TRUYỆN CÁC BẬC CAO TĂNG ĐỜI MINH

Sa-môn Thích Như Tinh đời Minh ở chùa Từ Vân, núi Thiên Thai kính soạn.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

CHƯƠNG II: GIẢI NGHĨA

TRONG PHẦN 2 CỦA CHƯƠNG II

(chánh truyện có mười ba vị, phụ có chín vị)

1/. Truyện Sa-môn Thích Dung Chiếu trụ chùa Diên Khánh ở Tùng Giang.

Thích Dung Chiếu, tự là Tuệ Quang, người ở Nam Minh đất Việt. Từ thuở nhỏ Sư đã thọ học ở Hoa Tạng, khắc ý tu tập Thiên Thai giáo Quán tại núi Quốc An ở Thiên Thai và chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu. Sau, Sư theo Pháp Sư Uyên Tẩu Trạm, mà trụ chùa Diên Khánh ở Hoa Đình nỗ lực tinh nghiên giáo thừa, chuyên cần tu tập thiền định, có ý nêu cao ý chí, sớm tối không xem hở, nên học do ý chí mà đạt đến đích, biểu lộ nơi tùng tịch, lên ulàm chức Chúng hữu, trong hơn bốn mươi năm. Tiếng tăm Sư vang vọng đến chốn Kinh đô. Triều đình ban chiếu mừng khen tặng danh hiệu cho Sư.

Mỗi năm, vào ngày mồng một tết, Sư dẫn chúng tu sám Pháp Kim Quang Minh cầu phước cho Quân vương. Ngoài việc nói pháp, Sư còn dốc sức sám hối cùng chúng sanh quét trừ bụi mờ, dẫn nhiếp gốc lành. Về tuổi càng già Sư càng tinhtấn. Sư có ba vị đệ tử đắc pháp là: Cư Giản, Tông Củ và Tông Quyền, đều là những bậc long trượng của Pháp môn.

2/. Truyện Sa-môn Thích Hoằng Tế ở chùa Phổ Phước thuộc Hàng Châu.

Thích Hoằng Tế, tự là Đồng Chu, Sư có biệt hiệu là Thiên Ngạn, họ Diêu, người ở xứ Dư Diêu đất Việt, mồ côi cha mẹ từ thuở bé. Từ chỗ ở, Sư xuất gia với Hòa-thượng Thuấn Điền Mãn chùa Bảo Tích trong lãng. Bấy giờ, chỉ đang độ tuổi búi tóc mà Sư nhanh nhẹn khác thường. Hòa-thượng Mãn trao cho kinh Pháp Hoa, liền thuộc lòng.

Năm mười sáu tuổi, Sư thọ giới làm Đại tăng, thường ngày chuyên trì luật Tứ Phần, trong sinh hoạt hàng ngày Sư chẳng dám trái vượt khuôn phép, thế mà còn than rằng: “Giới luật cố nhiên không thể hoãn đãi, mà tinh nghiên giáo thừa để giúp cho hạnh giải lại có thể đặt ở sau ư?” Từ đó, Sư sang huyện Ngân, nương pháp sư Bán Sơn Toàn tập học giáo nghĩa Thiên Thai. Một thời gian lâu thảy đều thông suốt yếu chỉ, Sư thường tu trì các sám pháp như Pháp hoa, Kim Quang Minh, Tịnh Độ v.v… Một hôm, Sư đang trú trong định, phảng phất thấy Tôn giả Pháp Trí ở Tứ Minh trao cho chiếc sừng tê giác như ý. Từ đó, Sư giảng nói luận bàn ngày một dâng tràn như suối tuôn, sông nước mênh mông không hề nghẽn tắt.

Năm Thái Định thứ nhất (132) đời Nguyên, Sư ra trụ tại Vạn Thọ Viên Giác. Năm sau, bờ biển Diêm Quan bị hủy hoại. Dân chúng sớm tối lo sợ làm nhà của loài cá; ba ba. Thừa Tướng nhà Nguyên là Thoát Hoan rất lo sợ việc ấy, bèn lên khấn cầu Bồ tát Quán Thế Âm ở chùa Thượng Trúc, thỉnh Sư đến tại bờ biển thiết lập đại trai đàn thủy lục. Sư nhập từ Tâm Tam-muội, lấy cát dưới biển tụng trì thần chú Đại bi rồi dẫn chúng rải khắp xứ đó. Hễ dấu chân Sư bước tới đâu thì bờ cõi hoàn phục như cũ. Mọi người tôn xưng Sư là Thần.

