ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
HOA NGHIÊM KINH TÙY SỚ DIỄN NGHĨA SAO

QUYỂN 49

Đời Đường, Đại sư Trừng Quán

– Sớ câu: “Kinh nói: Chỗ chữa trị của thầy thuốc nơi thế gian, tuy khỏi bệnh nhưng rồi phát sinh trở lại”: Tức nơi kinh Đại Bát Niết-bàn, đến phần địa thứ năm sẽ nêu dẫn, giảng nói rộng.

– Sớ câu: “Tức thân kim cương”: Nơi kinh Đại Bát Niết-bàn quyển thứ ba có phẩm “Kim Cương Thân”.

– Câu: “Kim cương là chỗ thật của sự soi chiếu về bên trong”: Là sự giải thích của đại sư Đạo Sinh.

– Nói: “Chẳng phải chỉ là màu vàng ròng” tức cũng chẳng hoàn toàn ngăn chận, ý là chung cả trong ngoài, như đã nêu dẫn ở trước.

– Sớ câu: “Luận Du Già quyển thứ ba mươi chín nói: Như có chúng sinh đến cầu xin v.v…”: Tức Luận kia biện minh về việc Bồ tát nên bố thí và không nên bố thí. Trong đó gồm có hai mươi ba loại. Nay chỉ tương đương với một loại “không nên bố thí”. Phần tiếp sau lại có luận viết: “Vì sao? Vì nế khi bố thí tuy tạm thời khiến cho tâm kẻ ấy sinh hoan hỷ đối với Bồ tát, nhưng lại khiến cho kẻ đó gây tạo khắp các sự việc không có lợi ích. Nghĩa là nhân nơi bố thí nên khiến cho kẻ kia thực hiện nhiều hạnh xấu ác, kiêu mạn, phóng dật, sau khi mạng chung bị đọa vào các nẻo ác!”

Từ câu: “Nay bố thí sắc đẹp” tiếp xuống: Là phần Sớ giải dùng Luận để nêu vấn nạn về Kinh. Sớ lại nói: “Khi bố thí vợ con thì chẳng nên bố thí cho kẻ thù oán” tức cũng là văn tiếp theo của luận ấy.

Câu: “Về nghiệp hung bạo”: Văn của Luận đầy đủ là: “Lại như các vị Bồ tát, đối với vợ con của chính mình, cùng hàng nô tì, nô bộc, quyến thuộc thân thích, nếu trước chẳng dùng lời chính đáng giảng giải khiến họ hiểu rõ, hoan hỉ, thì rốt cuộc chẳng nên cưỡng bức khiến họ buồn khổ để đem bố thí cho người tới cầu xin. Tuy trước đã giảng giải, chỉ dẫn khiến họ hoan hỉ sinh tâm vui thích, mà cũng chẳng nên đem bố thí cho kẻ oán thù, bạn ác, hàng Dạ xoa, La sát tạo nghiệp hung bạo.

Chẳng đem vợ con với hình tướng yếu đuối hàng nam nữ tộc tánh, đem bố thí cho kẻ đến cầu xin, khiến bắt họ làm nô tỳ…”

Phần tiếp theo của luận lại nói: “Bồ tát, như có hạng thượng lưu từng bức bách gây não hại cho chúng sanh, vui thích tạo vô số các nghiệp bạo ác, đến cầu xin ngôi vị Vua, thì rốt cuộc không nên bố thí cho kẻ ấy. Nếu kẻ bạo ác kia trước ở nơi ngôi vị vua, Bồ tát có uy lực, hãy còn phải phế bỏ, họ huống hồ là sẽ bố thí cho nữa!” 

Giải thích: Đây đều là việc không nên bố thí.

– Từ câu: “Nay cho rằng vô số các loại” tiếp xuống: Là phần Sớ giải dùng Luận để nêu vấn nạn về kinh.

Từ câu: “Đáp, chủ thể bố thí có hai: Tiếp xuống: Là phần đáp lại, gồm hai:

Một: Chính thức đáp lại Hai: Dẫn chứng.

Trong phần một có ba ý:

Một là: Bồ tát khéo biết rõ, hoặc chẳng nhận biết, đều có thể được .

Hai là: Biết người nữ không cấu nhiễm Ba là: Biết sự việc kia tạo được lợi ích.

– Sớ câu: “Nên trong Nhiếp luận đã nói đến: Có lợi, có nhiễm…”: Tức nơi “Nhiếp luận thích” của Bồ tát Vô tánh, Bản luận quyển thứ tám, hai bản của Bồ tát Vô tánh và Thế Thân đều thuộc quyển thứ chín, “Lương Luận” tương đương quyển thứ mười hai. Nay dựa theo chỗ giải thích của Bồ tát Vô tánh, nhưng phần Sớ giải nêu chỉ là tóm dẫn về nghĩa.

Luận kia, trước cùng nêu bốn câu của Bản Luận; sau thì nhắc lại để giải thích. Nay theo chỗ nêu lên mà giải thích. Bản luận viết: “Như các vị Bồ tát thành tựu như thế về sự tăng trưởng Thi-la (Giới Luật) tăng trưởng Chất đa (tâm định), tăng trưởng Bát-nhã (Trí tuệ), công đức viên mãn, ở nơi của cải, địa vị đều được tự tại lớn. Cớ sao hiện thấy có các chúng sinh thiếu thốn về của cải địa vị?”

Giải thích: Trên tức là nêu câu hỏi.

Thích Luận giải đáp chỗ nêu câu hỏi nơi Bản luận, viết: “Do thấy nơi chúng sanh kia đối với các thứ của cải địa vị có nghiệp chướng nặng nề. Bồ tát Vô tánh nơi phần giải thích, trước là biện minh tổng quát, phần đáp lại ý nói: “Nay chính nói rõ do nhân duyên như thế Bồ tát, tuy có tài sản, địa vị tự tại, nhưng không bố thí cho kẻ khác”. Giải thích chỗ vừa đáp ở trên, nói: “Nghĩa là các Bồ tát thấy chúng sinh kia, đối với của cải, địa vị, có nghiệp chướng nặng nề nên chẳng bố thí, đừng để cho ân tuệ bố thí ấy chẳng có được kết quả gì! Vả lại, như có bố thí thì kẻ kia cũng chẳng thể thọ nhận được nên bố thí làm gì! Như có tụng viết:

“Như mẹ cho trẻ bú

Cả tháng không mệt mỏi

Thực quản trẻ bị nghẽn

Mẹ cho bú làm sao?”

Giải thích: Đây tức là câu thứ nhất không lợi, không nhiễm, do hoàn toàn không thể thọ nhận thì có lợi gì, có nhiễm gì?

Thứ hai, Bản Luận viết: “Thấy rõ chúng sinh kia, nếu bố thí tài sản, địa vị thì chỉ gây chướng ngại cho việc phát sinh pháp thiện!” Nên Thích Luận nói: “Nghĩa là, các vị Bồ tát thấy rõ chúng sinh kia tuy ở nơi tài sản, địa vị không còn nghiệp chướng nặng nề, nhưng nếu có được của cải địa vị đầy đủ thì sẽ sinh nhiều buông lung chẳng sinh khởi pháp thiện. Bồ tát suy nghĩ như thế rồi thì thà để cho chúng sinh đó, nơi đời hiện tại chịu sự bần tiện trong thời gian ngăn, còn hơn khiến cho đời vị lai phải chịu sự bần tiện trong thời gian dài. Do đó mà Bồ tát không bố thí của cải cùng địa vị cho kẻ kia”.

Giải thích: Đây tức là câu thứ hai: Có nhiễm, không lợi.

Thứ ba, Bản Luận viết: “Thấy rõ chúng sinh kia, nếu thiếu thốn về tài sản, địa vị thì sẽ chán lìa sự việc hiện tiền”. Thích Luận nêu rõ: “ Nghĩa là các Bồ tát thấy chúng sinh kia, nếu thiếu thốn về tài sản, địa vị thì sẽ chán lìa sinh tử nơi hiện tiền, tâm dốc cầu muốn ra khỏi nẻo sinh tử. Nếu có được sự giàu sang tức sinh ra buông lung v.v… nên chẳng bố thí của cải, địa vị. Sau khi suy nghĩ như vậy, thì thà để cho chúng sinh ấy chịu cảnh nghèo hèn để tâm luôn có sự chán lìa sinh tử, muốn giải thoát, còn hơn để cho kẻ đó được giàu sang mà yêu thích buông lung, chẳng phát khởi pháp thiện.”

Giải thích: Đây cũng là xác nhận cho phần trên: Có nhiễm, không lợi.

Thứ tư, Bản Luận viết: “Thấy chúng sinh kia nếu được bố thí tài sản, địa vị, tức là đã tích tập nhân của pháp bất thiện.” Thích Luận nói: “Nghĩa là Bồ tát thấy rõ chúng sinh kia nếu được bố thí, có đầy đủ về của cải, địa vị, tức liền buông lung, tích chứa vô số các nghiệp bất thiện, xấu ác, do đó Bồ tát không bố thí của cải, lợi lộc. Như có tụng viết:

“Thà khiến nghèo thiếu của, địa vị

Xa lìa các hành ác, cõi ác

Chớ khiến giàu sang, loạn các căn

Chiêu cảm vị lai bao điều khổ”.

Giải thích: Đây cũng là có nhiễm, không lợi.

Thứ năm, Bản Luận nói: “Thấy rõ chúng sinh kia, nếu được bố thí về của cải, địa vị, tức sẽ gây tạo nhân tổn hại cho vô số chúng sinh khác”. Thích Luận nêu: “Nghĩa là các vị Bồ tát nhận thấy chúng sinh kia nếu có được sự giàu sang tức liền gây tổn hại cho vô lượng chúng sinh khác, nên không bố thí cho kẻ ấy các của cải, địa vị hiện có. Bồ tát suy nghĩ như thế thì thà để cho kẻ kia chỉ một thân thọ nhận sự bần cùng, khổ não, chớ khiến gây tổn hại, khổ não cho nhiều chúng sinh khác.”

Giải thích: Cũng là có nhiễm, không lợi. Cho nên Bản Luận tóm kết: “Vì thế hiện tại thấy có các chúng sinh thiếu thốn về tài sản, địa vị”.

Trong đó có tụng:

“Thấy nghiệp chướng hiện tiền

Tích tập bao tổn não

Hiện thấy các chúng sinh

Chẳng được Bồ tát thí”.

Giải thích: Năm lượt văn nêu trên chỉ có hai câu:

Một là không lợi, không nhiễm.

Bốn lượt còn lại đều là có nhiễm, không lợi. Nhưng về nghĩa thì chẳng đồng:

Thứ nhất: Gây chướng ngại cho việc phát sinh pháp thiện.

Thứ hai: Chẳng sinh sự chán lìa.

Thứ ba: Tự tích chứa điều bất thiện.

Thứ tư: Gây tổn hại, chỗ não cho kẻ khác.

Về có lợi, có nhiễm, cả tổn hại, ích lợi, cả hai đều đủ nên cũng không bố thí. Do sự tổn hại quá nhỏ nên Luận lược bớt không nêu ra. Các phần còn lại có thể nhận biết.

