đại thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(大天) Phạm: Mahàdeva. Dịch âm: Ma ha đề va. I. Đại Thiên. Vị thủy tổ của Đại chúng bộ, ra đời hơn 100 năm sau đức Phật nhập diệt, là con của một thương gia nước Mạt thố la (Phạm: Mathurà) Trung Ấn độ. Tương truyền trước khi vào cửa Phật, ngài đã gây ba tội nghịch, sau sám hối xuất gia, ở chùa Kê viên. Ngài có đại thần lực, được ba trí thông đạt, từng đến truyền đạo ở thành Hoa thị (Phạm: Pàỉali-putra), vua A dục xin qui y với Ngài. Ngài cũng là vị sư duy nhất được phái đến truyền đạo ở nước Ma hê sa mạn đà la (Pàli: Mahiôsaka-maịđala), ngài giảng kinh Thiên sứ (Pàli: Devadùta-sutta), bốn vạn người nhờ đó mà đắc đạo. Ngài đề xướng năm việc (Đại thiên ngũ sự), do đó, giáo đoàn chia làm hai phái: Đại chúng bộ tán thành và Thượng tọa bộ phản đối. Vua A dục tán thành Đại chúng bộ, nên bấy giờ Thượng tọa bộ phần nhiều bỏ sang nước Ca thấp di la. Không bao lâu, ngài Đại thiên nhập tịch. [X. Thiện kiến luật tì bà sa Q.2; luận Phân biệt công đức Q.1; Du già luận toản thích Q.1; Nghĩa lâm chương toản chú (Phổ tịch)]. II. Đại Thiên. Vị Tổ khai sáng của Chế đa sơn bộ Tiểu thừa, ra đời khoảng 200 năm sau đức Phật nhập diệt. Mới đầu, ngài theo ngoại đạo, trở thành lãnh tụ của phái Tặc trụ. Sau ngài bỏ ngoại đạo, xuất gia với Đại chúng bộ, được đặt tên là Đại thiên. Ngài là bậc học rộng, nghe nhiều, hành trạng cao xa, ở núi Chế đa, giáo hóa môn đồ. Nhân bàn về năm việc của Đại chúng bộ và ý nghĩa của việc chế giới, thụ giới mà phân biệt ra Tây sơn trụ bộ, Bắc sơn trụ bộ. [X. luận Dị bộ tông luân; Dị bộ tông luân luận thuật kí]. (xt. Chế Đa Sơn Bộ). III. Đại Thiên. Một trong số 53 vị thiện tri thức mà đồng tử Thiện tài đến tham vấn. (xt. Ngũ Thập Tam Tham).