đắc ngư vong thuyên

Phật Quang Đại Từ Điển

(得魚忘筌) Được cá quên nơm. Ví dụ khi đạt được mục đích rồi thì không cần đến phương tiện nữa, do đó không nên chấp trước. Thiên Ngoại vật trong sách Trang tử nói: Cái nơm dùng để bắt cá, được cá rồi nên quên nơm; cái bẫy dùng để bắt thỏ, được thỏ rồi nên quên bẫy; lời nói là để diễn ý, được ý rồi nên quên lời. Trong đó, câu Được ý quên lời (Đắc ý vong ngôn) nghĩa là ngôn ngữ chỉ là phương tiện dùng để biểu đạt đạo lí, khi tâm đã thấu suốt đạo lí rồi thì nên quên hẳn danh ngôn. Nói cách khác, không nên chấp nê câu văn, mà cần thấu hiểu ý nghĩa chân thực trong đó. Đạo giáo và Thiền tông đều cho rằng đạo lí cao sâu nhất không thể dùng lời nói để truyền đạt, chỉ bày, cho nên chủ trương chứng đạo bằng tâm, dứt tuyệt ngôn ngữ. [X. Bát nhã tâm kinh chú].