đại bát nhã ba la mật đa kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(大般若波羅蜜多經) Phạm:Mahà-prajĩàpàramità-sùtra. Gồm 600 quyển, ngài Huyền trang dịch vào đời Đường. Gọi tắt: Đại bát nhã kinh, thu vào Đại chính tạng tập 5 đến tập 7. Bát nhã ba la mật đa nghĩa là trí tuệ đạt đến bờ bên kia (bờ giải thoát). Toàn bộ kinh nhắm mục đích nói rõ ràng, hết thảy mọi hiện tượng trong thế gian đều do nhân duyên (các mối quan hệ tương đối) hòa hợp mà có, là giả dối không thật. Phải nhận thức chân tướng của các pháp (hiện tượng) bằng trí tuệ bát nhã thì mới có thể nắm bắt được chân lí tuyệt đối mà đạt đến cảnh giới giác ngộ giải thoát. Kinh này là cơ sở lí luận của Phật giáo Đại thừa, và là tập đại thành của các bộ kinh Bát nhã. Bát nhã bộ là bộ kinh điển lớn nhất trong Đại tạng kinh, toàn bộ chiếm khoảng 1/3 tạng kinh, còn kinh Đại bát nhã thì chiếm 3/4 của toàn Bát nhã bộ, 1/4 còn lại thì thuộc các kinh Bát nhã như: Đại phẩm bát nhã, Tiểu phẩm bát nhã, Kim cương bát nhã v.v… Còn nói về thứ tự trước sau của các kinh thuộc Bát nhã bộ trong quá trình thành lập và phát triển của kinh điển, thì Đạo hành bát nhã và Tiểu phẩm bát nhã là sớm nhất, kế đó là Đại phẩm bát nhã và Kim cương bát nhã v.v…, sau hết là kinh Đại bát nhã và các bộ Bát nhã khác xuất hiện tiếp theo. Lúc ấy là khoảng thời kì giữa của sự thành lập kinh điển Đại thừa. Trước ngài Huyền trang đã có một số kinh Bát nhã được dịch ra Hán văn, nhưng vì chưa được đầy đủ nên ngài Huyền trang tổ chức dịch lại tại chùa Ngọc hoa cung với các ngài Gia thượng, Đại thừa khâm, Đại thừa quang, Tuệ lãng, Khuy cơ bút thụ, các ngài Huyền tắc, Thần phưởng nhuận văn, các ngài Tuệ quí, Thần thái, Tuệ cảnh chứng nghĩa. Công việc phiên dịch được bắt đầu vào tháng giêng năm Hiển khánh thứ 5 (660) đời vua Cao tông nhà Đường đến tháng 10 năm Long sóc thứ 3 (663) thì hoàn tất. Năm sau, ngài Huyền trang thị tịch tại chùa Ngọc hoa cung. Toàn bộ kinh Đại bát nhã gồm 600 quyển chia làm 16 hội do đức Phật đã tuyên thuyết ở bốn nơi: 1. Núi Linh thứu ở gần thành Vương xá. 2. Vườn Cấp cô độc. 3. Cung vua trời Tha hóa tự tại. 4. Tinh xá Trúc lâm ở gần thành Vương xá. Trong 16 hội thì 9 hội: 1, 3, 5, 11, 12, 13, 14, 15, 16 là dịch mới của ngài Huyền trang, gồm có 481 quyển, còn 7 hội kia là dịch lại. Hội thứ 1: Gồm 79 phẩm, 400 quyển, nội dung nói về việc mở rộng và tu tập pháp quán Bát nhã, hạnh nguyện của Bồ tát và sự sâu xa thù thắng của Bát nhã; tường thuật nhân duyên tán thán cúng dường của các vị Đại đệ tử, chư Thiên, Thích, Phạm và công đức rộng lớn của việc thụ trì Bát nhã dù chỉ với một câu, đồng thời, căn cứ vào nhân duyên thụ lãnh Bát nhã của hai bồ tát Thường đề và Pháp dũng mà nói rõ việc được nghe nói Bát nhã ba la mật là việc rất khó. Cứ theo Pháp uyển châu lâm quyển 100 và Khai nguyên thích giáo lục quyển 11 nói, thì nguyên bản tiếng Phạm của hội thứ 1 gồm có 132.600 kệ tụng, tương đương với 100.000 kệ tụng Bát nhã (Phạm: Zatasàhasrikà-prajĩàpàramità) tiếng Phạm hiện còn. Đối chiếu và so sánh với Đại chính tạng, thì bản tiếng Phạm