Đại Bi Trì Nghiệm
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

 

Thanh Biện Luật sư, người xứ Tây Thiên Trúc, sức học uyên bác, rất thâm về vô tướng tông. Các ngoại đạo nghe danh, đến vấn nạn đều bị ngài dùng nghĩa không mà phá tất cả. Có một lần, luận sư gặp một nhà ngoại đạo nổi tiếng là giỏi, 2 bên tranh biện nhau hơn nửa ngày, ngoại đạo bị khuất lý mà vẫn cố chấp không chịu thua. Do đó, tự thân bỗng biến thành đá. Đến 6 tháng sau, nghe sấm nổ mớI phục nguyên lại thành người như trước.

Về sau, ngài xem bộ luận về Hữu Tướng Tông của Hộ Pháp Đại Sư, đem nghĩa học của mình đối chiếu vẫn không phá hoại được, mới than rằng: ‘Nếu không phải đức Di Lặc ra đời, thì ai giải quyết được mối nghi ngờ của ta?’ Nhân đó, ngài đến trước tượng Quán Tự Tại Bồ Tát, tụng chú Đại Bi tùy tâm đà ra ni 3 năm. Một đêm, đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hiện sắc thân tốt đẹp đến hỏi: ‘Ngươi tụng chú để mong cầu điều chi?’ Luận sư đáp: ‘Con nguyện lưu trụ thân đợi đến lúc Từ Thị Như Lai ra đờI để thưa hỏi về giáo nghĩa’. Bồ Tát nói: ‘Thân người mong manh, cõi đời hư huyễn, sao không tu thắng hạnh cầu mong lên trời Đâu Suất, chẳng là mau gặp gỡ hơn ư?’ Ngài thưa: ‘Đức Di Lặc tuy hiện trụ nơi nội viện cung trời thứ tư, nhưng chưa thành Phật, vì thế con muốn đợi đến lúc ngài hiện thành chánh giác nơi cõi nhơn gian. Chí con đã quyết định, không thể lay chuyển’. Bồ tát bảo: ‘Đã như thế, ngươi nên đi qua thành phía nam xứ Đại An Đạt La, thuộc về miền nam Thiên Trúc. Cách đó không xa, có một tòa sơn nham, chính là chỗ ở của thần Chấp Kim Cang. Sau khi đến nơi, ông nên đối trước sơn nham tụng chú Chấp Kim Cang Thần đà ra ni, sẽ được toại nguyện’.

Luận sư vâng lời, đi đến nơi, hành trì như thế. 3 năm sau, thần hiện ra và hỏi: ‘Ông cầu nguyện điều chi?’ Đáp : Tôi vưng lời đức Quán Thế Âm Bồ Tát mách bảo, đến đây trì tụng, nguyện lưu thân này sống mãi đợI đến khi Phật Di Lặc ra đời, xin tôn thần cho tôi được thành tựu như ý muốn’. Chấp Kim Cang thần bảo: ‘Trong sơn nham này có cung điện của thần A Tu La, ông nên gia trì chú Đại Bi trong hạt cải trắng, rồi liệng vào thì cửa đá sẽ mở. Sau khi ấy, ông nên đi thẳng vào trong, sẽ có phương tiện để cho ông trụ thân lâu dài mà chờ đợi’. Luận sư hỏi: ‘— trong cung động, cách biệt ngoài trần, khi Phật ra đời làm sao tôi được biết?’ Thần nói: ‘Chừng ấy, tôi sẽ cho ông hay’.