– Sớ câu: “Kinh Pháp Hoa, nơi phẩm An Lạc Hạnh nói về bốn hạnh An lạc”: Nay, chỗ nêu dẫn của phần Sớ giải thì Hạnh thứ nhất là kết hợp với nghĩa của các đại sư. Ba Hạnh sau thì hoàn toàn đồng với kiến giải của Đại sư Đạo Sinh. Đại sư Đạo Sinh, về Hạnh thứ nhất gọi “Hành xứ”, “Cận xứ”, ý là biện minh chung về chỗ xa ác gần lý. Ba Hạnh sau là riêng. “Bảo Lâm Cơ công” thì Hạnh thứ nhất gọi là “Không hành”. Hạnh thứ hai gọi là “Lìa kiêu mạn”. Hạnh ba, bốn thì giống với Đại sư Đạo Sinh. Đại sư Nam Nhạc thì cho: Hạnh thứ nhất là Chánh Tuệ không chấp trước. Hạnh thứ hai là nêu rõ miệng không nói điều lỗi lầm. Hạnh thứ ba là kính trên tiếp dưới. Hạnh thứ tư thì đồng với Đại sư Đạo Sinh. Pháp sư Đại thừa (khuy cơ) thì một là Hạnh của chánh thân. Hai là Hạnh của chánh ngữ. Ba là Hạnh của tâm lìa các ác là tự lợi. Bốn là Hạnh của Tâm tu pháp thiện, là lợi tha. Tông Thiên Thai (Đại sư Trí Khải) nói: “Chỉ, Quán từ bi dẫn dắt ba nghiệp và thệ nguyện. Một: Thân có Chỉ nên lìa các nghiệp thô nơi Thân. Có Quán nên chẳng thể tạo nghiệp nơi Thân. Chẳng thủ đắc nên có thể lìa nẻo “Vô sở đắc”, chẳng rơi vào nẻo phàm phu. Có từ bi nên gắng sức tu tập về Thân nghiệp, tạo lợi lạc rộng khắp cho tất cả, chẳng rơi vào hàng Nhị thừa. Có thực hành Chỉ nên mặc áo nhẫn nhục. Có hành Quán nên an tọa nơi tòa Như Lai. Có từ bi nên đi vào nhà của Như Lai. Thực hành chỉ, lìa lỗi lầm tức thành Đoạn đức. Thực hành Quán không vướng mắc tức thành Trí đức. Từ bi lợi tha tức thành Ân đức. Ân đức hỗ trợ thành tựu Trí đức. Trí đức có thể thông đạt Đoạn đức, gọi là Hạnh an lạc của Thân. Khẩu, ý, thệ nguyện còn lại thì cũng nguyện như thế.

Giải thích: Đây tức là biện giải chung về ba pháp làm chủ thể dẫn dắt cho đối tượng được dẫn dắt kia. Thứ nhất là Thân. Thứ hai là Khẩu. Thứ ba là Ý. Thứ tư là Thệ nguyện. Pháp sư Đại thừa đã lập thêm tên gọi ấy. Nhưng chỗ lập của các đại sư đều từ phần nhiều, lấy chỗ tăng tiến dùng chung cho ba pháp. Lý thì huyền diệu nên chẳng làm sáng rõ chỗ riêng cho bốn Hạnh. Nay, dùng ý của Đại sư Đạo Sinh, hợp Thân Khẩu ở phần hai, giữ lấy Hành xứ, Cận xứ, và với kiến giải của Nam Nhạc, Bảo Lâm cùng lập tên gọi là “Hạnh” “Không” “Rốt ráo” (tất cánh không Hạnh). Đại sư Bảo Lâm chỉ nói về một “Không” tợ như chỉ căn cứ nơi Cảnh. Đại sư Nam Nhạc thì nói Tuệ không chấp trước, tức chỉ nêu về Tâm. Nay nói “Tất cánh Không” tức Tâm-Cảnh cùng mất, có không cùng hợp. Do đó, Đại sư Đạo Sinh nói: “Cận xứ nêu rõ xa ác gần lý. Hành xứ để làm tông chỉ của nẻo hành hóa, tức ở nơi Tất cánh Không.”

Đây là Đại Trí. Hạnh thứ tư là Đại bi. Bi, Trí cùng dẫn dắt. Trong đó hạnh hai, ba là nghiệp, theo ý Tông Thiên Thai cũng chẳng mất. Lại nữa, hạnh đầu và sau thành đức, hai ở giưa là lìa lỗi lầm. Lìa lỗi lầm tức Đoạn đức. Đầu là Trí, sau là Bi, ba là đức hoàn bị. Tuy nghĩa cùng chung nhưng theo nhiều nên khác biệt. Trong kinh chỉ gọi là “Hành xứ”, “Cận xứ”, nhưng ý ở nơi Cận Lý, Hành Lý.

– Sớ từ câu: “Đã hội nhập nơi Lý” tiếp xuống: Tức phần giải thích của Đại sư Đạo Sinh.

Phần tiếp sau sớ dẫn kinh để chứng minh. Đã gọi “Không có hành mà quán” tức soi chiếu và vắng lặng cả hai vận hành là hành hóa theo Lý. Chỗ cuối câu nơi Sớ giải chữ “đẳng” là chỉ cho phần văn tiếp sau nói: cũng chẳng hành, chẳng phân biệt. Giải thích câu này tự có hai ý:

Một: Tức ở trên không có Hành mà Quán đều là chẳng phân biệt. Nay lại chẳng Hành là soi chiếu và vắng lặng, cả hai cùng mất.

Hai: Chỉ đối chiếu với trên mà Quán tướng như thật của các pháp, sợ lẫn lộn từ Hành khởi Quán. Nay, nêu rõ chính xác khi Quán cũng chẳng là Hành Quán ấy, chẳng phân biệt Quán ấy. Theo Hành là căn cứ nơi Tâm để đến nơi Lý. Theo Quán là căn cứ nơi sự soi chiếu để đạt nơi Lý. Nay thì Tâm hành chẳng là Hành Quán, không phân biệt, tức Quán mà là không quán thì soi chiếu và lặng lẽ cả hai vận hành. Cho nên phần sau kệ viết:

“Lại cũng chẳng hành

Pháp thượng trung hạ

Hữu vi, Vô vi

Pháp thật, chẳng thật”.

Tức là “Chẳng Hành”.

“Cũng chẳng phân biệt

Là nam là nữ Chẳng đạt các pháp

Chẳng biết, chẳng thấy”.

Chính là hội nhập Lý tức cũng chẳng phân biệt.

Hỏi: Nếu cho hội nhập Lý là hành thì trụ nơi Nhẫn nhục địa v.v… há chẳng là hành của hội nhập Lý?

Đáp: Chính là hội nhập Lý. Nghĩa là nhẫn của địa vô sinh tịch diệt là chỗ an trú. Nhu hòa, khéo thuận hợp, tức nhu thuận nhẫn, dứt mọi sự hung bạo. Tâm cũng chẳng kinh sợ tức là Âm thanh nhẫn. Ba Nhẫn tức thì gồm đủ nên hội nhập nơi Lý. Trụ nơi Nhẫn nhục địa tức là Áo của Như Lai. Quán tướng như thật tức là Tòa ngồi của Như Lai, dùng chỗ ấy để dẫn dắt Bi tức là Nhà của Như Lai.

– Sớ từ câu: “Tuy chưa hội nhập nơi Lý” tiếp xuống: Cũng là ý của Đại sư Đạo Sinh.

Từ câu: “Xa lìa các thứ ác” tiếp xuống: Là dẫn kinh để chứng minh. Trước tiên là làm rõ chỗ xa lìa lời nói thô ác cùng hàng ngoại đạo v.v… chữ vân vân (đẳng) là chỉ cho tám thứ còn lại. Tức là lìa tất cả mười thứ:

Một: Xa lìa thế hành quyền thế, giàu có, tức như Quốc vương v.v… Đó là duyên của sự tổn hại.

Hai: Chẳng gần gũi với pháp tà, người tà đạo, tức như các Phạm chí ngoại đạo v.v… Đó là duyên của ác kiến.

Ba: Cũng chẳng gần gũi những kẻ chơi đùa hung bạo. Đó là duyên của sự phá hoại, nhiễu loạn.

Bốn: Chẳng gần gũi với hàng Chiên-đà-la v.v… Đó là duyên của nghiệp ác.

Năm: Chẳng gần gũi với người cầu quả vị Thanh văn v.v… tức là duyên của những người bạn yếu kém, cách ly.

Sáu: Từ câu: “Lại nữa, Văn Thù Sư Lợi! Chẳng nên đối với thân của người nữ, cho là tướng có thể sinh khởi tưởng dục nhiễm, mà vì họ thuyết giảng giáo pháp v.v…”. Đó là duyên của sự cấu nhiễm tăng trưởng.

Bảy: Lại cũng chẳng gần gũi với năm thứ người chẳng phải là nam nhi. Đó là duyên của những kẻ chẳng được dùng.

Tám: Chẳng nên một mình đến nhà người khác. Đó là duyên của sự chê trách.

Chín: Từ câu: “Nếu vì người nữ mà thuyết pháp” tiếp xuống: Đó là duyên của việc thoát ly chẳng đúng phép tắc.

Tông Thiên Thai nói: “Tám là lìa oán hại. Chín là lìa chỗ hiềm nghi”.

Mười: Chẳng thích nuôi đệ tử Sa Di nhỏ tuổi, trẻ con v.v… Đó là duyên của sự tán loạn.

Trên là nêu rõ chỗ chẳng nên gần gũi, thường ưa tọa thiền. Phần dưới là biện minh về chỗ cần gần gũi. Trên là khởi đầu của sự thân cận, là nơi chốn thân cận thứ nhất.

Tiếp theo nói: “Lại nữa, Bồ tát Ma-ha-tát quán tất cả các pháp là Không, đúng tướng như thật của các pháp v.v… tức là nơi chốn thân cận thứ hai”, là chung cuộc của sự thân cận. Chính là biện minh về chỗ tiếp cận Lý, do quán tưởng chưa dứt trừ, nên gọi là thân cận.

“Hai là thân miệng không lầm lỗi”: Kinh viết: “Như miệng nói năng hoặc khi đọc tụng kinh điển, không ưa thích nói về lỗi của người, của kinh điển…” Phần văn xuôi hầu hết chỉ biện giải về miệng. Trong phần kệ thì nêu về thân. Dùng dầu xoa nơi thân, tắm gội, gột rửa các bụi nhơ, là cũng gồm luôn sự việc nơi thân.

“Ba là Tâm không ganh ghét”: Kinh nói: “Về sau này ở đời mạt pháp vào lúc chánh pháp sắp bị diệt, người thọ trì, đọc kinh điển này, không mang tâm ganh ghét, dối tra, dua nịnh v.v…”

“Bốn là…” đối với người tại gia, xuất gia phải có tâm từ rộng lớn, đối với những kẻ không có tâm là Bồ tát phải có tâm Bi rộng lớn”. Diễn rộng nơi kinh ấy. (kinh Pháp Hoa).

– Sớ từ câu: “Nhưng sự an lạc” tiếp xuống: Là giải thích tên gọi của Hạnh An lạc. Gồm hai:

Một: Giải thích, dùng Quả để biện rõ về Nhân.

Hai: “Nhân tức An lạc” cũng là ý của Đại sư Đạo Sinh.

Câu: “Lại, chấp thường nơi ngoại đạo v.v…” tức là ý của Tông Thiên Thai.

Thứ nhất: “Ngoại đạo chấp thường cho Nhân Quả cùng khổ”: Tức do chấp Ngã là thường nên tu tập khổ hạnh để mong đạt được quả an lạc. Chỗ tu tập là tà nên trở lại nhận lấy quả khổ.

Thứ hai: “Ngoại đạo chấp đoạn, chẳng tin quả báo ở đời sau, nên tâm ý buông thả, làm các điều xấu ác, theo đuổi năm thứ dục lạc, sẽ phải thọ nhận quả khổ.

Thứ ba: Hàng Nhị thừa phân tích các pháp, vô thường vụng về vượt qua, nên gắng công tu tập hết sức khổ nhọc. Đây gọi là Nhân khổ. Đạt đến Niết-bàn, nên gọi là Quả lạc.

Thứ tư: Bồ tát như thật tế khéo vượt qua mà tu hành nên là Nhân lạc, chứng đắc đại Niết-bàn Bồ đề là thường lạc.

Từ câu: “Kinh Niết-bàn nói” tiếp xuống: Là dẫn chứng. Tức nơi kinh đại Niết-bàn quyển thứ hai mươi bảy. Kinh viết: “Thiện nam! Hạng chẳng thấy Trung đạo gồm ba loại: Một là Hành định lạc. Hai là Hành định khổ. Ba là Hành khổ lạc. Hành định lạc là chư vị Đại Bồ tát luôn thương xót tất cả chúng sinh, dù trở lại cõi địa ngục A Tỳ để cứu độ muôn loài, cũng xem như sự an lạc của cảnh giới Thiền thứ ba. Hai, Hành định khổ, là hàng phàm phu. Ba, Hành khổ lạc, đó là hàng Thanh văn, Duyên giác. Hành Thanh văn hành nơi khổ lạc tạo tưởng về Trung đạo. Do ý nghĩa ấy nên tuy có Phật tánh mà chẳng thể thấy được.”

