đại hữu

Phật Quang Đại Từ Điển

(大有) Phạm: sāmānya-padārtha. Cũng gọi Tổng tướng đế, Tổng đế, Đại hữu tính, Đồng cú nghĩa, Hữu cú nghĩa. Dịch âm: Tam ma nhã. Nghĩa thứ 4 trong Lục cú nghĩa, Thập cú nghĩa do học phái Thắng luận lập ra. Tức là các pháp đều có tính tồn tại chung, tương đương với danh từ Cộng tướng trong ngữ vựng hiện đại. Luận Thắng tông thập cú nghĩa (Đại 54, 1263 hạ), nói: Thế nào là có tính? Nghĩa là tất cả cú nghĩa Thực, Đức, Nghiệp hòa hợp, tất cả căn sở thủ, đối với Thực, Đức, Nghiệp đều có cái nhân trí tuệ để hiểu rõ, đó là có tính. Tính tồn tại của các pháp được thành lập là vì chúng có thực thể (Thực), tướng trạng (Đức) và tác dụng (Nghiệp). Tính tồn tại này chẳng phải do được tạo ra mà là tự nhiên thường trụ, không có động tác, không thể phân chia. Đây là chủ trương của học phái Thắng luận, tức là Thực tại luận theo quan điểm tướng chung. Nhưng, đứng trên lập trường của Phật giáo mà nhận xét, thì Phật giáo không thừa nhận thực thể tính của các pháp có tướng chung, mà chỉ có tên chung. Chẳng hạn như khái niệm trâu, theo chủ trương của học phái Thắng luận, đứng về phương diện thực thể, tướng trạng, tác dụng mà nói, thì những con trâu đều có đặc chất tồn tại chung, chỉ khác nhau về mặt cá thể mà thôi. Nhưng Phật giáo thì cho rằng, trâu được gọi là trâu không phải vì trâu có bản chất chung, mà chỉ vì trâu khác với các động vật chẳng phải là trâu nên được gọi là trâu, như vậy, trâu chỉ có tên chung chứ không có tướng (bản chất) chung. Bởi vì, lập trường cơ bản của Phật giáo là không thừa nhận các pháp có bản chất thường hằng bất biến, cho nên danh từ tướng chung (cộng tướng = bản chất chung), trên thực tế, không có ý nghĩa nội dung. Lại nữa, trong các kinh luận Phật giáo, mỗi khi bàn đến cú nghĩa Đại hữu trong sáu cú nghĩa của học phái Thắng luận, thì gọi là Đại hữu kinh. Như kinh Nhân vương bát nhã ba la mật quyển thượng (Đại 8, 826 hạ), nói: Tất cả chúng sinh phiền não không ra khỏi ba cõi, pháp thân ứng hóa của chư Phật cũng không ra khỏi ba cõi, ngoài ba cõi không có chúng sinh. (…) Ngoài ba cõi còn có một cõi chúng sinh nữa là do ngoại đạo nói trong kinh Đại hữu chứ không phải thuyết của bảy đức Phật. Căn cứ vào đó mà biết Đại hữu kinh không phải là tên của một bộ kinh nhưng là cú nghĩa Đại hữu trong bảy cú nghĩa. Học phái Thắng luận chủ trương thực chất của các pháp có tướng chung, cho nên bị Phật giáo bài bác mà cho là ngoại đạo. [X. luận Ngoại đạo tiểu thừa niết bàn; Nhân vương kinh sớ Q.trung phần 1 (Lương bí); Ấn độ lục phái triết học (Lí thế kiệt); Ấn độ triết học cương yếu (Lí chí phu)]. (xt. Thập Cú Nghĩa, Lục Cú Nghĩa).