Ngài Thanh Biện lại y lời, tinh thành tụng chú trong hạt cải 3 năm, rồi liệng vào sơn nham, bỗng thấy vách đá mở ra, trong ấy hào quang chiếu sáng. Lúc bấy giờ, có rất đông đại chúng tề tựu đến xem, bàn bàn luận luận quên cả trở về. Luận sư tướng trạng an lành, buớc vào cửa đá, rồi day lại nói: ‘Tôi nguyện cầu đã lâu, muốn trụ thân này chờ đức Từ Thị ra đời, nhờ sức thánh linh, bổn nguyện từ đây đã toại, vậy đại chúng nên theo tôi, để được ngày kia thấy Phật nghe pháp’. Trong chúng nghe nói sợ hãi, cho là hang loại độc long, đi vào chắc mất thân mạng. Luận sư đôi ba phen gọi bảo, chỉ có 6 ngườI chịu đi theo mà thôi. Ngài từ tạ rồi dẫn 6 ngườI thong thả đi vào trong, cửa đá liền khép lại.

Lúc ấy đại chúng ở ngoài thấy vậy hết sức hối tiếc, trách mình đã nghĩ nói lỗi lầm. (trích Đường Tây Vực Ký)

-Nước Ma Già Đà xứ Tây Thiên Trúc, có một người phật tử tại gia, tánh ưa sắc đẹp. Một hôm, nhân xem kinh thấy nói hàng A Tu La, người nam tuy xấu, nhưng người nữ lại xinh tốt tuyệt bậc, trong lòng sanh niệm mến thích, ước làm sao cùng được kết mối lương duyên. Không bao lâu, lại nghe nhiều vị bảo trong núi nọ có cung điện A Tu La rất nguy nga tráng lệ, báu lạ như thiên cung, liền quyết tâm trì chú Đại Bi 3 năm, cầu mong được viếng cảnh mầu để thỏa lòng ước nguyện khi trước.

3 năm đã mãn, ngườI ấy từ tạ thân hữu, và gọI một tên đệ tử cùng đi theo. Khi thầy trò đi đến trước núi, chí tâm tụng chú cầu nguyện, bổng cửa đá vụt mở, trong ấy lộ ra cung điện có quỷ thần canh giữ cực nghiêm. Vị phật tử liền bước đến nói rõ bổn nguyện của mình: trì chú muốn kết duyên cùng thần nữ A Tu La, xin nhờ thông báo, và thỉnh ý giùm. Kẻ giữ cửa vào thưa lại. A Tu La nữ nghe nói tỏ ý vui đẹp, hỏi: Đi đến có mấy ngườI? Đáp: Thưa hai người. Thần nữ bảo: Ngươi ra thuật lại ý ta đã thuận. Thỉnh ngườI trì chú mau vào, còn ông đồng bạn hãy tạm đứng ngoài cửa. Kẻ giữ cửa ra thưa lại, vị Phật tử liền đi vào trong.

Nhìn theo thầy mình đi rồi, người đệ tử còn đang bàng hoàng, bất giác bỗng tự thấy đã trở về đứng ở phía nam của nhà mình hồi nào không hay. Từ ấy về sau, ông này đã mấy lần đến chỗ cũ, song chỉ thấy vách đá đứng sững. Mây khói mịt mù, không còn được nghe biết tin tức gì bên trong nữa. Nhân đó, người đệ tử phát tâm lìa nhà tu hành, nguyện trọn đời ở nơi già lam cúng dường ngôi Tam bảo.

Khi ngài Huyền Trang sang Ấn Độ du học, đến trụ ở chùa Na Lan Đà, nghe chính ngườI đệ tử này thuật chuyện lại (trích Tây Quốc Chí).

-Đời nhà Tống, Huệ Tài pháp sư, ngườI huyện Lạc Thanh, đất Vĩnh Gia, xuất gia hồi thuở còn bé, sau khi thọ đại giới, ngài đi tham học nhiều nơi mà không thông hiểu. Tự hận mình nghiệp chướng sâu dày, pháp sư thường tụng chú Đại Bi cầu cho được trí huệ. Hành trì đã lâu, bỗng một đêm ngài nằm mộng thấy một vị phạm tăng cao vài trượng, cởi áo ca sa đắp lên mình. Sau khi thức dậy, pháp sư thấy tâm trí tỏ sáng, những kinh nghĩa đã nghe từ trước đến giờ, một lúc đều nhớ rõ ràng thông suốt.

