cửu vô vi

Phật Quang Đại Từ Điển

(九無爲) I. Cửu vô vi. Chín pháp vô vi. Vô vi là pháp thực tại, xưa nay thường còn, không do nhân duyên tạo tác, không bị bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt đổi dời. Đó là: Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, Hư không vô vi, Không vô biên xứ vô vi, Thức vô biên xứ vô vi, Vô sở hữu xứ vô vi, Phi tưởng phi phi tưởng xứ vô vi, Duyên khởi chi tính vô vi và Thánh đạo chi tính vô vi. Đây là chín vô vi do Đại chúng bộ, Nhất thuyết bộ, Thuyết xuất thế bộ và Kê dận bộ thuộc Tiểu thừa thành lập. – Trạch diệt vô vi: năng lực lựa chọn, tức là nhờ sức trí tuệ mà đạt được sự tịch diệt (vắng lặng). – Phi trạch diệt vô vi: sự tịch diệt được hiển bày khi pháp không sinh khởi vì thiếu điều kiện (nhân duyên). – Hư không vô vi: lấy vô ngại làm tính, không ngăn ngại các pháp khác cũng không bị các pháp khác ngăn ngại, chu biến khắp trong các vật thể có hình tướng, thường hằng không thay đổi. – Không vô biên xứ vô vi cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ vô vi: định thể sở y ở bốn cõi Vô sắc. Chúng sinh ở các cõi này không có hình sắc nên chỉ nương nơi thể của thiền định. Tuy năm uẩn năng y của họ trước kia vốn là pháp hữu vi, nhưng nay căn cứ vào chỗ sở y (tức bốn cõi Vô sắc) của họ mà lập làm vô vi. – Duyên khởi chi tính vô vi và Thánh đạo chi tính vô vi: lí của 12 duyên khởi và tám Thánh đạo. Chi duyên khởi và chi Thánh đạo tuy là pháp hữu vi, nhưng lí pháp của chúng thì vắng lặng bất động và không thay đổi, ho nên được lập làm vô vi. [X. luận Dị bộ tông luân – Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần cuối]. II. Cửu vô vi. Chín pháp vô vi: Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, Hư không vô vi, Bất động vô vi, Thiện pháp chân như vô vi, Bất thiện pháp chân như vô vi, Vô kí pháp chân như vô vi, Đạo chi chân như vô vi, Duyên khởi chân như vô vi. Chín pháp vô vi này do Hóa địa bộ của Tiểu thừa thành lập. Trong chín vô vi trên đây, Trạch diệt vô vi, Phi trạch diệt vô vi, Hư không vô vi, Đạo chi chân như vô vi và Duyên khởi chân như vô vi thì cũng giống với thuyết Vô vi của Đại húng bộ. Còn Bất động vô vi là trạng thái tịch diệt (vắng lặng) được hiển bày do đã lìa những cảm nhận khổ và vui vốn chướng ngại thiền định. Thiện pháp chân như vô vi là cảm quả ưa thích pháp thiện, nên lí sở cảm là chân thực thường hằng. Bất thiện pháp chân như vô vi cảm quả không ưa thích pháp bất thiện, nên lí sở cảm là chân thực thường hằng. Vô kí pháp chân như vô vi là lí không cảm quả vô kí (vì pháp chẳng phải thiện chẳng phải bất thiện nên không sinh quả) nên là thường hằng bất biến. Thể của các chân như vô vi Thiện pháp, Bất thiện pháp và Vô kí pháp nói ở trên tuy có khác nhau, nhưng tính của chúng thì đều thiện. [X. luận Dị bộ tông luân – Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần cuối].