đại

Phật Quang Đại Từ Điển

(大) I. Đại. Phạm: Mahà. Dịch âm: Ma ha, Ma hạ. Chỉ cho tự thể rộng lớn, bao trùm khắp cả; hoặc là nghĩa nhiều, hơn, nhiệm mầu, không thể nghĩ bàn. Kinh Thủ lăng nghiêm nghĩa sớ chú quyển 3 phần 2 (Đại 39, 867 thượng), nói: Thể bao trùm hết thảy, không đâu không có, không gì không là; chẳng vì đối với nhỏ mà cho là lớn, nhưng ngay đương thể là lớn, cho nên gọi là đại. II. Đại. Chỉ về nguyên tố. Sự tạo tác của những nguyên tố rất rộng lớn, cho nên gọi là Đại. Như tứ đại (bốn nguyên tố): Đất, nước, lửa, gió, hoặc Ngũ đại: Đất, nước, lửa, gió, không v.v… (xt. Đại Chủng, Ngũ Đại, Tứ Đại). III. Đại. Chỉ chung cho giáo pháp Đại thừa. Theo môn Quán nhân duyên trong luận Thập nhị môn, thì sáu ba la mật là đạo (thừa) của chư Phật, có năng lực trừ diệt tất cả khổ đau và mang lại lợi ích to lớn cho chúng sinh, cũng có thể thấu suốt đáy nguồn của hết thảy các pháp, vì thế gọi là Đại. Phát tâm đại bồ đề, hiểu rõ kinh Tì Phật lược tối thượng, tu hạnh rộng lớn lợi mình lợi người, tinh tấn khổ hạnh trong ba đại kiếp a tăng kì, đầy đủ phúc và trí trang nghiêm, chứng được quả vị cao tột của chư Phật, kiến lập Phật sự rộng lớn, cho nên gọi là Đại thừa. IV. Đại. Phạm:Mahat. Chỉ cho Đại đế, là đế thứ 2 trong 25 đế do học phái Số luận của Ấn độ thành lập, là pháp biến hiện đầu tiên trong muôn tượng. LuậnKim thất thập quyển thượng (Đại 54, 1250 hạ), nói: Tự tính trước hết sinh ra Đại, Đại gọi là Giác, hoặc gọi là Tưởng, hoặc gọi là biến mãn (trùm khắp), hoặc gọi là Trí, hoặc gọi là Tuệ. Vì Đại này là ở nơi trí, nên Đại được gọi là Trí.