Vào niên hiệu Thiên Lịch (1328-1330), Sư dời đến trụ ở hai chùa Tập Khánh và Hiển Từ. Gặp năm khó khăn, Sư lui về ở thất riêng, đến lúc tạm thư thái, mọi người cúng dâng để Sư xây dựng chùa Đại Đức Vạn Thọ, suốt sáu năm mới hoàn thành. Đến niên hiệu Chí Chánh thứ năm (13), viện Tuyên Chính thỉnh Sư làm tự chủ chùa Viên Thông ở Cối Kê. Ngài ở đó được bốn năm, lại trở về chùa Bảo Tích, chuyên tu Niệm Phật Tam-muội.

Đến niên hiệu Chí Chánh năm thứ bảy (137), vua Thuận Đế ban chiếu chỉ cho Sư làm Tự chủ chùa Phổ Tiến ở Hàng Châu. Sư bảo tuổi cao đã ngoài tám mươi nên cố nằm yên không chịu dậy. Các đệ tử như Pháp Hàng, v.v… đến thưa rằng: “Hòa-thượng tự cho là cố thiện, vậy đạo ấy thế nào”. Ngài bất đắc dĩ ngồi dậy, nhận lấy chiếu chỉ mà đến chùa Phổ Tiến, cuối cùng Sư trở về chỗ cũ. Mở lầu Thanh Cảnh để ở đó. Nhân các bản chú giải Kinh Lăng-nghiêm có rộng có lược không giống nhau. Sư muốn chiết trung các thuyết ấy mà làm sớ giải mới. Không bao lâu Sư bị bệnh, liền gọi các đệ tử đến bảo: “Lấy yếu chỉ của Duy Tâm Tịnh Độ, siêng năng cố gắng”. Suốt một thời gian, có người chưa hiểu được ý ấy, Sư bèn khuyên răn rằng: “Sanh tử khó ở! Sanh tử khó ở!” Rồi bèn viết kệ phó chúc mà thị tịch. Lúc đó là ngày mồng mười tháng ba niên hiệu Chí Chánh thứ mười sáu (136), thọ tám mươi sáu tuổi, bảy mươi tám hạ lạp.

Nhục thân Sư để lại bảy ngày mà sắc mặt vẫn như còn sống. Đại chúng dùng kim quan bằng sành an táng tại gò Tùng Hoa ở núi Nga My, đó cũng chính là nơi Sư đã chọn lựa. Sư có năm vị đệ tử nối pháp, đó là: Đạo Trăn chùa Thượng Trúc, Tịnh Sâm chùa Ung Hy, Doãn Trung chùa Phổ Quang, Hữu Truyền chùa Viên Thông và Minh Tĩnh chùa Thiên Cung. Sư có soạn cácsách, như: “Tứ giáo nghi kỷ”, “Chánh Thiên Ngạn ngoại tập”. Mỗi bộ đều mấy quyển, được truyền bá ở đời.

Liên quan thử bàn:

Ngài Hoằng Tế có ba việc lớn vượt hơn mọi người:

1/ các thứ sách sử nội ngoại giáo điển đã qua mắt Sư thì trọn đời chẳng quên.

2/ có Sa-môn Bát-Nhã Thất-Lợi ở Cao Xương, học thông cả Hoa văn lẫn Phạn văn, ở đời không ai địch lại, thỉnh Sư dùng tiếng Cao Xương để dịch bộ Tiểu Chỉ Quán, Sư vừa xem qua, văn thể đã phát sáng. Ngài Thất-lợi cũng phải chịu thua.

3/ lúc bình sanh, Sư lấy việc lưu thông giáo pháp là việc chính của mình. Giảng kinh Pháp Hoa đến 110 hội, cảm trời mưa hoa báu rực rỡ đến đôi ba lần.

Gọi Sư là người chỉ có một, thật chẳng thẹn ở đời. Sư có đủ ba điều đó có thể gọi là hoa Ưu-đàm ở đời.

3/. Truyện Sa-môn Thích Bổn Vô trụ chùa Diên Khánh ở Tứ Minh.

Thích Bổn Vô, hiệu là Ngã Am, Sư người xứ Hoàng Nham thuộc Đài Châu. Thuở nhỏ Sư theo Thiền Sư Phương Sơn Bảo, cắt tóc xuất gia rồi tấn đàn thọ giới cụ túc tại chùa Thụy Nham. Tiếp đến, Sư nương theo Thiền sư Tịch Chiếu ở chùa Trung Thiên Trúc, lo việc giấy bút viết lách, Ngài Tịch Chiếu thường chỉ dạy sâu, Sư cũng có chỗ tỉnh. Sau, nhân có người cậu vốn tu tập theo giáo nghĩa Thiên Thai, bèn dẫn Sư sang đó, Sư ở chùa Diễn Phước chỗ của Ngài Trạm Đường Tánh Trừng, tinh cần nghiên tầm giáo bộ. Ngài Tịch Chiếu mến tiếc Sư ra đi, bèn viết kệ gởi sang nói rằng:

“Từ giáo vào thiền xưa nay có
Từ thiền theo giáo hiếm xưa nay.
Nhất Tâm Tam Quán tuy khác cửa
Nước tràn sông bể, trăng cô đơn”.

