đà la ni

Phật Quang Đại Từ Điển

(陀羅尼) Phạm: Dhàranì. Cũng gọi Đà lân ni. Dịch là Tổng trì, Năng trì, Năng già. Tức là sức trí tuệ có thể tóm thu, gìn giữ vô lượng Phật pháp không để quên mất. Nói cách khác, Đà la ni là một thuật ghi nhớ. Luận Đại trí độ quyển 5 và Phật địa kinh luận quyển 5 cho rằng, Đà la ni là một phương pháp ghi nhớ, tức là trong một pháp nắm giữ tất cả pháp, trong một lời nắm giữ tất cả lời, trong một nghĩa nắm giữ tất cả nghĩa; do đó, từ sự ghi nhớ một pháp một lời một nghĩa ấy mà có thể liên tưởng đến hết thảy pháp, tóm thu nắm giữ vô lượng Phật pháp không để mất mát. Đà la ni còn có năng lực giữ gìn các pháp lành, ngăn ngừa các pháp ác. Vì Bồ tát lấy việc lợi tha làm gốc, cần giáo hóa người khác nên phải chứng được Đà la ni, chứng được Đà la ni mới không quên mất vô lượng Phật pháp, nhờ thế, khi ở giữa chỗ đông người mà không sợ hãi, vẫn có thể nói pháp một cách tự do tự tại. Về Đà la ni do Bồ tát chứng đắc, các kinh luận bàn đến rất nhiều. Đời sau, vì hình thức Đà la ni giống như chú tụng nên lẫn lộn chú với Đà la ni, rồi gọi chung chú là Đà la ni. Tuy nhiên, thông thường vẫn căn cứ theo câu chữ dài hay ngắn để phân biệt: Câu dài là Đà la ni, câu ngắn là chân ngôn (chú), một hoặc hai chữ là chủng tử. Theo luận Đại trí độ quyển 5, quyển 28, thì Đà la ni có bốn loại: 1. Văn trì đà la ni: Người được Đà la ni đã nghe các pháp thì không quên nữa. 2. Phân biệt tri đà la ni: Có năng lực phân biệt tất cả việc tà, chính, tốt, xấu. 3. Nhập âm thanh đà la ni: Nghe tất cả âm thanh ngôn ngữ đều vui vẻ, không tức giận. 4. Tự nhập môn đà la ni: Nghe 42 chữ cái như a, la, ba, giá, na v.v… có thể thấu suốt thực tướng các pháp, bởi vì 42 chữ cái Tất đàm tóm thu tất cả ngôn ngữ. Ba loại Đà la ni trước (1, 2, 3) gọi là Tam đà la ni. Luận Du già sư địa quyển 45 nêu ra bốn loại Đà la ni: 1. Pháp đà la ni: Có khả năng ghi nhớ các câu kinh không quên. 2. Nghĩa đà la ni: Có thể hiểu nghĩa kinh không quên. 3. Chú đà la ni: Nương vào sức thiền định mà phát khởi chú thuật để tiêu trừ tai ách cho chúng sinh. 4. Nhẫn đà la ni: Thông suốt thực tướng các pháp vốn lìa nói năng, an trụ nơi pháp tính không quên mất. Về phương pháp tu chứng bốn Đà la ni trên đây đã được nói rõ trong Đại thừa nghĩa chương quyển 11. Tông Thiên thai căn cứ theo nội dung của phẩm Phổ hiền bồ tát khuyến phát trong kinh Pháp hoa mà lập ba loại Đà la ni: Toàn đà la ni, Bách thiên vạn ức toàn đà la ni và Pháp âm phương tiện đà la ni, rồi đem phối với ba pháp quán Không, Giả, Trung. Chú cũng gọi là Đà la ni. Bộ phận ghi chép các chú trong ba tạng, gọi là Đà la ni tạng, một trong năm tạng. Ngoài ra, trong Mật giáo, pháp hội cúng dường Tổ sư hoặc cầu siêu cho các vong linh tụng trì đà la ni Tôn thắng, gọi là Đà la ni hội, Đà la ni giảng hội. [X. kinh Hiền ngu Q.10 phẩm A nan tổng trì; kinh Đại bảo tích Q.4 hội Vô thượng đà la ni, Q.115 hội Vô tận bồ tát; kinh Hải long vương Q.2 phẩm Tổng trì môn; Tổng thích đà la ni nghĩa tán; Tuệ uyển âm nghĩa Q.1].