đại điên bảo thông

Phật Quang Đại Từ Điển

(大顛寶通) Vị tăng đời Đường. Người Dĩnh xuyên, họ Trần (có thuyết nói họ Dương). Pháp hiệu Bảo thông, tự hiệu Đại điên hòa thượng. Cứ theo Triều châu phủ chí chép, thì trong năm Đại lịch, sư và Dược sơn Duy nghiễm cùng thờ ngài Huệ chiếu ở Sơn tây làm thầy. Sau, hai người cùng đi đến Nam nhạc tham vấn ngài Thạch đầu Hi thiên, sư đại ngộ tông chỉ. Về sau, sư sáng lập Thiền viện Linh sơn ở dưới núi Tây u tại Triều châu, mỗi khi sư ra vào có cọp (hổ) dữ đi theo. Học trò được truyền pháp có tới hơn nghìn. Khi Hàn dũ bị đày đến Triều châu, nghe danh sư nên mời đến, giữ sư lại hơn mười ngày, thấy phong độ của sư thanh thoát, tự tại, do đó, kết bạn tương giao, qua lại rất thân mật. Năm Trường khánh thứ 4 sư tịch, thọ 93 tuổi. Tháp của sư được xây cất bên cạnh chùa. Cuối đời Đường, giặc đến mở tháp, xương cốt tan hết, chỉ có cái lưỡi còn nguyên như sống nên đem chôn lại, gọi là Ế thiệt trủng (Mộ chôn lưỡi). Trong năm Chí đạo đời Tống, người làng lại đào lên xem, chỉ thấy cái gương lưỡi,bèn lấy đá chồng lên để cất giấu, gọi là Thiệt kính tháp (Tháp gương lưỡi). Sư có trứ tác: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh và Kim cương kinh thích nghĩa. Sư còn tự chép kinh Kim cương 1500 biến, kinh Pháp hoa và kinh Duy ma mỗi kinh 30 bộ. [X. Cảnh đức truyền đăng lục Q.14; Tổ đình sự uyển Q.4; Ngũ đăng hội nguyên Q.5].