đại mông sơn thí thực

Phật Quang Đại Từ Điển

(大蒙山施食) Nghi thức cúng thức ăn cho các cô hồn. Mông sơn thuộc huyện Danh sơn, tỉnh Tứ xuyên hiện nay. Vào thời Tống, có thượng sư Bất động, người đời gọi ngài là đại sư Cam lộ, ở núi Mông sơn, thu tập các bộ Du già diệm khẩu và Mật tông biên soạn thành nghi thức cúng tế cô hồn, gọi là Mông sơn thí thực mà đã trở thành khóa tụng hằng ngày trong Phật giáo. Gần đây, đại sư Hưng từ đề xướng Mông sơn thí thực có bổ sung thêm sáu lần khai thị, gọi là Đại mông sơn thí thực. Khi cử hành nghi thức Đại mông sơn thí thực, một pháp đàn được thiết lập ở giữa, trên thờ tượng Phật, hương đèn hoa quả, lư hương, đài nến, một chén gạo trắng, một chén nước trong. Đối diện với pháp đàn, bày một bàn thờ cô hồn, có bài vị của lục đạo quần linh trong mười phương pháp giới; sau khi thắp hương, lấy vải vàng hoặc sợi dây chuyền đến trước pháp đàn để cho các quỉ thần lễ bái, nghe pháp và nhận thức ăn. Nghi thức Đại mông sơn thí thực nên cúng vào các giờ Tuất, Hợi (tức là từ 19 giờ đến 23 giờ), nhưng hiện nay các chùa thường cúng vào buổi chiều.