đa la bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(多羅菩薩) Đa la, Phạm: Tàrà, Tạng: Sgrol-ma (hàm ý mẹ cứu vớt). Cũng gọi Đa lợi bồ tát, Đa rị bồ tát, Đa lệ bồ tát. Dịch ý: mắt, mắt rất sáng, cực độ, cứu vớt, tròng mắt (con ngươi). Còn gọi là Thánh đa la bồ tát, Đa la tôn, Đa lợi tôn. Là hóa thân của bồ tát Quan âm, cho nên cũng gọi Đa la tôn Quan âm, Đa la Quan thế âm. Ngài ngồi ở mé tây bồ tát Quán tự tại (hàng thứ nhất quay về bên phải) trong viện Quan âm trên Hiện đồ Thai tạng giới mạn đồ la Mật giáo. Tức là Phật mẫu của Quan âm bộ. Cứ theo kinh Đại phương quảng mạn thù thất lợi phẩm Quán tự tại bồ tát thụ kí chép, thì bồ tát Quán tự tại vào tam muội Phổ quang minh đa la, dùng sức tam muội, từ nơi mắt phóng ra một luồng ánh sáng rất lớn, tức thì bồ tát Đa la từ trong luồng ánh sáng ấy sinh ra. Bồ tát Đa la soi sáng tất cả chúng sinh, cũng như mẹ hiền ban cho tình thương, cứu vớt chúng sinh ra khỏi biển khổ sống chết. Mật hiệu của Ngài là Bi sinh kim cương (hàm ý từ bồ tát Đại bi Quan thế âm sinh ra), Hạnh nguyện kim cương; hình tam muội da là hoa sen xanh. Chủng tử là (ta) hoặc (tạm), nghĩa là như như bất khả đắc. Cứ theo kinh Đại nhật quyển 4 phẩm Mật ấn nói, thì ấn tướng của vị Bồ tát này là Nội phược quyền, nghĩa là tay trái (Định) và tay phải (Tuệ) đan vào nhau ở bên trong, hai ngón trỏ duỗi thẳng chập đầu ngón lại như cây kim, hai ngón cái dang ra ấn lên trên hai ngón trỏ. Chân ngôn là: Nam ma tam mạn đa bột đà nam đá lệ đa lũ ni yết rô noa ôn bà phệ sa ha. Lại theo kinh Đại nhật quyển 1 phẩm Cụ duyên nói, hình tượng vị tôn này là hình người đàn bà trung niên, mầu trắng phớt xanh, chắp hai tay kẹp lấy cành hoa sen xanh, mình mặc áo trắng. Nhưng hình ngài vẽ trên Hiện đồ Thai tạng giới mạn đồ la lại hơi khác, tức là toàn thân mầu xanh lợt, mặc áo yết ma, đầu đội mũ tết bằng tóc, trên có hóa Phật, hai tay chắp lại, không cầm hoa sen, ngồi bán già trên tòa sen, ngồi ở bên phải bồ tát Quán tự tại, bên trái vị tôn này có một sứ giả. Ở Ấn độ thời xưa, bồ tát Đa la đã rất được tôn sùng, điều đó được thấy qua các bài tán bằng tiếng Phạm như: Àrya-tàrànàmàstoỉỉarazataka-stotra (khen ngợi 108 danh hiệu của bồ át Đa la), Ekaviôzati-stotra (hai mươi mốt lễ tán thán Cứu độ Phật mẫu) và Àrya-tàràsragdharà-stotra (Tán thán Thánh Đa la cầm mũ) v.v… Ngoài ra, ở Trung quốc, Tây tạng và Mông cổ, tín ngưỡng bồ tát Đa la cũng rất thịnh hành. Tại Nhật bản thì Ngài được gọi là Đa la tôn Quan âm, là một trong 33 hóa thân của bồ tát Quan âm, cũng được sùng bái rất rộng. Vị Bồ tát này có 21 hóa thân: 1. Cứu độ tốc dũng mẫu (Bà mẹ cứu vớt rất mau chóng, mạnh mẽ). 2. Bách thu lãng nguyệt mẫu (Bà mẹ như vừng trăng sáng của trăm mùa thu). 3. Tử ma kim sắc mẫu (Bà mẹ mầu vàng ròng tươi). 4. Như lai đính kế mẫu (Bà mẹ có búi tóc trên đỉnh đầu giống như nhục kế của đức Như lai). 5. Đát la hồng tự mẫu (Bà mẹ chữ Đát la hồng). 6. Thích Phạm Hỏa thiên mẫu (Bà mẹ Đế thích, Phạm thiên, Hỏa thiên). 7. Đặc la chi phát mẫu. 8. Đô lí đại khẩu mẫu. 9. Tam bảo nghiêm ấn mẫu. 10. Uy đức hoan duyệt mẫu(Bà mẹ có uy đức khiến chúng sanh vui vẻ, đẹp lòng). 11. Thủ hộ chúng địa mẫu(Bà mẹ giữ gìn, hộ vệ các nơi). 12. Đính quan nguyệt tướng mẫu(Bà mẹ đội mũ hình mặt trăng). 13. Như tận kiếp hỏa mẫu (Bà mẹ ban sự yên vui như thoát được kiếp lửa). 14. Thủ ấn đại địa mẫu (Bà mẹ tay ấn quả đất). 15. An ẩn nhu thiện mẫu(Bà mẹ dịu hiền an ổn). 16. Phổ biến cực hỉ mẫu(Bà mẹ ban phát sự vui mừng cho khắp cả chúng sinh). 17. Đô lí ba đề mẫu. 18. Tát la thiên hải mẫu. 19. Chư thiên tập hội mẫu (Bà mẹ tập họp các trời). 20. Nhật nguyệt quảng viên mẫu (Bà mẹ tròn đầy, rộng lớn như mặt trời mặt trăng). 21. Cụ tam chân thực mẫu (Bà mẹ có đầy đủ ba chân thực). [X. kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn Q.4, Q.9, Q.19, Q.23; kinh Đại phương quảng mạn thù thất lợi phẩm Mạn đồ la; kinh Đại nhật Q.4 phẩm Phổ thông chân ngôn tạng; kinh Thánh đa la bồ tát nhất bách bát danh đà la ni; Đại nhật kinh sớ Q.5, Q.10; Đại đường tây vực kí Q.8, Q.9].