Phần tiếp sau của kinh văn nêu giảng rộng, chẳng chính thức giải thích về phàm phu, nhưng nói đạo có ba bậc: Hạ, Trung, Thượng. Bậc Hạ, như hàng Phạm Thiên, Vô thường mà lầm lạc cho là thường v.v… Đoạn sau nói về “Cõi gốc” của sinh tử gồm có hai loại: Một là Vô minh. Hai là Hữu Ái. Khoảng giữa của hai thứ ấy tức có sinh lão bệnh tử, là “Hành định khổ”.

– Sớ từ câu: “Kinh Trường A Hàm” tiếp xuống: Là dẫn kinh Trường A Hàm, kinh Thập Nhị Nhân Duyên, Luật Tăng Kỳ, nói về sự việc xây tháp, cúng dường v.v… chưa có chỗ tóm kết.

– Sớ câu: “Kinh Vô Thượng Y nói cúng dường xá lợi của Phật, dù chỉ nhỏ như hạt cải, thảy được hoàn toàn thoát khỏi cái khổ nơi sinh tử”: Kinh gồm hai quyển, phần nêu dẫn nơi bản Sớ giải là quyển thứ nhất. Nhân Tôn giả A Nan theo Phật khất thực thấy một tòa thành mới với lầu gác cao đẹp, liền có suy niệm: “Như có người dùng lầu gác thù thắng này bố thí cho chúng tăng trong bốn phương, cùng cúng dường đầy đủ bốn thứ cần dùng trong đời sống. Hoặc có người, sau khi đức Như Lai diệt độ, đem xá lợi của Phật dù chỉ bằng hạt cải, đặt trong tháp để thờ kính cúng dường. Tháp ấy được xây dù chỉ lớn như trái A-ma-la, cột phướng như cây kim, bệ thờ tượng Phật v.v… nơi bảo tháp chỉ lớn bằng lá táo, tạo tượng Phật chỉ bằng hạt lúa. Thì nơi hai công đức ấy cái nào hơn”. Tôn giả bèn đem điều mình vừa suy nghĩ hỏi Phật. Phật khen ngợi, lại nêu dẫn dụ để so sánh.

Thứ nhất là nêu dụ về số lượng các bậc đạt quả vị A-la-hán, Phật Bích chi nhiều như số lúa mà tre lau đầy khắp cõi Diêm-phù-đề. Có người phát tâm cả đời cúng dường đầy đủ bốn sự cho các bậc kia, sau khi diệt độ lại xây dựng tháp lớn để cúng dường Phật. Vậy công đức của người ấy nhiều chăng? Tôn giả A Nan thưa là rất nhiều.

Tiếp theo, nêu về cõi Tây Cù-đà-ni, cõi Đông Phất-bà-đề, cõi Bắc Uất-đơn-việt, đều với số lượng lớn dần và việc cúng dường cũng như trước, so lầu gác được xây dựng như trú xứ của Đế Thích, hỏi Tôn giả A Nan. Tôn giả đều thưa là hết sức nhiều. Phật nói với Tôn giả A Nan: “Nếu có thiện nam, thiện nữ, sau khi Phật nhập Niết-bàn, lấy xá lợi của Phật dù chỉ như hạt cải, tạo dựng tháp chỉ lớn như trái Amala, tạo cột cờ phướn chỉ như cây kim, kệ thờ nơi bảo tháp chỉ bằng lá táo, tạo tượng Phật chỉ lớn bằng hạt lúa, thì công đức này so với công đức trước đã nói, công đức trước chỉ bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần ức, công đức ấy cho đến dùng toán số, thí dụ cũng chẳng diễn tả hết được…”

Giải thích: Căn cứ ở đây chỉ nói là”phước nhiều”. Nếu tăng thêm sự hồi hướng ắt đạt đến cứu cánh.

– Sớ câu: “Đương kỳ vô hữu xa chi dụng” (Nhưng chính nhờ khoảng trống không trong ái bầu mà xe mới dùng được!).

Tức nơi sách đạo đức kinh của Lão Tử: “Tam thập bức cộng nhất Cốc. Đương ký vô hữu xa chi dụng” (Ba mươi tay hoa cùng quy vào một cái bầu, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bầu mà xe mới dùng được. Đạo đức kinh, chương mười một. Theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê).

Chú giải: Đây là nêu rõ công dụng của có không hỗ tương mà thành. Lại nữa,phần tiếp sau tóm kết nói: “Hữu chi dĩ vi lợi. Vô chi dĩ vi dụng: (do đó, dù cho có mà trở nênkhôngn có để làm lợi. Từ chỗ không có mà trở nên có để sử dụng). Ý biện minh nhờ có càng xe, chái xe, bánh xe v.v… mà thành xe. Trong xe nếu chẳng có khoảng trống thì chẳng có công dụng căn cứ vào cái lợi của chỗ có hình chất thô để làm rõ chốn dụng của cái không vi diệu. Nay mượn lời ấy để nói về “Cỗ xe” của duyên thành nơi muôn hạnh. Bên trong “Không tánh” tức khoảng trống ở trong. Nếu chẳng tiếp cận với có thì không thể đem lại lợi ích cho muôn loài. Nếu chẳng hội nhập nơi không thì chẳng thể hành hóa dẫn dắt. Do nơi có nghĩa Không nên tất cả các pháp được thành tựu. Vì vậy mà gọi là biện dụng lớn.

– Sớ câu: “Ngược lại với ba đời, trăm kiếp”: A-la-hán ba đời tu phước. Duyên giác thì trăm kiếp. Nay thì khiến trăm ngàn ức Na do tha kiếp tu tập.

– Sớ câu: “Kinh đại Bát Niết-bàn quyển thứ mười nói: Nếu phạm bốn giới cấm nặng…”: Tức nêu rõ kinh pháp hỗ trợ cho người diệt trừ Hoặc, chướng. Đoạn kinh này có mười lượt “Lại nữa!”. Đây là lượt thứ nhất, kinh viết: “Nếu các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cùng các hàng ngoại đạo, có thể thọ trì kinh điển như thế, đọc tụng thông suốt, lại vì người khác mà phân biệt giảng nói, hoặc tự mình biên chép. Tấ cả những việc làm ấy đều là nhân duyên của Bồ đề. Như phạm phải bốn giới cấm và năm tội ngũ nghịch, hoặc bị tà quỷ độc ác ngăn giữ, nghe được kinh điển này thì mọi thứ xấu ác hiện có đều được diệt trừ. Như thấy bậc Lương y thì quỷ ác liền bỏ đi xa. Cho nên biết người ấy là bậc đại Bồ tát đích thực. Vì sao? Vì vừa nghe được kinh đại Niết-bàn này, cũng do đấy mà sinh khởi niệm về Như Lai thường trụ. Như mới nghe được hãy còn đạt được lợi ích như thế, huống hồ là biên chép, thọ trì đọc tụng!”.

Giải thích: Đây là phần Sớ giải chỉ nêu lên. Sớ giải lại viết: “Phạm bốn giới cấm nặng, chẳng sinh trở lại, không có điều ấy”. Tức nơi kinh Đại Bát Niết-bàn quyển thứ năm nói: “Lại nữa, giải thoát gọi là vắng lặng tịch tĩnh, không có bất định. Có “Bất định” là như hàng Nhất Xiển đề rốt ráo chẳng dời đổi, người phạm phải giới cấm nặng, chẳng thành tựu Phật đạo, thì không có điều ấy. Vì sao? Nếu người ấy ở trong chánh pháp của Phật, tâm có được sự tin tưởng thanh tịnh, bấy giờ tức thì diệt trừ tội “Nhất Xiển đề”. Như lại được làm Ưu-bà-tắc thì cũng diệt trừ được hết, đối với tội Nhất Xiển đề. Người phạm phải giới cấm nặng, dứt trừ hết tội lỗi ấy rồi thì được thành Phật. Nếu cho rằng 26 rốt ráo chẳng thành tựu Phật đạo, thì thật chẳng có điều ấy.

– Sớ câu: “Kinh văn như thế nơi nơi đều có”: Tức nơi quyển thứ sáu có đoạn: “Đại Niết-bàn ấy là kinh điển vi diệu, chẳng thể làm cho hoại diệt, là hết sức kỳ lạ đặc biệt. Nếu có người được nghe, nghe xong thì tin tưởng thọ nhận, có thể tin Như Lai là pháp thường trụ. Người như vậy là hết sức hi hữu, như hoa Ưu-đàm. Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, nếu có người được nghe kinh điển Đại thừa vi diệu như thế, sinh tâm kính, tín, nên biết là người ấy ở nơi vị lai trải qua trăm ngàn ức kiếp chẳng bị đọa nơi cõi ác”.

Văn ở phần đầu quyển thứ chín viết: “Ví như mặt trời xuất hiện, các thứ sương mù thảy đều tan biến. Kinh điển Đại Niết-bàn vi diệu này cũng lại như thế. Kinh ấy xuất hiện ở đời, nếu có chúng sinh, một lần được nghe kinh này, thì đều có thể diệt trừ hết thảy các thứ xấu ác, các nghiệp của tội vô gián”. Nơi các kinh Đại thừa khác, văn cũng diễn rộng nhiều.

– Sớ câu: “Tà luận của ngoại đạo”: Tức một là dựa theo Luật của phái Tat Bà Đa, thì sáu sư ngoại đạo mỗi sư đều có mười sáu thứ học pháp.

– Sớ câu: “Hai là loại ngoại đạo dựa vào pháp Phật”: Tức nếu chẳng đạt được ý của Bát-nhã thì đi vào A-tỳ-đàm ắt sẽ vướng mắc nơi có”.

– Sớ câu: “Nên kinh Lăng Già, (bản gom bảy quyển), quyển thứ nhất nói…”

Bản gồm bảy quyển tức do Tam Tạng Thật Xoa Nan Đà dịch. Bản gồm mười quyển (do Đại sư Bồ Đề Lưu Chi dịch) thì văn nêu giảng rộng. Bản gồm bốn quyển (do Đại sư Cầu Na Bạt Đà dịch) văn quá gọn. Bản bảy quyển đạt được sự trung bình, mà văn lưu loát. Bản Sớ giải đã dẫn đầy đủ văn kinh. Dẫn ý nói rõ đây gọi Nhị Thừa là ngoại đạo. Do đâu biết được là hàng Nhị Thừa? Do trước đoạn này có đoạn kinh nói: “Đại Tuệ! Đây là tất cả Như Lai ứng chánh đẳng giác của đời quá khứ, hiện tại vị lai, giác ngộ tự tánh của các pháp là Tâm của Đệ nhất nghĩa. Do Tâm ấy nên đã thành tựu được các pháp tối thượng của thế gian, xuất thế gian. Nhờ mắt trí tuệ của bậc Thánh, hội nhập nơi tự tướng, cộng tướng, an lập vô số các thứ pháp. Chỗ an lập ấy, chẳng giống với ác kiến của ngoại đạo…” Phần tiếp theo là văn của Sớ đã nêu. Tức ở phần trước nói Phật pháp chẳng cùng chung với ngoại đạo thì trước đó đã là gồm nói Nhị thừa, nên so sánh nêu ra, cũng chẳng biết đó là cảnh giới do tự tâm phân biệt hiện bày v.v… tức là kiến chấp của hàng Nhị Thừa.

Lại như bản gồm bốn quyển có đoạn: “Đại Tuệ! Thế nào là chỗ luận cùng với ác kiến của ngoại đạo? Đó là từ cảnh giới vọng tưởng, kiến chấp, chẳng biết chỗ hiện bày sai biệt của Thức nơi tự tâm…”

Giải thích: Đây đều là kiến chấp của hàng Nhị thừa, nên cho là đồng với ngoại đạo.