gồm có 6 chương, 72 phẩm, trong đó, thiếu mất các phẩm là: Phẩm Bồ tát Thường đề, phẩm Bồ tát Pháp dũng và phẩm Kết khuyến, các phẩm còn lại có rất nhiều chỗ khác với bản Hán dịch. Nhưng các bản Tạng dịch cũng có nhiều chỗ giống bản tiếng Phạm và chỉ có bản Nại đường (Tạng:Snar – than) là có đủ 3 phẩm Thường đề, Pháp dũng và Kết khuyến mà thành 75 phẩm. Hội thứ 2: Gồm 85 phẩm, 78 quyển. So với hội thứ 1, về nghĩa thì giống nhau, nhưng văn thì ngắn gọn hơn, sự thay đổi các phẩm cũng khác và thiếu ba phẩm Thường đề, Pháp dũng v.v… Tương đương với 25.000 kệ tụng Bát nhã (Phạm: Paĩcaviôzatisàhasrikà-prajĩàpàramità) hiện còn. Bản dịch Tây tạng chia làm 76 phẩm, trong có các phẩm Thường đề v.v… Theo bài tựa của hội thứ 2 do ngài Huyền tắc ở chùa Tây minh soạn, thì các kinhnhư: Phóng quang bát nhã 20 quyển do ngài Vô xoa la dịch vào đời Tây Tấn, kinh Quang tán (thiếu nửa sau) 10 quyển do ngài Trúc pháp hộ dịch vào đời Tây Tấn, kinh Ma ha bát nhã ba la mật 27 quyển (Đại phẩm) do ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Diêu Tần v.v… đều là những bản dịch khác của hội này. Hội thứ 3: Gồm 31 phẩm, 59 quyển. Về chỉ thú thì gần giống với hai hội trước, nhưng các phẩm thì khác nhau và cũng thiếu 3 phẩm Thường đề, Pháp dũng v.v… Theo Pháp uyển châu lâm quyển 100 và Khai nguyên thích giáo lục quyển 11, thì nguyên bản tiếng Phạm của hội thứ 3 gồm 18.000 kệ tụng, tương đương với 18.000 tụng Bát nhã của bản dịch Tây tạng (Tạng: Zes-rab-kyi Pha-rol-tu phyin-pa khri-brgyad-stoí-pa). Bản dịch Tây tạng chia làm 87 phẩm, có đủ ba phẩm Thường đề v.v… Hội thứ 4: Gồm 29 phẩm, 18 quyển. Về yếu chỉ thì giống với ba hội trước, nhưng văn rất tỉnh lược. Theo bài Tựa hội thứ 4 của ngài Huyền tắc và Pháp uyển châu lâm, Khai nguyên thích giáo lục, thì các kinh như: Đạo hành bát nhã 10 quyển do ngài Chi lâu ca sấm dịch vào đời Hậu Hán, kinh Đại minh độ 6 quyển do ngài Chi khiêm dịch vào đời Ngô, kinh Tiểu phẩm bát nhã ba la mật 10 quyển do ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Hậu Tần v.v… đều là những bản dịch khác của hội này (kinh Phật mẫu xuấtsinh tam pháp tạng bát nhã ba la mật đa 25 quyển do ngài Thí hộ dịch vào đời Bắc Tống cũng là cùng bản với hội này). Bản tiếng Phạm gồm 8.000 kệ tụng, tương đương với 8.000 tụng Bát nhã (Phạm:Awỉasàhasrikà-prajĩàpàramità) hiện còn. Hội thứ 5: Gồm 24 phẩm, 10 quyển. Nội dung rất vắn tắt so với bốn hội trước. Pháp uyển châu lâm và Khai nguyên thích giáo lục đều nói bản tiếng Phạm của hội này có 4.000 tụng. Hội thứ 6: Gồm 17 phẩm, 8 quyển. Nội dung hội này là đức Phật nói pháp Bát nhã và cách tu tập Bát nhã cho Thắng thiên vương nghe. Hội này cùng bản với kinh Thắng thiên vương Bát nhã ba la mật đa 7 quyển do ngài Nguyệt bà thủ na dịch vào đời Trần thuộc Nam triều. Pháp uyển châu lâm và Khai nguyên thích giáo lục nói, nguyên bản tiếng Phạm của hội này là 2.500 kệ tụng. Hội thứ 7: Phần Mạn thù thất lợi, 2 quyển, tương đương với 700 kệ tụng Bát nhã (Phạm: Saptazatikà-prajĩàpànamità) tiếng Phạm, không lập tên phẩm riêng. Nội dung tường thuật