Sau, Sư nối pháp ngài Tánh Trừng, bèn đốt một cây hương tỏ lòng báo đáp ân sâu của ngài Tịch Chiếu. Bởi không do dấu vết khác mà sanh hai tâm!

Lúc ngài Tịch Chiếu sắp viên tịch thì Sư vừa mới ra làm Tự chủ chùa Diên Khánh. Ngài Tịch Chiếu để lại chúc thư khuyên Sư gắng sứcmở mang hai Tông Đại Tô và Thiếu Lâm, ngoài ra không nói gì khác, Sư nhân đến tiến cúng ngài Tịch Chiếu bèn niêm hương rằng:

“Diệu Hỷ năm đời sáng rực rỡ
Tịch chiếu một đời môn cao lộ
Bình thường chạm lấy vỡ tim mật
Băng tuyết bỗng thành hơi ấm xuân.
Con nghĩ ngày đánh mất lỗ mũi
Cớ sao hơi thở nay vẫn còn.
Trời gió bắc thổi nhiều năm muộn
Chớp sét đánh vết giữa hư không!”

Về già, Ngài dời đến ở chùa Thiên Trúc thượng rất lâu. Một hôm, không bệnh, Sư an nhiên ngồi thẳng thị tịch tại Bạch Vân Đường. Triều đình ban tặng thụy hiệu là “Phật Hộ Tuyên Giác Hiến Từ Khuông Đạo Đại Sư”.

4/. Truyện Sa-môn Thích Hạnh Khả trụ chùa Phật Lũng Tu Thiền ở núi Thiên Thai.

Thích Hạnh Khả, hiệu là Nghi Hành, Ngài thông hiểu Tông Thiên Thai, tinh tu chỉ Quán, thực hành xác thật ngộ lý viên dung. Một đêm, nhân nghe tiếng mưa rơi, Sư bày tỏ tâm tư qua bài kệ rằng:

“Trước hiên từng giọt khá rõ ràng
Chốn mê chúng sanh thành tiếng
Bao năm ta rong ruổi theo vật
Đêm xuân một gối mộng khó thành”.

Không biết về sau Sư thị tịch ở đâu.

5/. Truyện Sa-môn Thích Văn Tài trụ chùa Hữu Quốc ở núi Ngũ Đài.

Thích Văn Tài, hiệu Trọng Hoa, họ Dương, người ở xứ thanh Thủy. Tổ tiên Sư là người Hoằng Nông, nhiều đời làm quan ở Lũng Để. Cha của Sư là Tỉnh Nghĩa, làm chủ sổ bộ ở Thanh Thủy, bèn dời gia nghiệp đến đó.

Ngài từ thuở thiếu thời đã mồ côi cha. Sư phụng thờ mẹ rất mực

chí hiếu. Tánh tình Sư thông minh nhanh nhẹn, trí tuệ tỏ ngộ, sanh ra đã hiểu biết. Nhưng đối với các thứ sử sách phần điển xưa nay không thứ gì Sư chẳng tinh cần nghiên cứu. Sư rất thông thạo về học lý, ưa thích như người xưa làm lành, ngâm vịnh, nhưng bẩm chất thuần phát như không biết gì. Sư đối với khách thảo luận như sông Hán chẳng khuyết ven bờ. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư du phương tìm học khắp các trường giảng, thấu đạt được nghĩa sâu kín của Tông Hiền Thủ. Sư thường bảo: “Học, quý ở chỗ thông Tông, nói phải hiểu, bởi ý nghịch với chí thì được, và nói năng văn tự như bã rượu đâu có thể khai mở mắt tuệ của người ?”

Ban đầu, Sư ẩn cư tại Thành Kỷ, cất thất bên cạnh cây thông, như muốn trọn đời ở đó. Nên người đời gọi Sư là “Hòa-thượng Tùng Đường”. Vua Thế Tổ (1260-1280) đời Nguyên đặc biệt ban sắc cho Sư làm tự chủ chùa Bạch Mã ở Lạc Dương, các hàng học giả tìm đến như nước dâng biển nhóm, tiếng tăm Sư ngày một vang xa. Vua Thành Tông (1280-1312), xây dựng chùa Vạn Thánh ở núi Ngũ Đài, ban chiếu thỉnh Sư làm Tổ Khai sơn trú trì đời thứ nhất. Bấy giờ, Đế Sư Ca-la-tư-ba tiến cử Sư, nên vua Thành Tông liền đúc ấn vàng ghi chữ “Chân Giác Quốc Sư Tổng Thích Nguyên Tông kiêm Hữu Quốc Trụ Trì sự”, ngài Ca-latư-ba mang chiếu chỉ đến Sư, Sư từ chối, bảo: “Kẻ sơn tăng tôi đội ân nước nhà ở tại chùa Bạch Mã đã là quá lắm. Đức hạnh đâu có mà dám ra làm Tự chủ chùa Hữu Quốc. Vượt quá thân phần mà ở là điều không tốt, chẳng xét kỹ mà làm tức là bất minh. Tôi bị hai điều này phiền nhiễu nên xin từ chối”. Ngài Ca-la-tư-ba bảo: “Đây là do Thánh thượng bảo ban, Thánh thượng đối với chùa ấy tâm ý cũng chuyên cần thẳng đến, nếu Ngài không chấp thuận thì ai có thể đương đầu? Đây thuộc về việc giáo môn, Ngài nên khéo vì đó!” Lúc ấy, Sư bất đắc dĩ phải bằng lòng. Vì vâng theo mệnh lệnh nên Sư mở mang giáo nghĩa của Thanh Lương, tuy đến tuổi già nhưng Sư không hề trễ nãi.

