đại tập kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(大集經) Gồm 60 quyển, do ngài Đàm vô sấm dịch vào đời Bắc Lương. Gọi đủ: Đại phương đẳng đại tập kinh (Phạm: Mahà-saônipàtasùtra, Tạng: Fdus-pa-chan-po), thu vào Đại chính tạng tập 13. Nội dung tập hợp các kinh thuộc Đại tập bộ, là pháp tạng sâu xa mầu nhiệm, như 16 đại bi, 32 nghiệp v.v… mà đức Phật đã nói cho các Bồ tát và các trời, rồng, quỉ thần trong mười phương cõi Phật nghe sau khi Ngài thành đạo được 16 năm. Chủ yếu nói về sáu pháp ba la mật của Đại thừa, về tính không của các pháp, về Mật giáo và Đà la ni cùng các việc chư Thiên hộ trì chính pháp v.v… Toàn kinh chia ra 17 phẩm: 1. Phẩm Anh lạc: Nửa đầu quyển 1, tường thuật việc đức Phật lên tòa Sư tử nói về pháp môn Vô ngại. 2. Phẩm Đà la ni tự tại vương bồ tát: Từ nửa cuối quyển 1 đến quyển 4, trình bày việc đức Phật nói về Tam học giới định tuệ và 4 pháp Anh lạc trang nghiêm đà la ni cho bồ tát Đà la ni tự tại vương nghe. 3. Phẩm Bảo nữ: Quyển 5 và quyển 6, nói về 32 loại Bảo tâm mà đồng nữ Bảo nữ đã thành tựu. 4. Phẩm Bất huyến bồ tát: Tức quyển 7, đức Phật nói cho bồ tát Bất huyến nghe về ý chỉ chủ yếu của tám môn Đà la ni, tám tinh tiến, tám pháp, tám trang nghiêm, tám phát tâm v.v… 5. Phẩm bồ tát Hải tuệ: Từ quyển 8 đến quyển 10, đức Phật nói cho bồ tát Hải tuệ nghe về ý nghĩa của Đại thừa, phát nguyện của Bồ tát, tam muội Tịnh ấn, chú Tứ thiên vương, Ma nghiệp v.v… 6. Phẩm Vô ngôn bồ tát: Tức quyển 12, đức Phật căn cứ vào những điều bồ tát Vô ngôn trình bày mà giải thích rõ về pháp tính của vô ngôn, vô thanh, không v.v… 7. Phẩm Bất khả thuyết bồ tát: Tức quyển 13, trình bày việc bồ tát Bất khả thuyết nói về 16 pháp phát tâm Vô thượng bồ đề và 32 pháp tăng trưởng tâm bồ đề v.v… 8. Phẩm Hư không tạng bồ tát: Từ quyển 14 đến quyển 18, đức Phật giảng cho bồ tát Hư không tạng nghe về sáu pháp ba la mật và các đức nghiệp của Bồ tát. 9. Bảo chàng phần: Từ quyển 19 đến quyển 21, chia làm 13 phẩm là phẩm Ma khổ, phẩm Vãng cổ, phẩm Ma điều phục v.v… 10. Hư không mục phần: Từ quyển 22 đến quyển 24, chia làm 10 phẩm là phẩm Thanh văn, phẩm Thế gian mục, phẩm Di lặc v.v… 11. Phẩm Bảo kế bồ tát: Từ quyển 25 đến quyển 26, đức Phật nói cho các bồ tát Bảo kế v.v… về các hạnh ba la mật của Bồ tát, hạnh trợ bồ đề, thần thông và điều phục chúng sinh. 12. Phẩm Vô tận ý bồ tát: Từ quyển 27 đến quyển 30, đức Phật giảng rõ về sự vô tận của sáu ba la mật, bốn tâm vô lượng, sáu thần thông, bốn nhiếp pháp, bốn trí vô ngại, bốn chỗ nương tựa v.v… 13. Nhật mật phần: Từ quyển 31 đến quyển 33, gồm 6 phẩm như