việc ngài Mạn thù thất lợi và đức Phật thuyết pháp về nhất tướng của Như lai và của hữu tình giới là bất khả đắc, tướng của phúc điền là bất khả tư nghị, nhất tướng trang nghiêm tam ma địa v.v… Hội này là cùng bản với kinh Văn thù sư lợi sở thuyết ma ha bát nhã ba la mật 2 quyển, do ngài Mạn đà la tiên dịch vào đời Lương (thu vào hội thứ 46 trong kinh Đại bảo tích) và kinh Mạn thù sư lợi sở thuyết bát nhã ba la mật 1 quyển, do ngài Tăng già ba la dịch (cũng vào đời Lương). Pháp uyển châu lâm và Khai nguyên thích giáo lục nói bản tiếng Phạm của hội này có 800 kệ tụng. Hội thứ 8: Phần Na già thất lợi, 1 quyển. Nội dung tường thuật việc bồ tát Diệu cát tường thuyết giảng về các pháp thế gian như mộng huyễn chẳng phải thật có và về pháp vị vô thượng. Hội này là đồng bản với kinh Nhu thủ bồ tát vô thượng thanh tịnh phân vệ 2 quyển, do Tường công dịch vào đời Tống. Pháp uyển châu lâm và Khai nguyên thích giáo lục nói bản tiếng Phạm của hội này có 400 kệ tụng. Hội thứ 9: Năng đoạn kim cương phần, 1 quyển. Tương đương với Kim cương năng đoạn bát nhã ba la mật đa (Phạm:Vajracchedikàprajĩàpàramità) tiếng Phạm. Nội dung đức Phật nói về việc phát tâm hướng tới Bồ tát thừa, tu hành theo Bát nhã và phương pháp nhiếp phục tâm cho tôn giả Thiện hiện (Tu bồ đề) nghe. Các kinh: Kim cương bát nhã ba la mật 1 quyển do các ngài: Cưu ma la thập đời Diêu Tần, Bồ đề lưu chi đời Nguyên Ngụy và ngài Chân đế đời Trần dịch, kinh Kim cương năng đoạn bát nhã ba la mật 1 quyển, do ngài Cấp đa dịch vào đời Tùy, và kinh Năng đoạn kim cương bát nhã ba la mật đa 1 quyển, do ngài Nghĩa tịnh dịch vào đời Đường v.v… đều là đồng bản của hội này. Pháp uyển châu lâm và Khai nguyên thích giáo lục nói bản tiếng Phạm của hội này có 300 kệ tụng. Hội thứ 10: Phần Bát nhã lí thú, 1 quyển, tương đương với 150 kệ tụng Bát nhã lí thú (Phạm:Prajĩàpàramità-nayazatapaĩcàzatikà) tiếng Phạm hiện còn. Nội dung đức Phật nói về pháp môn: Nhất thiết pháp thậm thâm vi diệu Bát nhã lí thú thanh tịnh cho các Bồ tát nghe. Các kinh: Thực tướng bát nhã ba la mật do ngài Bồ đề lưu chi dịch vào đời Đường, Kim cương đính du già lí thú bát nhã do ngài Kim cương trí dịch, Đại lạc kim cương bất không chân thực tam ma da do ngài Bất không dịch, Biến chiếu bát nhã ba la mật do ngài Thí hộ dịch vào đời Tống v.v… mỗi thứ 1 quyển, đều là cùng bản với hội này. Theo Pháp uyển châu lâm và Khai nguyên thích giáo lục nói, thì bản tiếng Phạm của hội này gồm 300 kệ tụng. Nhưng Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục quyển 1 thì bảo hội này và nguyên bản tiếng Phạm hiện còn giống nhau, đều gồm 150 bài tụng. Hội thứ 11: Phần Bố thí ba la mật đa, 5 quyển. Nội dung ngài Xá lợi phất nói với các vị Bồ tát là nếu đem lòng đại bi làm việc bố thí, thì sẽ được Nhất thiết trí trí, chứng Vô thượng bồ đề. Còn đức Phật thì vì Mãn từ tử mà nói rõ nghĩa tất cả pháp chẳng phải thực có, không có được, mất, lợi, hại, đồng thời, Ngài dùng sức thần thông khiến đại chúng thấy các Bồ tát trong vô lượng thế giới ở 10 phương đang tu hạnh bố thí và phát tâm cầu