ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
HOA NGHIÊM KINH TÙY SỚ DIỄN NGHĨA SAO

QUYỂN 31

Đời Đường, Đại sư Trừng Quán

Phẩm 10: BỒ TÁT VẤN MINH

-Sớ câu: “Thứ nhất là trong phần ý nói tiếp có chung có riêng”: Là nói về ý tiếp nối của Phẩm nầy. Văn nơi bản Sớ giải có hai phần:

Một: Nêu lên.

Hai: Hợp thông. Tức là giải thích phần tiếp sau.

Trong phần Hợp thông có hai:

Thứ nhất: Phân ý nối tiếp đến hết Hội thứ bảy.

Thứ hai: Từ câu: “Trong phần Sinh giải nhân” tiếp xuống: Là chỉ nêu rõ về ba phẩm sau là ý nối tiếp. Ở đây có hai ý:

Một là: Dựa theo ý của bậc cổ đức biện minh hợp cả Tín, Trụ.

Hai là: Từ câu: “Lại, chính thức đáp về mười Tín” tiếp xuống: Tức là ý của bản Sớ giải biện minh riêng, chỉ đáp về mười Tín. Do nơi Hội thứ hai, trong mười câu hỏi đầu đã vượt khỏi câu hỏi về mười Tín, nên nay ba phẩm đáp về Tín mà không đáp về Trụ.

Tuy nhiên, theo ý của đại sư Hiền Thủ. Thủy giáo chia riêng quả vị Tín. Như Nhiếp Luận (bản dịch đời Lương) nói: “Như bốn quả vị trước Kiến đạo, Tu-đà-hoàn tức là Nhu (Noãn) Đảnh, Nhẫn, Thế đệ nhất. Bốn quả vị trước Bồ tát đạo cũng thế. Nghĩa là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng”. Lại nữa, Luận ấy cùng với Luận Phật Tánh đều nói: “Bậc trước địa tu bốn thứ Hạnh. Tức là Thập Tín tu hạnh Đại thừa Tín, Lạc. Thập Giải tu hạnh Bát-nhã. Thập Hạnh tu hạnh Tam muội. Thập Hồi hướng tu hạnh đại bi”. Theo như thứ lớp ấy tức là bốn vị. Lại nữa, vì dứt trừ bốn loại chướng chánh sử nên là bốn vị nầy.

Nghĩa là:

Thứ nhất, dứt trừ chướng “Xiển đề chẳng tin tưởng”.

Thứ hai, dứt trừ chướng “Ngoại đạo chấp ngã”.

Thứ ba, dứt trừ chướng “Thanh văn sợ khổ”.

Thứ tư, dứt trừ chướng “Độc giác bỏ tâm đại bi”.

Thêm nữa, Tín tạo thành giống nhân của Tịnh đức. Giải tạo thành giống nhân của Ngã đức. Hạnh tạo thành giống nhân của Lạc đức. Hồi hướng tạo thành giống nhân của Thường đức.

Hơn nữa, kinh Nhân Vương nhờ nơi bốn Luân Vương là sắt, đồng, bạc, vàng để nêu cao giáo nghĩa, nên biết Thập Tín cũng thành Vị.

Như Chung giáo thì Thập Tín chỉ là Thập Trụ. Phương tiện tự nó không có vị riêng. Nghĩa là kinh Nhân Vương giải thích ba Hiền là Thập Tín, Thập Chỉ, Thập Kiên tâm, nên Thập Tín là Trụ.

Nay nơi Sớ giải chẳng luận là thành vị chẳng thành vị, đều dùng ba phẩm để đáp riêng câu hỏi về Tín. Riêng một Hội đáp kết hợp có câu hỏi, như trước đã nêu.

-Sớ câu: “Hai là giải thích tên Phẩm”: Văn nơi bản Sớ giải gồm hai:

Một: Xác định tên gọi.

Hai: Từ câu: “Tuy các nghĩa chẳng đồng” tiếp xuống: Là giải thích tên gọi. Trong phần một gồm hai chi tiết:

Thứ nhất là giải thích chung.

Thứ hai: Từ câu: “Nhưng Hỏi có hai thứ” tiếp xuống: Là giải thích riêng. Phần nầy phân làm ba:

Một: Căn cứ nơi phần chung để luận bàn.

Hai: Phân ra khách, chủ.

Ba: Căn cứ nơi Pháp, Lý.

Một: Câu “Vấn tức là nêu vấn nạn. Minh tức là đáp lại”. Nay đối nơi vấn nạn kia để đáp lại thì gọi là Minh. Phần Minh nầy giới hạn chỗ giải đáp, nhưng có hai nghĩa:

Thứ nhất: Hiển bày Lý là Minh. Minh nầy thuộc về chính mình.

Thứ hai: Từ câu “Minh cũng…” tiếp xuống: Tức phá trừ tối tăm

Là minh. Đây là căn cứ nơi chỗ đáp cho người khác, khiến cho được sáng tỏ.

-Sớ từ câu: “Lại, phần văn xuôi” tiếp xuống: Là phần hai, căn cứ nơi khách, chủ đề hỏi. Chính thuộc về “Vấn minh” mà chung cho vấn đáp.

Nói “Khiến người đáp mất lời”: Như trong phần “Duyên khởi vô cùng sâu xa”. Hỏi: “Tâm tánh là một sao cho là vô số? Nếu nói duyên khởi khiến thành vô số, cớ sao lại chẳng cùng biết ngăn đón giúp, khiến người đáp mất lời?”

Nói “Khiến người đáp” là giải thích theo lối chuyển đổi. Nghĩa là câu hỏi ý nói: “Đã là một tánh sao cho là vô số?” Muốn nói vô số lại chẳng cùng biết. Phần đáp ý cho rằng: Do chẳng cùng biết nên thành vô số. Vô số Vô tánh tức chẳng cùng biết nên chẳng trái với một tánh. Tức người đáp đã giải thích theo lối chuyển đổi.

-Sớ từ câu: “Lại nữa, Minh tức là làm rõ về pháp” tiếp xuống: Là phần ba, căn cứ nơi pháp, lý để giải thích. Cũng là dựa theo Giáo, Nghĩa để nêu bày. Tức là, Hỏi là Giáo. Giải thích thì có đi đến, trở về, nên Minh tức là Pháp. Minh là đối tượng được thâu tóm của Nghĩa. Tức là do mười thứ thâm diệu sâu xa là mười thứ Pháp Minh, theo pháp minh ấy.

Lại căn cứ nơi Tâm-Cảnh. Pháp tức là Cảnh. Minh tức là Tâm. Do trí tuệ minh chiếu pháp nơi hai đế, nên gọi là pháp minh.

Phần thứ tư là giải thích văn. Sớ từ câu: “Trong phần trước, do mười Bồ tát đều là chủ một môn” tiếp xuống: Văn nơi bản Sớ giải có ba phần:

Một: Căn cứ nơi mười chỗ sâu xa thâm diệu.

Hai: Chỉ rõ Lý riêng.

Ba: Chính thức giải thích văn.

Nơi phần một gồm hai:

Thứ nhất: Nêu ra mười tên gọi. Nhưng mười thứ thâm diệu nầy tức là chỗ lập của Thiền sư Thiên, xưa nay cùng tuân theo.

Thứ hai: Từ câu “Mười thứ thâm diệu nầy” tiếp xuống: Là nêu rõ về thứ lớp.

Nói “Lý sâu xa của duyên khởi, bao quát chung các pháp”: Hoặc nhiễm hoặc tịnh. Nhiễm tịnh cùng thông hợp nên không gì là không thâu tóm. Luận Nhiếp Đại thừa viết: “Bồ tát mới tu học trước hết phải quán các pháp là duyên khởi đúng thật để thành chánh tín cùng với sự hiểu biết đúng đắn.”

-Sớ từ câu: “Lại, mười thứ nầy” tiếp xuống: Là phần hai, chỉ ra Lý riêng. Phần nầy gồm hai chi tiết: Một: Phối hợp với Thập Tín.

Hai: Phối hợp với đức của Tín.

Trong chi tiết một cũng gồm hai:

Thứ nhất: Chính thức phối hợp để giải thích. Nhưng về Thập Tín Tâm: Một là Tín. Hai là Tấn. Ba là Niệm. Bốn là Định. Năm là Tuệ. Sáu là Bất thối. Bảy là Giới. Tám là Hộ pháp. Chín là Nguyện. Mười là Hồi hướng, thì văn phối hợp có thể nhận biết.

Thứ hai: Từ câu: “Do đấy mười pháp viên dụng” tiếp xuống: Là thông tỏ chỗ vướng mắc do vấn nạn. Nghĩa là có người nêu vấn nạn: “Tín, Tấn, v.v… cùng chỗ giải thích để nhận biết. Nay, mười chỗ thâm diệu văn nghĩa bao quát, rộng khắp, sao có thể lãnh hội mà cho là mười Tín?” Nên vì đấy mà cần giải thích đáp.

-Sớ câu: “Lại, cũng thâu tóm đức cả mười Tín”: Tín có mười đức: Một là gần gũi với bạn lành. Hai là cúng dường chư Phật. Ba là tu tập thiện căn. Bốn là chí cầu pháp thù thắng. Năm là Tâm luôn nhu hòa. Sáu là gặp khổ có thể nhẫn chịu. Bảy là tâm từ bi sâu dày. Tám là thân tâm bình đẳng. Chín là ưa thích pháp Đại thừa. Mười là dốc cầu đạt trí tuệ của Phật. Phối hợp với mười thứ thâm diệu là:

Một: Chánh giáo thâm diệu. Gần gũi với bạn lành của Phật nên được nghe giáo pháp.

Hai: Tức Phước điền thâm diệu.

Ba: Nghiệp quả thâm diệu.

Bốn: Duyên khởi tâm diệu.

Năm: Chánh hạnh thâm diệu.

Sáu: Trợ đạo thâm diệu.

Bảy: Giáo hóa thâm diệu.

Tám: Nhất đạo thâm diệu.

Chín: Thuyết pháp thâm diệu.

Mười: cảnh giới của Phật thâm diệu.

Nói chung thì Trí của Phật là đối tượng được tin tưởng. Đã có bao hàm nhiều nên nghĩa nơi văn gồm thâu rộng khắp.

-Sớ từ câu: “Chính là lãnh hội về mười thứ thâm diệu” tiếp xuống: Là phần thứ ba giải thích văn.

-Sớ câu: “Diệu Tuệ thông hợp nơi Chúng hành”: Tức Văn Thù là Diệu Tuệ, chín vị Bồ tát, có tên Thủ là Chúng hành, đều là chủ một môn. Nhưng Hỏi là chủ thể tạo thành, đáp là đối tượng được tạo thành. Cho nên Diệu Tuệ, Chúng hành cùng là chủ thể, đối tượng.

-Sớ câu: “Hai cái ấy chẳng là hai, thành Quán giải trong Tín”: Tức dung hợp hai thứ trên. Nghĩa là, Hành cùng Pháp là Bất nhị. Tỏ rõ về Pháp là thành tựu nơi Hành nên Hành khế hợp với Pháp. Lại như Pháp sư Diễn nói: “Một người hỏi nhiều, biểu thị trong một lãnh hội vô lượng. Nhiều người hỏi một, biểu thị trong vô lượng lãnh hội một.” Thêm nữa, Văn Thù là chủ, chín vị kia là Bạn. Văn Thù là Tổng, chín vị kia là Biệt. Do chẳng phải là phần chính chung nên lược bớt không nêu ra.

-Sớ câu: “Hai là hiển bày Lý sâu xa”: Văn nơi bản Sớ giải phân làm hai :

Một: Chính thức nêu rõ. Khiến mới bắt đầu thực hiện liền tỏ ngộ về Tâm Tánh vượt quá (đại phương), nên gọi là “Đầu cuối điều thật”.

Hai: Từ câu “Nên Luận Khởi Tín có đoạn” tiếp xuống: Là dẫn chứng. Phần này có bốn chi tiết:

Thứ nhất: Từ đầu đến câu: “Do đó nên nêu bày”: Là nêu lên văn Luận.

Thứ hai: Từ câu “Chỗ gọi là Pháp, nghĩa là tâm của chúng sinh”: Là phần xác lập nghĩa. Lai như Luận viết: “Tiếp theo là nói về phần xác lập nghĩa. Ma-ha-diễn, nói chung có hai thứ: Một là Pháp; Hai là Nghĩa. Chỗ gọi là Pháp tức Tâm của chúng sinh. Tâm ấy tức thâu tóm tất cả Pháp thế gian, Pháp xuất thế gian. Dựa nơi Tâm này để hiển bày chỉ rõ nghĩa của Ma-ha-diễn. Vì sao? Vì Tâm ấy là Tướng của Chân như tức là Thể của Ma-ha-diễn. Tâm ấy là Tướng của nhân duyên sinh diệt, nên có thể chỉ rõ Thể Tướng Dụng của chín Ma-ha-diễn”.

Giải thích: Pháp là chung cho phép tắc, sự duy trì. Cũng có thể hiển bày nghĩa sau nên gọi là Pháp. Bao quát cả nhiễm tịnh, vị lớn ở nơi nhân nên nói “Nghĩa là tâm của chúng sinh”, là chỗ dựa của nhiễm tịnh nên thâu tóm cả pháp thế gian, xuất thế gian.

Từ câu: “Vì sao thế ?” Tiếp xuống: Là nêu ra lý do của sự thâu tóm, do có ba cái lớn. ba cái lớn tức nghĩa nơi Vị lớn ở tại Quả. Nay chọn lấy nơi chung là gốc của duyên khởi, nên chỉ dẫn pháp để làm rõ chỗ tùy duyên của Chân tâm.