– Sớ câu: “Lại nữa, quyển thứ hai nói”: Tức cũng nơi kinh Lăng Già bản gồm bảy quyển, lại làm rõ chỗ nghĩa giống nhau giữa Nhị thừa và ngoại đạo. Sớ giải nêu dẫn văn kinh hoàn toàn đầy đủ. Do hai đoạn kinh ấy đã biện minh rõ về nghĩa gọi Nhị thừa là đồng với ngoại đạo.

– Sớ câu: “Nương theo bốn Luận Thừa”: Văn nơi bản Sớ giải gồm ba:

Một: Dẫn Luận để chính thức giải thích.

Hai: Nhận định, phân biệt.

Ba: Bàn về sự được mang tên.

Một: Nói “Luận Trang Nghiêm quyển thứ sáu gọi là bốn loại luận không phóng dật”: Đó là:

Thứ nhất: Thắng độ Luân.

Thứ hai: Thiện nhân Luân.

Thứ ba: Tự chánh Luân.

Thứ tư: Tiên phước Luân.

Phần tiếp sau, bản Sớ giải dựa nơi Luận ấy để giải thích về Tướng.

Thứ nhất: “An trụ nơi quốc độ tốt đẹp” (Thắng độ Luận): Luận có kệ viết:

“Dễ cầu cùng khéo giúp

Cõi Hành, cũng bạn lành

Cõi thù thắng tịch tĩnh

Bồ tát tức vãng sinh”.

Nay sớ nêu dẫn tức là phần văn xuôi giải thích, song có sự tóm lược nhỏ. Văn đầy đủ là: “Một, dễ tìm cầu. Nghĩa là bốn sự cung cấp nơi Thân chẳng khó đạt được. Hai, khéo hộ trì quốc vương, như các kẻ xấu ác, trộm, giặc chẳng thể ở được. Ba, ở nơi cõi lành, là nơi chốn điều hòa, không bệnh tật. Bốn, bạn lành, cùng kiến giải, cùng giới pháp, là bạn bè. Năm, khéo tịch tĩnh, tốt đẹp nghĩa là trọn ngày không có những âm thanh ồn áo tạp loạn”.

– Sớ câu: “Hai là nương tựa nơi Thiện nhân luân”: Tức nơi Luận có kệ:

“Đa văn cùng thấy đế

Khéo giảng cũng xót thương

Trượng phu ấy chẳng thoái

Bồ tát nên nương tựa”.

Phần sau giải thích, tức nơi Luận kia nói về ba Luân trước, do dễ nên sớ không giải thích. Văn của Luận đầy đủ là: “Một là đa văn, là thành tựu nơi các bộ A Hàm. Hai là “Thấy đế” tức là đạt được Thánh quả. Ba là khéo giảng nói tức phân biệt các pháp. Bốn là luôn thương xót, tức chẳng tham lợi. Năm là không thối chuyển tức là không hề mệt mỏi”.

“Thứ ba: Tích tập Luân Phước đức thù thắng” (Tiên phước Luân).

Kệ nơi Luận viết:

“Được vui và không nạn

Không bệnh cùng tịch tĩnh

Quan sát, năm thứ ấy

Trước từng trồng thiện căn”.

Phần giải thích nêu: “Một là được an vui. Hai là không nạn. Ba là không bệnh. Bốn là thực hành Tam muội. Năm là Trí tuệ”.Sự việc thứ nhất do an trụ nơi cõi thù thắng làm nhân. Sự thứ hai do dựa nơi người lành làm nhân. Ba sự sau đều do tự mình chính thức thành tựu làm nhân.

Giải thích: Trong phần Sớ giải đã đem chỗ nêu ra tên gọi của phương tiện ở sau để giải thích.

“Thứ tư: Phát thệ nguyện lớn, tương đương với Luận kia là Luân thứ ba (tức Tự chánh Luân). Kệ nơi Luận viết: “Duyên thiện cùng tụ thiện

Khéo tu cùng khéo giảng,

Khéo nêu. Năm thứ ấy

Gọi là Tự chánh Thắng”.

Luận giải thích: “Một là Duyên thiện, tức diệu pháp là duyên. Hai là Tụ thiện tức tích tụ đầy đủ phước, trí. Ba là khéo tu tập Chỉ, Quán, các Hành tương ưng thời thời tu tập. Bốn thì hoàn toàn giống với Năm. Chữ Thuận là chữ dục”.

Ở trên nói Luận Thành Thật gọi là “Tự phát chánh nguyện”. Tức nơi Luận ấy, quyển thứ hai, phẩm Tứ Pháp, viết: “Lại, trong kinh nói, Trời, người với bốn Luân có thể làm tăng trưởng các pháp thiện: Một là an trụ nơi chốn thiện. Hai là dựa nơi người thiện. Ba là tự phát khởi thệ nguyện chân chính. Bốn là trước từng vun trồng thiện căn”.

Phần tiếp theo nêu rõ việc phá trừ tám mạn.

– Sớ câu: “Nhưng hai pháp trước là căn cứ nơi Quả”: Là phần thứ hai, nhận định, phân biệt.

– Sớ từ câu: “Bốn pháp ấy nhân nơi gì mà được gọi là Luận” tiếp xuống: Là phần thứ ba nói về việc được mang tên. Gồm hai:

Một: Nêu rõ việc được mang tên là Luân, tức là văn của Luận Thành Thật.

Hai: Từ câu: “Đã biết về bốn Luân” tiếp xuống: Là phần hai, giải thích việc được mang tên Thừa. Cũng gồm hai:

Thứ nhất: Dựa nơi Luận Du Già để giải thích.

Thứ hai: Từ câu: “Nếu dựa nơi kinh này”: Là dựa nơi kinh Hoa Nghiêm, biện giải về Viên giáo.

Phần thứ tư, ý nghĩa nơi văn đều có thể nhận biết.

– Sớ câu: “Kinh Bản Hạnh nói: Bện cỏ làm lọng…”: Tức nơi kinh Hiền Ngu, quyển thứ tám nói:” Về thời quá khứ có một vị Vua tên là Kim Cương, phu nhân của Vua mang thai luôn có lọng lớn bằng bảy báu, che phủ trên đầu. Đến khi sinh Thái tử thì thân tướng toàn màu vàng ròng, đầy đủ các tướng tốt, lọng báu ở trên đầu, gọi là lọng bảy báu hầu Vua tự đến. Vua làm chủ bốn cõi thiên hạ, tức là tiền thân của

Phật. Phật nói: “Này Tôn giả A Nan! Vào thời quá khứ xa xưa, nơi núi Tiên Nhân có một vị Phật Bích chi tu tập, sau khi Phật diệt độ, có một trưởng giả xây dựng tháp cúng dường, dùng lọng che phủ trên tháp, nên đạt được phước báu ấy, tức là sự việc kia.

– Sớ câu: “Bốn định. Bậc trên Địa, ánh sáng tích tập, là vua phước đức, Hiền Thủ…”: Tức nơi phẩm Xuất Hiện đã nêu. Nghĩa của bốn Trí cũng nêu đầy đủ nơi văn ở trước. Trí đều có bốn, như nơi phẩm Xuất Hiện đã đề cập.

– Sớ câu: “Nay dựa nơi Hiền Thủ tức là tám Nhẫn tám Trí”: Lại dựa theo Duy Thức để giải thích. Tức Luận giải thích tướng nơi “Kiến đạo”, trong đó duyên an lập đế có mười sáu tâm thấy đạo.

Từ câu: “Tuy nhiên ở đây có hai” tiếp xuống: Tức văn của Luận kia. “Chỉ dùng để lập mười sáu Tâm” tiếp xuống: Là có câu nêu lên.

“Nghĩa là ở nơi Khổ đế có bốn thứ Tâm” tiếp xuống: Là hoàn toàn giống với Luận.

– Sớ từ câu: “Một là khổ Pháp Trí Nhẫn” tiếp xuống: Khổ tức Khổ đế. Pháp là giáo pháp của chủ thể nêu giảng kia. Trí tức trí tuệ trong đạo Gia hạnh duyên với khổ Pháp. Nhẫn là nhẫn vô lậu. Kham nhẫn với Trí của pháp khổ ở trước. Khổ pháp trí nhẫn này quán về khổ cho đến Như, có thể đoạn trừ. Hai mươi tám loại tùy miên phân biệt của bậc kiến đạo trong ba cõi. Nghĩa là khổ của cõi Dục có mười. Hai cõi trên thì khổ đều có chín, do trừ sân, nên ba cõi hợp thành hai mươi tám loại.

“Hai là khổ pháp trí”: Pháp tức là Như của khổ. Trí là chủ thể duyên với Như của khổ gọi là khổ pháp trí.

“Ba là Khổ loại trí nhẫn”: Nghĩa là khổ pháp trí không gián đoạn, nên Tuệ vô lậu phát sinh. Ý cho rằng, Tâm thứ ba này ở nơi một sát na đều có sự chứng đắc riêng bên trong. Về Pháp Nhẫn Pháp trí. Tức sau hai tâm, này trở đi cho đến bậc Vô học, tất cả pháp của Thánh nhân đều từ hai tâm này mà sinh khởi. Do đấy gọi: “Đều là loại ấy”.

“Bốn là Khổ loại Trí”: Trí này chỉ duyên với Khổ thì với sự chứng đắc từ bên trong ngư in theo trước (ấn khả), nên gọi là Khổ loại Trí”.

– Sớ câu: “Hai tâm trước quán Như. Hai tâm sau quán là Trí”: Nghĩa là Pháp Nhẫn, Pháp Trí quán về Như. Loại Nhẫn, Loại Trí quán về Trí.

– Sớ từ câu: “Khổ đế có bốn tâm; ba đế kia cũng thế” tiếp xuống: Là giải thích ba đế còn lại đều giống như khổ đế. Một đế có bốn nên thành mười sáu, đều đoạn trừ hai mươi tám thứ tùy miên phân biệt. Nhưng đấy là chọn lấy ý. Văn của Luận đầy đủ là: “Như ở nơi Khổ đế có bốn thứ Tâm, đối với Tập, Diệt, Đạo đế nên biết cũng như thế. Mười sáu tâm này thì tám quán về Chân như, tám quán về chánh Trí. Có thể biết rõ pháp là phần tự chứng kiến phần của đạo Vô gián và Giải thoát. Vì sai biệt nên kiến lập tên gọi là Tướng nơi kiến đạo.

Giải thích: Nghĩa là, pháp của nhẫn, pháp nhẫn, kiến phần của Vô gián đạo. Chân thật pháp của pháp trí là kiến phần của Giải thoát đạo chân thật. Pháp của Loại nhẫn thì vô gián cùng với Tự chứng phần. Pháp của loại trí thì giải thoát cùng với Tự chứng phần, ấn chứng cho trí ở trước nên chỗ lập có sai biệt.

– Sớ câu: “Hai là dựa nơi quán trên dưới”: Luận viết: “Hai là dựa nơi quán về Đế, cảnh của trên dưới mà lập riêng mười sáu thứ Tâm của Pháp Loại. Nghĩa là quán về cảnh giới bốn đế như khổ v.v. hiện tiền, chẳng hiện tiền, đều có hai Tâm: Một là Nhẫn của Hiện quán, hai là Trí của Hiện quán”.

Giải thích: Cõi Dục gọi là dưới, là cảnh giới hiện tiền. Cõi Sắc, Vô Sắc gọi là trên, là cảnh giới chẳng hiện tiền. Mười sáu Tâm, nghĩa là quán về bốn đế nơi cõi Dục lập riêng Pháp nhẫn, Pháp trí, thành tám thứ. Dựa theo đó, quán bốn đế nơi hai cõi trên, lập riêng Loại nhẫn, Loại trí, tám thứ. Nhưng Luận chỉ nêu khổ đế của cõi Dục dùng làm pháp.

Một là Nhẫn của Hiện quán là Vô gián đạo.

Hai là Trí của Hiện quán là Giải thoát đạo.

