đại tạng kinh sách dẫn

Phật Quang Đại Từ Điển

(大藏經索引) Sách chỉ dẫn cách tra cứu nội dung Đại chính tân tu đại tạng kinh của Nhật bản, do hội Nghiên cứu học thuật Đại tạng kinh Nhật bản mời sáu trường Đại học Phật giáo phụ trách biên soạn. Kế hoạch đầu tiên do nhà học giả Tiểu dã Huyền diệu làm cột trụ, bắt đầu từ năm 1943, ấn hành các bộ A hàm, Mục lục, Pháp hoa mỗi bộ 1 quyển sách dẫn; sau, vì Tiểu dã Huyền diệu qua đời và cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ nên công việc bị bỏ dở. Năm 1956, sáu trường Đại học Phật giáo là: Đại cốc, Cao dã sơn, Câu trạch, Đại chính, Lập chính và Long cốc đem nội dung phần soạn thuật của Ấn độ, Trung quốc, Nhật bản gồm 85 quyển trong Đại chính tân tu đại tạng kinh biên thành 48 tập sách dẫn, lấy kế hoạch của Tiểu dã Huyền diệu làm nền tảng, chia ra: Phân loại hạng mục biệt sách dẫn, Âm thứ sách dẫn, Tư hoạch sách dẫn, Tứ dác hiệu mã sách dẫn và Phạm ngữ sách dẫn. Trong sách này, lấy các dụng ngữ được dùng trong Đại tạng kinh Hán dịch làm chuẩn, ứng dụng phương pháp nghiên cứu tổng hợp, mỗi hạng mục chọn ra 50 dụng ngữ học thuật, lần lượt phối hợp với 50 thứ phân loại hạng mục. Năm mươi thứ phân loại hạng mục này lấy phần soạn thuật của Ấn độ làm trung tâm để lại chia mỗi hạng làm những mục nhỏ, như hạng mục giáo thuyết gồm có: 1. Thông thuyết. 2. Tam tạng. 3. Chín phần giáo. 4. Mười hai phần giáo. Đặc sắc của Sách dẫn này là dựa vào phương pháp nghiên cứu mới nhất, dùng âm Phạm,Pàli và danh từ có sẵn làm trung tâm, phụ chú rõ ràng bằng âm La tinh. Công dụng của sách này rất rộng, nó giúp người học tập, nghiên cứu có thể tra ra cách dùng, định nghĩa, tên khác của một thuật ngữ trong một bộ kinh và quan điểm của mỗi tông phái, hoặc tra cứu nguồn gốc của 50 thứ phân loại hạng mục cho đến những tư liệu có liên quan đến các chủ đề nhân sinh quan, vũ trụ quan của Phật giáo. [X. Giản giới nghiên độc Đại tạng kinh đích công cụ thư (Giác thế kí 20)].