đại đường tây vực kí

Phật Quang Đại Từ Điển

(大唐西域記) Gồm 12 quyển, ngài Huyền trang thuật vào đời Đường, do sư Biện cơ biên tập, vào Đại chính tạng tập 51. Gọi tắt: Tây vực kí. Nội dung sách này ghi lại những điều mà ngài Huyền trang thấy và nghe khi ngài đi qua hơn 110 nước từ Tây vực đến Ấn độ cũng như những lời kể về 28 nước trong khoảng 16 năm. Ngoài việc ghi chép về sự truyền bá của hai bộ phái Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa, sách còn ghi chép tường tận về địa lí, phong tục, ngôn ngữ, truyền thuyết, tài nguyên, chính trị v.v… của mỗi nước. Trong đó, về vị trí các thành ấp, chùa tháp được nêu có giá trị như sách chỉ nam cho sự khảo chứng thực địa các di tích Phật giáo ở Ấn độ và các nước Tây vực: Nó đã giúp rất nhiều cho các nhà khảo cổ học ở thế kỉ XIX. Bởi thế sách này là sử liệu rất quan trọng cho việc nghiên cứu tình hình Ấn độ cũng như các nước Tây vực đương thời. Tác phẩm kí sự này đã được xếp vào Đại tạng kinh rất sớm, đầu quyển có bài tựa của Kính bá; từ Đại tạng kinh đời Tống trở về sau thì lại phụ thêm bài tựa của quan Thượng thư tả bộc xạ là Yên quốc công Trương thuyết. Sau này thì có: Đại đường tây vực kí khảo chứng của Đinh khiêm đời Thanh và Giải thuyết tây vực kí của học giả Nhật bản Quật khiêm Đức tắc soạn. Sách này còn có bản dịch tiếng Pháp: Mémosires sur les contrées occidentales 2 tomes, Paris, 1857-1858 của S. Julien. Bản dịch tiếng Anh: Si-yu-ki, Buddhist Records of the Western World 2 vols., London, 1884 của S. Beal. Và On Yuan Chwang’s Travels in India 2 vols., London 1904-1905 của T. Watters. Ngoài ra, còn có bản Lữ thu dật (Kim lăng khắc kinh xứ ấn hành, 1957) và bản Tân thức tiêu điểm hiệu khám (nhà xuất bản Địa bình tuyến ấn hành). [X. Đại từ ân tự tam tạng pháp sư truyện Q.6; Tục cao tăng truyện Q.4; Khai nguyên thích giáo lục Q.8].