đại đàn

Phật Quang Đại Từ Điển

(大壇) Là đàn chính ở giữa đạo tràng khi tu pháp trong Mật giáo. Tức là chọn chỗ đất tương ứng với Tất địa, đào lên, trừ bỏ vật dơ bẩn, rồi chôn năm thứ báu, năm thứ thuốc, năm thứ hạt, năm thứ hương v.v… rồi dùng đất sạch đắp lên để làm đàn, gọi là Đại đàn, cũng tức là Bản tôn đàn. Đối lại với đàn Chính giác (Tiểu đàn), thì đàn cúng dường của hai bộ Đại mạn đồ la cũng gọi là Đại đàn, đối lại với đàn Hộ ma, đàn Thánh thiên v.v… thì đàn Bản tôn là Đại đàn. Thông thường đàn có hai loại: Thổ đàn (đàn đắp bằng đất), Mộc đàn (đàn làm bằng gỗ). Thổ đàn lại chia làm hai: Thất nhật tác nghiệp đàn (đàn làm trong 7 ngày) và Nhất nhật sự nghiệp chi thủy đàn (đàn làm trong 1 ngày). Ở Ấn độ phần nhiều dùng Thổ đàn và cách làm đàn này được nói rất rõ trong các kinh quĩ. Còn Mộc đàn thì chỉ thấy ghi chép trong Hư không tạng cầu văn trì pháp do ngài Thiện vô úy dịch. [X. Đại Nhật kinh sớ Q.6; Pháp mạn đồ la lược thuyên]. (xt. Tu Pháp Đàn, Hoa Hình Đàn, Hộ Ma Đàn).