Thứ ba: Từ câu “Dựa nơi một Tâm. Pháp có môn Chân như và môn Sinh diệt”: Tức dẫn nghĩa nơi văn đã giải thích trong phần “Hiển bày chỉ rõ về nghĩa chính”, để giải thích Pháp nêu trước. Luận viết: “Hiển bày chỉ rõ về nghĩa chính, là dựa nơi một Tâm pháp có hai thứ môn: Một là môn Chân như của Tâm, hai là môn sinh diệt của Tâm. Hai thứ môn ấy đều cùng thâu tóm chung, tận cùng hết thảy các pháp. Nghĩa ấy như thế nào? Do hai môn ấy chẳng hề lìa nhau. Môn Chân như của Tâm, tức là một pháp giới với Tổng tướng lớn là Thể của pháp môn, đó gọi là Tánh của Tâm chẳng sinh chẳng diệt”. Phần tiếp theo sau giải thích về môn sinh diệt của Tâm, nói “Môn Sinh diệt của Tâm, tức dựa nơi Như Lai tạng có Tâm sinh diệt. Đó là chẳng sinh chẳng diệt cùng với sinh diệt hòa hợp, chẳng phải là một chẳng phải là khác, gọi là Thức A-lại-da”. Diễn rộng như nơi Luận đã giải thích. Nay dùng Chân như để làm rõ Tâm Tánh là một, tùy duyên sinh diệt mà thành vô số thứ loại, chính là Lý sâu xa ấy.

Thứ tư: Từ câu: “Luận kia dựa nơi đây phát sinh sự tin tưởng thanh tịnh”: Tức tóm kết chỉ rõ về nẻo thật, Ngài Mã Minh dựa nơi đấy để tạo Luận, khiến muôn loài phát sinh lòng tin, thì sao lại chẳng tin?

-Sớ câu: “Hai là thuật lại ý của người hỏi”: Phần nầy gồm ba:

Một: Chính thức giải thích vấn nạn ở trước.

Hai: Từ câu: “Ví như kia biện hộ giúp cho rằng” tiếp xuống: Là giải thích.

Từ câu: “Nghiệp chẳng rõ” tiếp xuống: Là dẫn văn nơi Kinh, trước là nêu ra việc chế ngự vấn nạn: sau, từ câu: “Vì ngăn chận chỗ biện hộ giúp ấy” là nêu rõ kinh để giải thích chung.

Ba: Từ câu: “Đã lìa chân tánh nên đều không tự lập” tiếp xuống:

Là tóm kết xác nhận vấn nạn gốc. Phần nầy gồm hai:

Một là, nêu ra lý do

Hai là, chính thức tóm kết.

Một: Nêu ra lý do. Nói “Đều không tự lập”: Tức như Luận Khởi Tín nói niệm v.v… mà thật là không có sự khác nhau của Thủy Giác.Do bốn Tướng cùng lúc mà có, đều không tự lập, vì xưa nay vốn bình đẳng đồng nhất với chỗ Giác.

-Sớ từ câu: “Tâm Tánh đã là một” tiếp xuống: Là phần hai, chính thức tóm kết:

Một là dùng gốc vấn nạn ngọn

Hai: Từ câu “Pháp của Sự đã nhiều” tiếp xuống: Là lấy ngọn để vấn nạn gốc. Cho nên tóm kết đầu tiên cho rằng: Gốc ngọn cùng lìa nhau. Phần tóm kết này có bốn:

Thứ nhất: Gốc ngọn cùng lìa nhau là căn cứ nơi chủ thể, đối tượng phát sinh.

Thứ hai: Sự, Lý nêu bày rõ về Thể Tánh.

Thứ ba: Một, khác chính là nói về Tướng. Nhưng một có sự có Lý. Nay là một của Lý.

Thứ tư: Chân, Vong chính là nói về Thể. Nhưng Chân cũng chung cho sự. Như Chân trí của Phật v.v… Nay cũng theo Lý là Chân. Do nghĩa bao hàm chẳng đồng nên có bốn tóm kết ấy. Phần chính thì đồng chỉ sai khác chút ít.

-Sớ câu: “Ba là phân biệt, định rõ chỗ hỏi”: Ý cho rằng: Đây là giả danh có vị sư thuộc tông Pháp tướng hỏi, nhằm hiển bày về nghĩa Pháp tánh, chẳng phải là sư thuộc Pháp tánh hỏi, để làm rõ về nghĩa Pháp tướng. Cho nên viết là: “Phân biệt, xác định”. Phần nầy gồm ba:

Một: Chính thức phân biệt.

Hai: Ngăn chận sự biện hộ giúp.

Ba: Tóm kết, xác nhận.

-Sớ từ câu: “Cũng chẳng thể nói” tiếp xuống: Là phần hai, ngăn chận sự biện hộ giúp. Tức sư của Pháp tướng biện hộ gíup: “Đây là sư của Pháp tánh vấn nạn về nghĩa Pháp tướng. “Tâm Tánh là một.” Đả phá: “Sinh ra vô số thứ loại tức Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi v.v… nên chẳng phải là cùng lìa nhau.

Từ câu: “Cũng chẳng phải là Thức thứ tám mà là một Tánh”. tiếp xuống: Là ngăn chận sự biện hộ giúp tiếp. Biện hộ giúp cho rằng: “Nếu tám Thức chẳng phải là một, thức thứ tám A-lại-da phải chăng đấy là một nghĩa?” Nay đả phá: “Thức thứ tám của ông chính là toàn bộ chỗ huân tập nơi Thể của Tâm, gồm nhiều chủng tử, huân tập một thành vô số, nên cũng chẳng phải cùng lìa nhau.”

Từ câu: “Chỗ nêu bày của Tâm Tánh” tiếp xuống: Là dùng Lý chính để bác bỏ kiến giải về thức thứ tám. Chỉ là tướng sinh diệt của Tâm, chẳng phải là Tánh của Duy thức. Trong phần đáp đã cho rằng Pháp tánh chỉ rõ sự sinh, chẳng nói Thức thứ tám. Vô sinh chỉ rõ sinh nên rõ là nghĩa tùy duyên của Chân như.

-Sớ từ câu: “Văn Thù nhằm hiển bày” tiếp xuống: Là phần ba, tóm kết, xác nhận.

-Sớ câu: “Bốn là dung hợp chỗ cùng lìa, trái”: Môn nầy nối tiếp phần trước để phát khởi. Nghĩa là, nếu dựa nơi tính chất tùy duyên của Như Lai tạng để thành lập như trên thì trái với văn của Luận Du Già v.v… nên nay cần dung thông. Gồm hai phần:

Một: Trình bày chỗ lìa, trái. Phần Huyền đàm đã giải thích, phần sau sẽ đáp.

Hai: Từ câu: “Luận Du Già v.v…” tiếp xuống: Là dung hợp. Phần nầy cũng gồm hai:

Thứ nhất: Lãnh hội ý của tông Pháp tướng.

Thứ hai: Từ câu: “Kinh Lăng Già, Mật Nghiêm” tiếp xuống: Là bàn rộng về ý của tông Pháp tánh. Phần nầy gồm ba chi tiết:

Một là, chính thức giải thích.

Hai là, Dẫn chứng.

Ba là, Tóm kết, xác nhận.

-Sớ từ câu: “Cho nên Kinh Mật Nghiêm nói” tiếp xuống: Là phần thứ hai dẫn chứng. Tổng cộng là nêu dẫn hai Kinh, ba Luận để xác nhận nghĩa ấy.

Thứ nhất là dẫn Kinh Mật Nghiêm, có hai đoạn, đều thuộc quyển thứ ba. Phẩm A-lại-da vi mật, hai Tụng cuối. Phần nối tiếp ở đoạn giữa có sự giải thích nên cần rõ. Lại nói: Trước phần nầy lại có một kệ, viết:

“Như Lai tạng thanh tịnh

Cũng gọi Trí vô cấu

Luôn trụ, không đầu cuối

Lìa ngôn thuyết, luận chứng.” 

Tiếp theo, tức câu nơi bản Sớ giải đã dẫn:

“Phật nói Như Lai Tạng” v.v…

-Sớ kia đã giải thích: “Nửa trên của kệ là xác định Thể của Alại-da. Nghĩa là Như Lai Tạng cùng với vọng nhiễm hòa hợp, gọi là A-lại-da. Lại không có Thể riêng. Đây là chỗ giảng nói của Thật giáo nên dẫn” Phật nói. “Nửa sau biện minh chỗ dung hợp với Quyền giáo. Tức là kẻ chấp giữ Quyền giáo kia chẳng thể biết Như Lai Tạng tạo ra A-lại-da. Cho nên rõ đó là kẻ có trí tuệ xấu ác. Đấy chính là sự trách cứ kẻ chấp giữ Quyền giáo, khiến họ quy về nẻo Thật.”

Tiếp đến là Tụng “Như Lai Tạng thanh tịnh” v.v… Phần Sớ kia giải thích: Tụng nầy giải thích, xác nhận nghĩa ở trước, tức pháp đã nói nơi nửa kệ trên.

Từ câu: “Nêu lên lần nữa hai Vị” tiếp xuống: Là căn cứ nơi dụ để giải thích trọn vẹn. Nghĩa là như dùng vàng để tạo nên vòng đeo tay, thì tướng của vòng ấy là không thật, và Thể của vàng hiện bày rõ, nên gọi là “không sai biệt”. Như Lai Tạng tạo ra A lại da. Tướng của Alại-da là giả nên Lý nơi Tánh của Tạng hiện rõ. Do vậy gọi “Tức là”. Cũng chính là do chúng sinh mê lầm nên thành A-lại-da. Như Lai giác ngộ nên thành Như Lai Tạng. Thể không có hai nên viết là “Không sai biệt”.

-Sớ câu: “Trong Kinh Lăng Già, Chân thức, Hiện thức như cục đất dẻo v.v…”: Nếu dẫn đủ văn nơi Kinh thì cũng như thế. Phần tiếp theo, Kinh viết: “Đại Tuệ! Nếu cục đất với vi trần có khác, thì cục đất chẳng do vi trần hợp thành, nhưng thật sự là do vi trần hợp thành, nên nói chẳng khác. Nếu chấp thật chẳng khác, thì cục đất và vi trần chẳng có sai biệt. Như thế thì chân tướng của Chuyển thức với Tạng thức, nếu là khác thì Tạng thức chẳng phải là nhân của Chuyển thức. Nếu chẳng khác thì khi Chuyển thức diệt, Tạng thức cũng phải diệt, mà chân tướng của chính nó thật sự chẳng diệt. Do đấy, chẳng phải chân tướng của chính nó diệt mà chỉ là Nghiệp tướng diệt.” Đại sư Hiền Thủ giải thích: “Trong đấy, Chân tướng là Như Lai Tạng. Chuyển thức là bảy Thức. Tạng thức là A-lại-da”. Sự giải thích nầy hết sức thích đáng. Song về dụ thì có hai pháp, là cục đất và Vi trần, nhưng kết hợp thì có ba, ít để ý thì khó nhận thấy.

Đây tức là Kinh Lăng Già, quyển thứ nhất, đầu tiên là nêu rõ về ba Tướng của Thức. Tiếp theo là biện minh về ba Thức.

Phần đầu viết: “Các Thức có ba thứ tướng. Đó là Chuyển tướng, Nghiệp tướng và Chân tướng.”

Giải thích: ba thứ Tướng nầy là chung cho cả tám Thức. Nghĩa là Tâm dấy khởi gọi là Chuyển, tám thức cùng khởi, đều có sinh diệt nên gọi là Chuyển tướng. Động tức là Nghiệp. Như trong ba thứ vi tế, thì đầu tiên là Nghiệp tướng. tám thức đều động, nên cùng gọi là Nghiệp tướng. Chân tánh của tám Thức cùng được gọi là Chân tướng. Do vậy, Kinh nói: “Các Thức có ba thứ Tướng” tức rõ ba Tướng là chung cho tám Thức.

Tiếp theo, Kinh biện giải về ba Thức: “Đại Tuệ! Lược nói có ba thứ Thức. Nói rộng thì có tám thứ Tướng. Những gì là ba Thức? đó là Chân thức, Hiện thức và Phân biệt sự Thức.”

Giải thích: Căn cứ chỗ chẳng cùng với Vọng kết hợp, thì Tâm của Như Lai tạng là Chân thức. Hiện thức là Thức thứtám. Cho nên phần Kinh tiếp theo nói: “Ví như tấm gương sáng, hiện ra các màu sắc hình tượng. Chỗ Hiện thức hiện bày cũng lại như thế, nên rõ là Thức thứ tám. bảy Thức còn lại đều gọi là Phân biệt sự thức.” Đây là ba Thức riêng là ba loại. Hiện thức chính là Thức thứ tám. Phân biệt chính là bảy Thức trước. Chân tướng căn cứ nơi Phật là tám thứ ra khỏi sự trói buộc. Căn cứ theo phàm phu thì ở trong thức thứ tám cũng gồm luôn nơi bảy thức còn lại.

Nhưng phần văn Kinh nói về “Cục đất” bao gồm hai đoạn nêu trước, ý nêu rõ về ba Thức, mà kết hợp với tên gọi của ba Tướng là: Chuyển thức tức tên gọi của Chuyển tướng. Ý là phân biệt sự thức. Trong Duy thức gọi là bảy Chuyển thức. Tạng thức tức là Hiện thức. Ở đây thì có thể biết rõ Chân tướng tức là Chân thức. Hai thức trên chọn lấy tính chất loại biệt của Thức nên nhắc lại tên gọi của Thức. Chân tướng chỉ chọn lấy phần Chân chung cho tám Thức, nên nhắc lại tên gọi của Tướng.