Phần còn lại có thể dựa theo đấy mà nhận biết, như chỗ ứng hợp kia. Pháp là kiến phần của đạo Vô gián. Giải thoát chân thật, nên quán về Đế đoạn trừ một trăm mười hai Tùy miên phân biệt của Kiến đạo cần phải đoạn gọi là tướng nơi Kiến đạo.

Giải thích: Sớ nay và tóm lược phối hợp mà không nói pháp tự chứng là gì, nên Sớ của Luận kia nói: Do đối với mười sáu tâm trước, trở về sau thực hiện quán này thì quán dần dần thô. Vì thế nay cho rằng quán về Trí tức pháp nơi tự chứng. Sớ đã không nói quán Trí nên không nói pháp nơi tự chứng đó thôi! Một trăm mười hai thứ tùy miên là: Cõi Dục với bốn đế có bốn mươi Tùy miên, bốn Đế của hai cõi trên mỗi cõi trừ bỏ sân tức là trừ đi tám, thành là một trăm mười hai của ba cõi.

– Sớ câu: “Dựa nơi Luận Du Già quyển thứ năm mươi ba gọi là Trăm phước, hành”: Tức trong Quyết trạch phần, văn cùng hiển bày rất rõ. Chỉ một phần nhỏ, là Kinh bộ có sự thọ nhận phần, hoặc nhiều, hoặc hoàn toàn, do căn tánh kia có sự sai biệt: Kém, trung, thượng, cùng sự thọ trì có nhiều thời gian, ít thời gian. Thời gian ít là từ một ngày cho đến mười ngày. Thời gian nhiều từ một năm trở đi, mười năm cho đến hết đời, có thể nhận biết.

Nhưng về mười thứ kia phân làm bốn loại:

Ba mươi thứ đầu là dựa theo Sự để phân.

Ba mươi thứ tiếp theo là dựa theo thời gian có sự phân biệt.

Hai mươi thứ tiếp theo là căn cứ nơi tự, tha để biện minh.

Hai mươi thứ sau là dựa theo chỗ tán dương, nêu bày để lập.

Chính là căn cứ nơi thời gian hành trì, gọi là Trăm Hành. Căn cứ theo phước được sinh ra gọi là Trăm phước.

Nếu dựa theo mười ác thì gọi là Trăm sự chẳng phải…

– Sớ câu: “Ở đây lại dựa theo giáo pháp giống nhau, theo ba mươi hai tướng nơi Hóa Thân mà nói”: Nơi Hội thứ nhất đã phân biệt rộng. Tức kinh đại Bát Niết-bàn, phẩm Bồ tát Sư Tử Hống, quyển thứ hai mươi tám, Nam bản là quyển thứ hai mươi sáu.

– Sớ câu: “Thể đầy Đức đủ”: Tức giải thích Trí như ngọc báu minh châu. Ở đây có hai ý:

Một: Dựa thẳng nơi Trí. Ở trên nói “Thể tròn đầy” là hiển bày Trí viên mãn ấy, tức là Tánh của Trí. “Đức hoàn bị” là có thể thành tựu tất cả các đức, tức là Tướng của Trí. Soi sáng thấu triệt tức là ánh sáng tỏa 32 chiếu khắp, không sót. Hoặc dứt mất tức là diệt trừ sạch Sở tri chướng. Lược nêu về bốn đức của ngọc báu.

Hai: Dung thông nơi Lý, Trí, là ba đức của Niết-bàn. Một là Thể tròn đầy tức Pháp thân. Hai là soi sáng thấu triệt tức Bát-nhã. Ba là Hoặc dứt mất là Giải thoát Đức hoàn bị là chung nơi ba đức, cũng thuộc riêng về Pháp thân gồm đủ ba đức mới gọi là Trí viên mãn.

– Sớ câu: “Cũng dùng Quyền ẩn giấu Thật”: Trên là dựa thẳng nơi Trí Phật để biện minh, nay thì căn cứ nơi ý của kinh Pháp Hoa, gồm luôn việc làm sáng rõ giáo pháp. Dùng Quyền che giấu Lý-Thật, tức trước đây chia làm ba Thừa. Ba thừa tức là “Búi tóc” ẩn giấu diệu chỉ của Nhất thừa.

Từ câu: “Mở Quyền hiển bày Thật” tiếp xuống: Tức hợp ba quy về một.

Từ câu: “văn không giải nghĩa” tiếp xuống: Là xác nhận nghĩa mở ra ở trên.

Từ câu: “Nếu chẳng lãnh hội rõ” tiếp xuống: Nêu ra nghĩa của chỗ nhân tiện biện minh, cho nên trở lại hiển bày Phật không có “Mật tàng”. Kinh Niết-bàn nói Như Lai chỉ có “Mật ngữ” mà không “Mật tàng”. Như trăng mùa thu vào ngày rằm nhằm khiến cùng thấy há có “bí mật che giấu (Bí tàng)”? Chúng sinh không thấu tỏ cho đó là “Mật.

Trên nói Như Lai có “Bí mật tàng”, tức căn cứ nơi bậc thấp chẳng thể lường tính. Có là căn cứ nơi Thể của Pháp. Không là căn cứ nơi Tâm của Phật. Tâm của Phật thì không sen tiếc.

– Sớ câu: “Nên kinh Phật Bản Hạnh nói”: Văn nơi kinh đầy đủ là: “Về thời quá khứ, có năm trăm người con các bậc Trưởng giả đều xuất ra các thứ châu báu, voi, ngựa, xe cộ, y phục, các thức ăn uống, tùy theo người đến xin đều ban cho. Lúc ấy, có một người nghèo thấy sự việc bố thí ấy bèn hỏi: Các vị bố thí phước như thế là nhằm cầu đạt sự việc gì? Đáp: Nguyện cầu Phật đạo. Lại hỏi: Thế nào là Phật đạo? Trong phần đáp đã tán thán rộng về đức của Phật. Người nghèo ấy nghe xong, tự suy nghĩ: Nay ta muốn học tập nguyện này để hóa độ tất cả. Lại nghĩ tiếp: Mình nghèo khổ không có tài sản để thực hành bố thí. Vậy sẽ đem thân này dùng vào việc bố thí. Suy nghĩ xong bèn tìm mật bôi khắp nơi thân rồi nằm chỗ gò mả phát nguyện: Ta đem thân này bố thí cho tất cả. nếu có ai cần máu thịt đầu mắt tủy não đều có thể đến lấy mà dùng. Xin đem công đức này để cầu Phật đạo, hóa độ khắp tất cả. Phát nguyện xong thì ngay lúc ấy cả Tam thiên, Đại thiên thế giới đều chấn động lớn, chư Thiên kinh hoàng, Đế Thích dùng thiên nhãn trông thấy Bồ tát đang nằm nơi chỗ gò nổng, đem thân bố thí, bèn hiện xuống nơi ấy để thử nghiệm nên hóa ra các loài chó, chim, thú tìm đến ăn thịt. Bồ tát thấy có loài vật tìm đến ăn thịt mình thì thâm tâm hoan hỉ, không hề thối chuyển, ý chí không chút lay động. Đế Thích bèn hiện nguyên hình, tán thán rồi hỏi về chỗ cầu đạt đến là gì, cầu làm Chuyển Luân vương, Đế Thích Phạm vương? Đáp: Chẳng phải thế! Chỉ dốc cầu Phật đạo để hóa độ khắp mọi chúng sanh. Đế Thích cùng chư thiên đồng khen ngợi: Lành thay! Rồi nói với Bồ Tát: Sự dũng mãnh ấy của đại sĩ hơn hẳn chỗ bố thí của năm trăm Bồ tát kia, trăm ngàn vạn ức, chẳng thể tính chỗ hơn ấy, nên sẽ thành Phật trước. Người nghèo thời ấy nay chính là Như Lai. năm trăm người con các bậc trưởng giả kia, nay là Bồ tát Di Lặc cùng năm trăm Bồ tát trong chúng hội này. Như Lai do diệu lực của sự tinh tấn dũng mãnh nên đã vượt hơn chỗ công đức tạo được của các Bồ tát ấy mà thành Phật trước”.

(Từ đây trở xuống là quyển thứ hai mươi bảy).

– Sớ câu: “Phần thứ hai mươi bảy là bố thí mắt”: Là nêu chương trưng dẫn. Trong kinh nói: “Cùng vô lượng Bồ tát khác”: Tức nơi kinh Hiền Ngu, quyển thứ sáu, nói về việc Vua Khoái Mục bố thí mắt. Ở quá khứ A-tăng-kỳ kiếp có vị vua tên là Khoái Mục. Mắt của vua có thể nhìn xuyên qua tường, xa đến bốn mươi dặm. Vua làm chủ tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, tánh ham thích bố thí. Có một vị vua ở nước ngoại biện tên là Ba-la-đà-bạt-di không chịu thuần phục. Vua Khoái Mục cử binh hàng phục. Vua kia có một quan đại thần hiện kế: Vì Vua Khoái Mục ham thích bố thí, nên sai một người Bà-la-môn mù đến xin mắt của Vua. Người Bà-la-môn kia đến xin. Vua Khoái Mục hẹn bảy ngày sau sẽ cho mắt. Các quan trong triều buồn rầu can gián, Thái tử xin được thay cho Vua che, nhưng vua Khoái Mục không chịu, còn giảng rộng pháp cho họ.

Đến hẹn Vua sai móc một con mắt để trong lòng bàn tay rồi phát nguyện rộng lớn, và để vào trong hốc mắt của Bà-la-môn kia, tương tư đến con mắt thứ hai cũng vậy. Người Bà-la-môn kia tức thời được nhìn thấy. Việc làm này chấn động đại địa, các trời giáng xuống tán dương. Trời Đế Thích hỏi Vua bố thí như vậy để mong được điều gì? Đáp: Chỉ cầu Phật đạo. Lại hỏi? Có hối hận không? Đáp: Không hối hận. Nếu đúng như vậy, khi khiến cho mắt tôi bình phục như xưa. Quả đúng như lời vua vừa nói. Người Bà-la-môn trở về bẩm báo cho vị Vua kia; nghe xong vua vỡ tim mà chết.

– Sớ câu: “Mười mắt cùng với phẩm Ly thế gian đại thể là giống nhau, chỉ khác chút ít”: Nay kết hợp một cách tóm lược:

Một: Nhục nhãn, trông thấy tất cả hình sắc.

Hai: Thiên nhãn, trông thấy tâm của tất cả chúng sinh.

Ba: Tuệ nhãn, thấy các căn, cảnh giới của tất cả chúng sinh.

Bốn: Pháp nhãn, thấy thật tướng của tất cả chúng sinh.

Năm: Phật nhãn, thấy mười lực của Như Lai.

Sáu: Trí nhãn, nhận biết về các pháp.

Bảy: Quang minh nhãn, thấy hào quang của Phật.

Tám: Xuất sinh tử nhãn, thấy Niết-bàn.

Chín: Vô ngại nhãn, chỗ nhận thấy không bị chướng ngại.

Mười: Nhất Thiết Trí nhãn, thấy pháp giới toàn diện.

Nếu kết hợp với văn hiện nay thì:

Một tức nơi kia là mắt thứ tám: Chỉ rõ, dẫn dắt chúng sinh, khiến ra khỏi sinh tử, chứng đắc Niết-bàn là tối thắng.

Hai tức kia là mắt thứ chín: Tên gọi, nghĩa hoàn toàn giống nhau.

Năm mắt tiếp theo, với chỗ dùng có chút ít khác biệt, hầu hết là giống với năm mắt thông thường.

Tám tức kia là mắt thứ mười, tên gọi đồng với đối tượng được nhận thấy. Từ chủ thể nhận thấy là Nhất Thiết Trí của Phật , cùng căn cứ cả chủ thể- đối tượng, nên gọi là “Phổ nhãn”.

Chín tức kia là Quang minh nhãn (mắt thứ bảy). Từ ánh sáng của chủ thể soi chiếu kia, hai ánh sáng soi chiếu của Thân, Trí phát sinh Tánh không. Căn cứ nơi chỗ lìa lỗi lầm kia thì gọi là “Tịnh ly ế”. (mắt thanh tịnh, lìa mọi sự che chắn)

Mười: Tức kia là Trí nhãn (mắt thứ sáu), mười lực của Như Lai mới có thể thấy các pháp.

