đại cổ

Phật Quang Đại Từ Điển

(大鼓) Trống lớn: Phạm:Dundubhi. Một trong những đồ pháp khí. Cũng gọi Thái cổ. Một loại nhạc cụ của Ấn độ đời xưa dùng khi tụng kinh, tán kệ (Phạm bái, đọc canh). Hữu bộ mục đắc ca quyển 8 chép, đức Phật từng ở rừng Thệ đa nói pháp cho các tỉ khưu từ sáu thành lớn đến nghe, phải đánh trống to để triệu tập đại chúng. Trung quốc thời xưa cũng dùng trống trong các nghi thức tế lễ, khiêu vũ, ca nhạc, quân trận v.v… Từ đời Đường trở đi, trong Thiền lâm, trống được sử dụng một cách phổ biến, hoặc treo trên lầu trống, hoặc treo ở một góc Phật đường, mỗi khi cử hành pháp hội thì đánh trống để báo hiệu. Cứ theo Sắc tu Bách trượng thanh qui quyển hạ chép, thì cách dùng trống lớn được chia làm mấy loại như: Pháp cổ (trống báo giờ thuyết pháp), Trà cổ (báo giờ dâng nước trà cúng Tổ sư trong ngày kị tổ), Trai cổ (báo giờ thụ trai), Dục cổ(báo giờ tắm), Canh cổ(trống điểm canh) v.v… Cách đánh trống tùy theo việc mà có khác. Trong đó, khi vị Trụ trì thướng đường (lên nhà giảng thuyết pháp) thì đánh ba hồi, giờ Tiểu tham một hồi, Phổ thuyết năm tiếng, Nhập thất ba tiếng, đều đánh chậm rãi. Trà cổ đánh vào giờ dâng nước trà cúng Tổ sư trong ngày kị (giỗ) Tổ và đánh một hồi dài, do vị Thị giả phụ trách. Trai cổ treo ở trước Khố tư, vào giờ thụ trai đánh ba hồi. Canh cổ do vị Khố tư phụ trách, sớm, chiều đánh ba hồi bình thường, còn thì đánh theo thứ tự của mỗi canh trong đêm. Dục cổ đánh vào giờ tắm gội, đánh bốn hồi, do vị Tri dục phụ trách Nhật bản thì dùng ba loại trống: Thái cổ (trống lớn), Chinh cổ (cái chiêng) và Yết cổ (trống do giống rợ Yết thuộc Hung nô chế tạo) để tấu nhạc trước đức Phật, còn lúc múa và hát thì sử dụng Đại thái cổ, khi tụng kinh dùng Kinh thái cổ. Tông Nhật liên khi xướng niệm tên kinh Pháp hoa thì dùng trống hình cái quạt tròn bưng bằng da. [X. kinh Văn thù sư lợi vấn Q.thượng; Tùy thư âm nhạc chí Q.9, Q.10; Thiền lâm tượng khí tiên Bái khí môn; Ca vũ phẩm mục Q.3].