đại bi

Phật Quang Đại Từ Điển

(大悲) Phạm,Pàli:Mahàkaruna. Bi nghĩa là thương xót và cứu giúp. Chư Phật và Bồ tát không nỡ thấy chúng sinh đau khổ nên mở lòng thương rộng lớn cứu vớt. Theo Hữu bộ Tiểu thừa thì Đại bi là một trong 18 pháp bất cộng, còn theo tông Pháp tướng Đại thừa thì là một trong 140 pháp bất cộng. Cũng có thuyết cho Đại bi là một trong bốn tâm Vô lượng, như 10 tâm đại bi nói trong kinh Hoa nghiêm và 32 tâm đại bi nói trong kinh Bảo vũ. Ngoài ra, Đại bi thường được dùng song song với Đại từ mà phổ thông nhất là để biểu thị lòng từ bi của bồ tát Quan thế âm. Nhưng, về danh từ đại bi các kinh giải thích có hơi khác nhau. I. Theo thuyết của Tiểu thừa: Luận Đại tì bà sa quyển 31, quyển 38, luận Câu xá quyển 27 cho rằng, Đại bi là trí thế tục của Phật duyên với tất cả hữu tình trong ba cõi mà khởi, có 5 nghĩa: 1. Tư lương đại: Do nhiều phúc đức và trí tuệ tạo thành. 2. Hành tướng đại: Sức đại bi có khả năng nhổ tận gốc ba thứ khổ (khổ khổ, hoại khổ, hành khổ). 3. Sở duyên đại: Lấy hữu tình trong ba cõi làm sở duyên. 4. Bình đẳng đại: Lòng bình đẳng mang lại lợi ích, yên vui cho tất cả hữu tình, không phân biệt kẻ oán người thân. 5. Thượng phẩm đại: Đại bi là phẩm hạnh cao nhất trong các pháp, không có lòng thương nào khác sánh kịp. Nếu lại đem so sánh giữa Đại bi và Bi thì có tám sự khác nhau: 1. Tự tính dị (Khác về tính chất): Đại bi lấy trí tuệ làm thể, còn Bi thì lấy không sân hận làm thể. 2. Hành tướng dị(Hành tướng khác): Đại bi duyên theo hành tướng của Ba khổ, còn Bi thì chỉ duyên theo hành tướng khổ khổ. 3. Sở duyên dị (Sở duyên khác): Đại bi duyên chung cả ba cõi, Bi chỉ duyên ở cõi Dục. 4. Y địa dị (Chỗ nương khác): Đại bi nương vào thiền thứ tư, Bi nương chung cả bốn thiền. 5. Y thân dị (Thân nương khác): Đại bi nương vào thân Phật, Bi nương vào thân Thanh văn, Duyên giác. 6. Chứng đắc dị (Chứng đắc khác): Đại bi xa lìa phiền não ở cõi trời Hữu đính mà chứng đắc, còn Bi thì chỉ dứt trừ phiền não của cõi Dục mà chứng đắc. 7. Cứu tế dị (Cứu độ khác): Đại bi có năng lực thành tựu việc cứu độ, còn Bi thì chỉ hi vọng cứu độ. 8. Ai mẫn dị(Thương xót khác): Đại bi thì lòng thương xót bình đẳng, còn Bi thì chỉ cứu các nỗi khổ của hữu tình ở cõi Dục, cho nên lòng thương không bình đẳng. Ngoài ra, luận Thành thực quyển 12 cũng giải thích rõ về Đại bi của Phật, sự giải thích này đại khái cũng giống với thuyết của Hữu bộ, nhưng luận Thành thực nhấn mạnh: Trước hết nói về pháp không, sau mới bàn đến đại bi, đó là điểm bất đồng rõ rệt giữa hai bên. II. Thuyết của Đại thừa: Trong 2.000 hành pháp của ngài Phổ hiền nói trong kinh Hoa nghiêm quyển 53 (bản dịch mới), Đại bi được phối hợp với giai vị Thập trụ để nêu ra 10 nguyên do phát khởi đại bi của Bồ tát. 1. Do quán xét nơi chúng sinh nương tựa (mà phát khởi đại bi). 2. Do quán xét căn tính của chúng sinh không điều thuận. 3. Do quán xét thấy chúng sinh thiếu thiện căn. 4. Do quán xét chúng sinh còn mãi trong đêm dài tối tăm. 5. Do quán xét chúng sinh làm các việc bất thiện. 6. Do quán xét chúng sinh bị lòng tham muốn trói buộc. 7. Do quán xét chúng sinh mãi chìm đắm trong bể khổ sống chết. 8. Do quán xét chúng sinh bị bệnh khổ triền miên. 9. Do quán xét chúng sinh không muốn làm các việc thiện. 10. Do quán xét chúng sinh không biết đến Phật pháp. Ngoài ra, kinh Bảo vũ quyển 5, kinh Tư ích quyển 3, kinh Đại tát già ni kiền tử quyển 6, kinh Trừ cái chướng bồ tát quyển 8 v.v… đều có nêu ra thuyết Như lai tam thập nhị đại bi (Phạm: dvātriṃśat tathāgatasya mahākaruṇāḥ) tức là các hữu tình không thấy rõ được thực tướng của các pháp, lại vì vọng chấp nên cứ chìm đắm mãi trong đêm dài vô minh; đức Như lai rất thương xót và khởi tâm đại bi nhiếp hóa chỉ dạy họ. Kinh Tư ích nói: Thuyết pháp, tùy nghi, phương tiện, pháp môn, đại bi là năm lực của đức Như lai và là chỗ mà tất cả hàng Nhị thừa không thể đạt đến được. Luận Du già sư địa quyển 44, quyển 49 thì đặc biệt nhấn mạnh sự sai khác giữa Bi và Đại bi là ở điểm cực thanh tịnh. Tức là cho từ bi của Phật và của các vị Bồ tát Thập địa là Đại bi, còn từ bi của các bậc khác thì chỉ gọi là Bi, là vì các bậc ấy vẫn chưa đạt đến cảnh địa cực thanh tịnh. Bởi thế, trong tám pháp của Bồ tát nói trong luận Thập trụ tì ba sa quyển 1 mới có cái gọi là cao đê đại tiểu (cao thấp lớn nhỏ), đồng thời, đề ra thuyết Tam duyên từ bi, nghĩa là: Từ bi duyên theo các hữu tình là Tiểu bi, từ bi duyên pháp là Trung bi, còn từ bi không có năng duyên và sở duyên là Đại bi. [X. luận Phật tính Q.2; Pháp hoa huyền tán Q.9; Phiên dịch danh nghĩa đại tập chương 10]. (xt. Từ Bi).