Tuy nhiên, mười mắt kia là căn cứ theo Bồ tát, còn đây là nguyện đạt được Phật, tức nhân quả có chút ít khác biệt. Dụng hơi khác mà Ý chỉ lớn thì đồng. Cho nên văn nơi bản Sớ giải viết là: “đại thể là giống, chỉ có khác biệt nhỏ”.

– Sớ câu: “Một là gồm đủ chủng tánh của Phật tức an trụ nơi tối thắng: Tức gồm đủ bảy thứ tối thắng thành Ba-la-mật như nơi Hội thứ nhất đã nêu.

– Sớ câu: “Trí Luận quyển thứ mười bốn nói về Voi chúa bố thí ngà”: Luận viết: “Như Phật Thích Ca văn từng là Voi trắng có sáu ngà. Có kẻ thợ săn theo dõi rình rập, dùng tên độc bắn Voi. Các Voi trong đàn tranh nhau đến tính dẫm nát người thợ săn kia, Voi trắng đã dùng thân mình ngăn cản, che chở cho kẻ ấy, thương xót như đối với con mình. Rồi ân cần giảng nói để ngăn chận đàn voi đang giận dữ kia. Lại từ tốn hỏi người thợ săn: Vì sao ông bắn ta? Đáp: Tôi cần có được ngà voi quý giá này. Voi chúa nghe nói thế bèn nhờ vào lỗ sâu nơi tảng đá để bẻ lấy ngà mình, máu thịt túa ra, lại dùng vòi lượm nga trao cho người thợ săn”. Tuy mang thân với những dụng tâm như thế nên biết voi ấy chẳng phải là hàng súc sinh chịu quả báu của nẻo này. Trong pháp của bậc A-la-hán hoàn toàn không có tâm ấy, nên biết đây là “Pháp thân Bồ tát”.

– Sớ câu: “Cùng phần thứ tư trong mười Luân”: Kinh nói: “Như có vị Tỳ kheo, đối với trong các tội nặng thuộc tánh căn bản theo đấy mà phạm một tội, tuy gọi là phá giới, nhưng Tỳ kheo hành ác ấy vẫn còn hơn tất cả hàng bạch y tại gia Tỳ kheo phạm “Tánh tội”, còn được như thế huống là phạm các tội Giá nhỏ khác ư! Thế cho nên, không cho phép các bậc quốc vương, đại thần, những người tại gia tỏ ra khinh mạn, khiển trách hoặc trừng phạt. Vì sao? Này Thiện nam! Về thời quá khứ xa xưa có nước Ca xa, vua tên Phạm Thọ. Một hôm Vua sai gọi năm người Chiên-đà-la đến bảo: Có một voi chúa lớn tên là Thanh Liên Hoa, có đủ sáu ngà ở nơi núi tuyết, các người phải đến đó bắt voi, bẻ lấy các ngà ấy đem về đây cho ta. Nếu không hoàn thành công việc này thì mạng sống của các ngươi cũng không còn! Năm kẻ Chiên-đà-la vì phải giữ lấy thân mạng của mình nên vâng theo lệnh vua, mang theo cung tên, mặc cà sa đỏ, hiện rõ hình tướng sa môn uy nghi đến núi tuyết, chỗ voi chúa kia. Lúc này voi mẹ từ xa trông thấy đám người đi đến mang theo cung tên thì sợ hãi bèn chạy nhanh tới chỗ voi chúa, thưa: Đại thiên! Hôm nay, thấy có người mang đủ cung tên, đi chậm rãi, dò xét, dòm ngó tiến tới gần chỗ chúng ta. Chẳng phải là mạng sống chúng ta sắp hết rồi chăng? Voi chúa nghe nói thế liền đưa mắt về phía trước xem xét, thấy có người râu tóc cạo sạch, thân mặc cà sa, liền vì voi mẹ mà nói kệ:

“Mặc áo Căng-già-sa

Tướng pháp tràng chư Phật

Xem đấy tâm lìa ác

Ắt chẳng hại chúng sinh”.

Voi mẹ đáp lại:

“Tuy rõ mặc pháp phục

Mà mang đủ cung tên

Là Chiên-đà-la xấu

Ưu ác, không thương xót”.

Voi chúa lớm lại nói tụng:

“Thấy toàn tướng ca sa

Biết là gốc từ bi

Đây hẳn quy Phật rồi

Thương xót các chúng sinh.

(Voi) Mẹ chớ nên nghi ngờ,

Nên mau thâu nhiếp tâm

Người mặc pháp phục này,

Muốn vượt biển sinh tử”.

Bấy giờ, năm kẻ Chiên-đà-la liền dùng tên độc lắp vào cung, nhắm kỹ và bắn trúng vào tim của voi chúa. Voi mẹ thấy vậy cất tiếng lớn gào khóc, nghẹn ngào, rồi đọc tụng:

“Người mặc pháp phục này

Nhất định phải theo Phật

Oai nghi tướng vắng lặng

Mà mang tâm ác độc,

Nay phải dẫm thân họ

Khiến dứt bỏ thân mạng

Diệt oán này khiến hết

Do đã bắn thân Trời!” (Đại thiên) 

Lúc ấy, Voi chúa lại dùng tụng để đáp:

“Thà chóng bỏ thân mạng

Chẳng nên sinh tâm ác

Họ tuy tâm dối trá

Cũng giống đệ tử Phật

Người trí chẳng vì mạng

Mà hủy tâm thanh tịnh

Vì độ các chúng sinh

Thường tu hạnh Bồ tát”.

Bấy giờ, voi chúa lớn sinh tâm thương xót nên từ tốn hỏi mấy kẻ kia: “Các người cần những thứ gì?” Đáp: “Chúng tôi muốn có được ngà voi”. Voi chúa nghe nói thế thì hoan hỉ, liền tự nhổ lấy các ngà của mình trao cho đám Chiên-đà-la, rồi nói tụng:

“Nay ta đem ngà trắng cho ngươi

Không chút oán hận, không tham tiếc

Nguyện nhờ phước thí sẽ thành Phật

Trừ bịnh phiền não nơi chúng sinh!”

Này Thiện nam! Phải xem voi chúa thời quá khứ ấy, tuy thọ thân của nẻo súc sinh mà vì cầu đạt đạo quả Chánh đẳng chánh giác vô thượng nên có thể xả thân bỏ mạng không chút hối tiếc, sự tôn trọng, cung kính đối với người mặc ca sa, tuy họ là oán thù mà không đáp trả. Tuy nhiên, đời vi lai có các hàng Chiên-đà-la, Sát đế lợi, Vua chúa, đại thần, cư sĩ, trưởng giả, Sa môn, Bà-la-môn v.v… quy y nơi pháp của Như Lai mà xuất gia, hoặc là pháp khí hoặc chẳng phải là pháp khí. Các đệ tử Phật vốn đã làm não loạn, mắng chửi, ta lại đã dùng roi gậy trừng trị đánh đập thân, họ hoặc nhốt vào lao ngục cho đến chết thì điều ấy, đối với chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, là phạm các tội lớn, ắt sẽ bị đọa vào địa ngục Vô gián, thiện căn bị đoạn diệt, bị sự thiêu đốt liên tục, hết thảy bậc trí phải nên xa lìa.

Luận Trang Nghiêm quyển thứ mười ba cũng có nói đến sự kiện voi chúa trắng sáu ngà – là tiền thân của Phật Thích Ca – bố thí các ngà của mình. Kể rằng: “Phu nhân của vua thời ấy (kiếp quá khứ) rất oán ghét Voi chúa bèn sai người bắt lấy, cho ở một nơi riêng biệt cùng với con Voi cái. Có người thọ săn mang đủ cung tên, khuất sau bóng cây thong thả mà đi. Voi chúa bèn nói cho Voi chúa biết. Voi chúa hỏi mặc Y phục gì? Đáp: Mặc cà sa. Voi chúa nói: Chẳng phải sợ rồi nói kệ: “Mặc tướng tràng như thế chẳng hại vật bên ngoài. Trong tâm có từ bi thường cứu hộ tất cả” do đó thợ săn lắp tên độc bắn Voi chúa. Voi cái thấy thế bèn nói: Đại thiên (tên voi chúa) nói có tâm từ bi, tại sao lại hành động như thế? Voi chúa bèn nói kệ: “Người mặc áo giải thoát mà phiền não làm ra, xa lìa tâm từ bi, lỗi ấy không do áo. Voi cái muốn giết người thợ săn. Voi chúa lại nói: Tại sao không đối trị các kiết, sử phiền não? Lại nói kệ: Như quỷ nhập tâm người, cuồng si mắng thầy thuốc, thầy thuốc trị quỷ kia, chứ chẳng trách người bệnh” Đàm voi chạy đến sợ hãi xót thương rồi rúc vào lòng voi chúa mà nằm. Người thợ săn cảm động bị thương khóc lóc. Voi chúa an ủi rồi hỏi duyên cớ? Thợ săn đáp: Vua lệnh cho lấy ngà voi, nên không dám trái lệnh. Voi chúa bên dùng vòi bẻ ngà trao cho, máu chảy lênh láng rất lâu, đau đớn tột cùng. Lúc ấy có các Trời giáng xuống nói kệ v.v…

– Sớ câu: “Nêu dẫn việc Quốc vương Ca Thi”: Chưa thấy tên gọi giống với trường hợp vua Nguyệt Quang. Nơi phẩm Thập Tạng đã dẫn kinh Bồ tát Bản Duyên, cũng có chỗ khác biệt nhỏ, đại thể thì giống nhau.

– Sớ câu: “Cùng phần sau nói về việc bố thí máu, tủy, đều như trong Trí Luận quyển thứ mười bốn đã nêu”: Luận viết: “Thái tử Nguyệt Quang ra khỏi hoàng cung, dạo chơi, xem cảnh, có người bị bệnh hủi thấy vua bèn đón xe tâu vua: “Thân tôi mang bệnh nặng khổ sở trăm bề. Thái tử du ngoạn, chỉ riêng mình vui sướng chăng? Xin rủ lòng thương xót ra tay cứu chữa!. Thái tử nghe tâu liền hỏi các quan ngự y. Các quan tâu: “Phải có máu tủy của một người từ khi sinh ra đến lúc lớn khôn không hề biết giận dữ, dùng máu tủy đó bôi lên thân kẻ ấy, rồi uống, như thế thì mới dứt bệnh.” Thái tử suy nghĩ: “Ví như có người như vậy thì họ cũng tham sống, tiếc mạng, làm sao có thể bố thí máu, tủy? Chỉ có thân ta đây là kham nổi việc ấy!” Bèn sai kẻ Chiên-đà-la róc xẻ thân mình, đập xương lấy tủy, bôi lên thân kẻ bệnh, hòa với máu cho uống…”.

– Sớ câu: “Ba là Ý sinh thân”: Văn nơi bản Sớ giải gồm bốn:

Một: Giải thích tên gọi chung.

Hai: Hiển bày loại riêng.

Ba: Làm rõ tên gọi khác.

Bốn: Tóm kết về ý nghĩa sâu xa của văn.

Trong phần một, nói: “Ý ở đây chính là nêu lên dụ”: Tức kinh kia (Kinh Lăng Già, bản dịch gồm bảy quyển, quyển thứ hai) nói về ý sinh thân, phần tiếp sau viết: “Đại Tuệ! Ví như tâm ý ở bên ngoài Vô lượng trăm ngàn do tuần, nghĩ nhớ, vô số các sự vật trước đây đã thấy, niệm niệm tương tục chóng đến nơi kia, chẳng phải là nơi thân, cùng núi, sông, tường, đá là chỗ có thể làm chướng ngại. Ý sinh thân cũng lại như vậy. Vì thế cho nên nói thí dụ”.

– Sớ từ câu: “Nhưng về chủng loại của Thân này” tiếp xuống: Là phần hai: Hiển bày loại riêng. Phần này gồm ba:

Một là nêu ra tên.

