đại đồng

Phật Quang Đại Từ Điển

(大同) Hang động đá nham nằm ở lưng chừng núi Vũ chu về mạn tây bắc Đại đồng thuộc tỉnh Sơn tây. Cũng gọi Vân cương thạch quật. Trong hang có khắc khám, tháp và tượng Phật bằng đá rất nổi tiếng. Cùng với hang động ở Long môn đều là tiêu biểu cho nghệ thuật Phật giáo ở thời Nam Bắc triều. Trung quốc vốn đã có những hang động nổi tiếng, như hang đá ở núi Minh sa tại huyện Đôn hoàng được mở vào năm Kiến nguyên thứ 2 (366) đời Tiền Tần và hang động ở núi Tam nguy tại Cam châu do Bắc Lương vương kiến tạo. Sau, vì Thái vũ đế nhà Bắc Ngụy hủy hoại Phật giáo, gây nhiều tội ác, nên ngài Đàm diệu mới đến thuyết phục Văn thành đế tạo năm pho tượng Phật lớn trong hang đá Đại đồng để sám hối, truy điệu và cúng dường bốn vị Tiên đế, vả lại, cũng là bằng chứng để đời sau ghi nhớ công đức của vua. Bởi vậy, vào niên hiệu Hòa bình năm đầu (460) khởi công, đến năm Thái hòa 17 (493), khi dời đô về Lạc dương, công trình vẫn chưa hoàn thành. Về cách cấu trúc, các hang động đều khác nhau. Tượng đức Phật bản tôn được thờ trong tòa Song tháp ở chính giữa, trên mặt các vách và lầu gác đều có khắc khám thờ Phật và bốn pho tượng chư Phật, Bồ tát. Dưới chân núi Vũ chu, ở một chỗ tương đối hẹp, dài chừng 1 km, có 42 hang động, đều có khắc tượng đá cao khoảng năm đến sáu mét, phần nhiều theo kiểu tượng Kiện đà la (Phạm:Gandhàra) và Cấp đa (Phạm: Gupta) bên Ấn độ. Về sau, vì lâu đời nên dần dần đã làm theo kiểu Trung quốc. Trong đó, hang động thứ16 đến20, bên trong là hình bầu dục, qui mô rất hoành tráng, so với các hang động khác, năm hang động này được coi là có sớm nhất. [X. Tục cao tăng truyện Q.1 Đàm diệu điều; Lịch đại tam bảo kỉ Q.9; Ngụy thư Q.6, Q.7 phần trên, Q.114; Sơn tây thông chí Q.29 Đại đồng điều; Chi na Phật giáo sử tích bình giải đệ nhị]. (xt. Thạch Quật).