đa bảo tháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(多寶塔) Cũng gọi Đa bảo Phật pháp. Tháp thờ đức Đa bảo Như lai. Tháp này được kiến tạo căn cứ theo lời dạy trong phẩm Kiến bảo tháp của kinh Pháp hoa quyển 4. Ở Trung quốc từ xưa do tín ngưỡng Pháp hoa thịnh hành, nên sự xây dựng tháp Đa bảo cũng rất phổ biến, như trong các hang đá Vân cương, Long môn ở Đại đồng hiện còn có di tích của tháp này. Trong tháp phổ thông thờ tượng đức Phật Thích ca và Phật Đa bảo ngồi chung, là căn cứ vào việc đức Phật Đa bảo chia nửa tòa ngồi cho Phật Thích ca được ghi chép trong kinh Pháp hoa. Tháp Đa bảo ở thời Lục triều phần nhiều được kiến tạo theo kiểu tháp ba tầng. Ngoài ra, cứ theo điều Đường khai nguyên nhị thập niên trong Phật tổ thống kỉ quyển 4 và bia cảm ứng về tháp Phật Đa bảo ở chùa Thiên phúc tại Tây kinh đời Đường ghi chép, có thể biết được là đa số các chùa viện ở đời Đường đều có tạo lập tháp Đa bảo. Tại Nhật bản, chùa Trường cốc còn tàng trữ bức tranh Thiên Phật Đa bảo Phật tháp khắc trên bản đồng, tháp này được kiến trúc theo kiểu bảo tháp ba tầng thời cổ đại. Đến đời sau thì gọi bảo tháp kiểu hai tầng là tháp Đa bảo; tầng dưới có ba gian, tầng trên có cây cột hình tròn, bộ phận nối liền tầng dưới với tầng trên có hình khum (vòm): đó là đặc sắc của kiểu tháp này. Đại tháp căn bản (tháp Du kì) ở núi Cao dã tại Nhật bản thuộc loại tháp này. Ngoài ra, di tích tháp Đa bảo còn lại ở các chùa viện thuộc thời đại Liêm thương như: chùa Thạch sơn, viện Kim cương tam muội (núi Cao dã), viện Từ nhãn (Đại phản), chùa Tịnh độ (Quảng đảo), chùa Trường bảo (núi Hòa ca) v.v… đều thuộc về quốc bảo của Nhật bản. Trong đó, tháp bảo của chùa Thạch sơn là di tích xưa nhất hiện còn. Lại theo sự giải thích của phật giáo, tháp Đa bảo ở các mộ đá, cũng giống như tháp báu, cũng có nhiều tầng.