đa văn bộ

Phật Quang Đại Từ Điển

(多聞部) Phạm: Bàhuzrutìya hoặc Bàhulika, Pàli: Bàhussutaka hoặcBàhulika. Dịch âm: Ba thu lũ đa kha, Bà hống thâu để kha. Cũng gọi Đắc đa văn bộ. Một trong 20 bộ Tiểu thừa. Cứ theo luận Dị bộ tông luân, thì bộ này là từ trong Đại chúng bộ mà chia ra vào khoảng 200 năm sau đức Phật nhập diệt. Về người sáng lập và danh xưng của bộ thì Dị bộ tông luân luận thuật kí cho biết: Thời đức Phật tại thế, có một vị A la hán tên là Tự bì y (cúng tế áo vỏ cây), xưa kia khi còn là vị tiên, lột vỏ cây làm áo để cúng tế trời, nên gọi Tự bì y. Về sau, Ngài xuất gia, đối với giáo pháp do đức Phật nói đều có thể trì tụng. Khi Phật vào Niết bàn, Tự bì y đang ngồi thiền trong núi Tuyết nên không được biết. Đến khoảng 200 năm sau Phật nhập diệt, Ngài mới ra khỏi núi Tuyết, đi đến nước Ương quật đa la để tìm kiếm người đồng tu, Ngài thấy Đại chúng bộ chỉ hoằng truyền nghĩa nông cạn của Tam tạng chứ không biết pháp sâu xa, nên Ngài thành lập một bộ phái riêng gọi là Đa văn bộ để nghiên cứu nghĩa thâm thúy của Tam tạng. Tông nghĩa của bộ này chia ngôn giáo của Phật làm hai loại: Thế gian và Xuất thế gian. Cứ theo luận Dị bộ tông luân nói, thì ngũ âm của Phật là giáo pháp xuất thế, gồm: Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh. Năm pháp này có khả năng đưa chúng sinh vào con đường xuất li, nên gọi là giáo pháp xuất thế. Ngoài ra, theo Tam luận huyền nghĩa, trong nghĩa sâu xa mà Đa văn bộ hoằng hóa, có hàm nghĩa Đại thừa, và luận Thành thực chính đã từ bộ này mà ra, cho nên cũng mang một phần nghĩa Đại thừa. [X. luận Bộ chấp dị; luận Thập bát bộ; Xuất tam tạng kí tập Q.3; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1 phần đầu; Pháp hoa kinh huyền tán yếu tập Q.5]. (xt. Tiểu Thừa Nhị Thập Bộ).