đại tần quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(大秦國) Tên một nước xưa ở trên bờ đông Địa trung hải, cực tây châu Á, tương đương với giải đất thuộc Đế quốc Cổ la mã và vùng Tiểu á. Cũng gọi Hải tây quốc, Lê kiện quốc. Nước này từ xưa đã có giao thông liên lạc với Trung quốc, bấy giờ được gọi là Thế giới cực tây. Xứ này sản xuất vàng, bạc và những phẩm vật quí giá có tiếng. Truyện Cưu ma la thập trong Cao tăng truyện quyển 2 (Đại 50, 331 thượng), nói: Vua nước Cưu tư làm tòa sư tử bằng vàng cho ngài (Cưu la ma thập) rồi trải nệm gấm Đại tần lên trên. Cứ theo Cựu đường thư liệt truyện 148, điều Ba lạt tư quốc trong Đại đường tây vực kí quyển 11 và điều Ba lạt tư quốc trong Thích ca phương chí quyển hạ ghi, Đại tần còn gọi là Phất lẫm, tức là Đế quốc Đông la mã, nằm về mạn tây bắc nước Ba tư. Từ sau ngày xây dựng kinh đô Constantinople, Đế quốc Đông la mã dần dần cường thịnh, thôn tính cả vùng Tiểu á Tế á và Syria đồng thời giao thông qua lại với các nước phương Đông, vào thời Tùy, Đường, Trung quốc gọi nước này là Phất lẫm. Cứ theo văn bia Đại tần Cảnh giáo lưu hành Trung quốc bi tụng tinh tự ghi, thì Đại tần là chỉ cho Syria. Đầu đời Đường, phái Cảnh giáo trong Cơ đốc giáo được truyền vào Trung quốc, gọi là Đại tần Cảnh giáo và có xây dựng nhà thờ Đại tần. Ngoài ra, tên gọi Đại tần thường được thấy trong kinh điển Phật, như kinh Na tiên tỉ khưu quyển hạ (Đại 32, 702 thượng), nói: Vua thưa: Tôi vốn sinh ở nước Đại tần, tên nước là A lệ tán (Pàli:Alasanda). Còn Phật sử tỉ khưu Ca chiên diên thuyết pháp một tận kệ chương 120 (Đại 49, 11 trung), nói: Sẽ có ba ông vua độc ác: Vua nước Đại tần, vua nước An tức và vua nước Bát la. Ngoài ra, phẩm Bồ tát địa bất khả tư nghị trong kinh Bồ tát giới quyển 2 và Đại sử (Pàli: Mahàvaôsa XXIX) bảo rằng Đại tần là chỉ cho nước Tẩu na (Pàli:Yona), cũng tức là nước Đại hạ (Bactria) ở phía đông bắc nước Cưu tư đời xưa. Từ đời Tống về sau, thì tên Đại tần thường hay lẫn lộn với Ba tư. Đến thời cận đại, trong số học giả, có người chủ trương Đại tần chỉ cho Ai cập thủa xưa lệ thuộc La mã. [X. Phật tổ thống kỉ Q.32, Q.39 chú thích; Đại tống tăng sử lược Q.hạ; Hậu Hán thư Q.78 Đại tần quốc điều; Đường hội yếu Q.49; Đường thư tây vực liệt truyện 146; Cổ kim đồ thư tập thành biên duệ điển thứ 60].