cửu vô gián đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(九無間道) Chín đạo Vô gián. Tức là chín đạo vô lậu của giai vị chính đoạn phiền não. Cũng gọi Cửu vô ngại đạo. Gián: Trở ngại, ngăn cách. Nghĩa là khi quán lí chân trí không bị các hoặc làm trở ngại. Tuy phiền não vẫn còn, nhưng niệm sau chứng được lí trạch diệt, nên giữa phiền não và trạch diệt không có khoảng cách, gọi là vô gián. Từ giai vị này tu đến Niết bàn nên gọi là đạo. Ba cõi chia làm chín địa, mỗi địa đều có tu (tư) hoặc và kiến hoặc. Tu hoặc của mỗi một địa lại chia làm chín phẩm để dứt trừ. Mỗi lần dứt trừ được một phẩm hoặc đều có Vô gián đạo và Giải thoát đạo. Giai vị dứt trừ phiền não này gọi là Vô gián đạo, còn trí tuệ đạt được sau khi dứt trừ phiền não thì gọi là Giải thoát đạo. Tu hoặc ở mỗi địa có chín phẩm, cho nên được đối trị cũng có chín phẩm, gọi là Cửu vô gián đạo, Cửu giải thoát đạo. Lại nữa, bậc Thánh vô học khi luyện căn, chuyển chủng tính cũng có chín vô gián, chín giải thoát. [X. luận Câu xá Q.25 – Q.33].