đại sự

Phật Quang Đại Từ Điển

(大事) Phạm: Mahàvastu, gọi đủ: Mahàvastuavadàna. Gồm 3 thiên, kể lại sự tích của cuộc đời đức Phật. Mahàvastu, dịch ý là Đại sự (việc lớn), chỉ cho việc xuất hiện của đức Phật;avadàna, tức là truyện kí, truyện cổ. Nội dung: – Thiên thứ 1: Nói về các kiếp tiền thân của đức Thích tôn. – Thiên thứ 2: Sự tích của đức Thích tôn từ khi sinh lên cung trời Đâu suất cho đến khi thành đạo dưới gốc cây Bồ đề. – Thiên thứ 3: Việc chuyển pháp luân đầu tiên của đức Thích tôn và truyện bản sinh của các vị đại đệ tử. Hiện nay, kinh này không có bản dịch chữ Hán, cũng không có bản dịch Tây tạng. Một số học giả cho rằng kinh này là bản dịch khác của kinh Phật bản hạnh tập. Nhưng xét ra, nội dung của hai kinh này rất khác nhau, do đó, không thể cho là cùng một bản. Nói một cách đại khái, nội dung kinh này rất lộn xộn, thiếu mạch lạc, không thống nhất, thường đưa vào nhiều truyện bản sinh, sự tích thí dụ, các kinh Thập địa, Quán thế v.v… đến nỗi khiến người ta có cảm tưởng như toàn kinh bị đứt quãng. Theo học giả M. Winternitz, người nước Áo, thì kinh này được hoàn thành khoảng thế kỉ thứ V, nhưng phần nòng cốt thì đã hình thành từ khoảng thế kỉ II. Đến khoảng năm 1882 – 1897, nguyên bản tiếng Phạm được một học giả người Pháp là ông E. Senart xuất bản. Rồi các học giả Nhật bản là Địch nguyên Vân lai và Cửu dã Phương long tiến hành nghiên cứu các tư liệu bằng tiếng Nhật và Hán văn có liên quan đến kinh này. Ngoài ra, có Luật tạng nghiên cứu của Bình xuyên chương, Bản sinh kinh loại tư tưởng sử chi nghiên cứu của Can tích Long tường v.v… đều là sách tham khảo để nghiên cứu về sự quan hệ giữa kinh này với Luật tạng và Bản sinh đàm. Còn nghiên cứu về nguyên bản tiếng Phạm của kinh này thì có hai tác phẩm là: Buddhist Hybrid Sanskrit Grammar and Dictionary, 1953 của F. Edgerton và Die Sprach des Mahàvastu 1942 của H. Günther v.v… [X. R. Mitra: Sanskrit Buddhist Literature of Nepal; M. Winternitz: Geschichte der indischen Literature, Bd. II; C. Rendall: Catalogue of the Buddhist Sanskrit Manuscripts].