đắc đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(得道) Cũng gọi Đắc độ. Đắc đạo là chứng đắc đạo quả, như hàng Thanh văn chứng đắc thánh đạo vô lậu, Bồ tát chứng đắc vô sinh pháp nhẫn, Phật chứng đắc vô thượng bồ đề. Bởi thế, đắc đạo thường được dùng chung với từ thành Phật mà gọi là đắc đạo thành Phật. Luận Đại trí độ quyển 27 nói rằng, ở pháp vị này rồi thì không còn rơi vào hàng phàm phu, gọi là người đắc đạo, các pháp thế gian muốn phá hoại tâm người này, nhưng không làm cho họ lay động được, vì họ đã đóng cửa 3 đường ác, vào trong hàng Bồ tát. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 34 nói, thì có nhiều nhân duyên đắc đạo, hoặc nhờ Phật nói pháp mà đắc đạo, hoặc thấy Phật phóng ra vô lượng ánh sáng mà đắc đạo, hoặc từ các lỗ chân lông trên khắp thân Phật tỏa ra các diệu hương khiến chúng sinh nghe mùi mà đắc đạo. Nói tóm lại, do nhân duyên chúng sinh bất đồng mà phương thức đắc đạo có khác. Vả lại, phải nhờ vào sắc thân mới có thể đắc đạo, cho nên trong 3 cõi thì chúng sinh ở cõi Dục có đầy đủ nhân duyên đắc đạo; cõi Vô sắc vì không có sắc thân nên không được nghe chính pháp; còn chúng sinh ở cõi Sắc thì đắm trước cái vui thắng định, không có khổ thụ, không có tâm nhàm chán, cho nên cũng khó đắc đạo. [X. kinh Thỉnh thỉnh trong Trung a hàm Q.29; luận Đại trí độ Q.3, Q.8; luận Câu xá Q.24; luận Tạp a tì đàm tâm Q.5].