Đoạn văn Kinh nêu trên nói: “Nếu là khác thì tạng thức chẳng phải là Nhân”: Nghĩa là, ba Thức nếu khác với Tạng thức, tức phải chẳng đồng với chân tướng cùng chuyển thức làm nhân. Đã do chuyển thức huân tập , nên chân thức tùy duyên mà thành Tạng Thức, tức biết là chẳng khác. Không phải do Tạng thức là nhân của hai Thức. Cho nên phần tiếp dưới lại xét đoán đã xác định: chẳng phải chân tướng của chính nó diệt mà chỉ là Nghiệp tướng diệt. Đây là ba sự đã gồm đủ, tức trong dụ có ba: Một là vi trần, hai là nước, ba là đất. Do nước hòa hợp với vi trần nên cục đất mới thành hình. Do Nghiệp huân tập chân tướng nên Tạng thức liền sinh nghiệp. Do kết hợp với nước thì chỉ nước diệt mà vi trần còn; nghiệp mất mà chân tướng tồn tại. Kinh viết: “Nếu chân tướng của chính nó diệt thì Tạng thức cũng diệt”, là trở lại hiển bày Tạng Thức do chân vọng hòa hợp mà thành. Chỉ phần vọng kia diệt mà chân thể thì chẳng không. Do đấy phần sau đã dùng nước dụ cho Như Lai tạng, sóng dụ cho bảy Thức, hợp thành tính chất động. Biển tức là Tạng thức. Chỉ tướng của sóng diệt, còn tánh ướt thấm chẳng bị hủy hoại” tức là nghĩa nầy. Về nghĩa “Chẳng khác” thì dễ lãnh hội.

Nói “Đều là nghĩa ấy” tức đều là nghĩa Như Lai tạng tùy duyên thành Thức. Nhưng nêu: “Chân tướng của chính nó”: Nơi quyển mười chỉ nói “Tự tướng”. Đại sư Hiểu (Nguyên Hiểu ?) đã giải thích: “Tâm của Bản giác chẳng nhờ vọng để duyên hợp. Tánh tự lãnh hội chỗ thần diệu gọi là chân tướng của chính nó”. Đây là căn cứ nơi nghĩa “Chẳng một” mà nói. Lại nữa, tùy theo gió vô minh lúc tạo nên sinh diệt, Tánh của sự lãnh hội chỗ thần diệu cùng với gốc chẳng khác, cũng gọi là chân tướng của chính nó, đấy là dựa theo nghĩa “Chẳng khác” để nêu bày.

-Sớ câu: “Lại, Kinh kia nói: Như Lai tạng là chỗ huân tập của các tập khí xấu ác từ vô thủy, gọi là Tạng thức”: Ở trên là biện giải cùng với bảy Thức hòa hợp là Tang thức. Nay thì nêu rõ Vô minh từ vô thủy là nhân. Cho nên trong văn của Luận phần sau nói Vô minh là nhân sinh ra ba thứ vi tế, cảnh giới là duyên sinh ra sáu thứ thô. Trong đây chính là chọn lấy ý “Vô minh làm nhân sinh ra ba thứ vi tế”. Ba thứ vi tế đã thuộc A-lại-da, đã thành Tạng thức. Tức nơi kinh Lăng Già quyển thứ tư. Văn đầy đủ là: “Đại Tuệ! Như Lai tạng là sự hiển bày cái nhân thiện và bất thiện, có thể biến hiện khắp tạo nên tất cả các loài chúng sinh. Ví như nhà ảo thuật biến hiện các loại người huyễn hóa, lìa ngã và ngã sở. Ngoại đạo chẳng biết do ba duyên là Căn, Cảnh, Thức hòa hợp thành phương tiện sinh khởi, lại chấp trước có kẻ tạo tác, ấy là do chỗ huân tập của các tập khí xấu ác hư dối từ vô thủy,gọi là Tạng thức, do đấy sinh vô minh trụ địa, cùng với bảy Thức kết hợp, như biển nổi sóng, luôn khởi chẳng dứt…”

-Sớ từ câu: “Thêm nữa, kinh Nhập Lăng Già có đoạn” tiếp xuống: Trước dẫn kinh Lăng Già “Cùng với bảy Thức kết hợp”, thứ đến dãn kinh Lăng Già nói về “Chỗ huân tập của các tập khí xấu ác”. Nay thì để có sự đầy đủ cho cả hai nên lại nêu dẫn nữa, đại ý không khác.

Nói “Mà cùng với vô minh, bảy Thức cùng kết hợp”: Cùng với vô minh kết hợp là ý thứ hai. Cùng với bảy Thức hòa hợp là ý thứ nhất.

-Sớ từ câu: “Luận Khởi Tín viết” tiếp xuống: Là nêu dẫn ba Luận:

-Trước là dẫn chính nơi Luận Khởi Tín.

-Sau là nêu dẫn hai Luận.

Một: Tức là môn đầu nói về sinh diệt trong phần bàn về hai môn ( chân như, sinh diệt). Văn đầy đủ là:

“Nẻo sinh diệt của Tâm, là dựa nơi Như Lai tạng, nên có Tâm sinh diệt. Đó là chẳng sinh chẳng diệt cùng với sinh diệt hòa hợp; chẳng phải là một chẳng phải là khác, gọi là A lại da thức.”

Giải thích: Hai câu đầu là nêu lên. Từ câu: “Đó là chẳng sinh diệt” tiếp xuống: Là biện giải về Tướng. “Chẳng sinh diệt” là Tâm của tự tánh thanh tịnh nơi Như Lai tạng. Nhân nơi gió vô minh khởi động khiến toàn Thể tùy duyên tạo ra Tâm sinh diệt. Chẳng cùng lìa bỏ nên gọi là “Hòa hơp”. Chẳng phải cho là có riêng nẻo sinh diệt đến cùng với Chân kết hợp. “Tâm ấy sở dĩ sinh diệt” là nhân nơi vô minh sinh. Tâm sinh diệt đó bắt nguồn từ Bản giác mà dấy khởi, nên có hai nghĩa mà không có hai Thể. Phần Luận tiếp sau viết: “Như nước nơi biển lớn, nhân nơi gió mà có sóng động. Tướng của nước, tướng của gió chẳng cùng lìa bỏ”… cho đến nói rộng. “Trong đó, động là tướng của gió. Thấm ướt là tướng của nước. Do nước khiến cho Thể động, nên nước chẳng lìa nơi tướng động của gió. Không động nào mà chẳng phải là thấm ướt, nên động chẳng lìa nơi tướng của nước. Tâm cũng như thế. Tâm chẳng sinh diệt khiến Thể động, nên Tâm chẳng lìa tướng sinh diệt. Tướng của sinh diệt không gì chẳng phải là chân, nên sinh diệt không lìa nơi tướng của Tâm. Như vậy gọi là hòa hợp. Đây là Tâm chẳng sinh diệt cùng với sinh diệt hòa hợp. Do môn Tùy duyên ấy nên chẳng phải là sinh diệt cùng với chẳng sinh diệt hòa hợp, vì vậy chẳng hướng tới gốc ấy là chân như môn”.

Nói “Chẳng phải là một, chẳng phải là khác”: Toàn thể của chân nhu động, nên Tâm cùng với sinh diệt chẳng phải là khác. Mà chân tánh luôn bất biến nên cùng với sinh diệt chẳng là một.

Đây là căn cứ nơi ba thứ vi tế do là sinh diệt, tức trong Thức thứ tám đã bao hàm động tĩnh. Như kinh Lăng Già nói: “Pháp nhiễm của bảy Thức là sinh diệt. Pháp tịnh của Như Lai tạng là chẳng sinh diệt. Do hai thứ nầy hòa hợp là Thức A-lại-da. Vì hòa hợp nên chẳng phải là một chẳng phải là khác…” đó là dựa theo tính chất thô, hiển để nêu bày.

Nhưng nghĩa “Chẳng phải là một chẳng phải là khác” đã được diễn rộng nơi Phẩm Thập Nhẫn phần Nhẫn Như huyễn. Lại nữa, tên gọi của Như Lai tạng nơi Phẩm đầu đã giải thích.

Nói “Chẳng sinh diệt”, tức như Đán công nói: “Tánh bao quát cả đầu cuối. Thể chẳng phải là khởi, dứt. Thể biến khắp mê ngộ. Tánh chẳng phải là thấu tỏ mê hoặc. Cho nên gọi là chẳng sinh chẳng diệt. Nếu chẳng nhận biết thì có thể khiến cho sinh tử chẳng dứt, gọi là sinh. Thủy giác có thể diệt trừ sinh tử, nên gọi là diệt”.

-Sớ từ câu: “Lại như phần Tụng nơi kinh Đạt Ma” tiếp xuống Là cùng nêu dẫn hai Luận. Phần nầy gồm hai:

Một: Nêu lên phần kệ của kinh.

Nói “Phần Tụng nơi kinh Đạt Ma”: Tức nơi Nhiếp Luận, quyển thứ hai trong phần bàn về “Chỗ nương tựa của đối tượng được nhận thức” (Sở Tri y) đã viết: “Trong ấy, trước hết là nói về chỗ nương tựa của đối tượng được nhận thức”, tức A-lại-da. Đức Thế Tôn đã ở nơi nào giảng nói về Thức A-lại-da, gọi là A-lại-da? đó là đức Thế Tôn đã ở trong kinh Đại thừa A-tỳ-đạt-ma giảng nói.”

Giải thích: Đây chính là chỉ rõ chung kinh Đại thừa là kinh Đối pháp. Trong văn nơi bản Sớ giải dẫn ra chỉ nêu nửa trên (Vô thủy thời lai giới. Vi chư pháp đẳng y). Nửa sau của kệ là:

“Do thử hữu chư thú

Cập Niết-bàn chứng đắc.”

(Do đấy có các cõi

Cùng chứng đắc Niết-bàn)

-Sớ từ câu: “Nhiếp Luận v.v… đã dựa theo” tiếp xuống: Là phần thứ hai, dẫn ra hai Luận để giải thích.

Một tức là Luận của Tông Pháp tường: chữ “Đẳng” là cùng chỉ cho các Luận như Du Già, Tạp Tập v.v… Luận kia (Nhiếp Luận) giải thích: Vô thủy” (Vô thủy thời lai giới…) tức không có cõi đầu tiên. Giới là nghĩa nhân tức là chủng tử, là giống nhân của Thức. Nghĩa là tát cả pháp, ở đây chỉ là tạp nhiễm, chẳng phải là thanh tịnh. Luận kia giải thích câu “Là chỗ nương tựa của tất cả các pháp” nói “Có khả năng nhận lãnh, duy trì, nên chẳng phải là nghĩa Tánh của nhân. Tánh của chủ thể và đối tượng được nương tựa đều khác…” Hai câu sau dễ hiểu, nên biết rõ A-lại-da chỉ là sinh diệt, chẳng phải là chân tánh.

-Sớ từ câu: “Luận Bảo Tánh dịch bài Tụng ấy” tiếp xuống: Tức là nêu Luận của Tông Pháp tánh. Một câu trong bản Sớ giải nêu dẫn chỉ là nghĩa. Kệ ấy, theo Luận Bảo Tánh là:

“Vô thủy thời lai tánh

Tác chủ pháp y chỉ

Y tánh hữu chư đạo

Cập chứng Niết-bàn quả”.

“Tánh, vô thủy đến nay

Làm chỗ dựa các pháp

Dựa tánh có các cõi

Cùng chứng quả Niết-bàn)

Tức nơi Luận Bảo Tánh, quyển thứ tư. Luận ấy giải thích: “Kệ nầy nêu rõ về nghĩa gì? “Tánh, vô thủy đến nay”, như kinh nêu giảng, nói: chư Phật Như Lai dựa nơi Như Lai tạng để giảng nói là các chúng sinh từ vô thủy, chẳng thể biết được về “Bản Tế”. Chỗ gọi là Tánh, như Thánh đế, Kinh Thắng Man nói: “Thế Tôn! Như Lai nói về Như Lai tạng là Tạng của pháp giới, là Tạng của pháp thân xuất thế gian, là Tạng Xuất thế gian tối thượng, là Tạng của Pháp thân tự tánh thanh tịnh, là Như Lai tạng tự tánh thanh tịnh.”

“Làm chỗ dựa các pháp”: Như về Thánh đế, Kinh Thắng Man nói: “Vì thế, Như Lai tạng là chỗ nương tựa, duy trì, là sự trụ trì, là sự tạo lập v.v…” Phần tiếp theo, Luận viết: “Dựa Tánh có các cõi”, như về Thánh đế, Kinh Thắng Man nói: “Thế Tôn! Sinh tử, là dựa nơi Như Lai tạng. Thế Tôn! Có Như Lai tạng nên nói sinh tử. Đó gọi là khéo giảng nói.” “Cùng chứng quả Niết-bàn”: Như về Thánh đế, Kinh Thắng Man nói: “Thế Tôn! Dựa nơi Như Lai tạng nên có sinh tử. Dựa nơi Như Lai tạng nên chứng đắc Niết-bàn. Thế Tôn! Nếu không có Như Lai tạng thì chẳng có được sự chán khổ, thích cầu đạt Niết-bàn, chẳng mong muốn chứng đắc Niết-bàn. Ở đây nêu rõ về nghĩa gì. Là nêu rõ về Như Lai tạng rốt ráo của Chân như gọi là Thể của Phật tánh. Ở nơi tất cả thời gian, ở trong tất cả thân của chúng sinh đều thấu rõ tận cùng không hề sót.

-Sớ từ câu: “Do các đoạn văn ấy” tiếp xuống: Là phần thứ ba, cùng tóm kết về hai Tông, trong đó, trước là chính thức tóm kết. Do các giáo pháp ở trên đều che Như Lai tạng là Thể của Thức, nên biết Thể Tánh của Tâm tức Như Lai tạng. Ngoài đấy ra, không còn có pháp nào, nên là sâu xa.

947

Từ câu: “Lại nữa, nơi Duy Thức cũng nói”: Tiếp xuống: Là nêu dẫn văn nơi Luận duy thức có kết luận giống với kiến giải của Tông Pháp tánh. Cho nên Luận nói:

“Thắng nghĩa các pháp ấy

Cũng tức là Chân như

Luôn như chính Tánh đó

Tức thật tánh duy thức.”

