đại nhân bát niệm

Phật Quang Đại Từ Điển

(大人八念) Tám điều tâm niệm của bậc đại nhân. Kinh Bát niệm trong Trung a hàm quyển 18 chép, ngài A na luật đà ngồi yên lặng trong khu rừng gần bờ sông Chi đề sấu, suy nghĩ rằng: Đạo từ vô dục (không ham muốn) mà được, chẳng phải hữu dục (có ham muốn) mà được, cho đến đạo từ trí tuệ, chẳng phải ngu si mà được. Lúc ấy, đức Thế tôn dùng Tha tâm trí biết được những ý nghĩ trong tâm A na luật đà, nên Ngài mới hiện ra ở trước mặt A na luật đà mà nói về tám điều tâm niệm của bậc đại nhân như sau: 1. Đạo tòng vô dục, phi hữu dục đắc. Cũng gọi Thiểu dục giác, Vô dục giác. Nghĩa là, tỉ khưu tu đạo, đối với tất cả trần cảnh, không nên sinh tâm mong muốn. Tuy mình được vô dục, nhưng không để người khác biết, cho nên đắc đạo. 2. Đạo tòng tri túc, phi vô yếm đắc. Cũng gọi Tri túc giác. Nghĩa là, tỉ khưu tu đạo, mặc cốt để che thân, ăn cần để sống, tất cả nhu cầu đều nên tự biết đủ. 3. Đạo tòng viễn ly, phi tụ hội đắc. Cũng gọi Nhạo tịch tĩnh giác, Ẩn xứ giác, Viễn ly giác. Nghĩa là, tỉ khưu tu đạo, đối với các pháp thế gian và thân tâm đều nên xa lìa. 4. Đạo tòng tinh cần, phi giải đãi đắc. Cũng gọi Bất bì quyện giác, Tinh tiến giác. Nghĩa là, tỉ khưu tu đạo, thường luôn tinh tiến, dứt các điều ác, tu mọi pháp lành, hằng tự khởi tâm chuyên nhất, không bỏ phương tiện. 5. Đạo tòng chính niệm, phi tà niệm đắc. Cũng gọi Chính niệm giác, Chính ức giác, Bất vong niệm giác, Thủ chính niệm giác, Chế tâm giác. Nghĩa là, tỉ khưu tu đạo, quán xét các pháp trong tâm ngoài thân tất thảy đều rỗng lặng, không có tà niệm. 6. Đạo tòng định ý, phi loạn ý đắc. Cũng gọi Định ý giác, Định tâm giác, Chính định giác. Nghĩa là, tỉ khưu tu đạo, nên xa lìa các điều xấu ác, lắng tâm thiền định, không có tán loạn. 7. Đạo tòng trí tuệ, phi ngu si đắc. Cũng gọi Trí tuệ giác, Chính tuệ giác. Nghĩa là, tỉ khưu tu đạo, nên quán xét các pháp thịnh suy ở thế gian để được trí tuệ sáng suốt, diệt trừ hoặc nghiệp, chấm dứt khổ sống chết. 8. Đạo tòng bất hí nhạo, phi hí hành đắc. Cũng gọi Vô hí luận giác, Bất hí luận giác. Nghĩa là, tỉ khưu tu đạo, nên thường tĩnh lặng, xa lìa các trò vui đùa, các cuộc dạo chơi ngắm cảnh, an trú nơi lí vô vi, chính ý tỏ ngộ. Tám điều tâm niệm trên đây với tám điều giác ngộ trong kinh Bát đại nhân giác, về tên gọi tuy hơi khác, nhưng về ý nghĩa thì đại khái gần giống nhau. [X. kinh A na luật bát niệm; Di giáo kinh luận kí Q.trung; Bát đại nhân giác kinh lược giải]. (xt. Bát Đại Nhân Giác).