đại tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(大心) I. Đại Tâm. Tâm nguyện rộng lớn cầu đại bồ đề. Luận Đại trí độ quyển 4 (Đại 25, 86 thượng) nói: Bồ đề gọi là đạo của chư Phật, Tát đỏa (hữu tình) gọi là chúng sinh hoặc là đại tâm. Vì đối với công đức Phật đạo, người này muốn được tâm ấy; vì nó cứng chắc như núi Kim cương, không thể chặt đứt, không thể phá hoại, nên gọi là Đại tâm. Luận Thập trụ tì bà sa quyển 5 (Đại 26, 41 thượng), nói: Nhút nhát sợ hãi, không có đại tâm, chẳng phải lời nói của kẻ trượng phu có chí khí. II. Đại Tâm. Chỉ cho tâm phương tiện, là tâm an trụ nơi pháp quán các pháp đều không mà khởi lòng đại bi cứu độ tất cả chúng sinh. Luận Đại trí độ quyển 41 (Đại 25, 363 thượng), nói: Phát tâm ban đầu gọi là tâm bồ đề; thực hành 6 ba la mật là vô đẳng đẳng tâm, trụ nơi tâm phương tiện thì gọi là Đại tâm. [X. luận Thập trụ tì bà sa Q.5]. III. Đại Tâm (1652 – 1728). Vị Thiền tăng tông Tào động ở đời Thanh, người Cổ điền, Phúc kiến, họ Tống. Người đời gọi là Hằng đào Đại tâm thiền sư. Năm 13 tuổi, sư theo Đức hiếp lão nhân xuất gia ở chùa Thướng sinh, thụ giới Cụ túc nơi ngài Hoàng bá Hư bạch. Sau, sư tham yết ngài Vi lâm Đạo bái ở Cổ sơn, hơn 20 năm mới chứng ngộ tâm yếu, được nối pháp thầy. Năm Khang hi 41 (1702), ngài Vi lâm truyền áo và bát cho sư, phó chúc nối dòng pháp Cổ sơn. Sư ăn mặc sơ sài, làm việc cần khổ, trụ trì chùa Dũng tuyền 27 năm, rất có phong cách của tổ Bách trượng. Tháng 10 năm Ung chính thứ 6 sư thị tịch, thọ 70 tuổi. Sư có làm các bài tụng: Niêm cổ, Hoài cổ v.v… [X. Tăng đính Phật tổ đạo ảnh Q.3].