Giải thích: Đã cho Chân như là thật tánh của Thức, nên biết rõ Ngài Thiên Thân cũng dùng Như Lai tạng để xác nhận về Thể của Thức. Chỉ do những vị đi sau khi giải thích Luận đã trụ chấp, không có sự chuyển biến, thích ứng. Cho nên gọi: “Lỗi lầm là quy nơi những người đi sau.” Huống chi, đại sĩ Thế Thân khi viết Luận Phật Tánh đã sử dụng nhiều nơi Kinh Thắng Man.

-Sớ câu: “Lại nữa, Tánh của Tâm vọng”: Từ đây trở xuống có một đối tạo thành hai nghĩa nêu trên. Nhưhg có hai ý:

Một: Như thứ tự tạo thành nghĩa trên. Tức là “Tánh của tâm vọng” thành Tánh của Tâm, do Tánh Tướng chẳng đồng. “Tánh của tâm chân” thành “Tức tánh” ở trên, nên chân Tân tức là Tánh.

Hai: Thông hợp để thành. Nghĩa là hai Tánh ấy được gọi riêng là hai tạng. Hai Tánh nêu trước đều gồm đủ hai Tạng. Chỉ vì vọng che phủ gọi là Như Lai tạng. Nói thẳng về Thể của Tạng, tức Tâm của Tự tánh. Chân tâm của Tự tánh thanh tịnh ấy chẳng cùng với vọng kết hợp, gọi là Không Tạng. Nhưng gồm đủ hằng sa đức, gọi là Bất Không Tạng. Trước nêu rõ về Tức, Lìa; còn đây thì biện minh về Không-Có nên nêu ra lần nữa.

Nói “Đều bình đẳng không hai, nên gọi là một”: Hai tính chất Tức, Lìa ở trên chẳng đồng. Do Tánh của Tâm nên “Chẳng tức”. Do Tâm tức là Tánh nên “Chẳng lìa”. Chẳng tức, chẳng lìa là Tánh của Tâm. Hai tính chất sau: Tức Thật của Không là chẳng Không. Tức Không của Thật là Không Tạng. Không, Có chẳng hai là Tánh của Tâm. Nhưng tánh của Không và Có là không hai tức là tánh của chẳng tức chẳng lìa. Cho nên chỉ nói là một.

-Sớ câu: “Năm cõi với các căn chung riêng, quả báo khác biệt”: Như giữ năm giới thì được nhận lấy thân người, là nghiệp báo chung, do ở trong nhân có nhẫn nhục đối với giận dữ. Ở nơi quả báo chung của con người mà có sự đẹp, xấu, thì gọi là nghiệp báo riêng. Duy Thức cũng gọi là dẫn Mãn nghiệp. Có khả năng chiêu cảm, thức thứ tám dẫn đến quả dị thục nên gọi là dẫn nghiệp. Có khả năng chiêu cảm nơi thức thứ sáu làm viên mãn quả Dị thục nên gọi là Mãn nghiệp. Luận Câu xá cũng nói:

“Một nghiệp dẫn một đời

Nhiều nghiệp nên viên mãn”

Cũng như vẽ bức tranh thì trước phát thảo về hình trạng, sau mới điền vào các màu sắc v.v… Tuy nhiên, dẫn nghiệp ấy có thể tạo ra tư duy chính là chỗ dấy khởi của Thức thứ sáu là ý thức. Hoặc Mãn nghiệp kia có thể tạo ra tư duy là từ năm Thức dấy khởi.

-Sớ câu: “Đồng, dị lần lượt đắp đổi nhau thành nhiều sai biệt” Gồm có sáu mươi hai câu. Tức là, nơi đối thứ nhất Thiện, Ác là hai. Đối thứ nhì chia hai thành bốn, công với hai ở trước thành sáu. Đối thứ ba chia bốn thành tám, kết hợp với sáu ở trước thành mười bốn. Đối thứ bốn chia tám thành mười sáu, cộng với mười bốn ở trước thành ba mươi. Đối thứ năm chia mười sáu thành ba mươi hai công với ba mươi ở trước thành ra sáu mươi hai. Đây là theo cách dùng sau thêm trước nên thành sáu mươi hai. Thật sự mà nói thì chỉ có bahai, do sau chia ra, càng lùi về trước lại không Thể. Như chia cõi Thiện, Ác, đều thành đủ, Thiếu, tức chỉ có bốn mà thôi. Đó là:

Một: Cõi Thiện, căn đủ.

Hai: Cõi Thiện, căn thiếu.

Ba: Cõi Ác, căn đủ.

Bốn: Cõi Ác, căn thiếu.

Ngoài bốn cõi ấy ra lại không có cõi Thiện Ác riêng. Lại, nếu chỉ chia hai, chia hai thì chỉ thành ba mươi hai. Nếu lại khai triển bốn đời kia thì lại thành nhiều câu. Nghĩa là nơi đối thứ ba, trước dùng bốn đời nhân với bốn câu trên thành ra mười sáu câu. Lại có hơn, kém nhân với mười sáu thành ra ba mươi hai, cộng với sáu trước thành ba mươi tám. Càng lùi về sau chia ra thì số câu lại nhiều. Đối thứ tư chia thành sáu mươi bốn, đối thứ năm chia thành một hai tám. Nếu từ thứ nhất là Thiện Ác chia làm sáu cõi thì số câu càng nhiều. Đều có thể theo đấy mà xét. Cho nên gọi là “Càng lùi về sau ắt mang luôn cả các phần trước. Dị đồng lận lượt đắp đổi thành nhiều sai biệt”.

-Sớ câu: “Thứ ba là tóm kết, xác nhận vấn nạn ở trước”: Văn nơi bản Sớ giải gồm hai:

Một: Hiển bày chung về ý nơi văn.

Hai: Từ câu: “Đã rõ đại ý” tiếp xuống: Là giải thích văn.

Một: Dựa nơi phần tiếp sau, các vị Bồ tát hỏi đều có ba đoạn, đoạn thứ ba ấy phần nhiều là tóm kết.

Tiếp theo là giải thích văn.

-Sớ câu: “Một là căn cứ theo phần gốc nơi Thức”: Nghiệp là Tâm sở nên dựa nơi Tâm. Tâm là thức thứ tám là chỗ dựa căn bản.

Từ câu: “Lìa đối tượng thì không chủ thể” tiếp xuống: Là giải thích nghĩa “Chẳng cùng biết”. Dùng môn “Cùng đối đãi” để giải thích.

Nói “Lìa đối tượng thì không chủ thể”: Đã không có đối tượng được nương tựa là Tâm vương thì cũng không có nghiệp của chủ thể nương tựa. Nay, dựa nơi Tâm có Nghiệp, Nghiệp từ duyên sinh, không có tự tánh nên chẳng thể biết Tâm.

“Lìa chủ thể thì không còn đối tượng”: Là lìa nghiệp của chủ thể nương tựa thì Tâm chẳng phải là đối tượng được nương tựa.

Nay do nơi Nghiệp mà thành đối tượng được nương tựa. Đối tượng được nương tựa không tánh nên chẳng thể biết Nghiệp.

Từ câu: “Do đều không Thể, dụng” tiếp xuống: Là tóm kết. Nghĩa là đều do duyên thành Tánh, không, Không có Thể Tướng, dựa nơi vô lực nên gọi là “Không dùng”. Bồ tát Giác Thủ cũng nói:

“Do không Thể, dụng

Nên chẳng cùng biết.”

-Sớ câu: “Hai là căn cứ nơi Thức thứ sáu, Nghiệp là đối tượng được tạo tác, tâm là chủ thể tạo tác”: Tức dùng Thức thức thứ sáu gọi là Tâm, từ nơi chỗ tích chứa, theo tướng chung mà nói. Nghĩa là, Thức thứ sáu nơi con người chấp theo vô minh, mê lầm về lý nhân quả, không thấy nghĩa chân thật, dùng thiện, bất thiện tương ưng, tạo ra tội lỗi nơi ba Hành, huân tập nơi A-lại-da, có thể tạo cảm cầu nơi năm cõi, với Ái, chẳng phải là Ái cùng vô số hình tướng của quả báo.

“Chỉ cho là sáu”, nghĩa là năm Thức do không chấp nên chẳng thể phát triển dồi dào, chẳng phải là mê lầm nơi lý, không lựa chọn, lường tính, nên chẳng thể tạo nghiệp. Tuy tạo Mãn nghiệp nhưng cũng chẳng phải khả năng chính nó, chỉ do ý dẫn dắt mới có thể tạo tác.

Từ câu: “Đều cùng mau chóng diệt” tiếp xuống: Là nêu rõ chỗ “Chẳng cùng biết”. Theo tướng chung mà nói, đều căn cứ nơi không Thể dụng. Còn theo tướng riêng mà bàn thì nẻo dụng chẳng đồng. Dụng ấy có hai môn: Một là môn Vô thường, nên nói là “đều cùng mau chóng diệt”. Kinh Tịnh Danh, Phẩm Đệ Tử có đoạn: “Tôn giả Ưu-ba-ly! Tất cả các pháp sinh diệt, chẳng trụ, như huyễn hóa, như làn chớp. Các pháp chẳng chờ nhau, cho đến một niệm cũng không ngừng. Các pháp đều là vọng kiến, nên Tâm, Nghiệp đều rỗng không.” Phần Kinh tiếp sau nói:

“Các báo theo nghiệp sinh

Như mộng, chẳng chân thật

Niệm niệm luôn diệt, hoại

Như trước sau cũng thế.” 

Vậy do Vô thường nên chẳng thể cùng biết.

Từ câu: “Lúc khởi chẳng nói là Ngã khởi.” Tiếp xuống: Là môn thứ hai: Môn Vô Ngã. Căn cứ nơi pháp là Vô ngã nêu rõ là “chẳng cùng biết”. Cho nên Kinh Tịnh danh, Phẩm Thăm Bệnh, viết: “Lại nữa, chỗ dấy khởi của bệnh nầy đều do chấp Ngã. Vì thế, đối với Ngã chẳng nên sinh chấp trước. Đã biết gốc của bệnh thì nên dứt trừ tưởng về Ngã, tưởng về chúng sinh, nên khởi tưởng về pháp. Cho nên nghĩ như vầy: Chỉ do các pháp kết hợp mà thành ra thân nầy. Vậy sinh chỉ là pháp sinh, diệt chỉ là pháp diệt”.

Giải thích: Trên đây là dùng Pháp để trừ bỏ Ngã.

Phần Kinh tiếp theo nói: “Lại nữa, Pháp nầy đều chẳng cùng biết. Lúc sinh chẳng nói là ta sinh, khi diệt không nói là ta diệt.”

Giải thích: Đây là hiển bày chung về ngã không, nêu rõ “Chẳng cùng biết”.

Kinh viết tiếp: “Bồ tát có bệnh, nên nghĩ như vầy để trừ bỏ tưởng về Pháp: Tưởng về pháp ấy cũng là điên đảo. Điên đảo tức là họa lớn, ta phải lìa bỏ. Lìa bỏ cách nào? Đó là lìa ngã và ngã sở. Thế nào là lìa ngã và ngã sở? Tức là lìa Nhị biên. Thế nào là lìa Nhị biên? Đấy là chẳng nghĩ các pháp là trong hay ngoài, thể hiện sự bình đẳng. Thể hiện bình đẳng là sao? Nghĩa là Ngã bình đẳng, Niết-bàn bình đẳng. Vì sao? Vì Ngã và Niết-bàn, cả hai đều là không. Do gì mà không? Vì chỉ có tên gọi nên không. Như thế cả hai pháp đều không có tự tánh quyết định.”

Giải thích: Đây là phá bỏ pháp, hiển bày không. Nay chỉ chọn lấy nghĩa “Ngã, pháp chẳng cùng biết”, nên lược dùng hai câu.

Phần Kinh tiếp sau nói: “Có được bình đẳng ấy thì không còn có bệnh gì nữa, chỉ có bệnh về không. Nhưng bệnh về Không cũng là không.”

Giải thích: Đây là dùng không-không để phá bỏ cái “không” chẳng phải điều cần thiết của Kinh này (Hoa Nghiêm). Vì tiện nên dẫn ra thành một bảy đoạn nghĩa được trọn vẹn, thế thôi!

-Sớ câu: “Đối thứ hai căn cứ nơi lúc có được quả báo, nêu vấn về chủ thể, đối tượng thọ nhận”: Đây là giải thích thọ nhận chẳng biết quả báo, báo chẳng rõ thọ. Thọ là nhân của chủ thể thọ nhận. Báo là quả báo của đối tượng được thọ nhận. Trên đây là biện minh chung. Từ câu:

“Nghĩa là, Thọ là nhân của báo” tiếp xuống: Là giải thích riêng.

Nói “Tức là danh ngôn chủng”: Luận Duy Thức, quyển thứ tám, nói: “Lại nữa! Sinh tử nối tiếp do các tập khí. Nhưng các tập khí gồm có ba thứ:

Một: Danh ngôn tập khí.

Hai: Ngã chấp tập khí.

Ba: Hữu chi tập khí.

“Danh ngôn tập khí” tức là các pháp hữu vi đều có riêng “Thân chủng”. Danh ngôn có hai:

Một: Là Biểu nghĩa danh ngôn, tức là nghĩa về chủ thể nêu giảng (năng thuyên) với âm thanh sai biệt.

Hai là, Hiển cảnh danh ngôn, tức là có thể thấu rõ về Cảnh, tâm, tâm sở.

Tùy theo chỗ huân tập của hai thứ danh ngôn mà thành chủng, tạo ra các pháp hữu vi đều có nhân duyên riêng.”