Về sau, ngài tham yết Từ Vân Sám chủ, hằng theo phục dịch gần bên, chỗ giải ngộ càng thêm sâu sắc. Niên hiệu Trị Bình năm đầu, ngài trụ ở Pháp Huệ bảo các, được vua tứ hiệu Quảng Từ. Không bao lâu, pháp sư lại thối cư về ở bên tháp Lôi Phong, tinh tu về môn Tịnh Độ. Ngài thường đứng co một chân trì chú Đại Bi 108 biến, lấy đó làm thường khóa. Lại đứng dở chân 1 ngày 1 đêm niệm thánh hiệu Di Đà. Một đêm, pháp sư mộng thấy mình đến chỗ cảnh giớI sáng suốt, nhiều cung điện lâu các trang nghiêm, có người bảo: ‘Tịnh độ trung phẩm là nơi thác sanh của ông’.

Mùa xuân niên hiệu Nguyên Phong năm đầu, ngài vì hàng đạo tục ngàn người, truyền giới ở Lôi Phong, khi vừa mớì làm phép yết ma, nơi đỉnh tượng đức Quán Thế Âm bỗng phóng ánh sáng rực rỡ, đèn đuốc cùng ánh mặt trời thảy đều lu mờ. Ngài Thủ Nhứt Thiền Sư ở chùa Tịnh Từ vì đó làm bài Giới Quang Ký.

Ngày 21 tháng 5 niên hiệu Nguyên Phong thứ 6, pháp sư tắm gội thay y phục lên giảng tòa, đề bài kệ khen Phật, rồi bảo đại chúng: ‘Ta chắc chắn được sanh về Tịnh Độ’, nói xong, ngồi yên lặng mà tịch, thọ được 86 tuổi. (trích Phật Tổ Thống Ký)

– Đời nhà Thanh, Ngô doãn Thăng người ở Huy Châu, huyện Hấp, lúc tuổi trẻ thường qua lại buôn bán ở 2 châu Tô, Hàng. Một hôm, nhân có dịp đi qua Hồ Khâu, tình cờ gặp vị tăng đang hóa trai. Vị này nhìn chăm chú vào mặt ông một lúc lâu rồi nói: Ngươi cũng có căn lành, nhưng tiếc vì đến lúc 29 tuổi bị nạn chết đắm. Biết làm sao? Doãn Thăng sợ quá, cầu phương pháp giải thoát. Vị tăng trầm ngâm giây phút rồi bảo: Từ đây về sau, ngươi nên giớI sát, phóng sanh, niệm Phật và trì chú Đại Bi, may ra có thể khỏi được. Ngô Doãn Thăng y lờI, về nhà trì chú, niệm Phật và thường lấy đó khuyên người.

Qua năm 29 tuổI, ông thuê thuyền từ Hàng Châu về quê quán, bạn đồng hành có 16 người. Thuyền ra đi được vài mươi dặm, bỗng gió to sóng lớn nổI lên, thế rất nguy cấp. Doãn Thăng chợt nhớ lờI vị tăng nói khi trước, vộI vã chắp tay tụng chú, niệm Phật. Giây phút thuyền chìm, tất cả ngườI đi trong ấy đều bị sóng gió trôi giạt. Trong lúc hôn mê, ông bỗng nghe tiếng nói: Ngô Doãn Thăng có công trì chú niệm Phật và khuyên ngườI, được khỏi tai nạn này! Mở mắt tỉnh ra, nhìn xung quanh, ông thấy mình đã được dân chài lướI vớt lên bờ, y phục ướt đẫm, mũ giày đều bị nước cuốn đi mất, duy nơi tay còn cầm chắc xâu chuỗi 18 hột thường dùng để tụng niệm hằng ngày. Hỏi ra, thì 16 ngườI kia đã bị nước cuốn đi không tìm thấy tung tích.

