đại phẩm kinh nghĩa sớ

Phật Quang Đại Từ Điển

(大品經義疏) Gồm 10 quyển, ngài Cát tạng soạn vào đời Tùy, thu vào Vạn tục tạng tập 38. Sách này ghi cương yếu và giải thích văn nghĩa của kinh Đại phẩm bát nhã do ngài Cưu ma la thập dịch. Nội dung chia làm 10 môn: 1. Giải thích tên kinh: Trước hết, theo thứ tự giải thích rõ nghĩa các chữ Ma ha, Bát nhã, Ba la mật; kế đến, giải nghĩa Tu đa la, có nêu ra thuyết của các nhà khác về vấn đề này. 2. Trình bày nội dung: Nói rõ chín nhân duyên Phật thuyết Ma ha bát nhã. 3. Nêu rõ bộ loại: Bát nhã ba la mật được chia ra ba bộ loại: a) Hai loại Bát nhã: Cộng thanh văn, Bất cộng thanh văn. b) Ba loại Bát nhã: Quang tán, Phóng quang, Đạo hành. c) Năm loại Bát nhã: Ma ha, Kim cương, Thiên vương vấn, Quang tán, Nhân vương bát nhã. 4. Biện khai hợp: Chỉ rõ năm thời tám bộ Bát nhã riêng biệt, được hợp thành không phải do thứ lớp nông sâu. 5. Minh tiền hậu: Bàn về thứ tự trước sau của Ma ha bát nhã. 6. Biện kinh tông: Bát nhã lấy nhân quả làm tông, nhưng thể chính của nó thì chẳng phải nhân chẳng phải quả. 7. Nói rõ hiển mật: Bát nhã có Hiển, Mật, Bàng, Chính. 8. Biện minh về giáo: Nói rõ thuyết năm thời phương nam, bốn tông phương bắc là sai, nghĩa là kinh giáo của Như lai chỉ có hai thừa Đại, Tiểu mà thôi. 9. Nói về sự truyền dịch: Trình bày sự tích những người truyền dịch kinh điển như Chu sĩ hành v.v… 10. Theo văn giải nghĩa: Theo kinh Đại phẩm bát nhã giải thích rõ ràng từng chữ từng câu. Trong 10 môn trên đây, từ môn thứ 1 đến môn thứ 9 được thu vào quyển 1, môn thứ 10 là từ quyển 2 đến quyển 10, nhưng bản được đưa vào Vạn tục tạng còn sót quyển thứ 2. Nội dung toàn bộ sách có viện dẫn thuyết trong kinh, luật, luận như: Kinh Niết bàn, kinh Hoa nghiêm, luật Tứ phần, luận Đại trí độ, luận Thành thực v.v… Ngoài ra, cũng dẫn dụng các thuyết của những luận sư: Đạo an, Cưu ma la thập, Tăng triệu, Tăng thuyên v.v… [X. Tam luận tông chương sớ; Đông vực truyền đăng mục lục Q.thượng; Tam luận tông kinh luận chương sớ mục lục].