Đến niên hiệu Đại Đức thứ 06 (1302) đời Nguyên, nhằm ngày rằm tháng chín năm Nhâm Dần, Sư thị hiện bị bịnh nhẹ. Sư giảng pháp rồi từ biệt đại chúng, an nhiên ngồi thẳng thị tịch, thọ sáu mươi hai tuổi. Sau khi trà-tỳ có khoảng mấy trăm viên xá-lợi, tháp thờ được xây dựng ở sườn núi của Đông Đài.

Đệ tử nối pháp của Sư là có ngài Hoằng giáo chùa Phổ Ninh và Huyễn Đường chùa Phổ Am.

6/. Truyện Sa-môn Thích Anh Biện chùa Cảnh Phước ở Tần Châu.

Thích Anh Biện, hiệu là Phổ Giác, họ Triệu, vừa đến tuổi rũ tóc trái đào, Sư đã xuất gia làm Sa-Di Khu Ô, năm hai mươi tuổi, Sư thọ giới cụ túc. Năm hai mươi lăm tuổi được bảo đến học với Pháp sư Bách Lâm Đàm. Chưa đầy ba năm, Sư ra trú chùa Cảnh Phước ở Tần Châu. Ngài mở mang giáo pháp, tiếng tăm vang khắp bốn phương, dẹp phá Dị kiến, dựng cờ chánh pháp. Tánh Sư vốn chân thuần như Ngọc chưa giũa mài, chẳng cần phải trau chuốt, được mọi người đều mến quý. Còn như hạng người hung tợn vũ phu cũng kính trọng cho rằng Sư là Phật ở đời không có Phật. Mỗi lúc có được sự cúng thí các vật đều đem về chùa viện cùng chúng tăng sử dụng hoặc bố thí cho kẻ thiếu thốn. Vua Thế Tổ (1260-1280) đời Nguyên nghe ngài có đạo hạnh cao quý, bèn ban chiếu chỉ biểu dương khác thường.

Tháng sáu, năm canh tuất, nhằm niên hiệu Diên Hựu thứ nhất (131) đời vua Nhân Tông, Sư không bệnh hoạn gì mà từ biệt Đại chúng, ngồi thẳng thị tịch. Có ánh sáng rực rơ, cảnh vật khác lạ trong đêm Sư sắp tịch, nêu bày vết tích sau khi lửa tàn thừa, tháp thờ Sư được xây ở sau lưng chùa Phổ Giác, thọ sáu mươi tám tuổi, sáu mươi mốt hạ lạp.

7/. Truyện Sa-môn Thích Đức Khiêm trụ chùa Sùng Ân ở Kinh Đô.

Thích Đức Khiêm, hiệu là Phước Nguyên, họ Dương, người ở xứ Định Bình thuộc Minh Châu. Từ thuở nhỏ, Sư đã cần mãn siêng năng, hơi lớn lên Sư chu du khắp đất Tần, đến các xứ sông Lạc, sông Biện, sông Nhữ, vượt sang Hà Bắc tới các nước Tề, Ngụy, Yên, Triệu, thăm dò học hỏi với các bậc tiên đức cao nhân.