Giải thích: Nói: “Đều có riêng Thân chủng” là ba tánh chủng khác nhau. “Nghĩa về chủ thể nêu giảng với âm thanh sai biệt.”: Tức phân biệt với âm thanh không nêu giảng thì âm thanh ấy chẳng phải là danh. Danh là âm thanh được nhấn mạnh, uyển chuyển tánh là Vô ký, chẳng thể huân tập thành các thứ sắc, tâm v.v… Nhưng nhờ nơi danh mà khởi Chủng, gọi là “Danh ngôn chủng”.

Hai là “Hiển cảnh danh ngôn” tức kiến phần của bảy Thức cùng Tâm, chẳng phải là Tâm của Tướng phần. Tâm của Tướng phần chẳng thể hiển bày Cảnh, nên Kiến phần ấy cùng với thật, chẳng phải là danh ngôn. Như ngôn từ thuyết giảng gọi là hiển bày nghĩa của “Đối tượng được nêu giảng” (Sở thuyên). Tâm, Tâm sở ấy có thể hiển bày cảnh của đối tượng được thấu tỏ. Như tương tợ với danh kia là nghĩa của “Chủ thể nêu giảng” (Năng thuyên) Tùy thuận theo hai danh ngôn mà đều huân tập thành hai loại.

Tập khí thứ hai là “Ngã chấp tập khí”, thứ ba là “Hữu chi tập khí”, đều như sáu địa. “Hữu chi tập khí” tức văn nơi bản Sở giải gọi là chỗ dẫn dắt của Nghiệp, là Nghiệp của chủ thể dẫn dắt. Luận Duy Thức viết: “Ba là Hữu chi tập khí, đó là sự chiêu cảm về nghiệp chủng dị thục nơi ba cõi. Hữu chi tập khí có hai: Một là Hữu lậu, thiện, tức là khả năng chiêu cảmvề nghiệp quả đáng ưa thích. Hai là các thứ bất thiện, tức là khả năng chiêu cảm về nghiệp của quả chẳng ưa thích. Tùy theo chỗ huân tập của hai Hữu chi tập khí ấy mà thành chủng, khiến quả dị thục nơi cõi thiện ác có tính chất riêng biệt. Phần Tụng của Luận có câu: “Do tập khí các nghiệp

Hai thủ cùng tập khí

Dị thục trước đã dứt

Lại sanh dị thục khác.”

Chủ thể dẫn nghiệp ở đây tức là tập khí của các nghiệp. “Danh ngôn chủng” ấy tức tập khí của hai Thủ.

Nói “Là chỗ dẫn của nghiệp”, tức là nghĩa “Đều, cùng” kia.

Tiếp cận, lãnh hội đầy đủ về Thể của Quả, tức nhờ nơi “danh ngôn”. Nếu không có nghiệp chủng thì chẳng chiêu cảm sự khổ, vui. Như hạt giống không có ruộng để gieo trồng thì rốt cuộc không nẩy mầm. Cho nên “Danh ngôn” ấy là do nghiệp dẫn khởi, mới thọ nhận quả báo khổ vui của quả dị thục nơi đời vị lai. Sáu địa viết: “Nghiệp là ruộng, Thức là hạt giống”.

-Sớ từ câu: “Lìa báo không thọ” tiếp xuống: Là giải thích về nghĩa “Chẳng cùng biết”. Cũng căn cứ nơi “Cùng đối đãi” nên không.

-Sớ câu: “Ba là căn cứ nơi nhân của danh ngôn theo chủ thể nương tựa, đối tượng được nương tựa để nêu vấn nạn”: Là nêu lên. Một đem nhân của danh ngôn nơi chủ thể thọ nhận trong đối thứ hai để đối chiếu với thức gốc của đối tượng được nương tựa trong đối thứ nhất. Trước thì dùng nghiệp dựa nơi Thức để vấn nạn. Nay thì dùng chủng tử dựa nơi hiện hành để vấn nạn.

Từ câu “Nghĩa là, trước, chủ thể thọ nhận là nhân của báo” tiếp xuống: Là giải thích về nghĩa “Chẳng cùng biết”. Chỉ giải thích Thọ chẳng biết Tâm, chẳng giải thích Tâm chẳng biết Thọ. Cho nên đầy đủ thì: “Đối tượng được nương tựa là Thể của Tâm. Nếu lìa chủ thể nương tựa thì cũng không có đối tượng được nương tựa. Không có đối tượng được nương tựa nên chẳng thể cùng biết”.

-Sớ câu: “Bốn là căn cứ nơi nhân duyên” v.v… Tức chọn lấy danh ngôn của đối tượng được dẫn và nghiệp của chủ thể dẫn dắt trong đối thứ hai, cùng đối nhau để biện minh. Gồm ba phần:

Một: Nêu lên.

Hai: Từ câu: “Nghĩa là đối tượng được dẫn” tiếp xuống: Là nêu ra Thể.

Ba: Từ câu: “Cùng đối đãi, cùng xâm đoạt” tiếp xuống: Là giải thích nghĩa “Chẳng cùng biết”.

Nói “Cùng đối đãi”: Tức là Nghiệp không có Thức chủng thì chẳng tiếp cận lãnh hội đầy đủ về Thể. Thức không có Nghiệp chủng thì chẳng chiêu cảm về khổ vui. Đã cùng đối đãi với nhau nên đều không có tự tánh.

Nói “Cùng xâm đoạt lẫn nhau”: Do Nghiệp xâm đoạt Nhân thì chỉ do nghiệp chiêu cảm, nhân như hư không. Do nhân xâm đoạt duyên, thì chỉ Tâm là Thể, nên nghiệp như hư không. Cùng xâm đoạt lẫn nhau mà đứng riêng thì chủng chẳng thể cùng biết. Cùng xâm đoạt, cả hai cùng mất, thì cũng không thể cùng biết.

Nói “Như chẳng tự sinh v.v…”: Là dẫn ra chỗ so sánh để giải thích. Do duyên xâm đoạt nhân nên chẳng tự sinh. Do Nhân xâm đoạt duyên nên chẳng từ cái khác sinh. Nhân duyên kết hợp, biện giải tính chất “Cùng đối đãi” là không có tự tánh, nên chẳng cùng sinh. Cùng xâm đoạt, cả hai cùng mất, không nhân thì há sinh được? Do chẳng sinh ấy giống với chẳng biết, rõ ràng là dễ lãnh hội. Tức xem nhân là Tự, xem duyên là Tha. Hợp thì đấy là cùng. Lìa thì đấy là không nhân. Cùng có hãy còn “ chẳng cùng biết”. Cùng không thì há có thể cùng biết?

-Sớ câu: “Năm là căn cứ nơi Cảnh Trí tương đối, nêu vấn nạn về Tướng, Kiến rỗng lặng”:

Tướng tức là Tướng phần. Kiến tức là Kiến phần. Các Tâm,Tâm sở lược có hai Phần, nói rộng thì có bốn, như phần sau sẽ biện giải.

Từ câu: “Nghĩa là, Cảnh là sự biến hiện của Tâm” tiếp xuống: Là biện minh về nghĩa “chẳng cùng biết”. Phần nầy gồm hai:

Một: Căn cứ nơi chủ thể biến hiện, đối tượng được biến hiện theo Duy Thức để giải thích.

Hai: Từ câu: “Do không có Tâm của ngoài Cảnh” tiếp xuống” Là căn cứ nơi tính chất cùng dung thông cỉa kinh hiện tại (Hoa Nghiêm) để nêu bày. Cho nên phần kinh tiếp sau viết: “không có Như ở ngoài Trí, là đối tượng hội nhập của Trí. Cũng không có Trí ở ngoài Như, là chủ thể chứng đắc nơi Như”. Không có ít pháp cùng với pháp đồng trụ. Do nêu Tâm thâu tóm Cảnh, thì không có Cảnh của ngoài Tâm. Nêu Cảnh thâu tóm Tâm, thì không có Tâm của ngoài Cảnh. Do Tánh không hai nên Tướng, tức là Tánh. Tướng theo Tánh dung thông nên tùy theo một mà đều thâu tóm.

Trên là căn cứ nơi Chân tâm.

Từ câu: “Tâm Cảnh hư vọng” tiếp xuống: Là căn cứ nơi Vọng tâm. Chân thì cùng dung thông. Vọng thì đều không có Thể. Cho nên trong phần đáp tiếp theo nói:

“Lực năng duyên, sở duyên

Xuất sinh vô số pháp

Chóng diệt, chẳng tạm dừng

Niệm niệm thảy như thế.”

Tức hiển bày Vọng là không có Tánh nên “Chẳng cùng biết”.

Tuy nhiên, năm đối nêu trên, thì đối một cùng đối bốn chỉ căn cứ trong nhân. Một đối thứ hai thì biện giải đối cả Nhân Quả. Một đối thứ ba thì Tâm bao hàm cả nhân quả. Một đối thứ năm thì nghĩa chung cả nhân quả. Hai Thủ của nhân tu tập tức là danh ngôn v.v… Nên Luận Duy Thức, trong phần giải thích về hai Thủ gồm có bốn nghĩa:

Một: Tướng,kiến.

Hai: Danh, sắc.

Ba: Tâm vương, Tâm sở.

Bốn: Gốc, ngọn.

Ngọn tức là dị thục của sáu Thức. Gốc tức là dị thục của Thức thứ tám. Bốn thứ hai Thủ nầy đều có thể huân tập, phát khởi. Tự thân có thể sinh ra công năng trên nền tảng Thức gốc kia với, gọi là “Tập khí của hai Thể”. Tâm, Cảnh của đối tượng được biến hiện thì chung cho Nhân Quả. Lại nữa, Tâm của chủ thể biến hiện là Nhân. Cảnh của đối tượng được biến là Quả. Tâm nhờ nơi Cảnh sinh nên cùng chung cho Nhân Quả.

-Sớ câu: “Thứ hai là Quán riêng”: Trên gọi là Quán chung. Trong năm đối thì mỗi đối đều chung cho cõi Thiện Ác ở trước cùng với vấn nạn về gốc của năm đối. Nay thì dùng năm đối nầy để đối riêng với năm phần trước. Nhưng trước sau vốn dẫn dắt, dung hợp nên chỉ có bốn lớp, suy xét kỹ có thể nhận thấy.

-Sớ câu: “Dùng hai đối đầu để tóm kết về việc hướng tới Thiện Ác”: Là nêu lên.

Tiếp theo nói: “Hướng tới Thiện, Ác”: chính do nơi nghiệp huân tập là đối thứ nhất. Nghiệp chẳng biết Tâm, Tâm chẳng biết Nghiệp. Đối nầy là Nhân. Sau đấy nói: “Thọ báo chung”, tức là đối thứ hai, Thọ chẳng biết Báo, Báo chẳng biết Thọ. Đối thứ nhất là Thọ của nhân. Đối thứ hai là Báo, Báo chung, tức là “Hướng tới Thiện, Ác”.

-Sớ câu: “Hai là lại dùng đối thứ hai cùng đối thứ ba để tóm kết về thọ sinh đồng dị”: Cùng chọn lấy đối thứ hai trong hai đối trước, tức biện minh lần nữa về “Thọ chẳng biết báo, báo chẳng biết thọ”. Thọ tức là “Danh ngôn chủng”. Cho nên gọi là, đối thứ nhất dùng “Danh ngôn chủng” đối với “Sở sanh xứ”. Nghĩa là, cũng do Thức chủng đi đến “chốn của đối tượng được sinh” (sở sinh xứ). Địa thứ nhất nói: “Ở trong ruộng của ba cõi lại sinh ra mầm khổ”.

“Đối tiếp theo, dùng “Danh ngôn chủng” đối với chủ thể nương tựa là Thức gốc”: Tức Tâm chẳng biết Thọ, Thọ chẳng biết Tâm. Thọ tức là “Danh ngôn chủng”. “Tâm tức chủ thể nương tựa là Thức gốc”, tức dựa nơi “Danh ngôn chủng” để chiêu cảm Thức hiện hành, nên Thức là chủ thể nương tựa, tức Tâm, ngôn ấy là thông suốt cho cả Nhân Quả. Trên là căn cứ nơi Thức gốc trong nhân nên danh ngôn chung là đối tượng được nương tựa. Nay căn cứ trong Quả nên là chủ thể nương tựa.

-Sớ câu: “Ba là lại dùng đối thứ ba và đối thứ tư để tóm kết về khổ vui chẳng đồng cùng đẹp đẽ, xấu xí”: Tức dùng chung hai đối nầy cùng kết luận về hai đối trước.

Nói “Đối thứ nhất khi quán hiện thọ”: Tức Tâm chẳng biết Thọ, Thọ chẳng biết Tâm đối nhau. Nghĩa là, cũng do nhân của Thọ nên thọ khổ vui nơi Thể có sự đẹp xấu. Nếu không có Thức chủng, Thức gốc, thì hai pháp ấy cũng không có nơi chốn nương tựa. “đối tiếp theo là quán nhân của khổ vui cùng sự đẹp xấu kia đều do duyên khiến sai khác”:

Tức Nhân chẳng biết duyên, duyên chẳng biết Nhân.

Từ câu: “Nghĩa là tăng giảm nơi Nhân” tiếp xuống: Là chỉ ra riêng về tướng của hai đối. Do làm tổn hại nơi nghiệp của kẻ khác nên chiêu cảm nơi báo khổ. Do làm tăng nơi nghiệp kẻ khác nên chiêu cảm nơi báo vui. Do nghiệp giận dữ nên cảm nơi báo xấu xí. Do tạo nghiệp nhẫn nhục nên cảm nơi báo đẹp đẽ. Trong đó nói “Nhân làm rõ duyên” là Nhân; nói “Quả là quả của báo riêng”.

-Sớ câu: “Bốn là lại dùng đối thứ tư và đối thứ năm để tóm kết về các căn đủ, thiếu”: Trên đây là biện minh chung.

