đại phương quảng bồ tát tạng văn thù sư lợi căn bản nghi quỹ kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(大方廣菩薩藏文殊師利根本儀軌經) Gồm 20 quyển, do ngài Thiên tức tai dịch vào đời Bắc Tống, thu vào Đại chính tạng tập 20. Nội dung gồm 28 phẩm, trình bày các phép tắc vẽ tượng, vẽ mạn noa la cho đến tác pháp hộ ma, ấn tướng v.v… có liên quan đến bồ tát Văn thù sư lợi. Kinh này được chép ra từ quyển 5 của Đại trung tường phù pháp bảo lục và cùng với kinh Quán tưởng Phật mẫu bát nhã ba la mật đa bồ tát 1 quyển và kinh Thập hiệu 1 quyển cùng được dịch vào năm Ung hi thứ 3 (986) đời Bắc Tống. Cứ theo Chư nghi quĩ bẩm thừa lục quyển 6 nói, thì Văn thù sư lợi căn bản nhất tự đà la ni pháp trong kinh Đại phương quảng bồ tát tạng do ngài Bảo tư duy dịch vào đời Đường và kinh Nhất tự chú vương trong Mạn thù thất lợi bồ tát chú tạng do ngài Nghĩa tịnh dịch vào đời Đường tương đương với phẩm Thành tựu tối thượng pháp của kinh này, cho nên có thể xem các kinh vừa nói ở trên là các kinh biệt sinh của kinh này. Nguyên bản tiếng Phạm của kinh này là: Àrya-maĩjuzrì-mùla-kalpa (Thánh Văn thù sư lợi căn bản nghi quĩ) gồm 5 phẩm. Bản dịch Tây tạng: Fphags-pa hjam-dpal-gyi rtsa-ba#i rgyud (Thánh Văn thù căn bản đát đặc la) gồm 36 phẩm. So sánh với nguyên bản tiếng Phạm và bản dịch Tây tạng thì nội dung kinh này còn thiếu rất nhiều, mà quan trọng nhất là thiếu phẩm Chư vương thụ kí (Phạm: Ràjavyàkaraịa-parivarta) là phẩm thứ 53 của Phạm bản. Nội dung phẩm này là những lời huyền kí(lời nói dự đoán trước)về các triều vua của Ấn độ trước thời đức Phật đến đầu thời kì triều vua Ba la, là sử liệu rất quí báu về lịch sử Phật giáo Ấn độ. Các sử gia Phật giáo Tây tạng như: Bu-ston, Tàranàtha v.v… thường trích dẫn tư liệu này trong các tác phẩm của họ. [X. Thiên thánh thích giáo tổng lục Q.hạ; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.5; Liên môn loại tụ kinh tịch lục Q.thượng].