đại thừa chỉ quán pháp môn

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘止觀法門) Gồm 4 quyển. Gọi tắt: Đại thừa chỉ quán, ngài Tuệ tư giảng vào đời Trần thuộc Nam triều, thu vào Đại chính tạng tập 46. Nội dung sách này lấy tư tưởng Như lai tạng duyên khởi làm nền tảng, lấy bản thức chân vọng hòa hợp trong tâm ý thức làm nòng cốt để giảng rõ về pháp Chỉ quán của Đại thừa. Ngoài ra cũng bàn về thuyết hai tính Nhiễm và Tịnh, bởi vì thuyết Như lai tạng duyên khởi và thuyết hai tính nhiễm, tịnh rất liên quan mật thiết với nhau, đặc biệt thuyết sau có khuynh hướng theo tư tưởng tính ác. Sách này chia làm ba khoa: Lược tiêu đại cương, Quảng tác phân biệt, Lịch sự chỉ điểm và có Ngũ phiên kiến lập để làm cho ý chỉ chủ yếu được sáng tỏ. Nội dung Ngũ phiên kiến lập: 1. Chỉ quán y chỉ: Người tu pháp môn chỉ quán, trước hết phải nương vào Nhất tâm, tức là tâm tự tính thanh tịnh (cũng gọi là chân như, Phật tính, Như lai tạng, pháp giới, pháp tính). Thể trạng của tâm thanh tịnh này có ba loại sai khác: a) Tâm này là tâm chân như của đệ nhất nghĩa đế, xưa nay vốn xa lìa tất cả danh tướng. b) Tâm này tuy lìa tất cả tướng phân biệt và tướng cảnh giới, nhưng cùng với pháp tính của các tướng ấy là chẳng phải một cũng chẳng khác. c) Nêu ra nghĩa Không như lai tạng và Bất không như lai tạng để biện giải rõ nghĩa của chân như. 2. Chỉ quán cảnh giới: Đại thừa chỉ quán lấy tính chân thực, tính y tha và tính phân biệt làm cảnh sở quán: a) Tính chân thực là đức thanh tịnh của chân như và của Phật. b) Tính y tha là thức A lại da do chân như và nhiễm ô hòa hợp mà thành. c) Tính phân biệt là vọng tưởng phân biệt của thức thứ 6 và thứ 7. Ba tính trên đây có đủ công năng của cả hai mặt nhiễm và tịnh nên trùm khắp 10 pháp giới. 3. Chỉ quán thể trạng: Quá trình tu tập pháp môn Đại thừa Chỉ quán. Gồm có 2 môn: a) Nói về ba tính nhiễm ô. b) Giải thích ba tính thanh tịnh. Trong hai môn này, mỗi môn lại chia làm ba tính. Mục đích của Chỉ quán thể trạng là thuyết minh phương pháp từ ba tính vào ba vô tính, cũng tức là chuyển tính phân biệt thành vô tướng, chuyển tính y tha thành tính vô sinh và chuyển tính chân thực thành tính vô tính. Nếu vào Tam vô tính, thì có thể thành tựu được Chỉ, an trụ nơi cảnh thường vắng lặng, lại có thể từ Chỉ khởi Quán, ở trong định mà khởi đại dụng của ba nghiệp. 4. Chỉ quán đoạn đắc: Nhờ tu tập Chỉ quán theo thứ tự của ba tính mà được thành quả lần lượt đoạn hoặc chứng chân. 5. Chỉ quán tác dụng: Thành tựu được Chỉ thì thể chứng thực tướng pháp tính lí dung vô nhị của tâm thanh tịnh, cùng với thân của tất cả chúng sinh viên đồng nhất tướng. Nếu thành tựu được Quán thì thể của tâm thanh tịnh nhờ đó hiển rõ, khiến cho đại dụng ba nghiệp của pháp giới vô ngại tự nhiên phát sinh, tất cả đại dụng của nhiễm và tịnh liền được hưng khởi. Còn Lịch sự chỉ điểm thì có nghĩa là qui nạp tất cả sinh hoạt hàng ngày như lễ Phật, ăn uống cho đến các việc đại tiểu tiện v.v… vào con đường tu hành mà chia làm hai môn Chỉ, Quán để gắng sức vâng làm. Đây là bộ sách Phật học có tính cách tổng hợp đầu tiên do người Trung quốc trứ tác; nó là giáo học của tông Thiên thai và là uyên nguyên của tư tưởng tính cụ cũng như mở đường cho tư tưởng Thiền tông Trung quốc sau này. Về các sách chú thích thì có: Tông viên kí 5 quyển của ngài Liễu nhiên, Thích yếu 4 quyển của ngài Trí húc, Tụng chú 1 quyển của ngài Từ sơn, Tụng giảng nghĩa 1 quyển của ngài Thanh đàm v.v… [X. Thiên trúc biệt tập Q.thượng; Phật tổ thống kỉ Q.25; Thiên thai tông chương sớ; Đại thừa chỉ quán pháp môn chi nghiên cứu (Thánh nghiêm, Hiện đại Phật giáo học thuật tùng san tập 58)].