đại điên lương cửu cơ duyên

Phật Quang Đại Từ Điển

(大顛良久機緣) Tên công án trong Thiền tông. Công án này ghi lại những câu vấn đáp giữa ba nhân vật: Đại điên, Hàn dũ, Tam bình Nghĩa trung. Đại điên chỉ cho ngài Đại điên Bảo thông, là đệ tử nối pháp của thiền sư Thạch đầu Hi thiên, còn Tam bình Nghĩa trung là Thị giả của ngài Đại điên. Liên đăng hội yếu quyển 20 (Vạn tục 136, 377 hạ), chép: Thị lang Văn công Hàn dũ (…) một ngày rảnh rỗi đến yết kiến Đại điên, nói: – Đệ tử việc quân trong châu bận rộn, xin thầy chỉ dạy một lời về chỗ giác ngộ chủ yếu. Đại điên ngồi yên, Văn công mờ mịt. Lúc ấy, Tam bình Nghĩa trung đứng hầu bên cạnh, bèn gõ giường thiền ba cái, Đại điên ngoái lại, hỏi: – Cái gì thế? Nghĩa trung thưa: – Trước dùng định động, sau dùng trí nhổ. Đại Điên Bảo Thông Văn công lễ, thưa: – Môn phong Hòa thượng cao vút, đệ tử do nơi thầy Thị giả được chỗ vào. Công án này thuyết minh, chỗ giác ngộ chủ yếu không phải tìm cầu ở bên ngoài mà được, Hàn dũ không hiểu lí ấy, mới thỉnh Đại điên chỉ bảo, Đại điên im lặng hồi lâu (lương cửu), nhưng Hàn dũ vẫn không hiểu, nên Nghĩa trung mới gõ giường thiền ba cái, biểu thị chỗ chủ yếu là ở chính nơi Văn công, tức là phải tu học định tuệ thì thân tâm mới được giải thoát. [X. Tam bách tắc Q.trung Tắc 26].