Ban đầu, Sư thọ học Bát-Nhã với ngài Ninh Công ở Bân Châu, tu tập Thụy Ứng với ngài Trung Công ở Nguyên Châu, thọ pháp u tán với ngài Tiên Công ở Hảo Chỉ, Học Viên Giác với ngài Nhất Công ở Càn Lăng, tham cứu các luận Duy thức, Câu-xá v.v… với ngài Húc Công ở Thiểm Châu, nghe Kinh Lăng-nghiêm, luật Tứ Phần với ngài Văn Công ở Dương Hạ. Tất cả sáu bộ kinh, bốn bộ luận, 1 bộ luật, ngôn từ sâu rộng, yếu chỉ sâu mầu, chứa nhóm cả Tam tạng. Các Ngài đều do thông pháp rành nghĩa, tiếng tăm vang xa, Sư đều gần gủi để hun đúc và đều thấu đạt đạo lý. Sau, Sư đến Kinh đô, thọ học kinh Hoa Nghiêm với ngài Đại Tư Đồ Vạn An Đàn Chủ. Trước tiên, Sư được chiếu chỉ ban trụ chùa Vạn Ninh, rồi đổi sang chùa Sùng Ân, trước sau cả thảy là 10 năm. Đạo Phong, Đức hạnh của Sư vang vọng tới trong cung, tiếng tăm phảng phất lan tràn đến nước ngoài. Nhưng Sư chưa từng vì sủng ái hay vinh hạnh hiển trước mà thay đổi chí khí. Sư từng nói: “Kẻ sĩ mặc áo nạp, chống lại sự phô bày ở đời, nếu không thẹn với lời nói “sáng nghe đạo tối chết cũng yên thì còn gì mến mộ ư?” Sư tự cho rằng trở lại ở chùa lớn lâu ngày ân nghĩa vinh hoa càng gấp bội, nên chỉ điềm nhiên thối lui làm người cao thượng, bèn nhường tòa tịch cho đệ tử. Tự một mình ẩn tu nơi chỗ vắng vẻ, ở trong một thất để sáng tỏ điều cần sáng tỏ, vui với điều đáng vui, Sư là người ở đời mà để lại cho đời.

Ngày hai mươi sáu tháng một năm Diên Hựu thứ bốn (1317) đời Nguyên, Sư thị tịch. Vua Nhân Tông ban cấp năm mươi xâu tiền đến viếng lễ tang, ban sắc quan Hữu ty lo đầy đủ nghi vệ, cờ phướn âm nhạc, đưa tiễn trà-tỳ. Có được mấy mươi viên xá-lợi, xây tháp thờ ở góc phía nam thành, Sư thọ năm mươi mốt tuổi, bốn mươi ba hạ lạp.

8/. Truyện Sa-môn Thích Đạt-ích-ba trụ chùa Khánh Thọ ở Kinh Đô.

Thích Đạt-ích-ba, không biết Sư là người nước nào. Thuở thiếu thời Sư xuất gia làm Tỳ-kheo, thờ Đế Sư (có lẽ là Ngài Ca la tư ba). Năm mưới ba tuổi, Sư theo hầu nghe học ngôn luận, đúc nắn xông ướp lâu dần chứa thành mỹ khí. Phàm các bộ luật luận Đại tiểu thừa và Bí mật bộ, Sư đều thấu đạt chỗ quy kết nghĩa lý.

Lúc ngài Đế Sư trở về Tây Vực, Sư đưa đến Lâm Thao, ngài Đế Sư bảo Sư nương tựa Đại Sĩ Xước-tư-Cát. Năm mưới chín tuổi, Sư nghe nhận những pháp vị chưa được nghe, đạo hạnh càng tinh túy. Dân chúng đất Tần thỉnh Sư trú tại chùa Cổ Phật. Đối với sáu pháp Ba-la-mật, không pháp nào Sư chẳng tu và thông hiểu cả giáo nghĩa Tông Hiền Thủ. Từ đó, tiếng tăm Sư vang khắp bốn phương, đạo hạnh Sư trãi suốt ba triều vua.

Trong thời nhà Nguyên, vua Vũ Tông (1308-1312), lúc mới lên ngôi, thỉnh Sư để thưa hỏi pháp yếu, sắc chỉ ban tặng tuy nồng hậu nhưng Sư khước từ chẳng nhận. Sau đó không lâu, Sư xin trở về chỗ ở cũ. Sư định ẩn tu trọn đời, không bao lâu lại có chiếu chỉ mời Sư trở lại kinh đô để tuyên dương giáo pháp, đích thân nhà vua đến đạo tràng nghe pháp, vua đặc biệt ban tặng Sư hiệu là “Hoằng Pháp Phổ Tế Tam Tạng”. Sai đúc ấn vàng và tặng y sắc tía để nói lên sự khác biệt. Nhà vua ban lệnh các hàng vương công đại thần đều tham học “Quyết tâm yếu”.

Đến niên hiệu Diên Hiệu thứ năm (1328) đời vua Nhân Tông, ngày mười sáu tháng tám, Sư không bệnh, an nhiên ngồi thẳng mà thị tịch, thọ bảy mươi ba tuổi. Vua Nhân Tông ban lệnh cho hai cung ban tiền để hỗ trợ tang lễ. Các Hoàng Thái tử, quan Tể phụ đến tiến cúng. Ban lệnh quan hữu ty vệ đón rước nhục thân Sư đi an táng, xây tháp để cúng dường. Vua tặng thụy hiệu là “Hựu Thánh Quốc Sư”.

9/- Truyện Sa-môn Thích Diệu Văn chùa Bảo Tập ở Kinh Đô.

