đại địa pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(大地法) Phạm:Mahà-bhùmika. Gọi đủ: Biến đại địa pháp. Chỉ cho mười tác dụng tâm lí tương ứng và cùng sinh khởi một lượt với tất cả tâm. Đó là: 1. Thụ (Phạm: Vedanà): Lãnh nhận, có ba loại: Khổ thụ (cảm nhận khổ), Lạc thụ (cảm nhận vui), Phi khổ phi lạc thụ (cảm nhận không khổ không vui v.v…). 2. Tưởng (Phạm: Saôjĩà): Tưởng tượng, đối cảnh mà nhận lấy tướng sai biệt. 3. Tư (Phạm:Cetanà): Tạo tác, khiến tâm có chỗ tạo tác. 4. Xúc (Phạm:Sparza): Do căn, cảnh, thức hòa hợp mà sinh ra, có khả năng xúc đối. 5. Dục (Phạm: Chanda): Duyên theo ngoại cảnh mà có chỗ mong cầu. 6. Tuệ (Phạm:Prajĩà): Đối với các pháp thường có chỗ phân biệt, chọn lựa. 7. Niệm (Phạm:Smfti): Đối với các việc sở duyên ghi nhớ không quên. 8. Tác ý (Phạm:manaskàra): Cảnh giác, hay khiến tâm chú ý. 9. Thắng giải (Phạm:Abhimokwa): Sự hiểu biết thù thắng; đối cảnh mà sinh ra tác dụng chấp nhận, thẩm định. 10. Tam ma địa (Phạm:Samàdhi); cũng gọi Đẳng trì, Chính định; tức khiến tâm chuyên chú ở một cảnh. Mười pháp trên đây trùmkhắp và tương ứng với ba tính thiện, bất thiện và vô kí, cho nên gọi là Đại pháp. Chỗ nương của Đại pháp là Tâm vương, bởi thế gọi là Đại địa pháp. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng mười pháp này trùmkhắp và cùng sinh khởi một lúc với tất cả tâm trong một sát na và mỗi pháp đều có Thể riêng biệt. Kinh lượng bộ thì chủ trương trong mười pháp chỉ có Thụ, Tưởng, Tư là có Thể, bảy pháp còn lại thì không có. Các nhà Duy thức thì chia mười pháp làm hai loại: 1. Ngũ biến hành: Xúc, Tác ý, Thụ, Tưởng, Tư; năm pháp này tương ứng khắp với tất cả Tâm, Tâm sở, cho nên gọi là Biến hành. 2. Ngũ biệt cảnh: Dục, Tuệ, Niệm, Thắng giải, Tam ma địa; năm pháp này duyên theo mỗi cảnh riêng biệt mà sinh khởi, cho nên gọi là Biệt cảnh. [X. luận Hiển dương thánh giáo Q.1; luận Thuận chính lí Q.10; luận Câu xá Q.4; luận Thành duy thức Q.3; luận Đại tì bà sa Q.16, Q.42].