đại phật loan thạch quật

Phật Quang Đại Từ Điển

(大佛灣石窟) Động đá Đại Phật ở hõm núi Bảo đính thuộc huyện Đại túc tỉnh Tứ xuyên (Trung quốc). Chung quanh Huyện thành huyện Đại túc núi non trùng điệp quanh co. Từ đời Đường đến đời Thanh, trong huyện có hơn mười chỗ điêu khắc hàng vạn pho tượng Phật trên sườn núi, trong đó, hai nơi Bắc sơn và Bảo Phật đính là qui mô lớn nhất. Các tượng Phật được khắc trong hang động Đại Phật loan ở núi Bảo đính phần lớn đều căn cứ theo sự tích trong các kinh. Trong hang động có hơn 300 cỗ khám thờ tượng Quan âm với thân hình đầy đặn, đôi cánh tay mềm mại, tròn trịa; tượng các lực sĩ chống nạnh trợn mắt, bắp thịt rắn chắc; tượng các phi thiên (trời bay) với giải áo phấp phới, diễn tấu nhạc trời, tượng các nam nữ tín đồ thành kính nghiêm trang đứng hầu bên Phật. Loại hình tượng này phản ánh thủ pháp tả thực trong điêu khắc ở đời Đường và tình hình xã hội, phong tục dân gian của đương thời. Nhìn các pho tượng Phật, Bồ tát, Phi thiên v.v… được chạm trổ bằng đá, người ta thấy khuôn mặt, dáng dấp, áo mũ, cách phục sức v.v… đều biểu hiện cái phong cách dân tộc Trung quốc. Bên cạnh Đại Phật loan, có Tiểu Phật loan, cũng gọi Đại bảo lâu các, vốn có qui mô khá lớn, nhưng sau bị đổ nát, hiện còn hơn 600 pho tượng. Trên mặt vách đá của bốn bức tường đầy khắp tượng khắc. Trong tường có ngôi thất nhỏ gọi là am Tì lô, mặt trong và mặt ngoài vách của am đều khắc tranh Bản tôn hành hóa và tranh địa ngục biến, trông rất hùng tráng. Phía trước am có ngôi tháp đá hình vuông cao ba tầng, ngoài phần khắc tượng ra, còn khắc mục lục của 12 bộ Đại tạng kinh, nhưng các bộ loại khắc ở đây khác với mục lục tạng kinh phổ thông. (xt. Đại Túc Thạch Quật).