khi đó tiếp tục tu hành, không đi xuống. Muốn có cái nhân này, chúng ta cần hiểu biết rõ rệt giáo lý nhà Phật để có được một ý muốn chắc chắn thoát ly sanh tử. Có được ý muốn này, khi làm các điều lành nói trên chúng ta nguyện rằng những phước đức đó sẽ giúp chúng ta tu đạo giải thoát chứ không phải để có các tốt đẹp vui sướng kiếp sau.

Nếu quý vị luôn luôn có được ý muốn giải thoát, chắc chắn kiếp sau quý vị sẽ lại có ý muốn đó, bây giờ gây nhân như vậy, kiếp sau quả báo như vậy.

Tu hành nhiều hay ít không quan trọng lắm vì sớm muộn 5-10 kiếp chẳng có nghĩa lý gì. Cần nhất là thẳng một đường đi ra, dù chậm chạp chúng ta vẫn có được cái nhân duyên xuất thế.

Tóm lại, muốn thoát ly sanh tử, ít nhất chúng ta phải tu đủ để trở lại làm người và trong khi tu hành chúng ta luôn luôn hồi hướng về đạo giải thoát. Khi quý vị đã quen đi rồi, cái ý muốn thoát ly sanh tử đã thành tất nhiên trong đầu thì tự nhiên quý vị đi trong đạo giải thoát mãi mãi, chẳng nguyện hay hồi hướng làm chi nữa.