đại nhật như lai

Phật Quang Đại Từ Điển

(大日如來) Phạm: Mahàvairocana. Dịch âm: Ma ha tì lô giá na. Đức Phật bản tôn tối thượng của Mật giáo. Cũng gọi Tì lô giá na Phật, Tối cao hiển quảng nhãn tạng, Biến chiếu vương Như lai, Quang minh biến chiếu, Đại nhật biến chiếu, Biến nhất thiết xứ, Biến chiếu tôn. Tên hiệu của Ngài có ba nghĩa: 1. Ánh sáng soi khắp đánh tan bóng tối: Ánh sáng trí tuệ của Như lai chiếu rọi khắpmọi nơi, không bị thời gian, không gian ngăn ngại. 2. Thành tựu mọi việc: Ánh sáng của Như lai chiếu soi khắp pháp giới, có thể khai phát thiện căn cho vô lượng chúng sinh một cách bình đẳng, cho đến thành tựu các việc thù thắng thế gian và xuất thế gian. 3. Ánh sáng không sinh diệt: Ánh sáng Phật trong chúng sinh tuy bị vô minh che lấp, nhưng không vì thế mà bị tổn giảm; thực tướng tam muội rốt ráo tròn sáng mà vẫn không tăng thêm. Mật tông chủ trương Đại nhật Như lai là thực tướng vũ trụ được Phật cách hóa, là bản thể của tất cả chư Phật và Bồ tát. Ba nghiệp thân, khẩu, ý của Ngài đầy khắp hư không, diễn nói giáo pháp sâu xa mầu nhiệm Tam mật môn kim cương Nhất thừa của Như lai. Cứ theo Đại nhật kinh sớ quyển 1, thì Đại nhật Như lai có hai thân: 1. Bản địa pháp thân: Quả vị tự chứng cùng tột của Như lai. 2. Gia trì thụ dụng thân: Vị giáo chủ nói pháp. Ngài dùng thân, khẩu, ý bình đẳng bí mật gia trì làm môn sở nhập(tức là dùng mật ấn của thân bình đẳng, chân ngôn của ngữ bình đẳng và diệu quán của tâm bình đẳng làm phương tiện). Thân Gia trì thụ dụng tức là thân Tì lô giá na bao trùm tất cả, hai thân này rốt ráo không hai không khác. Bởi thế, Mật tông lấy đức Đại nhật Như lai làm Phật căn bản tối thượng. Lại vì Ngài là bản thể tràn đầy khắp mọi nơi, nên có mật hiệu là Biến chiếu kim cương. Đại nhật Như lai là vị tôn đứng đầu hai bộ mạn đồ la Kim cương giới và Thai tạng giới. Đại nhật Như lai của Kim cương giới biểu thị Trí đức, còn Đại nhật Như lai của Thai tạng giới thì biểu thị Lí đức. Lí và Trí tuy là hai, nhưng thực ra không lìa nhau. Đại nhật Như lai Kim cương giới là vị Trung tôn của cả chín hội Kim cương giới, ngoại trừ hội Lí thú. Hình tượng Ngài ngồi giữa năm đức Phật, hiện tướng Bồ tát, thân mầu trắng, đội mũ báu năm trí, kết ấn Trí quyền, ngồi kết già trên tòa bảy sư tử, đây là Trí pháp thân, chủng tử là (vaô),hình tam muội da làhình tháp. Đại nhật Như lai Thai tạng giới là Lí pháp thân; hình tượng Ngài ngồi ở trung ương viện Trung đài bát diệp, cũng hiện tướng Bồ tát, thân mầu vàng ròng, đội mũ báu năm Phật, kết ấn Pháp giới định, ngồi trên đài hoa sen tám cánh, chủng tử là (a), hình tam muội da là hình tháp hoặc là ấn Đính Như lai. Các bức tượng của đức Đại nhật Như lai hiện còn, dù vẽ hay khắc, đều là tượng ngồi và hầu hết được khắc bằng gỗ. Tông Thiên thai cho rằng Phật Thích ca và Đại nhật Như lai là đồng thể, nhưng Đông mật Nhật bản thì xem các Ngài là biệt thể. [X. kinh Đại thừa lí thú lục ba la mật đa Q.2; kinh Thủ hộ quốc giới chủ đà la ni Q.9; Đại nhật kinh sớ Q.4; Kim cương giới thất tập Q.thượng]. (xt. Tì Lô Giá Na).