đại tạng kinh mục lục

Phật Quang Đại Từ Điển

(大藏經目錄) Sách chuyên chia loại, sắp xếp tên các kinh, luật, luận và những tác phẩm chú sớ trong Đại tạng kinh Hán văn trải qua các đời. Cũng gọi Chúng kinh mục lục, Nhất thiết kinh mục lục, Tạng kinh mục lục, Kinh lục. Ở Trung quốc, việc phiên dịch kinh điển từ đời Hậu Hán đến đời Nguyên, khoảng hơn một nghìn năm, những kinh, luật, luận được dịch ra có tới mấy nghìn quyển. Thời kì đầu, các kinh được dịch ra rất ít, lại tản mạn ở nhiều nơi, nên chưa có mục lục nhất định. Từ đời Tiền Tần trở về sau, các kinh dần dần được sưu tập và biên soạn thành mục lục, sau lại lần lượt được bổ sung thêm, nên có tới vài chục loại. Lịch đại tam bảo kỉ quyển 15 có ghi 24 bản mục lục, nhưng đến đời Tùy, hầu hết những bản lục này đều đã thất lạc. Trong đó, có bộ Tông lí chúng kinh mục lục (cũng gọi Thích đạo an lục) do ngài Đạo an biên tập vào thời Đông Tấn mà Xuất tam tạng kí tập có thu chép những mục trọng yếu. Ngoài những bộ mục lục kể trên, Lịch đại tam bảo kỉ quyển 15 còn nêu ra những bộ kinh lục của sáu tác giả, nhưng hiện nay chỉ còn Xuất tam tạng kí tập và Đại tùy chúng kinh mục lục mà thôi. Ngoài ra, Lương cao tăng truyện quyển 7 có nêu ra Kinh mục của ngài Đàm tông đời Lưu Tống, Quảng hoằng minh tập quyển 3 có nêu Phật pháp lục 3 quyển của ông Nguyễn hiếu tự đời Lương, nhưng các bộ Kinh lục này đều không còn. Do mục đích soạn thuật bất đồng, nên nội dung kinh lục cũng có những sắc thái riêng, có loại theo các triều vua trước sau mà ghi chép thời đại dịch kinh (mục lục đại lục), có loại chú trọng việc chia loại Đại thừa, Tiểu thừa, kinh, luật, luận, đơn dịch, trùng dịch (Tiêu chuẩn nhập tạng lục, Phân loại chỉnh lí mục lục), có loại làm mục lục của các kinh hiện còn ở các chùa viện để đưa vào Đại tạng (hiện tàng nhập tạng mục lục); cũng có loại tổ hợp các loại nói trên thành nhóm, hoặc tổng hợp toàn thể (mục lục tổng hợp). Những bộ kinh lục chủ yếu hiện còn như sau: 1. Xuất tam tạng kí tập, 15 quyển, do ngài Tăng hựu biên tập vào đời Lương. Bản lục này liệt kê 2.211 bộ kinh, gồm 4.251 quyển. Đây là bộ kinh lục xưa nhất hiện còn, mức độ khả tín rất cao, được biên tập tiếp theo sau bộ lục của ngài Đạo an đời Đông Tấn; cho nên, phàm có liên quan đến các kinh được phiên dịch vào các thời đại Hậu Hán, Tam Quốc, Tây Tấn, Đông Tấn… đều lấy nó làm tư liệu tham khảo chủ yếu trước tiên. 2. Chúng kinh mục lục, 7 quyển, cũng gọi Pháp kinh lục, do ngài Pháp kinh vâng mệnh vua soạn tập vào năm Khai hoàng thứ 4 (594) đời Tùy. Nội dung thu tập 2.257 bộ, 5.310 quyển. Bản lục này có ghi chép tư liệu dịch kinh của Bắc triều mà Xuất tam tạng kí tập đã không ghi. 3. Lịch đại tam bảo kỉ, 15 quyển, do Phí trường phòng vâng mệnh vua soạn tập vào năm Khai hoàng 17 đời Tùy. Bản lục này thu tập 1.076 bộ, 3.292 quyển, đối với việc dịch kinh ở Bắc triều và ở đời Tùy, là tư liệu có giá trị, nhưng đối với các kinh dịch từ trước đó thì rất lộn xộn. 4. Chúng kinh mục lục, 5 quyển. Cũng gọi Tùy nhân thọ niên nội điển lục, Nhân thọ lục, do ngài Ngạn tông vâng mệnh vua soạn tập vào năm Nhân thọ thứ 2 (602). Nội dung thu chép 2.109 bộ, 5.058 quyển. Bản lục này chủ yếu sưu tập những kinh điển hiện còn ở đời Tùy. 5. Đại đường nội điển lục, 10 quyển, do ngài Đạo tuyên soạn vào niên hiệu Lân đức năm đầu (664) đời Đường, gồm thu 800 bộ, 3.361 quyển. 6. Tục đại đường nội điển lục, 1 quyển, do ngài Đạo tuyên soạn. Nội dung bản này chỉ ghi chép phần kinh dịch ở đời Hậu Hán. 7. Đại đường đông kinh Đại kính ái tự nhất thiết kinh luận mục lục, 5 quyển. Cũng gọi Chúng kinh mục lục, Tĩnh thái lục, do ngài Tĩnh thái vâng mệnh vua soạn tập trong năm Lân đức (664 – 665) đời Đường. Nội dung gồm 2219 bộ, 6994 quyển. Bản lục này căn cứ vào Đại tạng kinh ở chùa Đại kính ái tại Lạc dương mà soạn thành. 