Từ đó về sau, ông tin tưởng công đức niệm phật, trì chú không thể nghĩ bàn, từng dùng hương viên đốt nơi cánh tay thành bốn chữ ‘cầu sanh Tây phương’. Khi gặp ai ông cũng nói lý nhân quả, khuyên việc tu hành. Có được tiền, ông làm những công đức: tạo tượng, cất chùa, phóng sanh, bố thí, cùng các việc phước thiện khác. Danh lành của ông càng lúc càng truyền xa, cho đến tại vùng Hàng châu, tên Ngô Doãn Thăng đàn bà, trẻ con đều biết..

Ngày mùng một tháng năm, niên hiệu Đạo Quang thứ 9, khi lâm chung, ông giữ chánh niệm phân minh, tự nói: ‘Tôi thấy vô số Bồ Tát đi kinh hành ở trước mặt tôi’ Nói xong, ngồi yên mà qua đờI, năm đó ông được 66 tuổI (trích Nhiễn Hương Tục Tập)

-Thời Trung Hoa Dân Quốc, ở Thai Châu có vị tăng hiệu Thích Kim Trược, xuất gia nơi chùa Diên Thọ hồi 8 tuổI, đến 20 tuổI, thọ đại giới tại chùa Quốc Thanh. Trên đường tu hành, vị đại đức thầy thế độ của ông, chỉ khuyên tụng chú Đại Bi và trì thánh hiệu Quán Thế Âm, y lời mỗI ngày sư tụng chú 48 biến, ngoài ra chỉ chuyên tâm niệm thánh hiệu không cho gián đoạn. Trì tụng lâu ngày, những thói quen trần nhiễm lúc trước lần lần tiêu mòn, tâm tánh lần lần tỉnh sáng, ông xem danh lợi cuộc đời như mây bay bọt nước. Sư thường vì ngườI trị bịnh rất là hiệu nghiệm, nhưng không thọ tiền thù đáp. Có nhiều kẻ cầu hỏi xin truyền cho phương pháp, ông bảo: ‘Tôi chỉ trì chú Đại Bi và niệm Quán Thế Âm mà thôi’. Trong năm Mậu Thìn (dân quốc), sư trụ ở một am nhỏ, ban đêm bị ăn cướp vào khảo tiền. Sau khi chúng xét khắp am, thấy không có chi, nổI giận, đâm ông một dao ở tay mặt và hai dao ở bên trán. Thương thế tuy nặng, nhưng sư không chết. Vết đâm cũng dần lành, để lại ba dấu thẹo lớn ăn sâu vào. Đây cũng là nghiệp trái nhiều kiếp, do công đức trì niệm, nên chuyển quả báo nặng thành ra quả nhẹ ở hiện đời. Mùa hạ năm Kỷ Tị, sư đến Ninh Ba định an cư ở chùa A Dục Vương, nhưng vì số dự chúng đã đủ, mấy lần xin gia nhập, cũng không được hứa nhận. Chưa biết sẽ đi về đâu, ông ngồi tĩnh tọa trọn nửa ngày, không có lời hờn trách, sắc oán hận. Vị giám tự tăng thấy thế, đưa sư đến tạm ở nơi Dưỡng tâm đường. Ngày mãn hạ, vị tăng quản đường lại theo quy lệ, không cho ở. Sư bảo: ‘Chẳng bao lâu tôi sẽ sanh về Tây phương, xin từ bi cho tôi lưu lại trong một thời gian ngắn nữa’. Đến ngày 19 tháng 10, sư nói vớI đại chúng rằng: ‘Trong vòng 3 hôm nữa, tôi sẽ thoát ly biển khổ, sanh về Cực Lạc, xin khuyên bạn đồng tu thành tâm trì chú niệm Phật hoặc niệm Quán Âm, quyết định sẽ được vãng sanh. Vì Phật không bao giờ nói dối’. Lại bảo đức Quán Thế Âm Bồ tát tay cầm đài bạc thường hiện ở trước tôi’. Chúng cho là lờI nói phô, tỏ vẻ không tin. Qua ngày 21, trước giờ ngọ, sư đắp y len chánh điện lễ Phật, lại đến trước vị tăng quản đường từ tạ, nói sau giờ ngọ thờI mình sẽ vãng sanh. Lúc ấy, mọI ngườI còn cho là lờI nói dối. œến giờ ngọ, sư cùng đại chúng thọ trai, ăn đủ hai chén như mọI ngày không giảm. Lại bảo bạn đồng liêu rằng: ‘Theo quy lệ của nhà chùa, ngườI chết đưa thi hài vào núi sâu, tiền công khiêng đi phải bốn giác. Nay tôi không có vật chi, chỉ còn đôi dép, xin phụng tặng, nhờ thầy lo liệu giùm việc ấy’.