Hai là giải thích về tướng.

Ba là xác định quả vị.

Nơi phần một “Nêu tên” thì nay dựa theo kinh với bản dịch gồm bảy quyển (kinh Lăng Già) nếu bản dịch gồm bốn quyển, thì loại ý sinh thân thứ nhất là “Tam muội lạc chánh thọ”. Trong loại thứ hai có thêm chữ Tánh nữa (ý sinh thân Giác pháp tự tánh tánh). Nhưng ba đoạn nêu dẫn nơi Sớ giải đều là nơi quyển bốn thuộc bản dịch bảy quyển. Nếu dựa theo bản bốn quyển thì là quyển thứ ba. Nay lại dẫn bản bốn quyển để đối chiếu. Quả vị nơi bản gồm bốn quyển đều ở trong phần giải thích về Tướng, chỗ đầu tiên đã nêu. Tức cho rằng: “Người tu hành thấu rõ về tướng ấy, từ sơ địa dần dần tiến lên thì đạt được ba thứ thân này”.

– Sớ từ câu: “Kinh Lăng Già quyển thứ bốn nói” tiếp xuống: Là phần thứ hai: Giải thích về Tướng.

Tức nơi bản bảy quyển. Như nơi quyển thứ tư chỉ tóm kết tên gọi cùng quả vị nơi địa. Quả vị nơi địa thì hoàn toàn giống với bản bốn quyển. Bản này viết: “Đại Tuệ! Thế nào là Ý sinh thân Tam muội lạc Chánh thọ? Nghĩa là Tam muội lạc chánh thọ của hàng Bồ tát địa thứ ba, thứ tư, thứ năm. Cho nên, vô số tự tâm tịch tĩnh an trụ, sóng khởi biển tâm, tướng thức đều chẳng sinh, biết rõ chỉ là tự tâm hiện bày chẳng phải tự tánh của cảnh giới. Đó là Ý sinh thân Tam muội lạc chánh thọ”.

Giải thích: Ở đây,nơi bản bảy quyển thì văn giản lược mà rõ ràng. Nhưng với bản bốn quyển, thì Ý Sớ giải cho rằng: Từ Sơ địa đến địa thứ bảy đều quán cảnh giới của Tâm, ý thức nơi ba cõi là Vọng tưởng. Do đó, cần phải nhập Tam muội nhằm diệt trừ Tâm, ý, thức để dấy khởi Ý sinh pháp thân. Kinh đã ẩn giấu hai địa trước (địa một, hai) và hai địa sau (sáu, bảy), chỉ lược nêu phần giữa (địa ba, bốn, năm).

– Từ câu: “Vô số thứ loại Tự Tâm” tiếp xuống: Là nêu ra Thể.

Cũng có chỗ giải thích: “Hai địa một, hai là căn cứ nơi quả vị chưa đạt được định nên chẳng nói về Ý sinh thân. Địa thứ sáu, thứ bảy thì đạt được Bát-nhã luôn hiện hữu vô tướng, nên thuộc về Thân thứ hai. Nay phần Sớ giải đã dựa vào đấy, nên đoạn tiếp sau căn cứ nơi quả vị đã nói: “Trước năm địa”

– Sớ câu: “Thế nào là Giác pháp tự tánh v.v…”: Bản bốn quyển viết: “Đại Tuệ! Thế nào là Ý sinh thân Giác pháp tự tánh tánh? Tức là Bồ tát địa thứ tám quán sát, thấu rõ các pháp như huyền ảo, thảy vốn chẳng có thì thân tâm chuyển biến, đạt được Tam muội Như Huyễn cùng các môn Tam muội khác. Diệu lực nơi Tướng với vô lượng tự tại quang minh, như hoa diệu trang nghiêm, chóng được như ý. Cũng như mộng huyễn, trăng trong nước, bóng nơi gương, chẳng phải chủ thể tạo, chẳng phải đối tượng được tạo, như chủ thể tạo, như đối tượng được tạo, tất cả Sắc với vô số chi phần đầy đủ trang nghiêm, theo đấy hội nhập vào hết thảy cõi Phật, đại chúng đều thông đạt pháp tự tánh, nên gọi là Ý sinh thân Giác pháp tự tánh tánh”.

Giải thích: Hai kinh này đối chiếu rõ ràng có thể nhận thấy. Phần Sớ giải kia giải thích: “Nghĩa là Bồ tát địa thứ tám nhận biết tánh của tất cả các pháp là không tự tánh, nên gọi là “Ý sinh thân Giác pháp tự tánh tánh”. Trong phân văn kinh giải thích thì “cho là do tám địa trở lên đã diệt trừ tâm ý thức, nhận biết rõ các pháp là không thực có, nên đạt được Tam muội Như Huyễn cùng vô lượng môn Tam muội khác”.

– Từ câu: “Vô lượng Tướng” tiếp xuống: Là nêu lý do nói về đức dụng của Tam muội khởi lên. Ở trong Tam muội đạt được tự tại nên gọi là Lực tự tại, là Minh. Dùng công đức ấy trang nghiêm nơi thân, nên gọi là “như hoa diệu trang nghiêm”.

Pháp tánh sinh thân, theo niệm khởi lên mau chóng đạt như ý.

– Từ câu: “Cũng như” tiếp xuống: Là nói về thân chuyển hóa dấy khởi là chẳng thật, chẳng phải do bốn đại tạo, như bốn đại tạo ra Sắc.

– Từ câu: “Tất cả Sắc” tiếp xuống: Là biện giải về sự trang nghiêm đầy đủ.

– Từ câu: “Theo đấy mà hội nhập” tiếp xuống: Là hội nhập vào cảnh giới của Phật do Hóa sinh.

– Câu: “Thông đạt pháp tự tánh” Là giải thích lý do của chủ thể hóa sinh.

– Sớ từ câu: “Thế nào là chủng loại…” tiếp xuống: Là nêu rõ về Ý sinh thân thứ ba. Kinh Lăng Già bản bốn quyển viết: “Đại Tuệ! Thế nào là Ý sinh thân chủng loại câu sinh vô tác hành? Đó là nhận biết tất cả pháp Phật duyên theo tự đạt được tướng an lạc, nên gọi là Ý sinh thân chủng loại câu sinh vô tác hành”.

Giải thích: Phần Sớ giải kia giải thích: “Đạt được pháp thân của Như Lai, tùy theo chủng loại chúng sinh để hiện hình, mà chẳng tác ý nên lập nên tên gọi như vậy.

– Nói “Nhận biết tất cả pháp Phật”: Tức Như Lai nhận biết rõ hết thảy pháp Phật.

– “Duyên theo đấy tự đạt được tướng an lạc”: Tức duyên nơi nội tâm của chính mình với chỗ chứng đắc, tự giác ngộ tướng an lạc của Thánh Trí, muốn ban cho chúng sinh nên tạo ra chủng loại thân. Ngài Đại vân giải thích: Vì Bồ tát địa thứ tám chứng sâu vào vô tướng, đối với tất cả pháp không thể viên mãn, nên bị Phật quở trách, và được khuyến khích nhân đó tu đến địa thứ chín, liền đạt được bốn trí vô ngại, tu đầy đủ tất cả pháp đều là pháp giới. Vì giác ngộ pháp tức là pháp giới nên duyên với chân như của mình tự chứng (nội chứng) mà đạt được sự an lạc Tịch diệt và cùng với tất cả pháp không có sai biệt.

Giải thích: Đây chỉ nói Bồ tát giác ngộ tất cả pháp. Trước là Ý của Pháp sư Cung cho rằng Phật giác ngộ. Về Lý thật ra chung cho cả hai.

Nay nơi bản Sớ giải phân làm hai:

Một: Lược dẫn kinh để chính thức giải thích nghĩa: “Phật giác ngộ các pháp”.

Từ câu: “Giải thích” tiếp xuống: Là đem chỗ giải thích về Thân thứ ba bỏ qua hai nghĩa trước mà hiển bày Ý nghĩa tên gọi của thân thứ ba.

Hai: Từ câu: “Ba là tự chứng pháp” tiếp xuống: Là chính thức giải thích Ý nghĩa Ý sinh thân thứ ba được mang tên gọi là chủng loại câu sinh”.

– Sớ từ câu: “Nếu dựa nơi quả vị của địa” tiếp xuống: Là phần thứ ba (của phần hai: Hiển bày loại riêng): Biện giải về quả vị. Phẩm kinh ở trước đã nêu đủ.

– Nói: “Thứ nhất tức năm địa trước”: Tự có hai ý:

Một: Dựa theo kinh Mật Nghiêm quyển thứ ba, thì Địa thứ nhất là đạt được Ý sinh thân, tức chung cho năm địa.

Hai: Dựa nơi kinh Lăng Già, bản bốn quyển và bản bảy quyển, cho Địa ba, bốn, năm địa là tương đương với thân thứ nhất kia, do Địa một, hai chưa đạt được định.

Nên kinh Lăng Già bản mười quyển, quyển thứ năm viết: “Ba địa tu tập về định, đạt được Ý sinh thân Tam muội lạc. Địa thứ tám chứng đắc vô sinh nên đạt được Ý sinh thân Giác pháp tự tánh. Thân thứ ba không phối hợp quả vị của địa, nên đây tức là Thân thứ nhất. Dùng trước thâu tóm sau thì nói ba địa được Thân thứ hai, dùng sau thâu tóm trước thì nói là địa thứ tám đạt được. Cho nên văn nơi bản Sớ giải viết là: Địa thứ tám trở về trước, do địa thứ sáu, thứ bảy đã đạt được Bát-nhã thường hiện hữu vô tướng, vì thế, được thâu tóm nơi “Giác pháp tự tánh”. Nếu chẳng vậy thì ba địa đạt được Thân thứ nhất, địa thứ tám đạt được thân thứ hai. Thân thứ nhất chỉ đến địa thứ năm, thì địa thứ sáu, thứ bảy sao không có Ý sinh Thân? Nên biết rõ là dùng sau để thâu tóm trước.

Thân thứ ba không phối hợp”: Ba bản kinh Lăng Già chung đều là chẳng nói đến. Vì đã cho địa thứ tám trở về trước là thân thứ hai, thì thân thứ ba tức địa thứ chín thứ mười, cho đến Như Lai, hiển nhiên là có thể nhận biết. Trên là dựa nơi kinh Lăng Già. Có chỗ cho rằng: Vì thế đã thấy văn nêu trên. Nếu dựa trên kinh Vô thượng Y quyển thứ nhất, thì chẳng phối hợp với quả vị của địa, mà chỉ căn cứ nơi ba hạng người đạt được. Tức là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát nơi địa lớn là ba Ý sinh thân. Hoặc dựa theo kinh Thắng Man, cho rằng vô minh tập địa là duyên trội bật, nghiệp vô lậu là nhân, có ba Ý sinh thân của A-la-hán, Duyên giác, Bồ tát tự tại.

Bên Tây Vực tự có hai cách giải thích chỗ kinh Thắng Man nêu:

Một là dựa nơi kinh Lăng Già. Hai là dựa nơi kinh Vô Thượng y.

Một là: Lại có ba thuyết:

Một: Cho rằng A-la-hán, Duyên giác hồi chuyển tâm, mười ngàn kiếp đến vị Thập Tín, nhưng do tên gọi gốc nên gọi là “Nhị Thừa”. Đến vị Thập Hồi hướng, cuối cùng gọi là Bồ tát tự tại, tức Địa thứ nhất trở lên, so với hai quả vị trước, Thập tín, Thập Hồi hướng) nên gọi là tự tại. Từ Địa thứ nhất trở lên tức có ba thứ, như kinh Lăng Già đã nêu ở trước

Hai: Cho rằng A-la-hán, Duyên giác cùng xoay chuyển tâm, cho đến vị cuối cùng của Thập hồi hướng vẫn giữ tên gọi cũ (Nhị thừa). Còn A-la-hán, Duyên giác đi thẳng đến vị Bồ tát . thì từ Địa thứ nhất trở lên gọi là Bồ tát tự tại. Bồ tát cũng có ba thứ Ý sinh thân.

