đắc nhập

Phật Quang Đại Từ Điển

(得入) I. Đắc Nhập. Chứng đắc ngộ nhập Phật đạo. Kinh Duy ma quyển trung (Đại 14, 544 thượng), nói: Bí tạng của chư Phật đều có thể đắc nhập. Kinh Pháp hoa quyển 5 (Đại 9, 44 thượng), nói: Hàng ngày thường tự nghĩ: Làm sao cho chúng sinh đắc nhập vô thượng tuệ để mau thành Phật thân. II. Đắc Nhập. Đối lại: Tùy thuận. Biết rõ tất cả pháp tuy nói mà không nói được, không thể nói, tuy nghĩ mà không nghĩ được, không thể nghĩ, rồi lại lìa luôn cả nói và nghĩ, thế gọi là Đắc nhập. Cứ theo luận Thích ma ha diễn quyển 2, thì Đắc nhập có 2 loại: 1. Sinh diệt đắc nhập, lại chia làm 2: a) Hướng thượng đắc nhập: Theo thứ tự Thủy giác chuyển lên, nên lấy quả Phật làm giai vị Đắc nhập. Tức là những hành giả nương vào ngôn giáo của Phật, tam tuệ, đức hạnh làm Năng đắc nhập, lấy Như lai diệu giác kim kim cương địa làm Sở đắc nhập. Kim kim cương địa là giai vị tu hành cao nhất của Bồ tát, tức là Phật quả diệu giác vị. Vì Phật quả là kim cương trong kim cương, nên gọi là Kim kim cương địa. b) Hướng hạ đắc nhập: Theo thứ tự Bản giác chuyển xuống, nên lấy Tà tà địa làm vị Đắc nhập. Tức là những hành giả nương vào đức hạnh vốn có, cùng với 3 tuệ văn, tư, tu và ngôn giáo của Phật làm Năng đắc nhập, lấy Tà tà địa làm Sở đắc nhập. Tà tà địa chỉ cho giai vị Tà định tụ trước Thập tín, là những người chưa đủ căn lành, chưa có lòng tin chân chính về nghiệp quả, nên gọi là Tà, vì Tà định có nhiều nên gọi Tà tà địa. 2. Chân như đắc nhập: Chỉ cho quả sở nhập, tức pháp thể của chân như sở nhập là cửa năng nhập, cho nên là Tự sở y. Đối với giai vị chính chứng thì không còn năng, sở sai biệt. Chân như môn dứt bặt lời nói, ý nghĩ, cho nên xa lìa ngôn thuyết, suy tư của Tùy thuận môn, đó chính là Chân như đắc nhập. [X. luận Thích ma ha diễn Q.1; Thích ma ha diễn luận khám chú Q.6].