đại phẩm bát nhã kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(大品般若經) Phạm: Paĩcaviôzati-sàhasrikàprajĩàpàramità. Gồm27 quyển (hoặc30, 40 quyển), 90 phẩm. Cũng gọi Nhị vạn ngũ thiên tụng bát nhã, do ngài Cưu ma la thập dịch vào năm Hoằng thủy thứ 4 đến năm 14 (402 – 412) đời Hậu Tần. Còn gọi là Ma ha bát nhã ba la mật kinh, Ma ha bát nhã kinh, Tân đại phẩm kinh, Đại phẩm kinh, thu vào Đại chính tạng tập 8. Là kinh thuộc thời kì đầu của Phật giáo Đại thừa nói về Bát nhã không quán. Cứ theo luận Đại trí độ của ngài Long thụ, thì 66 phẩm trước của kinh này là Bát nhã đạo, 24 phẩm sau là Phương tiện đạo. Theo bài tựa trong Đại phẩm kinh nghĩa lược của ngài Cát tạng, trong 90 phẩm của toàn bộ kinh thì 6 phẩm trước là đức Phật nói cho hàng thượng căn như các ngài Xá lợi phất v.v… từ phẩm thứ 7 đến phẩm 24 là Phật bảo ngài Tu bồ đề nói cho hàng trung căn, từ phẩm 45 đến phẩm 90 là Phật nói cho hàng hạ căn như các trời, người… Kinh này có ba bản dịch khác nhau: 1. Kinh Quang tán bát nhã ba la mật, gồm 10 quyển, 27 phẩm, do ngài Trúc pháp hộ dịch vào đời Tây Tấn. 2. Kinh Phóng quang bát nhã ba la mật, gồm 20 (hoặc 30 quyển), 90 phẩm, do ngài Vô la xoa dịch vào đời Tây Tấn. 3. Kinh Đại bát nhã hội thứ hai, gồm 78 quyển, 85 phẩm, do ngài Huyền trang dịch vào đời Đường. Ngoài ra, kinh này cũng có bản dịch tiếng Tây tạng (gồm 76 phẩm). Bản tiếng Phạm (8 phẩm) thì do N. Dutt xuất bản (1934). Kinh này có rất nhiều sách chú thích, quan trọng hơn cả thì có luận Đại trí độ 100 quyển của ngài Long thụ, Đại phẩm kinh nghĩa sớ 10 quyển và Đại phẩm kinh du ý 1 quyển của ngài Cát tạng, Đại phẩm bát nhã kinh huyền văn 4 quyển của ngài Chân đế. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Lịch đại tam bảo kỉ Q.8; Khai nguyên thích giáo lục Q.4; Phật giáo thánh điển khái thuyết].