Thích Diệu Văn, họ Tôn, người ở xứ Úy Châu. Năm chín tuổi, Sư xuất gia, năm mười tám tuổi, Sư thọ giới cụ túc. Thế rồi, Sư du học các xứ Vân, Sóc, Yên, Triệu. Năm hai mươi mốt tuổi, Sư đến chốn kinh đô, nương tựa Hoà-thượng Đại Đức Minh, tham học giáo nghĩa Viên Đốn. Ngài ở ẩn trong chúng suốt mười một năm, tăng chúng thỉnh Sư ra mở mang Phật pháp. Lần đầu tiên Sư mặc y đỏ lên tòa sư tử, Ngài giảng nói vô ngại biện, như núi lở sông tràn, đến lúc nhàn cư, Sư xem xét ngôn từ chẳng nói bừa, trong đó chứa nhóm sự nuôi nấng, Sư không muốn nhanh, chẳng vội tiến v.v… đại loại như thế.

Năm bốn mươi tám tuổi, Sư trú chùa Vân Tuyền ở đất Kế, siêng năng kiểm thúc tiết dụng. Người già mến đức hạnh của Sư, bọn trẻ nghiêm sợ sự giáo hóa của Sư, nên đại chúng hòa mục mà chùa bình yên. Trong kho còn thóc gạo thừa, Sư đem giúp đỡ người thiếu thốn. Dân chúng ở đất Kế khen ngợi đức hạnh Sư. Vua Thế Tổ (1260-1280) đời Nguyên mời Sư đến, vừa trông thấy, nhà vua liền nói với quan cận thần rằng: “Ngài là bậc Sa-môn phước đức”. Bèn ban chiếu thỉnh Sư đến ở chùa Bảo Tích. Từ đó, giáo thừa pháp tịch càng thạnh, Tánh tướng đều sử dụng, tăng tục đều độ khắp.

Thời bấy giờ, khắp nơi trong nước, các trường giảng lăng xăng dính mắc, chấp chặt danh tướng, ngưng trệ ở khác đường. Riêng mình Sư mở mang Phương Đẳng, Chấn Phát Viên Tông, khiến những người ôm gốc được dung thông sự biểu hiện của tịch mặc. Các bậc Long Trượng giẫm đạp, tranh nhau cỡi xe nhất thừa. Tuổi ngoài tám mươi, Ngài càng chuyên tu “Niệm Phật Tam-muội”.

Đến niên hiệu Diên Hựu thứ sáu (1319) đời Nguyên, Sư dự biết thời gian ra đi đã đến, bèn dặn dò các đệ tử, rồi lớn tiếng xưng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, xoay mặt về phương Tây ngồi kiết già, tay kết ấn Tam-muội, an nhiên thị tịch. Tháp thờ Sư được xây dựng ở ngoài cửa Bình Tắc.

10/- truyện Sa-môn Thích Liễu Tánh trụ chùa Phổ Ninh ở núi Ngũ Đài.

Sư húy là Liễu Tánh, hiệu là Đại Lâm, họ Vũ. Sau Tống Vũ Công lấy thụy hiệu làm họ. Thuở nhỏ Sư ham học, có bẩm chất thông minh.

Đầu tiên, Sư nương tựa hòa-thượng An cạo tóc xuất gia, đăng đàn thọ giới cụ túc. Sư tham học khắp các pháp tịch, siêng năng nghiên cứu Tam Tạng. Sau gặp được Quốc sư Chân Giác khai mở quyết tâm. Thế rồi, Sư chu du vượt ải, đến khắp các xứ Thiểm, Hà, Lạc, Tương, Hán. Dò hỏi các bậc kỳ đức mà cầu học. Như các vị: Bách Lâm Đàm, Quan Phụ Hoài, Nam Dương Từ, đều do học giáo nghĩa Tông Hiền Thủ mà nổi tiếng một thời. Sư đều đến pháp tòa của các vị ấy mà lãnh thọ Huyền chỉ. Đến lúc Sư trở về tham hầu Ngài Chân Giác ở Lũng Để, Ngài Chân Giác bảo: “Quan thự của Phật pháp là đây”. Sư theo Ngài Chân Giác đến núi Ngũ Đài, không bao lâu, Ngài Chân Giác viên tịch,

Sư bèn vân du đến phương bắc, tới các xứ Yên, Kế, ẩn tích dưới cửa Ngụy, ưu du trên sông biển, đối với mọi chuyện trong thế tục như muốn quên bặt.

