Đại Châu Huệ Hải

Từ Điển Đạo Uyển

大珠慧海; C: dàzhū huìhăi; J: daishū ekai; tk. 8/9;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Mã Tổ Ðạo Nhất. Sư có để lại hai bộ sách quý là Ðại Châu ngữ lục và Ðốn ngộ nhập đạo yếu môn luận.
Sư họ Châu, quê ở Kiến Châu, theo Hoà thượng Ðạo Trí chùa Ðại Vân ở Việt Châu xuất gia. Nhân có người chỉ dẫn, Sư đến yết kiến Mã Tổ.
Mã Tổ gặp Sư hỏi: “Từ đâu đến?” Sư thưa: “Từ chùa Ðại Vân ở Việt Châu đến.” Mã Tổ hỏi: “Ðến đây cầu việc gì?” Sư thưa: “Ðến cầu Phật pháp.” Mã Tổ bảo: “Kho báu nhà mình mà chẳng đoái hoài, lại bỏ nhà đi xa, tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?” Sư hỏi: “Thầy nói gì là kho báu của Huệ Hải?” Mã Tổ bảo: “Chính nay ngươi hỏi ta, là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng, đâu nhờ tìm cầu bên ngoài!” Nhân câu nói này, Sư thông suốt, tự nhận bản tâm không do hiểu biết.
Sau khi ở lại hầu Mã Tổ sáu năm, Sư trở về Việt Châu phụng dưỡng bản sư. Sư ẩn dấu chỗ ngộ đạo thâm sâu của mình và soạn quyển Ðốn ngộ nhập đạo yếu môn luận. Quyển này bị một người lén đem đến trình Mã Tổ. Xem xong, Mã Tổ bảo chúng: “Ðại chúng! ở Việt Châu có Ðại Châu tròn sáng thấu suốt tự tại vô ngại!” Nghe vậy, chúng rủ nhau đến Sư tham vấn đạo và Sư từ đây mang danh hiệu Ðại Châu.
Sư bảo các vị đến tham vấn: “Thiền khách! Tôi chẳng hội Thiền, trọn không có một pháp có thể chỉ dạy người, không phiền các vị đứng lâu, hãy tự đi nghỉ.” Tuy vậy mà học chúng ngày càng đến đông, Sư tuỳ câu hỏi mà trả lời, biện tài không ngại.
Một Cư sĩ đến hỏi: “Tức tâm tức Phật, cái gì là Phật?” Sư bảo: “Ông nghi cái gì không phải là Phật chỉ ra xem?” Cư sĩ lặng thinh. Sư bảo: “Ðạt thì khắp cảnh là Phật, chẳng ngộ thì còn khác xa.”
Một vị khách hỏi: “Ba giáo Nho, Lão, Thích là giống nhau hay khác nhau?” Sư đáp: “Ðược bậc cao minh rộng lòng sử dụng thì cả ba được như nhau, còn theo kẻ hẹp lòng cố chấp, thì khác nhau ba lối. Thật ra, tất cả đều do một tính khởi dụng mà ra, nhưng vì căn cơ nhỏ hẹp mà thấy thành ba. Mê hay ngộ là do người, chứ chẳng phải vì giáo lí giống hay khác nhau.”
Một Luật sư đến hỏi: “Thầy tu có dụng công không?” Sư đáp: “Có.” Vị này hỏi: “Dụng công thế nào?” Sư đáp: “Ðói thì ăn, mệt thì ngủ.” Luật sư hỏi: “Dụng công như thế thì cũng như người thế tục sao?” Sư đáp: “Chẳng như vậy.” Vị này hỏi tiếp: “Vì sao chẳng như vậy?” Sư trả lời: “Khi ăn, họ chẳng chịu ăn mà nghĩ đến trăm thứ nhu cầu, khi ngủ họ chẳng chịu ngủ mà tính toán ngàn việc.” Luật sư nghe rồi lặng thinh.
Một Pháp sư thuộc tông Duy thức – nhưng có một quan niệm sai lệch về Duy thức, quá chấp Hữu – đến tham vấn và được Sư dùng lí Không (s: śūnyatā) tuyệt đối chỉnh lại. Ông ta hỏi: “Thiền sư dùng tâm gì tu đạo?” Sư trả lời: “Không có tâm nào để dùng, cũng chẳng có đạo nào để tu.” Pháp sư hỏi: “Nếu nói không có tâm nào để dùng, chẳng có đạo nào để tu thì sao hằng ngày vẫn hội họp khuyên kẻ khác tập thiền tu đạo?” Sư đáp: “Lão tăng chẳng có một miếng đất cắm dùi, thì chỗ nào để họp người? Lão tăng cũng chẳng miệng lưỡi thì làm sao khuyên dạy người được?” Pháp sư liền nói: “Thiền sư trước mặt còn nói dối!” Sư bảo: “Lão tăng không miệng lưỡi khuyên người, thì đâu thể nói dối!” Pháp sư nói: “Thật không hiểu nổi cách nói chuyện của Thiền sư!” Sư nói: “Lão tăng tự mình cũng chẳng hiểu!”
Không biết Sư tịch nơi nào.