đại nhạn tháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(大雁塔) Ngôi tháp nổi tiếng ở chùa Từ ân ngoại ô phía nam thành phố Tây an thuộc tỉnh Thiểm tây, Trung quốc, được xây dựng vào năm Vĩnh huy thứ 3 (652) đời vua Cao tông nhà Đường, theo kiến nghị của ngài Huyền trang để cất giữ những kinh điển mà ngài đã thỉnh từ Ấn độ về. Tháp được kiến trúc theo kiểu Ấn độ, có năm tầng, mỗi tầng đều có thờ xá lợi. Thân tháp cao 180 thước (Tàu), nền tháp mỗi bề 140 thước. Thời Vũ tắc Thiên, tháp Đại nhạn được xây lại theo kiểu Trung quốc, cao 300 thước gồm mười tầng, mỗi tầng có bốn cửa. Niên hiệu Thiên hựu năm đầu (904), tháp bị hủy hoại trong chiến tranh Chu ôn, chỉ còn lại bảy tầng. Sau, tuy đã được sửa chữa nhiều lần, nhưng đến nay hình thức vẫn không thay đổi. Về nguồn gốc tên Tháp nhạn có hai thuyết: 1. Do chim nhạn bỏ mình cúng dường tăng, vị tăng cảm động mà xây hình tháp, đặt tên là tháp Đại nhạn. 2. Ở nước Đạt thấn có chùa Phật Già diếp, đục núi làm tháp năm tầng, tầng dưới cùng làm thành hình chim nhạn, nên gọi là tháp Đại nhạn. Tòa tháp Nhạn hiện nay cao 64 m, hình vuông, bảy tầng lầu gác, khác với kiểu tháp thông thường. Ở hai bên cửa phía nam của tầng dưới cùng dựng tấm bia Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo Tự do vua Đường Thái tông soạn và bài tựa của vua Đường Cao tông. Phía trên đà ngang của khung cửa tháp bằng đá mầu xanh có khắc hình tượng Phật và Bồ tát rất đẹp và trang nghiêm. Cửa phía tây cũng chạm trổ hình tượng Phật, nét khắc rất tinh xảo, là những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của đời Đường hiện còn. Đây là những văn vật trọng yếu để nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của Trung quốc ở đời Đường.