Vua Thành Tông (1291-1391), thỉnh Sư đến trụ chùa Vạn Ninh, tiếng tăm Sư càng vang vọng khắp trong ngoài. Vào niên hiệu Chí Đại (1308-1312), Thái hậu xây chùa ở núi Ngũ Đài đặt hiệu là chùa Phổ Ninh, thỉnh Sư đến làm trụ trì đời thứ nhất. Sư là người rất tự tin khí tiết của mình, không thể luồn cúi để lấy lòng người, nên dấu chân chưa bao giờ dẫm đến chốn Thành hoàng, chẳng bái yết kẻ quyền quý. Có người ganh ghét Sư , Sư nghe được và thường bảo rằng: “Tôi vốn chỉ là một vị Tỳ-kheo, đội ân Thiên Tử bảo ban ở nơi chùa lớn, nhưng đêm trước hoằng pháp chẳng trễ nải, báo đáp ân đức nước nhà nhưng chẳng rảnh rỗi, đâu còn mong cầu gì? Tuy có lời nói tang thương hủy cách, ấy như ruồi xanh đậu quanh viền gai! Đoái mong tôi bảo chẳng gặp đạo, chẳng thực hành thì nhận lấy mà đi, và đi đâu mà không được!”

Bấy giờ là đời Nguyên, do tôn sùng sủng ái một vị tăng người Tây Vực, Đồ chúng Vị đó rất đông, vào ra giá cỡi theo hầu tợ như Vương Công, hoặc thêm đầu đội mũ cao, lông đỏ rực rỡ, cao ngạo xấc láo, các bậc danh đức; chư sư trong nước không ai thèm kính lễ, hoặc là vén y nâng gót. Vị đó là xem xoa đầu, cho như thế là nhiếp thọ. Sư chỉ vái mà thôi, rồi ngoái lại bảo với chúng rằng: “Tôi dám khinh mạn đối với người ư! Tôi có nghe nói bậc quân tử lấy lễ mà mến thương người, sao lại có thể khuất phục khí tiết, tự chuốc lấy sự thấp hèn nhục nhã. Nếu vì người ấy mà khuất phục, đó như không phải a dua thì cũng là nịnh hót. Tôi tự làm đạo, đối với người ấy đâu mong cầu gì. Hàng thức giả cao thượng là ở ý nghĩa ấy”.

Đến năm thay đổi niên hiệu Chí Trị (1321), ngày mồng ba tháng chín, Sư thị tịch. Tháp thờ được xây ở gò đất đen chùa Trúc Lâm, thụy hiệu là “Hoằng giáo”.

11/- Truyện Sa-môn Thích Bảo Nghiêm trụ chùa Phổ An ở Ngọc Sơn.

Thích Bảo Nghiêm, tự là Sĩ Oai, hiệu là Huyển Đường, Sư họ Khương, người ở xứ Thành Kỷ. Vì gặp tang loạn, Sư cùng người em đồng xuất gia làm tăng. Sau, Sư đến tham học với ngài Chân Giác và được truyền thọ yếu chỉ của Tông Hiền Thủ, và Sư được nối pháp.

Ngài là người thuần phát không luống dối, vuông vắn như đất, lắng trong tợ nước đứng. Gặp được ba tòa đạo tràng của ngài Chân Giác, Sư cùng người em đều theo mà phụ giúp. Đến lúc ngài Chân Giác viên tịch, Sư bèn kế thừa pháp tịch đó. Sư lại vâng chiếu đến trụ hai chùa Phổ An và Hữu Quốc rất lâu, Sư và ngài Đại Lâm, Liễu Tánh mở mang giáo nghĩa Thanh Lương khắp trong ngoài.

Đến tháng bảy năm Chí Trị thứ hai (1322) đời Nguyên, Sư thị tịch, thọ năm mươi mốt tuổi. Tháp thờ Sư được xây ở cửa khẩu Phong Cốc.

12/- Truyện Sa-môn Thích Chí Đức trụ chùa Thiên Hy ở Kim Lăng.

Thích Chí Đức, hiệu là Vân Nham, họ Lưu, ở Đông Xương tỉnh Sơn Đông. Năm mười hai tuổi, Sư thọ học kinh với hoà-thượng Hải Văn ở chùa Khai Nguyên tại Thuận Đức. Nghe Pháp sư Chân Định Pháp Chiếu Hy mở mang tông chỉ Tông Từ Ân ( Pháp Tướng Duy Thức) ở chùa Long Hưng, Sư bèn đến đó theo học mà thành đạt thấu triệt nghĩa lý sâu mầu.