Từ câu: “Cũng do Mãn nghiệp”: Tiếp xuống: Là nêu bày riêng về Tướng. Mãn nghiệp tức là đối thứ tư: Nhân chẳng biết duyên, duyên chẳng biết Nhân. Duyên tức là Nghiệp. Chỉ chọn lấy Mãn nghiệp. Do làm tổn hại người khác về mắt, tai nên thành mù điếc v.v… do làm tăng trưởng sáu căn nơi ngưới khác v.v… nên thành tựu sáu xứ đầy đủ.

Tiếp theo nói: “Lại do căn bên trong có đủ, thiếu, nên ở nơi chỗ phân biệt lãnh hội về Cảnh chẳng đồng”: Tức là đối thứ năm: Trí chẳng biết Cảnh, Cảnh chẳng biết Trí. Nghĩa là, Trí đối với Cảnh có đủ về Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ, thì trong sự thọ quả cũng đầy đủ năm căn sáng suốt, lanh lợi, nổi bật hơn người. Nếu Trí đối với Cảnh, chỉ có Tín v.v… theo đấy mà thiếu, hoặc chẳng phải là sâu dày, thì khi đạt dược quả. năm căn theo đấy mà thiếu, hoặc thành hạng thấp kém.

-Sớ từ câu: “Đều cùng là không có (tự) tánh” tiếp xuống: Trong phần giải thích riêng ở trên chỉ nêu ra chủ thể đối, đối tượng được đối, với hai thứ Pháp, Thể. Nay thì biện minh chung về nghĩa “Chẳng cùng biết” nên ở nơi văn dễ hiểu. Ý nói: Đều cùng nương tựa vào nhau, theo duyên nên là không có tự tánh. Vậy sao có chủ thể, đối tượng cùng huân tập v.v… mà có thể cùng biết? Đã chẳng cùng biết, thì ai khiến cho thành vô số thứ loại? Đây chỉ căn cứ nơi đối thứ nhất nêu thẳng câu hỏi về chỗ ý tóm kết, nên cũng vướng mắc nghi là: Đó là vô số hay là một Tánh? Kết lại thành vấn nạn: “Một Tánh theo nơi vô số tánh thì mất Chân đế. Vô số tùy nơi một Tánh thì mất Tục đế”. Một Tánh thì chẳng cùng biết. Cho nên cũng kết rằng: “Vô số tùy theo chẳng cùng biết” thì mất Tục đế. “Chẳng cùng biết” tùy theo vô số thì mất Chân đế.

Phần thứ hai, Bồ tát Giác Thủ đáp. Sớ từ câu: “Nay, thứ nhât, ý cho rằng: chính do theo duyên nơi vô số nên chẳng cùng biết” tiếp xuống: Văn nơi bản Sớ giải gồm ba phần:

Một: Hiển bày chung về ý của kệ.

Hai: Từ câu: “Tức kệ nầy, nửa trên là nêu ra Nhân” tiếp xuống: Là chỉ ra về nghĩa lý.

Ba: Từ câu: “Nói các pháp” tiếp xuống: Là theo đấy giải thích văn nơi kinh.

Trong phần thứ hai cũng chia làm ba:

Một là, chỉ ra việc dùng Nhân minh để lập lượng.

Hai là, chỉ rõ chỗ “Tương do” của duyên khởi.

Ba là, Tóm kết, chỉ ra chỗ sâu xa của duyên khởi.

-Một là: Bốn kệ sau chĩ rõ dùng làm đồng dụ, tức trong kệ ấy chỉ có Tông, Nhân, có thể nhận biết.

-Sớ từ câu: “Nếu dùng môn “Tương do” của duyên khởi để giải thích” tiếp xuống: Là phần “Hai”, chỉ ra chỗ “Tương do” của duyên khởi. Nhưng chỗ “Cùng do” của duyên khởi gồm đủ lực, không lực cùng có Thể, không Thể. Nay, hiển bày lý “Chẳng cùng biết” nên chỉ làm rõ phần không lực, không Thể. Lại như trong Nhân cũng có nghĩa “không Thể”. Nay chọn lấy nghĩa để làm rõ chỗ thuận tiện Nhân, duyên cùng nhờ vào nhau, nên chỉ nêu rõ về không lực. Nghĩa là, Nhân nhờ vào duyên nên Nhân không lực. Duyên nhờ vào Nhân nên duyên cũng không lực. Quả nêu trên cũng có nghĩa “Không lực”. Nay chọn lấy nghĩa để hiển bày, nên chỉ biện minh về “Không Thể”. Tức là, hòa hợp hoàn toàn Nhân thành duyên, thành ra không có (tự) Tánh. Cho nên gọi là “Bao hàm cả Hư thành ra không có Thể”.

Trong bốn dụ sau đều có nghĩa không Thể, Dụng, nên chỉ rõ là phần sau sẽ biện minh.

-Sớ từ câu: “Vì thế, Duyên khởi hư vọng” tiếp xuống: Là phần thứ ba (của phần hai) tóm kết, chỉ ra chỗ sâu xa của Duyên khởi.

Tuy nhiên, đây chính là tóm kết môn “Tương do” của duyên khởi, gồm luôn việc kết luận về “Nhân minh lập lượng” ở trên. Do trong phần lập Lượng cũng nói “Chẳng cùng biết” là điều chính, tức là nghĩa đầu trong ba nghĩa.

Nói “Văn hiện bày chỉ có hai ý trước, sau”: Tức chọn lấy hoàn toàn một kệ là ý thứ nhất. Ý chỉ chọn lấy câu “Chẳng cùng biết” tức là ý sau. Ý thứ hai ấy, đến trong phần năm kệ sau đáp lại vấn nạn gốc mới sử dụng nghĩa nầy.

-Sớ từ câu: “Nói các pháp” tiếp xuống: Là phần thứ ba (Chính) theo đấy để giải thích kinh văn.

Nói “Quả từ nhân sinh v.v…”: Ở trên, chọn lấy nghĩa thuận tiện, chỉ nói Nhân không lực, Quả không Thể. Nay muốn thấu rõ tận cùng Lý nên nêu đầy đủ. Tức câu trên nói các pháp chung nơi nhân quả, trong đó, trước dùng “Môn Nhân duyên” để biện minh Nhân Quả đều không có Thể. Từ Nhân không có tự tánh thì sao có thể cảm cầu được dụng của Quả? Sau thì dùng chỗ “Không có Thể” ở trên để giải thích thành Nhân, Quả không có dụng. Thể hãy còn chẳng lập thì Dụng đâu được tồn tại! Từ câu: “Lại cùng đối đãi nhau” tiếp xuống: Là dùng “Môn cùng đối đãi” để biện minh không có Thể Dụng. Phần nầy gồm hai:

Một: Nêu rõ Nhân, Quả không có Dụng. Cho nên viết là “Vô lực”.

Hai: Từ câu: “Do cái khác là chính mình” tiếp xuống: Là nêu rõ Nhân, Quả không có Thể. Đã hòa hợp hoàn toàn nơi cái khác nên không có tự Thể.

-Sớ từ câu: “Nay, trong dụ thứ nhất” tiếp xuống: Văn nơi bản Sớ giải gồm bốn phần:

Một: Giải thích Dụ.

Hai: Giải thích Pháp.

Ba: Đối chiếu với câu hỏi để lãnh hội, dung hợp.

Bốn: Hiển bày thêm về nghĩa của nước.

Trong phần một có ba lớp, tức là ba cái riêng. Thứ nhất, chỉ trong phần “Dòng chảy”, văn có sáu đoạn:

Một là, nêu lên chương.

Hai là, chỉ rõ về Tướng “Chẳng cùng biết”.

Ba là, Tóm kết, chỉ rõ lý chính.

Bốn là, dẫn ý kiến khác để chứng minh, xác nhận.

Năm là, Giải thích riêng hai chữ “Trước sau”.

Sáu là, Phân biệt, xác định Lý “Chẳng cùng biết”.

Nay nói về đoạn một có thể nhận biết.

Nhưng về kệ nầy, văn nơi bản dịch đời Tấn (Lục thập Hoa Nghiêm) viết:

“Ví như dòng nước nhanh

Dòng chảy không dừng nghỉ

Hai đều “Chẳng cùng biết”

Các pháp cũng như thế”.

So với văn hiện nay thì có khác nhau chút ít, nhưng nghĩa chính thì không trái nhau.

-Sớ từ câu: “Nhưng dòng chảy nầy có mười nghĩa” tiếp xuống: Là đoạn thứ hai, chỉ rõ về Tướng của “Chẳng cùng biết”. Tức là nhằm hiển bày Lý của “Chẳng cùng biết”, nên dựa vào chỗ khác biệt của dòng chảy trước sau để thành mười môn kia. Nếu chẳng nói về dòng chảy của trước sau thì do cái gì để “Chẳng cùng biết”?

Nước của một dòng sông chẳng ra ngoài trước, sau.Tức chín khúc của ngàn dặm thảy đều không có tánh nên “Chẳng cùng biết”.

Rõ ràng tuy là mười nghĩa mà gốc chỉ có hai dòng, thành ra hai lớp chủ thể-đối tượng:

-Dòng chảy trước đối chiếu với sự dẫn dắt là chủ thể, đối chiếu với sự đuổi theo là đối tượng.

-Dòng chảy sau đối chiếu với sự đuổi theo là chủ thể, đối chiếu với sự dẫn dắt là đối tượng.

Do bốn nghĩa nầy cùng tham dự vào nhau mà thành mười.

Nghĩa thứ nhất và thứ ba, đó là đối tượng nên không tánh, không biết.

Hai môn thứ hai và thứ tư căn cứ nơi “Chẳng cùng đến”. Hai môn thứ năm và sáu căn cứ nơi Thể là không hai. Do dòng chảy sau là chủ thể đuổi theo, tức là đối tượng được dẫn dắt. Cho nên dòng chảy trước là đối tượng được đuổi theo, tức là chủ thể dẫn dắt.

Hai nghĩa bảy, tám căn cứ theo duyên mà thành nên không hai. Tức là trong nghĩa thứ bảy chủ thể đuổi theo là sau, đối tượng được đuổi theo là trước.

Nói “Cũng là không hai”, tức chính do có đối tượng được đuổi theo mới có chủ thể đuổi theo. Hai pháp nầy thành tựu cho nhau nên “Cũng là không hai”.

Nghĩa thứ tám căn cứ nơi Chủ thể dẫn dắt cũng thế.

Nghĩa thứ chín, mười căn cứ theo chỗ “Chẳng đều cùng” nên không biết. Nhưng chủ thể đuổi theo kia là sau, chủ thể dẫn dắt là trước.

Mà nói “Chẳng đều cùng”: Tức sau là chủ thể đuổi theo thì chủ trước phải là đối tượng được đuổi theo. “Chẳng được” tức ở đây gọi là chủ thể dẫn dắt. Về nghĩa riêng nhau nên gọi là “Chẳng đều cùng”.

Câu thứ mười so sánh với ở đây: Dòng chảy trước lúc là đối tượng được đuổi theo thì dòng chảy sau phải là chủ thể đuổi theo, chẳng được xem là đối tượng được dẫn dắt, nên gọi là “Chẳng đều cùng”.

-Sớ từ câu: “Đó chính là trước, sau” tiếp xuống: Là đoạn ba, tóm kết, chỉ rõ Lý chính.

-Sớ từ câu: “Đại sư Tăng Triệu nói” tiếp xuống: Là đoạn bốn, dẫn ý kiến khác để chứng minh, xác nhận.

Ý kiến ấy là nơi bài “Vật Bất Thiên Luận”, nhưng có liên quan nghĩa gồm bốn câu. Luận viết: “Đã không có một triệu chứng nhỏ nào về sự qua lại thì làm sao có vật nào để di động, biến đổi? Thế nên, gió lốc cuốn sạt lở núi mà luôn tĩnh. Nước sông suối đua nhau chảy mà chẳng trôi. Bụi bặm tụ tán lăng xăng mà chẳng động. Mặt trời mặt trăng hiện qua bầu trời mà chẳng vận hành. Lại cho là lạ chăng!”

Nay trong bốn dụ chỉ dùng nước, gió, còn Luận thì không nói đến lửa, đất.

-Sớ từ câu: “Nhưng ở trên nói trước, sau” tiếp xuống: Là đoạn năm, giải thích riêng về hai chữ “Trước, sau”. Có hai loại:

Một: Trước, sau của sinh, diệt: Đây tức theo chiều dọc mà nói. Nghĩa là dòng nước chảy ấy sinh diệt trong từng sát na. Sát na trước diệt thì sát na sau sinh.

Hai: Trước sau của đây, kia: Cũng như hai người cùng đi trên quảng đường hẹp, người sau đuổi theo người trước, thì người trước dẫn dắt người sau. Đây tức là theo không gian (chiều ngang) mà nói. Dòng nước của từng phần từng phần đều có trước sau. Thậm chí chỉ là một giọt nước bé tí cũng có cái bé tí trước, bé tí sau. Cho nên tụ hội lại nhiều thành dòng chảy thì không có tự tánh riêng của nó.

-Sớ từ câu: “Tiểu thừa cũng nói” tiếp xuống: Là đoạn thứ sáu, phân biệt, xác định về Lý “Chẳng cùng biết”. Văn gồm hai phần:

Một: Nêu kiến giải của Tiểu thừa.

Hai: Từ câu “Nhưng chẳng biết” tiếp xuống: Là dẫn ra sự khác nhau giữa Đại, Tiểu.

