đại thủ ấn

Phật Quang Đại Từ Điển

(大手印) Phạm: Mahàmudrà. Cũng gọi Ma ha mục đức la, Ma cáp mục đức la, Mã cáp mẫu cha, Đại tượng trưng v.v… Giáo pháp của phái Ca nhĩ cư trong Phật giáo Tây tạng. Mahàlà đại, mudràlà ấn, giữa Đại ấn thêm vào chữ Thủ hàm ý là tôn trọng kinh điển Phật. Thủ là tay của Phật, biểu thị Như sở hữu, tận sở hữu cùng với Nhị vô phân biệt, không lạc trí tuệ của Phật. Ấn, cũng biểu thị trí Nhị vô phân biệt của Phật, là trí tối thượng, tối yếu, tối mật, giống như ấn phù, ấn khế. Nghĩa là, Đại thủ ấn hàm ý tất cả các pháp Luân hồi, Niết bàn, mỗi mỗi đều khế hợp với trí như như mầu nhiệm của Phật, không một pháp nào có thể vượt ngoài trí này. Đại là phân biệt với tiểu. Có thuyết cho rằng Đại thủ ấn tiếng Phạm là Ma cáp mục đức la ô ba đắc hạ. Ô ba đắc hạ dịch ý là Khẩu quyết, biểu thị cho lời nói ngắn gọn mà ý nghĩa sâu xa, tiện cho việc miệng tụng tâm ghi nhớ. Những kinh sách trọng yếu liên quan đến Đại thủ ấn thì có: Trang nghiêm giải thoát đạo luận, Câu sinh hòa luận. Thủ ấn trong Mật tông có bốn loại: Tam muội da thủ ấn, Pháp thủ ấn, Yết ma thủ ấn và Đại thủ ấn. Đại thủ ấn lại được chia ra làm ba thứ: 1. Thực trụ đại thủ ấn: Trụ ở thực tướng, hợp với Trung đạo vô trụ của nhân thừa, nên đặt chữ đại ở đầu, gọi là Đại trung đạo, từ bồ tát Long thụ truyền cho ngài Đề bà, ngài Đề bà truyền cho ngài Nguyệt xứng, rồi lần lượt truyền đến ngài Mạch tra ba. Pháp này không dựa theo quán Trung đạo bát bất, mà dùng bí quyết truyền khẩu mà chứng được trí không. 2. Không lạc đại thủ ấn: Nương theo ba phương tiện là Tam muội da thủ ấn, Pháp thủ ấn và Yết ma thủ ấn mà phát sinh niềm vui lớn, và ngay đó mà tự chứng đương thể tức không, hợp với quả thừa bất cộng. 3. Quang minh đại thủ ấn: Pháp này thuộc về bộ Du già vô thượng của Mật thừa, cần phải trải qua pháp quán đính mới có thể tu tập. Nó được chia làm hai: Tiệm ngộ và Đốn chứng. Tiệm ngộ là đối với hành giả phổ thông, trước hết phải đầy đủ bốn bậc quán đính rồi dần dần mới dắt dẫn họ thụ trì Đại thủ ấn. Còn Đốn ngộ là đối với những người đặc biệt lợi căn, vị Thượng sư dùng tâm quán đính và ở trong định gia bị cho họ, khiến trong khoảng gảy móng tay liền được ngộ. Nhưng, ngoài hai loại Tiệm và Đốn nói ở trên, còn có loại Đại thủ ấn tối thượng, không cần phải tu các pháp quán đính, mà chỉ nên cung kính lễ bái, thừa sự thân cận bậc Thượng sư nhờ tâm lực cung kính tín thuận tuyệt đối mà có thể chứng ngộ tức khắc: Đây chính là nghĩa tâm truyền tối thắng của Đại thủ ấn. Đại thủ ấn và Thiền đều nhấn mạnh việc Lấy tâm truyền tâm, Minh tâm kiến tính, Tức thân thành Phật, nhưng trong đó cũng có vài điểm sai khác nhau. 1. Thiền tông sau khi tham ngộ phải nhờ thầy ấn chứng; Đại thủ ấn thì cầu thỉnh Thượng sư gia trì bên ngoài mà quán tưởng hòa vào tâm mình. Tức là: Thiền tông nương vào Bát nhã đạo (con đường trí tuệ) để cầu khai ngộ, còn Đại thủ ấn thì nương vào Mật chú đạo (con đường mật chú) để cầu gia trì. 2. Thiền tông cần tham thoại đầu, nhận biết bản lai diện mục, chú trọng việc đốn ngộ; Đại thủ ấn thì tu hành theo thứ lớp. Nói về tiến độ, thì Thiền tông chỉ nêu lên con đường hướng thượng, cho đến khi hoát nhiên khai ngộ, chợt thấy quang minh. Còn Đại thủ ấn thì nương theo Chuyên nhất du già, Li hí du già, Nhất vị du già và Vô tu du già mới khế hợp chí đạo (đạo tột cùng). 3. Thiền tông chỉ thẳng tâm người, không nhờ phương tiện, nhưng công án của Thiền tông phần nhiều là những lời bí hiểm, nếu chẳng phải là bậc lợi căn thượng trí, thì không có cách nào ngộ nhập. Còn Đại thủ ấn thì có nhiều phương tiện khéo léo để tu thân như: Gia hạnh, Chính hạnh, Kết qui cho đến bảy chi tọa và quyền pháp v.v… cho nên có thể phổ cập mọi căn cơ. Ngoài ra, Hiển giáo cũng có danh từ Đại thủ ấn, tức là dùng kinh giáo để chứng tính Không; nghĩa là người tu pháp, tâm chuyên chú ở một cảnh, cứ như thế mãi mà được Thiền định. Sau đó, quán xét chỗ trụ của tâm, cho đến khi không còn chỗ tìm cầu, thì ngộ tâm chẳng thật có mà đạt tới cảnh giới Không trí giải thoát hợp nhất.