8. Cổ kim dịch kinh đồ kỉ, 4 quyển, do ngài Tĩnh mại soạn tập vào đời Đường, liệt kê 2020 bộ, hơn 6180 quyển. Phần Cổ đại dịch kinh chịu rất nhiều ảnh hưởng về sự lộn xộn của Lịch đại tam bảo kỉ. 9. Đại chu san định chúng sinh mục lục, 15 quyển, do ngài Minh thuyên phụng sắc soạn tập vào niên hiệu Thiên sách vạn tuế năm đầu (695) đời Vũ chu, thu chép 860 bộ, 3929 quyển. Vì bản lục này sử dụng những ghi chép trong Lịch đại tam bảo kỉ một cách rộng rãi, nên giá trị tư liệu không cao. 10. Tục cổ kim dịch kinh đồ kỉ, 1 quyển, do ngài Trí thăng soạn tập vào năm Khai nguyên 18 (730) đời Đường. Nội dung thu tập 160 bộ, hơn 640 quyển kinh được phiên dịch từ Cổ kim dịch kinh đồ kỉ trở về sau để bổ túc cho nó. 11. Khai nguyên thích giáo lục, 20 quyển, do ngài Trí thăng soạn tập vào năm Khai nguyên 18 (730) đời Đường. Nội dung gồm 1.076 bộ, 5.048 quyển. Nói một cách đại thể, bản mục lục này hoàn bị, ghi chép chính xác, chia loại hợp lí, đồng thời, chính thức đưa các tác phẩm Trung quốc vào tạng. Hơn nữa, thời xưa thường dùng từ ngữ Nhất thiết kinh ngũ thiên dư quyển (Tất cả có hơn 5.000 quyển kinh) để gọi thay cho Đại tạng kinh, cũng đã bắt nguồn từ bản lục này. 12. Khai nguyên thích giáo lục lược xuất, 4 quyển, do ngài Trí thăng soạn tập vào năm Khai nguyên 18 (730) đời Đường. Bản lục này là do lấy riêng phần Nhập tạng lục trong Khai nguyên thích giáo lục mà thành, cũng thu 1.076 bộ, 5.048 quyển. 13. Đại đường trinh nguyên tục khai nguyên thích giáo lục, 3 quyển, do ngài Viên chiếu soạn tập vào năm Trinh nguyên thứ 10 (794) đời Đường, gồm thu 34 quyển mà Khai nguyên thích giáo lục đã bỏ sót để bổ sung và những kinh luận mới dịch về sau. 14. Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục, 30 quyển, do ngài Vân chiếu vâng mệnh vua soạn tập vào năm Trinh nguyên 16 đời Đường. Nội dung thu chép 1.258 bộ, 5.390 quyển. 15. Đại đường bảo đại Ất tị tuế tục trinh nguyên thích giáo lục, 1 quyển, do ngài Hằng an soạn tập vào năm Bảo đại thứ 3 (945) đời Nam đường. Nội dung ghi chép 137 bộ, 343 quyển kinh mới dịch sau mà Khai nguyên và Trinh nguyên hoặc bỏ sót, hoặc chưa thu. 16. Đại trung tường phù pháp bảo lục, 33 quyển, do nhóm các ông Dương ức vâng sắc chỉ của vua soạn tập vào năm Đại trung tường phù thứ 6 (1013) đời Bắc Tống. Bản lục này thu 200 bộ, 384 quyển kinh điển mới dịch trong khoảng 29 năm từ năm Thái bình hưng quốc thứ 7 (982) đến năm Đại trung tường phù thứ 4 đời Bắc Tống. 17. Thiên thánh thích giáo lục, 3 tập, do ngài Duy tịnh biên soạn vào năm Thiên thánh thứ 5 (1027) đời Bắc Tống, thu 6197 quyển. 18. Cảnh hựu tân tu pháp bảo lục, 21 quyển, do nhóm các ông Lữ di giản vâng mệnh vua soạn tập vào năm Cảnh hựu thứ 3 (1036) đời Bắc Tống. Bản lục này thu 19 bộ, 150 quyển được dịch trong khoảng 27 năm từ năm Đại trung tường phù thứ 4 đến năm Cảnh hựu thứ 4. 19. Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục (tức là mục lục Hoằng pháp tạng bản đời Nguyên), 10 quyển, do các ngài Khánh cát tường v.v… phụng sắc soạn tập vào năm Chí nguyên 26 (1289) đời Nguyên. Nội dung thu tập 1.644 bộ. Bản lục này đối chiếu các kinh điển giữa bản Hán dịch và Tây tạng dịch, đó là một đặc điểm mà chưa một bản kinh lục nào làm từ trước đến nay. Trong 19 bản kinh lục kể trên đây, 15 bản trước được đưa vào Đại chính tạng tập 49 và tập 55. Ba bản kế tiếp được thu vào Tống tạng di trân. Riêng Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục cũng được xếp vào Đại chính tạng Pháp bảo tổng mục lục quyển 2. [X. Lịch đại tam bảo kỉ Q.7, Q.9; Pháp uyển châu lâm Q.100; Khai nguyên thích giáo lục Q.10; Đại chu san định chúng kinh mục lục Q.1, Q.3, Q.4, Q.6; Tùng thư kinh tịch chí thứ 30; Đường thư nghệ văn chí thứ 49].