Tiểu thừa ở đây là Luận Câu Xá, trong Phẩm Nghiệp, giải thích

về sự biểu thị của Thân thuận theo hình tướng riêng, chẳng phải hành động là Thể, do các pháp Hữu vi có sát na diệt tận. Câu đầu nơi văn của Luận, Luận chủ nêu lên nghĩa của tông chỉ Hữu bộ. Ba câu sau là nhằm đả phá Chánh Lượng bộ. Bởi vì chánh lượng bộ cho rằng “thân động là thân biểu thị cái thể. Vì vậy Luận chủ phá ý kiến đó. Tuy nhiên Chánh lượng Bộ cho rằng tâm, tâm sở pháp thì có sát na, còn sắc động thì có sát na. Nay Luận Chủ Luận Câu Xá nói rõ ràng: Các pháp hữu vi thảy đều có sát na. Vì sao biết? Vì cái “Có” sau có hết. Cái “Có” sau đã là hết thì biết cái “Có” trước có diệt. Cho nên. Luận viết:

“Như xứ nầy sinh

Tức xứ nầy diệt

Không phải từ đây

Chuyển đến phương khác”.

Giải thích: Đây sinh đây diệt, chẳng đến phương khác là đồng với nghĩa chẳng dời đổi. Mà có Thể của pháp là sinh là diệt, nên chẳng phải là Đại thừa. Pháp của Đại thừa là duyên sinh không có tự tính: sinh tức chẳng sinh, diệt tức chẳng diệt. Cho nên dời đổi tức chẳng dời đổi.

Rõ là về Lý rất cách biệt.

Tuy nhiên, đại sư Tăng Triệu nơi bài “Vật Bất Thiên Luận”. Đoạn có liên quan với đây bao hàm hai ý. Văn hiển bày nơi chỗ biện minh phần nhiều giống vơi nghĩa đã nêu dẫn ở trước. Luận viết:

“Tình thức nơi con người bị mê lầm đã lâu, nên đối với các chân thật trước mắt mà chẳng hay biết, thật đáng xót thương! Đã biết vật xưa chẳng đến mà cho là vật nay có thể đi. Vật xưa đã chẳng đến thì vật nay đi tới chỗ nào? Vì sao? Vì tìm vật xưa ở nơi xưa, thì ở nơi xưa chưa từng là không. Tìm vật xưa ở nơi nay, thì ở nơi nay chưa từng là có. Ở nơi nay chưa từng là có, nên rõ là vật chẳng đến. Ở nơi xưa chưa từng là không, nên biết là vật chẳng đi. Trở lại mà cầu nay thì nay cũng chẳng tới. Đó là vật xưa tự nó ở nơi xưa, chẳng phải từ nay dẫn về xưa. Vật nay tự nó ở nơi nay chẳng phải từ xưa cho đến nay. Vậy nên Trọng Ni nói với Nam Hồi: Ta và Hồi vừa khoác tay nhau thì việc ấy chẳng còn là việc cũ! Như thế thì rõ ràng là vật chẳng qua lại với nhau!”. Đã không hề có vết tích qua lại, đến đi, thì có vật gì được chuyển động ư! Tức là nói: Thế thì gió chuyển v.v… Tiếp dưới lại nói: “Nếu xưa không đến nay, thì nay cũng không đến xưa. Mỗi sự tánh đều riêng trụ ở một đời thì có vật gì được tới lui! Giải thích: Xem ý của Ngài Triệu đã dùng vật với tánh riêng chính nó an trụ, mà lập nghĩa “Chẳng dời đổi”, tức cũng có phần chú trọng tiểu thừa, không chấp nhận từ đây chuyển đến phương khác.

Tiếp theo luận nói “Vì vậy, bàn về Chân có xứng hợp lý “Chẳng dời đổi”, dẫn dắt muôn vật, có ngôn thuyết “Chuyển động lưu diễn”. Đây tức là dùng chân đế lập nghĩa “Chẳng dời” mà không làm rõ tướng của Chân đế. Nếu áp dụng tướng Chân đế cho mỗi vật tánh đều riêng an trụ, thì há chẳng phải “Tánh không” kia cũng không được dời đổi để thành tựu chăng!? Bởi chẳng là nghĩa Chân không mới hiển bày được tánh không, dựa vào Tục đế mới lập làm nghĩa “Chẳng dời” đó thôi.

-Sớ từ câu: “Hai là ba nghĩa trong pháp” tiếp xuống: Là phần thứ hai, giải thích Pháp (Phần thứ nhất là giải thích dụ). Văn nơi bản Sớ giải gồm ba:

Một: Nêu chung.

Hai: Từ câu: “Trong phần đầu” tiếp xuống: Là giải thích riêng.

Ba: Từ câu: “Chính do nghĩa nầy” tiếp xuống: Là tóm kết.

Pháp vọng nên có tức chẳng phải là có, là nghĩa thứ nhất. Ẩn tức chẳng phải là Ẩn, là nghĩa thứ hai. Do chính là lúc sự Ẩn mà có đối tượng được nương tựa, nên dùng chẳng phải là Ẩn làm Ẩn, là nghĩa thứ ba, lý luôn hiện bày.

-Sớ từ câu: “Ba ý trên đây” tiếp xuống: Là phần thứ ba, đối chiếu với câu hỏi để thông tỏ, dung hợp.

Nói “Theo đấy mà xét” tức do dễ nhận thấy. Nếu nêu bày đủ là:

Thứ nhất, “Pháp vọng nên có mà chẳng phải là có” là đáp lại câu hỏi nêu thẳng ở trước: Đã có vô số thứ loại, cớ sao chẳng cùng biết? Nghĩa là vô số thứ loại là vọng, Thể của có chẳng phải là có nên chẳng cùng biết.

Thứ hai, đáp lại chỗ “Hoài nghi”: “Đó là vô số thứ loại hay là chẳng cùng biết?” Nên nay đáp rằng: chủ thể nương tựa là pháp vọng, dựa nơi đối tượng được nương tựa là Chân. Vọng thường là vô số thứ loại. Chân luôn là không nhận biết.

Thứ ba, giải đáp chỗ “Kết lại thành vấn nạn”, là “Tức vọng tức Chân” nên vô số thứ loại không trái với “Chẳng cùng biết”.

-Sớ từ câu: “Do đâu dùng nước dụ cho Chân tâm” tiếp xuống: Là phần thứ tư, hiển bày thêm về nghĩa của nước. Phần nầy có thể nhận biết.

-Sớ câu: “Thứ hai là dựa nơi ngọn lửa cháy để dụ cho khởi, diệt”

Về ba dụ sau (Lửa, gió, đất) văn diễn đạt có tính chất tóm lược.

Tùy theo ba nghĩa ấy, nên dùng pháp để kết hợp.

Thứ nhất: Về dụ ngọn lửa thì trong ấy có hai nghĩa: Một là biện minh sau chẳng biết trước. Hai là làm rõ trước chẳng biết sau.

Thứ hai: Từ câu: “Pháp vọng cũng thế” tiếp xuống: Là kết hợp với pháp, gồm hai:

Một là nêu chung.

Hai là, từ câu: “Nghĩa là đã diệt” tiếp xuống: Là bàn riêng.

Tuy nhiên, Pháp, kết hợp Dụ cùng dùng môn sinh diệt để giải thích, mà có một ít khác nhau. Trong dụ thì dùng niệm trước diệt, niệm sau sinh để giải thích. Nay trong phần kết hợp với pháp cũng dùng “Trước diệt sau sinh”, kết hợp chính là ngọn lửa trước, ngọn lửa sau, mà có gồm luôn ba thời.

Một là “Đã diệt” tức là “Niệm trước”. “Chưa sinh” tức là “Niệm sau”. Cho nên hai niệm nầy hoàn toàn là không vật. “Đã sinh thì diệt” tức hai niệm trước sau đều “Tức sinh tức diệt”, đều cùng là duyên sinh, nên nói là “Không có Thể”, tức Thể không có thật.

Nói “Gồm luôn ba thời”: Tức là một niệm nêu trên gồm có ba thời: Đã diệt là đã sinh. Chưa sinh là chưa sinh ra. Sinh rồi tức diệt là thời sinh (hiện tại) Nên Kinh Tịnh Danh có đoạn:

“Nếu là đời quá khứ thì đời quá khứ đã diệt. Nếu là đời vị lai thì đời vị lai chưa đến. Nếu là đời hiện tại thì đời hiện tại không ngừng. Kinh nói: Chư Tỳ kheo! Chính ngay bây giờ mà các vị cũng là sinh, cũng là già, cũng là diệt…” Nên ba thời là không có Thể tánh, chẳng thể cùng biết…

-Sớ câu: “Đây tức là vàng bị chảy, đá bị nung đỏ mà chẳng thấy nóng”: Tức là ý của Trang Tử nơi sách Nam Hoa Kinh (Tề Vật Luận) ý nói: “Đối với bậc chí nhân thì dù cho nước lớn ngập đến trời nhưng chẳng bị chìm. Nắng hạn vàng đá phải chảy, núi bị cháy tiêu mà chẳng bị thiêu đốt.” Nhưng về ý gốc, chẳng phải cho là nước không thể làm chìm, lửa chẳng thể thiêu đốt, mà ý muốn nêu: Nương, thuận nơi thời, xứ nên chẳng bị nước lửa gây họa… Chính là đồng với ý hiện nay “Thiêu đốt mà chẳng thiêu đốt”. Song quan điểm kia là “Thuận theo thời”, còn ở đây là căn cứ nơi Vô tánh”, nên Lý rõ là cách biệt.

-Sớ câu: “Hai là dựa nơi đối tượng được nương tựa”: Cũng gồm hai phần: Một là nêu dụ. Hai là kết hợp.

Nhưng so với dụ về nước, sự giải thích có tính chất tóm lược. Dụ về nước dùng nước là đối tượng được nương tựa. Nay thì cho ngọn lửa cháy không có Thể, Dụng, nhưng là đối tượng được nương tựa. Nếu so với dòn g chảy trước dựa nơi nước, thì nên cho lửa là “Đối tượng được nương tựa”. Lửa thuộc tánh nóng, là đối tượng được xúc chạm của

Thân. Ngọn lửa cháy là sự chuyển động của sắc có hình tướng hiển bày. Cho nên dựa vào đấy để giải thích thì phải nói: Ngọn lửa trước, ngọn lửa sau đều dựa nơi lửa. Do không có tự tánh nên không cùng biết. Đó là dựa nơi nước, nơi lửa để biện minh chỗ hiển bày của hai không, chân lý của “Chẳng không” dùng làm “Đối tượng được nương tựa”.

“Nếu không Thể dụng là đối tượng được nương tựa”, thì hiển bày chỗ không tự tánh của Y tha là Viên thành, chân lý của hai Không dùng làm “Đối tượng được nương tựa”. Do nghĩa hiển bày không cố định nên có sự tóm lược. Phần tiếp sau chỉ có đối tượng được nương tựa cũng dựa theo đây để giải thích.

Lại nữa, so với dụ về gió ở sau, thì gió dựa nơi vật động, còn lửa thì dựa nơi củi mà có. Củi thì có thể cháy (khả năng cháy). Lửa là chủ thể đốt cháy. Cho nên do “Cháy” (chủ thể) nhờ nơi “Có thể cháy” thì cháy không có tự Thể. “Có thể cháy” nhờ nơi “Cháy” thì “Có thể cháy” không có tự Thể. Tức do không có tự tánh, nên “Có thể cháy” là đối tượng được nương tựa.

-Sớ từ câu: “Đấy là không có cái có của pháp vọng” tiếp xuống:

Là tóm kết về ba nghĩa nêu trên. Nhưng có, không có hai:

Một: Có, Không của định tánh.

Hai: Không của Chân, có của diệu (Chân không Diệu hữu). Nay, không có cái có của pháp vọng tức là không có cái có của định tánh thì chẳng phải là “Đoạn hết không có gì”. Có cái không của pháp vọng là cái không của Chân không, nên là “Diệu hữu”. Do đó, nếu nêu vọng để chọn lấy chân thì Vọng có, Chân không, như Tam luận đã bàn. Nếu Chân, Vọng đối hợp biện giải, thì Vọng không, Chân có như Kinh Niếtbàn đã nêu.

Từ câu “Nêu khiến tướng của duyên khởi” tiếp xuống: Là trở lại xác nhận nghĩa ở trên. Câu trên thành “Không có cái có của pháp”. câu dưới thành “Có cái không của pháp vọng”. Tướng không chẳng cùng tận là môn thứ nhất. Lý không đâu là không hiện là môn thứ ba. Hợp hai câu trên là môn thứ hai.

-Sớ từ câu: “Trong ba nghĩa nêu trên” tiếp xuống: Là phần thứ ba, đối chiếu với câu hỏi để thông tỏ, dung hợp. Chính ngọn lửa cháy không có tự tánh nên chẳng cùng biết, là đáp lại câu hỏi nêu thẳng ở trước. “Chủ thể nương tựa là vô số thứ loại với đối tượng được nương tựa là không hai.” Là đáp lại phần nêu vấn nạn. Ở nơi nghĩa dễ lãnh hội, nên nói là “Dựa theo đấy để nhận biết”.

Hoặc như ý của đại sư Hiền Thủ, thì người hỏi đã dựa vào nghĩa đầu, người đáp lại thì dùng hai nghĩa sau, cũng là một lý. Chính là nghĩa đầu, hai nhà cùng sử dụng, phần sau sẽ biện minh lần nữa.

-Sớ câu: “Thứ ba là dựa nơi gió có động để lập dụ”: Gồm có nêu lên, giải thích, tóm kết, nhưng không có đối chiếu với câu hỏi.

Tức do nơi nước, cây cối v.v… mà làm “Chỗ nương tựa”. Phần còn lại hầu hết là giống với trước.

Song cho rằng: “Đấy là gió lốc cuốn sạt lở núi mà luôn tĩnh”, tức là lời của đại sư Tăng Triệu nơi bài Vật Bất Thiên Luận đã dẫn. Chữ “Toàn lam” cũng đọc là “Tùy lam”. Đều do tính chất nặng nhẹ của tiếng Phạn. “Toàn lam” tức là gió cuốn lam nổi mây, là gió của phương bắc, cũng là gió của thời kiếp hoại.