Quả nhiên, sau thờI ngọ một giờ, sư ngồi day mặt về Tây, an ổn mà hóa. (trích Du Huệ Úc Sao Tập)

– Ấn Quang đại sư, một vị cao tăng cận đại ở Trung Hoa, thuở sanh bình, hết sức tự tu và hoằng hóa pháp môn tịnh độ, thường khóa của ngài ngoài thờI niệm Phật chánh thức, lại kiêm trì chú Đại Bi. Đại sư tu hành tinh tấn, sức từ bi cảm hóa đến hàng dị loại.

Năm Dân quốc thứ 19, ngài trụ ở chùa Báo Quốc, tại Thái Bình, trong tịnh thất, bỗng sanh ra vô số rệp, nhiều cho đến nỗi nó bò lên song cửa, trên mặt bàn. Có mấy vị đệ tử lo nghĩ đại sư già cả, không kham chịu sự quấy nhiễu, đôi ba phen xin vào trong thất dọn bắt. Ngài không cho và bảo: ‘Việc này chỉ trách mình kém đạo đức mà thôi. Thuở xưa một vị cao tăng cũng bị loài rệp phá rối, chịu không kham. Quở bảo nó phải dờI đi nơi khác, chúng liền đem nhau bò đi. Nay ta tu trì bất lực, nên không được sự cảm ứng như thế, lại còn nói gì?’ Ròi đại sư vẫn an nhiên mà ở, không để ý đến. Ít lâu sau, loài rệp bỗng nhiên tuyệt tích, ngài cũng không nói cho ai biết. Lúc ấy, gần tiết Đoan Ngọ, Đức Sum pháp sư chợt nhớ đến việc trước hỏi thăm, ngài bảo: ‘đã đi hết từ lâu, không còn con nào nữa’. Pháp sư cho là ngài lớn tuổI, mắt mờ yếu nên không thấy, quyết ý xin vào trong xem lại, quả nhiên chúng đã đi đâu hết sạch. Hay là nó cũng vì ngài dờI chỗ ư?

Đại sư thường gia trì chú Đại Bi vào nước, gạo hoặc tro sạch để cứu những chứng bịnh mà các y sư đều bó tay, hiệu nghiệm lạ lùng. Một ngày, nơi lầu Tàng Kinh của chùa phát hiện ra vô số mối trắng, đại sư ở trong thất, nghe nói, liền trì chú vào nước bảo rưới lên chú nguyện, loài mối cũng kéo nhau đi mất.

Những đệ tử ở xa bị bịnh dây dưa không hết, ngài khuyên nên trì chú vào gạo nấu ăn cho đến chừng nào hết bịnh mới thôi. Phương pháp đó gọi là Đại Bi Phạn. Cách nấu cơm, theo đại sư, nên khéo nấu gạo nước cho vừa chừng, đừng đổ nước nhiều rồi chắt ra, vì như thế đã hao củi lại mất chất bổ trong cơm, làm phí phạm của tiền mà tổn phước. Thuở còn nhỏ, ngài hay đau yếu, có ngườI giỏi về tướng pháp cho rằng chỉ thọ đến 38 tuổI là cùng. Nhưng sau đại sư sống khoẻ mạnh đến 80 tuổI mớI vãng sanh. NgườI chí tâm tu niệm hay cải đổI số mạng. Việc ấy quả có như thế ư? (trích Ấn Quang Đại Sư truyện ký)