Ba: Cho Thanh văn, Duyên giác giống với cách giải thích thứ hai. Từ hàng Nhị thừa Hữu học hồi chuyển tâm cho đến vị cuối cùng của Thập Hồi Hướng, gọi là Bồ tát tự tại. Vì đối chiếu với hàng chưa phát tâm nên được gọi là tự tại. Về ba Thân thì đồng với hai cách giải thích trước.

Hai là: Căn cứ nơi kinh Vô thượng y: Cho tùy hướng cho đến quả vị Đẳng giác, gọi là Ý sinh thân Thanh văn, Duyên giác. Một hạng sau từ Địa thứ nhất cho đến bậc Đẳng giác gọi là Ý sinh thân Bồ tát .

Giải thích: Cách giải thích sau dường như chẳng đạt rõ ý. Ý của kinh chỉ nêu rõ là người của ba Thừa đều đạt được ba thứ Ý sinh thân.

– Sớ từ câu: “Như Luận Thành Duy Thức” tiếp xuống: Là phần ba (phần hai là hiển bày loại riêng): Làm rõ tên gọi khác. Luận Duy Thức nhân giải thích về tên gọi “Biến dịch sinh tử”, cho là do nguyện lực của tâm Bi đã cải chuyển thân mạng không định rõ về phân hạn, nên gọi là Biến dịch. Định nguyện vô lậu chính là chỗ hỗ trợ cho sự chiêu cảm. Do diệu dụng khó lường nên gọi là Chẳng thể nghĩ bàn. Hoặc gọi là “Ý thành thân”, tức theo ý nguyện mà thành tựu. Phần giải thích kia nói: “Tùy theo chỗ thành tựu của ý nguyện đại bi”.

Từ câu: “Ý nhằm nêu rõ” tiếp xuống: Là văn nơi bản Sớ giải giải thích Luận. Nhưng tên gọi khác này gồm có ba:

Một: “Thân biến dịch chẳng thể nghĩ bàn.”

Hai: “Thân biến hóa”

Ba: “Thân Ý thành.”

Nếu nêu ra Thể thì cũng gồm ba thuyết:

Một: Bi Nguyện là Thể.

Hai: Định nguyện là Tánh.

Ba: Hoặc của Vô minh trụ địa, nghiệp Vô lậu có phân biệt là Tánh.

Hoặc nêu dẫn hỏi – đáp:

Hỏi: Nếu cái thân vốn dựa vào ấy tùy thuộc vào địa mà có sai biệt, thì có thể nói có dài, ngắn. Mà thân mạng như ánh đèn, niệm niệm sinh diệt chẳng phải như phần đoạn sinh tử, thì các sự việc diễn ra trong một thời hạn dựa vào đâu mà nói Thân kia không định rõ phân hạn?

Đáp: Tam Tạng Huyền Trang giải thích: Lý thật thì mạng căn không có phân hạn riêng. Tùy theo thân vốn dựa vào đó mà giả nói là có phân hạn.

Hỏi: Nếu dựa nơi Bi nguyện mà chiêu cảm có thân này nên giữ lại phiền não, thì ở đấy lại có dụng gì?

Đáp: Các pháp sư giải đáp: Địa thứ bảy trở lại thì tự có Bồ tát thọ nhận thân “Phần đoạn sinh tử”, nên lưu giữ lại không đoạn. Địa thứ tám trở lên tuy thọ thân biến dịch mà cùng với Thánh đạo không trái nhau, do đó lưu giữ lại không đoạn. Lại có giải thích: Địa thứ tám trở lên, với thân biến dịch sinh tử trở lại cùng nhờ dựa, nên lưu giữ lại không đoạn. Do sức mạnh của Hoặc này hỗ trợ cho nghiệp lực riêng nên được Thân thọ dụng, chẳng phải như bậc Vô học, hồi chuyển Tâm về đại chỉ dựa nơi một nghiệp.

Hỏi: Như Sở tri chướng hỗ trợ cho nghiệp có thể chiêu cảm sinh tử, thì Nhị thừa định tánh chẳng nên vĩnh viễn nhập Niết-bàn vô dư?

Giải thích: Đây là hỏi về Tiểu Thừa.

Nhị thừa đã có Sở tri chướng tức luôn chiêu cảm sinh tử chẳng nhập Niết-bàn.

Luận chủ giải đáp: Như các hàng phàm phu bị phiền não câu thúc.

Giải thích: Hàng phàm phu có phiền não chẳng hướng tới Niếtbàn. Hạng hướng tới nẻo không tịch kia Tâm vui thích nẻo tịch diệt. Vì tâm ấy gắn chặt theo Vô tướng, chẳng dấy khởi quả vị chánh đẳng Bồ đề vô thượng giống như các hàng phàm phu bị phiền não vây buộc. Luận nêu câu hỏi: Vì sao thật sự Đạo đế có thể chiêu cảm lấy khổ? Giải thích: Do nghiệp vô lậu có phân biệt tức là đạo. Cho nên Luận đáp ai gọi là chiêu cảm thật sự? Chẳng vậy thì vì sao ở phần sau luận chủ đáp: Do định nguyện vô lậu hỗ trợ cho nghiệp hữu lậu, khiến cho quả vốn có được luôn tương tục, kéo dài, lần lượt tăng tiến, giả nói là chiêu cảm. Lúc chiêu cảm như thế là do Sở tri chướng làm duyên trợ lực, chẳng phải riêng chủ thể chiêu cảm. Tuy nhiên, Sở tri chướng không ngăn ngại đạo giải thoát, và chẳng thể làm tăng tác dụng “Nhuận sinh”nơi Nghiệp.

Giải thích: Nghĩa là Thắng định vô lậu của Thiền thứ tư, hỗ trợ nơi Sắc, Vô Sắc đã chiêu cảm quả dị thục nơi các nghiệp hữu lậu, khiến quả vốn đạt được ấy liên tục tăng trưởng. Vì Vô lậu hỗ trợ mạnh nên, giả nói là chủ thể chiêu cảm khổ chứ chẳng phải là nghiệp vô lậu thật sự có thể chiêu cảm khổ. Lại nữa, chủ thể chiêu cảm này là do Sở tri chướng trợ lực, nên Sở tri chướng chẳng chiêu cảm khổ, chẳng giống với phiền não chướng có sự phát triển tăng thêm.

Luận viết: “Chỗ ấy cần có sự trợ lực của Sở tri chướng ra sao?” Luận đáp: “Chưa chứng đắc viên mãn về đại bi vô tướng, chẳng chấp là Bồ đề, chúng sinh thật có, thì không do đâu mà phát khởi bi nguyện dũng mãnh, sắc bén”. Phần còn lại được lược bớt.

– Sớ từ câu: “Trên đều chung cho Nhân” tiếp xuống: Là phần bốn, tóm kết, nghĩa chỉ rõ nơi văn. Phần này có thể nhận biết.

– Sớ câu: “Bốn gọi Thân với trăm phước tướng”: Về một trăm phước, nơi phẩm Thập Hạnh đã biện giải. Ba mươi hai tướng tốt thì đến phẩm Nhập Pháp Giới, nơi trú xứ của Thiện tri thức Cù Ba sẽ nêu bày rộng. Còn tám mươi vẻ đẹp thì nay sẽ lược nêu ra. Kinh đại Bát-nhã quyển ba trăm tám mươi mốt đã nói đầy đủ về tám mươi vẻ đẹp kèm theo này. Kinh viết: “Thiện Hiện! Những gì là tám mươi vẻ đẹp kèm theo của Như Lai Ứng chánh Đẳng giác như kinh đó đã nói rộng đủ.

Như nơi Luận Du Già quyển thứ năm mươi ba thì so với trên có chỗ khác nhau…

Nếu dựa theo kinh Vô thượng y thì cũng có nói đến tám mươi vẻ đẹp kèm theo của đức Thế Tôn, so với kinh đại Bát-nhã thì đại thể là giống nhau…

Tuy nhiên, giải thích phần Tướng tốt này, trong Luận Du Già có hai môn:

Một là nêu ra tên gọi.

Hai là giải thích biện minh.

Trong môn thứ nhất Luận chỉ nêu ra tên gọi. Môn thứ hai là giải thích biện minh thì Luận lại chia ra làm năm phần:

Một: Nói về quả vị tướng tốt này phát khởi.

Hai: Nói về nhân của Tướng tốt.

Ba: Bàn về thứ bậc sai biệt. Bốn: Bàn về chỗ phế, lập Năm: Nói về sự hơn kém.

– Một: Về quả vị phát khởi, Luận viết: “Các tướng cùng các vẻ đẹp kèm theo như thế, nếu các Bồ tát lúc hội nhập nơi địa Tịnh Thắng ý lạc, do quả dị thục nên từ địa này trở lên, các tướng theo đó được tốt đẹp lần lượt đạt được sự thanh tịnh thù thắng”.

– Hai: Nêu rõ về nhân thì hầu hết giống với kinh Đại Bát Niếtbàn, phần Sớ giải đã nêu dẫn ở trước.

– Ba: Bàn về chỗ sai biệt của thứ bậc, Luận nêu: “Nên biết ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp kèm theo như thế, Bồ tát ở nơi “Địa Chủng tánh” chỉ có chủng tử dựa nơi thân mà trụ. Bồ tát nếu ở nơi “Địa Thắng giải Hành” thì khởi đầu có thể tu tập, có thể đạt được phương tiện. Nếu ở nơi Địa “Thanh tịnh tăng thượng ý lạc”, thì mới gọi là đạt được. Nếu ở tại các Địa trên còn lại thì các tướng tốt như thế sẽ chuyển thành thanh tịnh hơn. Còn như đạt đến địa cứu cánh của Như Lai thì nên biết các tướng tốt thanh tịnh, hoàn thiện, vô thượng.

– Bốn: Nêu chỗ phế, lập. Luận viết: “Các tướng tốt như vậy là có hình sắc nên sự thanh tịnh cũng có yếu, vừa và trội nhất, dễ dàng nhận biết. Ngoài ra tất cả pháp Bất cộng của Phật đều được gọi là “Tướng đại trượng phu”, tức chỉ lập những tướng ấy là tướng đại trượng phu. Lại nữa, tức ba mươi hai thứ tướng đại trượng phu ấy do Tánh của chỗ nương tựa là nhận lãnh, duy trì”.

Giải thích: Ba mươi hai tướng ấy, cùng với các công đức khác là đối tượng được nương dựa nên riêng được gọi tên, phần còn lại chẳng được gọi tên. Cho nên phần sau biện giải về các vẻ đẹp. Luận viết: “Do sự vi diệu thù thắng tột bực khiến đoan nghiêm, nên nói là vẻ đẹp kèm theo”.

– Năm: Nói về sự hơn kém, đến phẩm Tùy Hảo sẽ phân biệt, Diễn rộng.

– Sớ câu: “Thấy tất cả chúng sinh đều thành bậc chánh giác v.v…”

Thì chữ vân vân (đẳng) kia có hai nghĩa:

Một: Chỉ cho phần văn tiếp sau viết: “Cho đến thấy khắp nơi hết thảy chúng sinh hội nhập Niết-bàn đều cùng một Tánh, đó là Vô tánh. Những Tánh gì là Vô? Đó là Tánh Vô tướng, Tánh Vô tận, Tánh Vô sinh, Tánh Vô diệt v.v…”

Hai: Chỉ cho phần văn kinh tiếp theo sau: “Phật tử! Bồ tát nên biết trong mỗi lỗ chân lông nơi thân của Như Lai có số lượng của tất cả chúng sinh”. Thân của chư Phật cũng tức là nghĩa “Thân tạng”. Trên là nói bao hàm khắp chúng sinh. Đây thì chỉ bao hàm chư Phật. Trên là toàn thân bao hàm, còn đây thì một sợi lông bao hàm, hiện hữu khắp pháp giới nơi sợi lông, nên biết cũng vậy, do đó Thân là Tạng.

– Sớ câu: “Tạng tức gọi là kiên cố”: Đây tức là văn của Luận, phần đầu giải thích về Kim Cang Tạng nơi thập Địa.