đại thừa cửu bộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘九部) Chín thể tài kinh Đại thừa trong 12 thể tài kinh. Đó là: 1. Tu đa la: Khế kinh, tức là văn xuôi (trường hàng), nói thẳng pháp tướng, tùy nghĩa lí mà có câu dài, ngắn, số chữ không nhất định. 2. Kì dạ: Ứng tụng, trùng tụng, trùng tụng kệ. Tức là nhắc lại ý nghĩa của văn xuôi, hoặc hai câu, bốn câu, sáu câu, tám câu, cho đến nhiều câu. 3. Già đà: Phúng tụng, cũng gọi Cô khởi tụng. Không nhắc lại ý của văn xuôi mà nói ngay vào câu kệ, như phẩm Không trong kinh Kim quang minh và bài kệ A nan tán Phật trong kinh Lăng nghiêm. 4. Y đế mục đa: Bản sự. Như lai nói về những việc tu hành của các Bồ tát ở nhân vị. 5. Xà đa già: Bản sinh. Phật nói về việc thụ sinh của các Bồ tát ở bản địa và việc tu khổ hạnh của Ngài khi còn là Bồ tát. 6. A phù đạt ma: Vị tằng hữu (chưa từng có), cũng gọi Hi pháp (pháp hiếm có). Tức là đức Phật nói về những sự kiện chưa từng có, rất hiếm. Như khi Phật vừa sinh ra, liền đi bảy bước, chỗ dấuchân đều có hoa sen, phóng ra ánh sáng chói lọi chiếu khắp các thế giới trong mười phương và tự nói độ tất cả chúng sinh thoát khỏi sống, già, bệnh, chết, quả đất rúng động, các trời mưa hoa, trỗi nhạc, cây cối phát ra âm thanh v.v… 7. Ưu đà na: Tự thuyết, không có người thưa hỏi, Như lai dùng trí tuệ quán xét căn cơ của chúng sinh mà tuyên giảng. Như trên hội Lăng nghiêm, Như lai tự nói 50 Ma sự mà không đợi A nan thưa hỏi, cũng như kinh A di đà, không có duyên khởi, Phật tự bảo Xá lợi phất v.v… 8. Tì Phật lược: Phương quảng, tức là lí thể của các kinh, chỉ cho kinh điển Đại thừa phương đẳng, nghĩa lí rộng lớn như hư không. 9. Hòa già la: Thụ kí, Như lai thụ kí cho các Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn sẽ được thành Phật, như trong kinh Pháp hoa, Phật thụ kí cho bồ tát A dật đa thành Phật hiệu là Di lặc. [X. kinh Đại bát niết bàn (bản Bắc) Q.3, Q.5; kinh Pháp hoa Q.1 phẩm Phương tiện; Thiện kiến luật tì bà sa tự (tiếngPàli); Trường bộ kinh chú]. (xt. Cửu Bộ Kinh).