đại huệ phái

Phật Quang Đại Từ Điển

(大慧派) Một chi nhánh của phái Dương kì thuộc tông Lâm tế của Thiền tông Trung quốc, tổ khai sáng là ngài Đại tuệ Tông cảo (1089 – 1163). Sau khi được pháp nơi thiền sư Viên ngộ Khắc cần đời thứ 3 của phái Dương kì, ngài Tông cảo đến ở núi Vân cư tỉnh Giang tây giáo hóa. Đến năm Thiệu hưng thứ 7 (1137) ngài vào trụ trì chùa Năng nhân ở Kính sơn, có hơn nghìn người đến theo học. Ngài soạn tác phẩm Chính pháp nhãn tạng 6 quyển, hết sức đề cao Khán thoại thiền, từ đó trở thành dòng pháp riêng gọi là Đại tuệ phái. Các đệ tử nối pháp có hơn 90 người như: Chuyết am Đức quang, Vạn am Đạo nhan, Lại an Đỉnh vân v.v… Trong đó, pháp hệ của ngài Chuyết am phồn hưng nhất, môn hạ có các sư Diệu huyền Chi thiện, Bắc giản Cư giản, Triết ông Như diễm v.v… Tổ khai sáng của tông Đạt ma Nhật bản là Đại nhật Năng nhẫn cũng được sự ấn khả của ngài Chuyết am rồi về nước hoằng hóa. Khoảng năm Đại đức đời Nguyên, vua Thành tông qui y sư Nguyên tẩu Hạnh đoan (hàng cháu của ngài Diệu huyền Chi thiện). Sư Hạnh đoan trụ ở Kính sơn xiển dương tông phong của ngài Đại tuệ, môn hạ rất nhiều người ưu tú, trong đó có sư Sở thạch Phạm kì chủ trương Giáo thiền nhất như, được vua Văn tông ban hiệu Phật nhật tuệ biện thiền sư. Đệ tử của ngài Bắc giản Cư giản có Vật sơ Đại quan, Hối cơ Nguyên hi, Tiếu ẩn Đại hân v.v… Sư Thiên hựu Tư thuận người Nhật bản cũng truyền pháp của ngài Bắc giản Cư giản. Những tác phẩm lớn do các sư thuộc phái này biên soạn gồm có: Phật tổ lịch đại thông tải (Niệm thường), Thích thị kê cổ lược (Giác ngạn), Ngũ đăng hội nguyên (Phổ tế) v.v… [X. Phật tổ lịch đại thông tải Q.30; Ngũ đăng hội nguyên Q.19; Thiền tông chính mạch Q.19; Tục truyền đăng lục Q.27].