phẩm Hộ pháp, phẩm Tứ phương Bồ tát tập v.v… 14. Nhật tạng phần: Từ quyển 34 đến quyển 45, gồm 13 phẩm là phẩm Hộ trì chính pháp, phẩm Đà la ni v.v… 15. Nguyệt tạng phần: Quyển 46 đến quyển 56, gồm 20 phẩm như phẩm Nguyệt chàng thần chú, phẩm Ma vương Ba tuần nghệ Phật sở v.v… 16. Tu di tạng phần: Từ quyển 57 và quyển 58, gồm 4 phẩm là phẩm Thanh văn phẩm Bồ tát thiền bản nghiệp v.v… 17. Thập phương Bồ tát phần: Quyển 59 và quyển 60, nói về 50 thứ tội tính toán, so đo. Trong 17 phẩm nêu trên, từ phẩm 1 đến phẩm 11 là do ngài Đàm vô sấm dịch. Phẩm 12 do các ngài Trí nghiêm và Bảo vân dịch chung vào thời Lưu Tống thuộc Nam triều. Phẩm này có bản lưu hành riêng là kinh Vô tận ý bồ tát. Phẩm 13 do ngài Đàm vô sấm dịch. Các phẩm 14, 15, 16 do ngài Na liên đề da xá dịch, những bản lưu hành riêng của 3 phẩm này là: Kinh Đại thừa đại phương đẳng đại tập nhật tạng, kinh Đại thừa đại phương đẳng đại tập nguyệt tạng và kinh Đại thừa Tu di tụng. Phẩm 17 được soạn tập từ kinh Minh độ ngũ thập giáo kế do ngài An thế cao dịch vào thời Đông Hán mà thành. Ngoài ra, còn có các kinh là bản dịch khác của một số phẩm, như phẩm 1 và 2 là kinh Đại ai 8 quyển, do ngài Trúc pháp hộ dịch vào đời Tây Tấn. Phẩm 3 là kinh Bảo nữ sở vấn 4 quyển, do ngài Trúc pháp hộ dịch. Phẩm 5 là kinh Hải ý bồ tát sở vấn tịnh ấn pháp môn 18 quyển, do ngài Duy tịnh dịch vào đời Bắc Tống. Phẩm 6 là kinh Vô ngôn đồng tử 2 quyển, do ngài Trúc pháp hộ dịch. Phẩm 8 là kinh Đại tập đại Hư không tạng bồ tát sở vấn 8 quyển, do ngài Bất không dịch vào đời Đường. Phẩm 9 là kinh Bảo tinh đà la ni 10 quyển, do ngài Ba la phả mật đa la dịch vào đời Đường. Phẩm 11 là kinh Bảo kế bồ tát sở vấn 2 quyển, do ngài Trúc pháp hộ dịch. Phẩm 12 là kinh A sai mạt bồ tát 7 quyển, do ngài Trúc pháp hộ dịch. Trong tạng kinh Tây tạng không có Đại tập bộ mà chỉ thấy nội dung của các kinh nêu trên đây được ghi chép rải rác trong các kinh điển khác, nhưng không có Nguyệt tạng phần. Thời gần đây, những mảnh rời rạc của nguyên bản tiếng Phạm đã được đào thấy ở Tân cương, trong đó có phần tương đương với phẩm Vãng cổ trong Bảo chàng phần của kinh này, về sau, học giả F. W. Thomas người Anh giáo đính và xuất bản. Về chú sớ của kinh này thì có Đại tập kinh sớ 16 quyển (Khuyết danh), Đại tập kinh sớ 5 quyển (Pháp sư Cảnh soạn), Nguyệt tạng phần y nghĩa lập danh 1 quyển (Tín hành soạn) v.v… nhưng nay đều đã thất truyền. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Lịch đại tam bảo kỉ Q.12; Khai nguyên thích giáo lục Q.4, Q.7; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.6].