đại thiện địa pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(大善地法) Phạm: Kuzala-mahà-bhùmikàdharmà. Một trong 6 món tâm sở do tông Câu xá lập ra, tức là hiện tượng tâm lí tương ứng với tất cả tâm thiện mà cùng khởi động, gồm có 10 thứ: 1. Tín (Phạm:zradhà), làm cho tâm lắng trong, yên lặng). 2. Bất phóng dật (Phạm: apramàda), chuyên chú tu các pháp lành. 3. Khinh an (Phạm: prasrabdhi), khiến tâm được nhẹ nhàng, an ổn. 4. Xả(Phạm: upekwà), khiến cho thân tâm xả bỏ ý niệm dính mắc vào các pháp mà an trụ nơi bình đẳng. 5. Tàm (Phạm: hrì), cung kính thuận theo người có đức độ, phải biết hổ thẹn đối với tội lỗi mà chính mình đã gây ra. 6. Quí (Phạm: apatràpya), sợ quả báo của tội lỗi, biết xấu hổ với người khác khi mình phạm tội. 7. Vô tham (Phạm: alobha), đối với cảnh thuận không tham đắm. 8. Vô sân (Phạm: advewa), đối với cảnh nghịch không tức giận. 9. Bất hại (Phạm: ahiôsà), không gây tổn hại cho người khác. 10. Cần (Phạm:Vìrya), khiến tâm dũng mãnh để siêng năng tu tập các thiện pháp. Mười pháp kể ở trên trùm khắp tất cả tâm thiện, nên gọi là Đại thiện. Còn tâm vương là chỗ nương của những hành vi đại thiện ấy, nên gọi là Đại thiện địa; mười pháp này là sở hữu của Đại thiện địa, cho nên gọi là Đại thiện địa pháp. Ngoài mười pháp đã ghi ở trên, luận Thuận chính lí quyển 11 còn thêm hai pháp Yếm và Hân mà thành mười hai pháp. Yếm là chán ghét tội lỗi, Hân là ưa thích mưu cầu công đức. Các nhà Câu xá cho rằng, Yếm duyên theo khổ đế và tập đế mà sinh khởi; Hân thì duyên theo diệt đế và đạo đế mà sinh khởi; hai pháp này không thể cùng khởi trong một tâm, nên không có cách nào biến khắp tất cả tâm thiện, do đó chỉ nói mười pháp. Ngoài ra, luận Thành duy thức quyển 6 còn thêm Vô si vào nữa cộng thành 11 pháp thiện, nhưng cho năm thứ cùng khởi với Dục là Hân, Bất phẫn, Bất hận, Bất não, Bất tật là một phần của Vô sân, cho ba thứ cùng khởi với Tuệ là Yếm, Bất khan, Bất kiêu là một phần của Vô tham và cho Bất phú, Bất cuống, Bất siểm là một phần của Vô si. Chủ trương này khác với thuyết của tông Câu xá. [X. luận Câu xá Q.4; luận Đại tì bà sa Q.42; luận Tạp a tì đàm tâm Q.2; luận Hiển dương thánh giáo Q.1; Thành duy thức luận thuật kí Q.6].