Nhất thiết trí. Hội thứ 12: Phần Tịnh giới ba la mật đa, 5 quyển. Nội dung ngài Xá lợi phất nhờ sức thần thông của đức Phật mà nói rộng về nghĩa chân thực của tịnh giới, chỉ bảo rõ thế nào là giữ giới và thế nào là phạm giới. Như: Phát tâm Nhị thừa là phạm giới, hướng tới Vô thượng chính đẳng bồ đề là giữ giới; dính mắc vào tướng bố thí, phân biệt các pháp, xa lìa nhất thiết trí là phạm giới v.v… Hội thứ 13: Phần An nhẫn ba la mật đa, 1 quyển. Nội dung ngài Mãn từ tử và Xá lợi phất nói rõ về pháp An nhẫn vô thượng bồ đề, tức là nếu đem tâm tàm quí mà tu pháp quán không thì sẽ chấm dứt tâm tranh đấu, được an ổn. Hội thứ 14: Phần Tinh tiến ba la mật, 1 quyển. Nội dung đức Phật giải thích rõ cho Mãn từ tử về việc an trụ nơi Bát nhã, ngăn dứt sáu tình, siêng chăm ba học: Đó là con đường dẫn đến hoàn thành hạnh Bồ tát. Hội thứ 15: Phần Tĩnh lự ba la mật đa, 2 quyển. Nội dung đức Phật ở trong hội Linh sơn nói về tất cả thiền định như: Tứ thiền, Bát giải thoát, Cửu thứ đệ định v.v… đồng thời, Ngài nói về Không bát nhã tam muội cho các tôn giả Xá lợi phất và Mãn từ tử nghe. Theo Khai nguyên thích giáo lục, bản tiếng Phạm của hai hội thứ 11, 12 mỗi hội là 2.000 kệ tụng, hai hội 13, 14 mỗi hội 400 kệ tụng, hội 15 có 800 kệ tụng. Nhưng Pháp uyển châu lâm bảo bản tiếng Phạm của hội 14 là 800 kệ tụng. Hội thứ 16: Phần Bát nhã ba la mật đa, 8 quyển. Nội dung đức Phật ở trong hội Trúc lâm, thành Vương xá nói cho bồ tát Thiện dũng mãnh nghe về giải thoát Bát nhã vô sở đắc. Pháp uyển châu lâm và Khai nguyên thích giáo lục nói, nguyên văn bản tiếng Phạm của hội này gồm 2500 kệ tụng, tương đương tiếng Phạm hiện còn: Suvikràntavikràmiparipfcchà, bản dịch Tây tạng chia làm 7 chương. Trong 16 hội nêu trên đây, đã có một số hội được ấn hành nguyên bản tiếng Phạm và bản dịch Tây tạng, như các hội thứ 1, thứ 4, thứ 7, thứ 9 v.v… Sau khi kinh này được truyền dịch, ngài Huyền tắc ở chùa Tây minh có viết lời tựa cho mỗi hội trong 16 hội, ngài Khuy cơ ở chùa Đại từ ân soạn Đại Bát nhã ba la mật đa kinh Lí thú phần thuật tán 3 quyển, ngài Nguyên hiểu người Tân la (Triều tiên) thì soạn Đại tuệ độ kinh tông yếu 1 quyển. Ngoài ra còn có Đại bát nhã kinh quan pháp 6 quyển của ngài Đại ẩn đời Tống, Đại bát nhã kinh cương yếu 10 quyển của ngài Cát đỉnh đời Thanh v.v… Rồi đến Đại tạng kinh cương mục chỉ yếu lục quyển 1, quyển 2 thượng, Đại tạng thánh giáo pháp bảo tiêu mục quyển 1, Duyệt tạng tri tân quyển 16 đến quyển 23 v.v… cũng đều có nói về cương yếu của kinh này. Số hội, số kệ tụng, quyển thứ, số phẩm, cùng bản dịch khác, người dịch của kinh này được đồ biểu như sau: [X. Đại đường nội điển lục Q.5; Cổ kim dịch kinh đồ kỉ Q.4; Khai nguyên thích giáo lục Q.8; Đại đường cố tam tạng pháp sư Huyền trang hành trạng; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.1; Phật giáo kinh điển khái thuyết; Tân Phật giáo thứ 9 mục 7 (Độ biên Hải húc, Đại bát nhã kinh khái quan); Tông giáo nghiên cứu tân thứ 2 đoạn 4 (Can tả Long trường, Bát nhã kinh chi chư vấn đề); Nguyên thủy bát nhã kinh chi nghiên cứu].