đại phật đỉnh thủ lăng nghiêm kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(大佛頂首楞嚴經) Gồm 10 quyển. Cũng gọi Đại Phật đính kinh, Lăng nghiêm kinh. Gọi đủ là: Đại Phật đính Như lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ tát vạn hạnh thủ lăng nghiêm kinh. Do ngài Bát lạt mật đế dịch vào đời Đường, thu vào Đại chính tạng tập 19, là bản dịch khác của kinh Thủ lăng nghiêm tam muội do ngài Cưu ma la thập dịch. Nội dung kinh này tường thuật việc ngài A nan bị huyễn thuật của nàng Ma đăng già mê hoặc, lúc gần hủy giới thể thì đức Phật biết được việc này, liền sai ngài Văn thù sư lợi đem thần chú Thủ lăng nghiêm đến phá trừ huyễn thuật để giải cứu cho ngài A nan. Sau đó, ngài A nan và nàng Ma đăng già cùng đến chỗ đức Phật nghe Phật giảng về Viên giải, Viên hạnh, Viên vị cho đến bảy đường để biện minh ấm ma và pháp Tam ma đề, lí căn, trần cùng một nguồn, phược (trói), giải (cởi) không hai. Từ trước đến nay, kinh này có nhiều thuyết phán giáo khác nhau. Chẳng hạn như ngài Tử tuyên phán kinh này thuộc Chung giáo trong giáo phán năm thời của tông Hoa nghiêm, bao gồm cả Đốn giáo và Viên giáo. Còn trong Duyệt tạng tri tân thì ngài Trí húc liệt kinh này vào đầu các kinh Phương đẳng mật chú. Về sách chú sớ kinh này thì đời Đường, Tống đến nay đã có tới hơn 100 bản, nhưng quan trọng hơn cả thì có: Thủ lăng nghiêm kinh hội giải của ngài Duy tắc đời Nguyên. Trong sách này, ngày Duy tắc viện dẫn những bộ chú thích của các tông rồi theo chính văn mà giải thích kinh này. Về sự truyền dịch kinh Thủ lăng nghiêm cũng có nhiều thuyết. Theo Khai nguyên thích giáo lục quyển 9 thì kinh này do sa môn Hoài địch dịch. Nhưng, theo Tục cổ kim dịch kinh đồ kỉ của ngài Trí thăng và Thủ lăng nghiêm kinh nghĩa sớ chú kinh quyển 1 của ngài Tử tuyền thì kinh này có hai bản dịch: Một của ngài Hoài địch, một của ngài Bát lạt mật đế. Bản của ngài Hoài địch có trước bản của ngài Bát lạt mật đế. Về vấn đề chân, ngụy của kinh này, xưa nay cũng có sự tranh luận. Trong số các học giả cận đại, có người cho kinh này do Phòng dung ngụy tạo vào đời Đường. Ngoài ra, kinh này cũng có bản dịch tiếng Tây tạng, được chuyển dịch từ bản dịch chữ Hán vào khoảng năm Càn long đời Cao tông nhà Thanh. [X. Đại đường nội điển lục Q.3; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.14;Thiền lâm tượng khí tiên kinh lục môn].