đại thừa

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘) Phạm: Mahà-yàna, dịch âm: Ma ha diễn na, Ma ha diễn. Cũng gọi Thượng diễn, Thượng thừa, Thắng thừa, Đệ nhất thừa. Đối lại với Tiểu thừa (Hìnayàna). Thừa (yàna), là công cụ vận chuyển như xe cộ, thuyền bè v.v… ví dụ giáo pháp của đức Phật có khả năng chuyên chở chúng sinh từ bờ phiền não đến bờ giải thoát. Về danh từ Đại thừa, có các thuyết như sau: 1. Kinh A hàm tôn xưng giáo pháp của Phật là Đại thừa. 2. Danh từ Đại thừa chỉ xuất hiện sau thời kì đức Phật nhập diệt, và khi Phật giáo Đại thừa nổi lên, mới có các từ Đại thừa, Tiểu thừa đối lập nhau. Đứng về phương diện phát triển của tư tưởng sử mà nhận xét, thì Tiểu thừa là nền tảng của tư tưởng Đại thừa. 3. Tiểu thừa lấy đức Phật Thích ca làm giáo chủ, Đại thừa thì ngoài Phật Thích ca, còn tôn thờ vô số Phật trong mười phương ba đời. 4. Trong Tiểu thừa có kinh A hàm, luật Tứ phần, luật Ngũ phần và các luận Bà sa, Lục túc, Phát trí, Câu xá, Thành thực v.v… Đến Đại thừa thì có các kinh Bát nhã, Pháp hoa, Hoa nghiêm v.v… và các luận Trung quán, Nhiếp Đại thừa v.v… 5. Ở Ấn độ, Đại thừa có hai hệ thống lớn là Trung quán do các ngài Long thụ, Đề bà thành lập; và Du già do các ngài Vô trước, Thế thân khai sáng. 6. Phật giáo truyền đến Trung quốc là Phật giáo Đại thừa và phát triển thành nhiều tông phái như: Tam luận, Niết bàn, Địa luận, Tịnh độ, Thiền, Thiên thai, Hoa nghiêm, Pháp tướng, Chân ngôn v.v… khiến tư tưởng Đại thừa nở rộ như một đóa hoa mầu sắc rất rực rỡ. (xt. Đại Thừa Phật Giáo, Tiểu Thừa).