cửu vô học

Phật Quang Đại Từ Điển

(九無學) Chín Vô học. Phạm: Navàzaikwà#. Tức là những người thuộc giai vị Vô học có chín loại hơn kém khác nhau. Cũng gọi Cửu chủng A la hán. Là giai vị đã thành tựu tất cả những việc phải làm, không còn gì phải tu học nữa, gọi là Vô học vị, tức là quả A la hán. I. Cửu vô học. Quả A la hán của Thanh văn được chia làm chín loại. Các kinh luận nêu tên gọi và thứ tự của chín Vô học không giống nhau. Cứ theo kinh phúc điền trong Trung a hàm và luận Cam lộ vị quyển thượng ghi chép, thì chín Vô học là: 1. Thoái pháp: nếu bậc A la hán gặp các chướng duyên như bệnh tật liền lui mất quả đã đạt được thì đó là hàng A la hán căn cơ kém cỏi nhất. 2. Tư pháp: A la hán vì sợ lui mất pháp đã được nên nảy ý định tự sát để giữ lấy sở đắc.3. Hộ pháp: A la hán giữ gìn pháp đã được không để lui mất, vì nếu biếng nhác phòng hộ thì e sẽ bị thoái thất. 4. An trụ pháp: Nếu không có duyên chướng nặng nề thì A la hán không trở lui, cũng thế, nếu không có gia hạnh đặc biệt thù thắng thì không thể chuyển lên chủng tính tốt hơn. 5. Kham đạt pháp: nếu A la hán gắng sức tu hành rèn luyện các căn thì có thể đạt được chủng tính bất động một cách mau chóng. 6. Bất dộng pháp. 7. Bất thoái pháp. Hai bậc A la hán trên đây (6, 7) có căn cơ sắc bén nhất, có khả năng dứt hết tất cả phiền não, được tận trí và vô sinh trí. Trong đây, nếu do nhân tu luyện mà được thì gọi là Bất động, còn nếu nhờ vào chủng tính sẵn có mà được thì gọi là Bất thoái. Tức là Bất động A la hán không làm hư hoại các thứ nhân duyên tam muội đã đạt được, còn Bất thoái A la hán thì không để lui mất công đức sở đắc. 8. Tuệ giải thoát: A la hán này đã dứt hết phiền não gây chướng ngại trí tuệ mà được tự tại nơi tuệ. 9. Câu giải thoát: bậc A La hán này đã đoạn trừ cả định chướng và tuệ chướng, dứt vô tri không nhiễm ô, được định Diệt tận, ở nơi định và tuệ đều được tự tại. Trong chín loại A la hán trên đây, bảy bậc trước được chia loại theo căn cơ bén nhạy hay chậm lụt, còn hai bậc sau là phân chia theo sự diệt chướng đoạn hoặc. Lại nữa, chín loại này theo thứ tự tương đương với Thoái tướng, Tử tướng, Thủ tướng, Trụ tướng, Khả tiến tướng, Bất hoại tướng, Bất thoái tướng, Tuệ giải thoát tướng và Câu giải thoát tướng nói trong phẩm Phân biệt hiền thánh của luận Thành thực quyển 1. Chín Vô học cộng thêm 18 vị Hữu học nữa thành là 27 vị Hiền Thánh. Đây là cách chia loại các bậc Thánh thuộc Tiểu thừa. [X. Đại thừa nghĩa chương Q.7 phần đầu]. II. Cửu vô học. Chín bậc Thánh vô học. Luận Câu xá quyển 25 đem bảy bậc A la hán từ Tư pháp đến Bất thoái pháp cộng vào với Độc giác, Phật mà thành chín bậc Vô học. Cách phân loại này là dựa theo căn tính thượng, trung, hạ mà chia làm chín bậc từ thấp nhất (hạ hạ) đến cao nhất (thượng thượng). [X. luận Đại tì bà sa Q.62 – luận Tạp a tì đàm tâm Q.5].