Niên hiệu Chí Nguyên thứ hai mươi lăm (1288) đời Nguyên, vua Thế Tổ ban chiếu cho Sư đến các xứ Giang, Hoài v.v… kiến lập giảng tịch gần ba mươi sáu nơi. Những người chuyên cầu chánh hạnh tu hành theo Tông Từ Ân thỉnh Sư làm chủ giảng. Sư được tuyển chọn, vua Thế Tổ mời vào diện kiến, ban tặng yến tiệc và y sắc tía, ban làm tự chủ hai chùa Thiên Hy và Tinh Trung. Thường ngày, Sư giảng các kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Kim Quang, Minh, Luận Duy Thức v.v… và sớ giải, suốt ba mươi mốt năm. Nhà vua đặc biệt ban tặng Sư hiệu là “Phật Quang Đại Sư”. Mỗi lúc Sư trao truyền giới pháp cho bảy chúng, đều dạy bảo cha mẹ anh em họ cùng chỉ dạy cho nhau không phạm. Đến lúc đốt hương đốt đều, đốt ngón tay chỉ vì thệ nguyện sống lâu trọn đời, Sư đều đem hết y bát đổi bán để xây dựng mới điệu vũ lâu các. Hoặc gặp năm đói kém Sư bèn nấu cháo nhừ cứu giúp đến vài muôn người. Các hàng lưu tục ở Kiến Khương ưa chuộng lao lễ ( rượu chè thù tạc), ham thích kết giao với quan lại. Riêng mình Sư lấy giới luật làm khuôn phép, đồ chúng cẩn trọng trang sức thì phải bỏ. Nếu những ai cùng nhau sử dụng vật của thường trụ, lầm một, phạt gấp trăm lần, nếu kẻ cố phạm thì đuổi đi. Sư trú tại chùa Thiên Hy hơn ba mươi năm chỉ một áo nạp và một đôi giày, trọn đời chẳng đổi, thường ngày quá ngọ thì chẳng ăn, đêm thì ngồi thẳng đến sáng, vì tụng niệm quá đỗi nên Sư bị mù. Một hôm, bỗng mộng thấy một vị phạm tăng mời đến trong tòa cao ở nội điện, giữa hư không hoa rải như mưa. Nhân đó Sư thị hiện bị bệnh nhẹ, đến ngày mồng bảy tháng hai niên hiệu Chí Trị thứ hai (1322), Sư vẫn còn tụng kinh chẳng thôi nghỉ. Trong khoảnh khắc từ biệt tăng chúng rồi ngồi mà thị tịch, thọ tám mươi tám tuổi.

Nhục thân Sư lưu lại trong khám hai mươi mốt ngày, sắc mặt vẫn hồng hào tươi nhuận như còn sống. Sau khi trà-tỳ, thâu nhặt được vô số xá-lợi. Có vài muôn người đến kính viếng chiêm ngưỡng. Tháp thờ Sư được xây tại núi Trương Gia thuộc Giang Ninh, học sĩ Triệu Mạnh Phủ soạn văn bia.

13/- Truyện Sa-môn Thích Phổ Hỷ trụ chùa Phổ Chiếu ở Trấn Giang.

Thích Phổ Hỷ, hiệu là Cát Tường, người ở xứ Sơn Đông. Sư thân cao lớn mặt đen gầy nhưng lại giống Phạm Tăng. Thuở nhỏ Sư khẩn thiết xin cha mẹ cho xuất gia, nhưng cha mẹ Sư trách, cho rằng không con cháu nối dõi là tội rất lớn. Nhân đó Sư cưới vợ và sanh được hai người con. Thế rồi mới được xuất gia làm Sa-môn. Sư tinh cần nghiên cứu tông Từ An, tìm học các luận Duy Thức, Du-già-sư-địa, Nhân Minh, v.v…

Niên hiệu Chí Nguyên thứ hai mươi lăm (1288) đời Nguyên, Tiết Thiền Hoàng đế thiết lập giảng tòa ở các xứ Giang, Hoài v.v… Sư đứng ở hàng thứ nhất, nhà vua ban chiếu thỉnh Sư làm chủ giảng. Ngoài nhữnglúc lên tòa thuyết giảng, hằng ngày Sư tụng kinh Hoa Nghiêm suốt mười quyển một thời. Ngài kết bạn thân với ngài Vân Nam Đoan, Vô Niệm. Ngài Vân Nam Đoan là bậc tài giỏi tinh thông Duy Thức, trong nước không ai vượt hơn. Mỗi lúc cùng Sư biện luận lý thú, hoặc có thiếu mất chút ít thì Sư dùng chánh ngôn chỉnh cứu đó. Ngài Vân Nam Đoan cũng thật tình kính phục mà ngợi khen.

Đến lúc Sư thị tịch, trà-tỳ xong có rất nhiều xá-lợi. Đệ tử Sư lưu giữ linh cốt, cất giữ hơn hai mươi năm mới xây tháp thờ ở Vu Sơn thuộc Đôn Đồ. Đến lúc nhập tháp, mở ra xem chỉ thấy xá-lợi thấm dính khăn bộc chiếc hộp, như ong hợp kiến tụ, chạm vào thì sáng ngời lấp lánh.

Dân chúng ở xứ Trấn Giang đắp họa rất nhiều tôn tượng Sư tùy nơi mà thờ cúng, tôn xưng Sư là “Cát Tường Phật”.

TRUYỆN CÁC BẬC CAO TĂNG ĐỜI MINH

(QUYỂN 2 HẾT)

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8