đại hắc thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(大黑天) Đại hắc. Phạm: Mahàkàla, dịch âm: Ma ha ca la, Mạc ha ca la, Mạ hấp cát lạp. Cũng gọi Đại hắc thần, Đại hắc thiên thần, Ma ha ca la thiên. Là vị thần thủ hộ của Phật giáo, có tính cách như: Thần chiến đấu, thần tài phúc (thần nhà bếp), thần âm phủ v.v… Thần này có rất nhiều hình tượng, được đặt ở vị trí thứ ba phía trái trong Kim cương bộ ngoài trên Hiện đồ mạn đồ la Thai tạng giới của Mật giáo, da đen kịt và tướng rất phẫn nộ, tóc dựng tua tủa như những ngọn lửa; ba mặt sáu tay, mặt chính có ba mắt, hai mặt ở hai bên mỗi mặt hai mắt; đeo chuỗi đầu lâu, quấn rắn làm vòng xuyến, ngồi xếp bằng trên tòa ngồi hình tròn. Chủng tử là (yaô), hình tam muội da là thanh kiếm. Chân ngôn được ghi trong Đại hắc thiên thần pháp là: Án mật chỉ mật chỉ (micch micch, hàng phục) xá bà lệ (Zvare, tự tại) đa la yết đế (taragate, cứu độ) sa bà ha. Ấn độ giáo coi vị thần này là hóa thân của Tì sắt nô (Phạm:Viwịu); Đại nhật kinh sớ quyển 10 thì cho là hóa thân của Phật Tì lô giá na, tức là thần phẫn nộ hàng phục Đồ cát ni; Nhân vương hộ quốc bát nhã ba la mật kinh sớ quyển hạ phần 1 của Lương bí thì cho là thần chiến đấu, hóa thân của Ma hê thủ la (trời Đại tự tại), ban đêm đi trong rừng, ăn máu thịt của người. Những thuyết trên đây đều căn cứ vào tướng dáng phẫn nộ của vị thần này mà đặt ra. Ngoài ra, điều Thụ trai quĩ tắc trong Nam hải kí qui nội pháp truyện quyển 1 thì cho vị thần này là thần nhà bếp. Dân chúng vùng Giang nam của Trung quốc phần đông cũng thờ thần này làm thần nhà bếp. Nhiều chùa tại Nhật bản cũng thờ tượng Đại hắc thiên hai tay ở trong nhà bếp. [X. kinh Đại tập Q.55 phẩm Phân bố diêm phù đề; Lí thú thích Q.hạ; Huyền pháp tự nghi quĩ Q.hạ; Thanh long tự nghi quĩ Q.hạ; Tuệ lâm âm nghĩa Q.10; Chư thuyết bất đồng kí Q.10]. (xt. Đại Tự Tại Thiên).