Từ câu: “Vì thế, pháp vọng hoàn toàn dứt hết” tiếp xuống: Là phần tóm kết, văn có hai đối, nêu đủ ba môn trên.

Pháp vọng hoàn toàn diệt “Mà chẳng diệt”. Tức riêng chọn lấy “Pháp vọng hoàn toàn dứt hết” là môn thứ nhất. Đem cụm từ “Mà chẳng diệt” trên đối với “Chân tánh hoàn toàn Ẩn” ở dưới là môn thứ hai. Dùng “Chẳng diệt” làm chủ thể nương tựa, “Hoàn toàn Ẩn giấu” làm đối tượng được nương tựa. Trong câu dưới “Nhưng luôn hiện rõ” là môn thứ ba.

-Sớ câu: “Thứ tư là dựa nơi đại địa có tính chất giữ lấy”: Cũng gồm: Nêu lên, Giải thích, Tóm kết. Trong phần Giải thích có ba nghĩa. Nghĩa thứ nhất “Lập danh” so với trước có khác chút ít. Trước cho rằng:

“Một chính là dòng chảy, là ngọn lửa, là động”. Nay thì phần đầu nói: “Cõi đất là chỗ nương tựa của Nhân”, tức là cách diễn đạt của dụ có khác chút ít.

Nói “Một là căn cứ nơi tự loại”: Tức cũng như chồng nhiều lớp ngói. Phần còn lại có thể nhân biết.

Nói “Đây tức chỗ nâng chở sâu dày nơi vạn vật mà bất nhân”: Là chẳng dựa cậy nơi nhân đức. Lão Tử nói: “Trời đất bất nhân, coi muôn vật như chó rơm”. Kinh viết: “Ví như đại địa nhận lấy bốn trách nhiệm nặng nề mà không chán, mệt”.

Từ câu: “Đại sư Tăng Triệu cũng nói” tiếp xuống: Tức cũng nơi bài “Vật Bất Thiên”, phần cuối, tổng kết nói: “Bởi vậy, trời đất (càn khôn) đảo lộn chớ cho là chẳng tĩnh. Nước ngập đầy trời chớ bảo là có động Nếu có thể khế hợp một cách thần diệu ở nơi “Tức vật”, như vậy là chẳng cần tìm đâu xa mà ở ngay đấy có thể biết được”. Khôn tức là đất nên được nêu dẫn.

-Sớ câu: “Hai là căn cứ nơi dị loại”: Tức nơi Phẩm Xuất Hiện. Có dụ về bốn Luân cùng nương tựa vào nhau, nhưng chỗ kết hợp ở đó so với đây có khác. Nay chỉ mượn hình ảnh bốn Luân để dùng thôi.

-Sớ câu: “Nghĩa còn lại thì đồng với trước”: Là phần thứ ba, tổng nhưng “Nghĩa còn lại” có hai ý:

Một là, tóm kết ba môn ở trước, nên nói: Thứ nhất “Vọng không gì là không dứt hết” là môn thứ nhất. “Lý không đâu là không hiện bày” là môn thứ ba. Kết hợp cả hai là môn thứ hai. Hai và ba hợp ở môn thứ ba. Chỉ là ở trong phần “Đối tượng được nương tựa”, nên gọi là “Nghĩa còn lại”.

Hai là, đối chiếu với ba câu hỏi trên, cho là “Nghĩa còn lại”.

-Sớ câu: “Thứ hai là đối hợp riêng các phần “Chẳng cùng biết”. bốn dụ trên là dụ chung về nghĩa “Chẳng cùng biết” của năm đối. Nay thì đối hợp riêng.

Nói “Cùng với chỗ chung riêng nơi vấn nạn ở trước”: Tức là vấn nạn về phần “Đi tới cõi Thiện vv nơi năm đối”.

-Sớ câu: “Thứ nhất, dụ về dòng nước chảy, hai đối trước chẳng cùng biết”: Tức “Nghiệp chẳng biết Tâm, Tâm chẳng biết Nghiệp”. “Thọ chẳng biết Báo, Báo chẳng biết Thọ”.

Câu: “Đáp lại vấn nạn về chỗ đi tới cõi Thiện Ác”: Ở trên nói: Tâm Tánh là một, tại sao lại thấy đi tới cõi thiện nẻo ác? Đáp cho rằng: Cõi Thiện, cõi Ác tức là quả báo chung, do Nghiệp huân tập Tâm, nhận lấy Báo của đối tượng được thọ nhận, như dòng nước trôi nổi đây đó.

Nói “Thể của sự lưu chuyển”: Thể tức là A-lại-da. Cho nên Duy Thức nói: “Luôn biến chuyển như dòng thác”. Thích Luận nêu: “Như nước nơi dòng thác chẳng phải là đoạn, chẳng phải là thường, luôn nối tiếp nhau, có chỗ nổi, chìm. Thức nầy cũng như thế. Từ vô thủy đến nay, trong từng sát na, sát na, quả sinh nhân diệt. Quả sinh nên chẳng phải là đoạn. Nhân diệt nên chẳng phải là thường, khiến cho chúng sinh chìm nổi, chẳng thể giải thoát”.

Cũng như Luận Khởi Tín viết: “Như nước trong biển lớn, nhân nơi gió mà dậy sóng”. Kinh Lăng Già có câu:

“Biển Tạng thức luôn trụ

Gió cảnh giới dấy động”…

Kinh Nhị địa nói: Hết thảy chúng sinh bị nước lớn, sóng dữ nhận chìm. Văn nói về nghĩa này không phải ít.

-Sớ câu: “Hai là dụ về đống lửa, là đối thứ hai, đối thứ ba chẳng cùng biết”: Đây cũng là chỗ dẫn dắt, dung hợp. Đối thứ hai trước đã dùng xong, nay lại nêu dụ về nó. Nghĩa là “Thọ chẳng biết Báo, Báo chẳng biết Thọ”, cùng “Tâm chẳng biết Thọ, Thọ chẳng biết Tâm”.

Câu: “Đáp lại chỗ thọ sinh, và các căn ở trước”: Là đáp lại hai vấn nạn ở trước. Do trước hỏi: “Tâm Tánh là một, do đâu thấy có trường hợp các căn đủ, thiếu, cùng sự thọ sinh đồng, dị?” Nay đáp lại: “Các căn đủ thiếu, chỗ thọ sinh dồng dị đều do Thức chủng (chủng tử Thức) thọ quả báo nơi “đối tượng được thọ”, cũng dựa nơi Tâm, như lửa dựa nơi củi.

-Sớ câu: “Tiếp theo là do gió lớn”: Là chỉ dụ về một đối, tức là “Nhân chẳng biết duyên, duyên chẳn g biết Nhân”.

Câu: “Đáp lại chỗ xấu tốt nêu trước”: Nghĩa là, trước hỏi: “Tâm Tánh vốn là một, tại sao thấy có sự đẹp đẽ, xấu xí?” Nên nay đáp: Chỗ thọ nhận Báo có đẹp xấu đều do chỗ khác nhau của Nghiệp duyên khiến chỗ Báo có sự tốt xấu. Cũng như gió đông, tây khiến vật rạp xuống hay ngẩng lên, hình tướng đều chẳng đồng.

-Sớ câu: Đáp lại phần khổ, vui nêu trước”: Là dụ về “chẳng cùng biết” thì giống nơi gió. Đáp lại phần khổ vui ở trước thì chẳng giống với gió. Tức là, trên hỏi: “Tâm Tánh vốn là một, tại sao thấy có sự thọ nhận khổ, vui?”. Cho nên nay đáp: “Nhân lành thì quả vui, nghiệp ác thì báo khổ. Khổ, vui có nhiều thứ, như đất nhẹ, nặng”.

Nói “Lại nữa, dụ về Cảnh, Trí nêu trước”: Trước dùng hai dụ về Gió, Đất cũng dụ cho Nhân, duyên là một lượt “Chẳng cùng biết”. Nay thì một dụ về đất là dụ cho hai lượt “chẳng cùng biết”.

Câu: “Đáp lại về các căn nêu trước”: Do các căn có hai nghĩa:

Một: Căn cứ nơi Mắt, Tai v.v… là các căn: Thì dùng dụ về lửa để giải đáp.

Hai: Các căn như Tín, Tấn v.v… Nay thì dùng dụ về đất để giải đáp. Đất tuy là một nhưng tùy theo hạt giống mà sinh mầm khác nhau. Tâm Tánh tuy là một, do nơi căn mà thành sai khác, nên Tín, Tấnvv mỗi mỗi chẳng đồng.

Năm kệ của phần hai đáp lại vấn nạn nêu ra ở trước Sớ từ câu: “Thứ nhất, câu hỏi trước có ba lớp” tiếp xuống: Tức trước biện minh về đại ý, phần nầy gồm hai:

Một: Làm rõ tổng quát về ý của kệ.

Hai: Biện minh chung về nghĩa của duyên khởi.

-Trong phần một Sớ từ câu: “Nhưng bốn Nhân nầy” tiếp xuống: Ở trên là biện minh riêng. Từ đây trở xuống là dung hợp.

Nói “Các Tông”: Trong bốn Nhân trên thì nhân đầu là chung cho cả hai Tông Tánh, Tướng. Nhân hai tức là Tông Pháp tướng, ba tức Tông Vô tướng, bốn tức là Tông Pháp tánh. Căn cứ theo nghĩa thật thì bốn nhân chẳng thiếu thì mới thành chỗ thâm diệu của duyên khởi. Nếu theo vọng tình, chấp vào chỗ thấy của riêng mình thì trái với tông chỉ của bậc Thánh. Như những người mù lìa khỏi voi, chẳng thấy hoàn toàn về hình tướng của voi, nhưng cũng chẳng rờ voi. Còn những người mù chẳng biết về sữa thì xâm đoạt, phủ nhận toàn bộ. Nay, người mù sờ voi thì mới là phủ nhận một phần. Chọn lấy chỗ chẳng lìa kia là đều thuận với Thánh giáo. Dụ nầy tức nơi kinh đại Bát Niết-bàn quyển thứ ba mươi hai (Nam bản là quyển thứ 30), đáp lại câu hỏi của Bồ tát Sư Tử Hống: “Chúng sinh nếu có Phật tánh thì chẳng cần phải tu tập Thánh đạo, mà tự đạt được Bồ đề”. Phần đáp lại, ý nói: “Chúng sinh có Phật tánh, thì quyết định sẽ đạt được”. Sau đấy thì nêu lên dụ kia. Kinh viết: “Thiện nam! Ví như có vị vua bảo vị đại thần dắt một con voi để chỉ cho những người mù xem. Vị đại thần vâng lệnh vua, tập hợp nhiều người mù rồi dắt voi đến cho họ xem. Lúc này, những người mù ấy đều dùng tay sờ nơi voi. Vị đại thần bèn trở lại tâu với vua… Bấy giờ, nhà vua cho gọi các người mù đến, hỏi từng người về việc xem voi của họ… Các người mù đều nói: “Tôi đã được thấy voi”. Vua hỏi: “Voi hình dạng thế nào?” Người sờ vào nơi ngà voi thì thưa voi hình tướng như củ cải. Người sờ trúng tai voi thì nói voi giống như cái ky. Người sờ vào đầu voi thì tâu voi như tảng đá. Người sờ vào chỗ vòi voi thì nói voi như cái chày. Người sờ nơi chân voi thì cho voi như cối gỗ. Người sờ trúng nơi lưng voi thì thưa voi giống như giường nằm. Người sờ cào bụng voi thì nói voi như cái lu. Người sờ vào đuôi voi thì tâu voi như con rắn.

Này Thiện nam! những người mù ấy chẳng nói đúng về hình tướng của voi, nhưng cũng chẳng phải là chẳng nói. Các tướng ấy tất chẳn g phải là voi nhưng lìa khỏi chúng thì lại không có voi. Thiện nam! Nhà vua là dụ cho Như Lai là bậc Chánh Biến Tri. Vị đại thần là dụ cho kinh Phương đẳng đại Niết-bàn. Voi dụ cho Phật tánh. Những người mù thì dụ cho tất cả chúng sinh vô minh.

Những chúng sinh nầy nghe Phật nói xong, hoặc có người nói Sắc là Phật tánh v.v…”.

Giải thích: Ý của dụ nơi kinh nầy nhằm nêu rõ tất cả chúng sinh tuy có Phật tánh, nhưng sự nhận thấy chẳng thấu tỏ cùng chỗ chấp chẳng giống nhau. Nhưng chẳng phải là hoàn toàn lìa bỏ mọi kiến giải kia, vì cả pháp của chỗ chấp cũng đều là Phật tánh, nhưng chẳng phải là sự nhận thức hoàn toàn…

Nay mượn dụ nầy để so sánh với chỗ thâm diệu của Thánh giáo, là dụ chung nơi voi. Các tông với kiến giải sai khác cũng như chỗ sờ chạm, tiếp xức của những người mù. Đều hợp nơi Thánh lý nên gọi là “Chẳng lìa”. Nhưng chẳng phải là sự thấu tỏ viên mãn nên gọi “Chẳng phải là nói đúng về voi”. Cho nên Hiếp Tôn giả nói: “Dựa vào đấy để tu tập thì luôn đạt được lợi ích”.

Nói “Thọ nhận một phần, cho các phần còn lại là chẳng phải thì đấy là Thiên kiến”: cho voi như cái ky, chẳng tin như cái cối gỗ… đây là sự mê lầm lớn. Chỉ tin nơi các Thức, chẳng tin về Vô tánh, là “Chân như tùy duyên” nên là thiên kiến. Phẩm Ly Thế gian có câu: “Thọ nhận một, phần còn lại cho là chẳng phải, thì đó là chỗ thâu tóm, nắm giữ của ma”.